Thế giới dương gian và âm gian có thực sự cách biệt nhau? Con người hành thiện cũng có thể nhận được hồi báo từ cõi âm?
Vào thời nhà Thanh, có hai vị tú tài vội vã đến tỉnh thành tham gia kỳ thi mùa thu, họ ngồi trên cùng một chiếc xe, khi mặt trời lặn xuống núi, họ bị lạc đường và rất lo lắng. Lúc này, bọn họ nhìn thấy trước mặt có một cái chòi, liền đi đến gõ cửa.
Họ nghe thấy tiếng khóc lóc ai oán từ trong nhà truyền ra, một lúc lâu sau, tiếng khóc mới ngừng lại, một bà lão cầm đèn mở cửa và hỏi: “Hai vị khách có việc gì vậy?” Hai vị tú tài đáp, trời đã tối mà bị lạc đường, chỉ mong được tá túc ở đây một đêm. Bà lão nói: “Nhà tôi không có đàn ông, phòng lại rất chật hẹp, làm sao đây?” Hai vị tú tài nài nỉ: “Chỉ cần cho chúng tôi một chỗ đặt lưng, không phải ngủ ở bên ngoài, đó đã là ân huệ không nhỏ rồi, những thứ khác chúng tôi không cầu”.
Bà lão đáp: “Nếu các vị không chê chỗ chật hẹp thì hãy vào đi”. Hai vị tú tài vui mừng khôn xiết, ra lệnh cho người hầu tháo hành trang, theo bà lão vào nhà, trải chăn ra sàn, chuẩn bị đợi đến bình minh.
Sau đó, họ hỏi bà lão: “Đàn ông của nhà ta đi đâu rồi? Vừa rồi tôi nghe thấy tiếng khóc. Sao lại khóc lóc thê lương thế!”
Bà lão thở dài nói: “Chồng và con trai tôi đều là tú tài, khá nổi tiếng, nhưng thật bất hạnh, họ đã lần lượt qua đời trong trận ôn dịch năm ngoái. Hiện tại thời kỳ phục tang đã mãn, tôi và con dâu quả phụ thật khó để sống qua ngày, chưa kể khi người qua đời, vì để lo tang lễ mà đã phải vay mượn không ít tiền, hiện tại bất đắc dĩ phải bảo con dâu tái giá, hôm qua vừa mới thương lượng với người mua, chúng tôi mẹ già con dâu thật khó chia lìa nhau, do đó mới khóc bi thương như thế!”
Hai vị tú tài nghe vậy thập phần thương tiếc, hỏi: “Họ mua con dâu lão giá bao nhiêu?” Bà lão đáp: “Đã thỏa thuận là bốn mươi lạng bạc, đang chọn ngày tốt để giao người giao tiền”.
Tú tài lại hỏi: “Con dâu lão là nguyện ý ở vậy thờ chồng hay là nguyện ý đi theo họ?” Bà lão rơi nước mắt đáp: “Con dâu của tôi hiền huệ hiếu thuận, nếu là nguyện ý đi, thì không cần phải đợi đến mãn tang chồng mới đi, hôm nay thực tại là bị buộc phải làm như vậy, vì trả nợ không thể trì hoãn thêm nữa, do đó mới khóc lóc bi thương như vậy”.
Hai vị tú tài lại hỏi họ tên của hai cha con đã mất, họ thở dài thườn thượt khi biết rằng xác thực có người như vậy.
Vì thế hai người đã bàn bạc riêng, cố gắng tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề cho bà lão. Sau đó, họ nói với bà lão: “Chúng tôi đều kính phục lòng hiếu thảo của con dâu lão, đồng thời cũng không nỡ nhìn thấy cảnh mẹ chồng con dâu phải chia lìa, chúng tôi nguyện ý tặng lão bốn mươi lạng bạc, con dâu của lão không cần phải tái giá, lão thấy thế nào?”
Bà lão nghe xong liền quỳ xuống đất, rơi nước mắt cảm tạ rồi nói: “Nếu thật sự như vậy thì thật giống như là ân huệ được tái sinh vậy. Chúng tôi nhất định sẽ kết một chiếc vòng rơm để báo đáp đại ân đại đức của hai vị”. Hai vị tú tài vội vàng đỡ bà lão đứng dậy, mở hành lý lấy bạc ra, đưa đầy đủ cho bà lão, rồi đứng dậy từ biệt vào lúc bình minh.
Lúc đó đang là giữa tháng bảy Hoàng lịch, hạ tàn thu tới, thời tiết khi nắng khi mưa. Rời khỏi nhà bà lão không bao lâu, một buổi hoàng hôn mưa to như trút nước, trời tối mịt, đường xá đầy bùn, xe cộ đi lại rất khó khăn. Khi hai vị cử nhân đang lo lắng thì một vầng trăng sáng từ ngọn núi phía đông mọc lên, sáng như pha lê. Dưới ánh trăng, họ nhìn thấy một túp lều nhỏ ven đường, ngoài cửa có hai người đang đi lại, như đang đợi ai. Nhìn thấy xe của hai vị tú tài đang đến gần, họ tiến lên, chắp tay chào và nói: “Hai vị đã vất vả rồi. Nếu không ghét túp lều chật hẹp, mời hai vị lưu lại một đêm”.
Hai vị tú tài nhìn kỹ hơn, thì thấy trước mặt là một ông lão, chòm âu bạc rủ xuống trước ngực, khoảng năm mươi tuổi, theo sau là một chàng trai trẻ, khoảng ba mươi tuổi. Hai người vội vàng hành lễ và nói: “Chúng tôi đang khổ sở vì không có chỗ trú, lại được quý lão thịnh tình mời nghỉ lại, vô cùng cảm động. Chỉ là đường đột đến đây, e sẽ khinh suất mà làm phiền nhà lão”. Ông lão đáp: “Nhị vị không cần khiêm nhường khách khí, nhà chúng tôi nhỏ nhắn đơn sơ, xin đừng chê cười”. Theo đó, ông lão cúi chào và mời khách vào nhà.
Trong nhà chỉ có một gian phòng, phía đông tây có hai cái giường thấp, ngoài ra không có vật dụng gì khác. Hai vị tú tài bảo người hầu cởi hành trang và đến nghỉ ở giường phía tây, còn họ thì đến nghỉ ở giường phía đông. Mọi người ngồi xung quanh chủ nhà, ông lão kêu chàng thanh niên bưng đồ ăn, rượu xuống sàn, cười nói: “Nhà này không có người nấu ăn, buổi tối không đốt lửa được nên tôi đành phải mời hai tiên sinh chút đồ nguội, thật là xấu hổ quá!”
Hai vị tú tài cảm tạ và nói: “Thời tiết còn ấm áp, sao không ăn chút đồ nguội nhỉ?” Mọi người nâng ly chúc mừng nhau và nói chuyện, cười nói vui vẻ. Tú tài hỏi tên chủ nhà, nhưng ông lão chỉ mỉm cười và không trả lời.
Một lúc sau, vầng trăng đã lên tới giữa trời, ông lão mỉm cười nói: “Đêm trăng đẹp lại được gặp khách quý, chỉ uống rượu không thôi thì không hứng thú, hai vị tiên sinh chí hướng cao xa, hẳn sẽ không ngại nếu tự nghĩ viết ba bài văn chương, độ qua đêm trăng đẹp này”. Nói xong liền lấy giấy bút, từ trong “Tứ thư” chọn ra ba đề mục, kiên trì đề nghị hai vị tú tài viết bài. Hai vị tú tài suy nghĩ hồi lâu, nhưng ông lão chủ nhà và người thanh niên thì vận bút như bay, trong chớp mắt đã hoàn thành ba bài. Ông lão cầm lấy bài văn họ đã viết đưa cho hai vị tú tài, rồi nói: “Hai người chúng tôi ẩn cư ở nơi hoang vu, đã lâu rồi không viết văn chương, viết vội mà thành, thỉnh cầu hai vị chỉ giáo”. Hai vị tú tài sau khi đọc, kinh ngạc trước kiệt tác trước mắt, cảm thấy hổ thẹn.
Ông lão lại nói: “Đêm đã khuya rồi, hai vị tiên sinh hãy chợp mắt một lát, đợi trời sáng rồi hãy xuất phát. Lão phu cũng mệt, muốn nghỉ ngơi một chút, không thể ở lại lâu hơn”. Nói rồi, ông lão và người thanh niên ngủ gục ngay trên mặt đất, thiếp đi trong chớp mắt.
Hai vị tú tài đi đường mệt mỏi, nên nằm xuống là ngủ ngay đi. Đến rạng sáng, người hầu tỉnh dậy và thấy mình cùng hai vị tú tài đang ngủ trong một chiếc quan tài, anh chàng bàng hoàng, vội vàng đánh thức hai vị tú tài. Họ kinh ngạc một lúc, nhìn lại danh tính người đã mất, thì hóa ra họ là chồng và con trai của bà lão.
Họ trong tâm biết có điều gì đó kinh dị, nhưng rất vui vì ba bài văn mà ông lão và con trai ông viết đêm qua vẫn còn ở đó, nên mỗi người giấu vào hộp rồi tiếp tục lên đường đến tỉnh thành. Khi vào phòng thi, nhìn thấy đề thi chính là 3 đề đó, quả nhiên đều đồng thời trúng bảng. Sau đó, trong kỳ thi mùa xuân tiếp theo, họ lại thi đỗ tiến sĩ.
Hai vị tú tài cảm niệm ân đức của quỷ thần, khi trở về, mỗi người lại tặng cho bà lão thêm một trăm lạng bạc, rồi thỉnh cầu triều đình khen thưởng cô con dâu hiền hiếu của bà lão.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch