Đại Kỷ Nguyên

Hành thiện không cầu hồi báo, thiện báo không mời mà tới

Suối tiên tìm ở đâu? Từ gieo mầm đất thiện. (Ảnh: Bức tranh sơn thủy phỏng cổ của Vương Huy và Vương Thời Mẫn nhà Thanh. Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, phạm vi công cộng)

Ngân Văn Uyên ở tỉnh Chiết Giang là một đại học sĩ thời nhà Minh, sống ở phủ thành. Tổ thượng của ông, Ngân Ông, lúc tráng niên từng đến núi Tiểu Khê cách thành 80 dặm để tụ hội với bạn bè, đến hôm sau mới trở về nhà. Trên đường về, có một sơn dân (người miền núi) thỏa thuận với chủ thuyền để lên thuyền. Khi Ngân Ông quay về đến nhà mình, thì đèn đường đã sáng.

Sơn dân muốn tá tục tại thuyền, nhưng chủ thuyền không chịu, đành phải ngơ ngác đứng trên bờ. Ngân Ông cảm thấy thương anh ta, vì anh ta đến từ vùng núi xa xôi, biết anh ta không có người thân hay bạn bè sống trong thành, nên đã mời anh ta ở lại nhà nghỉ ngơi cơm nước. Bình minh ngày hôm sau, khi sơn dân thức dậy, mọi người trong thành vẫn đang ngủ. Sơn dân muốn từ biệt chủ nhà rồi rời đi, nhưng đợi rất lâu vẫn không thấy chủ nhà đi ra. Anh ta nghĩ: “Tối qua mình ở lại ăn tối, trong tâm đã rất bất an rồi, sáng sớm nay mình không nên lại làm phiền nhà người ta.” 

Vì vậy người khách bước ra khỏi nhà, tìm đến một quán ăn để ăn sáng, ăn xong sẽ quay về nhà để cảm tạ. Không ngờ lúc về, lại quên mất nhà Ngân Ông, đi tới đi lui ba bốn lần vẫn không tìm được nhà Ngân Ông.

Đến sáng, Ngân Ông thức dậy, nói với người hầu: “Hãy để sơn khách ăn sớm để anh ta về sớm vì chặng đường dài.” Người hầu lên lầu, phát hiện vị khách đã đi đâu mất, nên quay lại nói với chủ nhân: “Anh ta đã đi rồi.” Ngân Ông lên lầu kiểm tra, chỉ thấy một chiếc túi vải đặt cạnh gối trên giường, khi mở ra thì thấy trong đó có một trăm lượng bạc và một phiếu thu tiền thuế thóc. Ông nói: “Đây nhất định là địa bảo của núi Tiểu Khê, chịu trách nhiệm thu thuế lương, lần này đến huyện thành nộp thuế lương. Hiện tại số tiền này bị bỏ lại đây, anh ta làm sao có thể bồi thường nổi, ta nên lập tức thuê thuyền đưa đi trả, để anh ấy biết và yên tâm.” Người hầu nói: “Không rõ tên họ người kia là gì, tiền này nên đưa đi đâu?”

Ngân Ông nói: “Danh sách nộp thuế có bản đồ khu vực hương thôn, khi đến đó sẽ hỏi được tên của chủ đất.” Ông lại nghĩ, nếu chậm nộp thuế lương sẽ vi phạm quy định, anh ta sẽ bị quan phủ trách phạt. Vì vậy, ông đích thân đến huyện phủ, giao nộp thuế theo lệnh, sau đó lấy biên lai nộp thuế, lập tức thuê một chiếc thuyền đi đến núi Tiểu Khê.

Sau khi thuyền cập bờ, ông hỏi thăm người dân trong làng thì biết được tên và nơi ở của địa bảo, bèn đi thẳng đến nhà anh ta. Chỉ nghe thấy trong nhà có người kêu khóc không ngừng, nên gõ cửa hỏi nguyên nhân là gì. Vợ của sơn dân bước ra kể: “Chồng tôi lên huyện đóng thuế lương, nhưng bị bỏ quên bạc ở nhà khách. Vì nghèo nên mới đi làm sai dịch, giờ không đủ khả năng chi trả số tiền khổng lồ này, vì sợ tai họa nên treo cổ tự tử trên xà nhà. May mắn phát hiện sớm, hiện tại đã được cứu sống rồi.”

Ngân Ông nói: “Tối hôm qua chồng cô ở nhà tôi, nay tôi đặc biệt tới đây để trả lại.” Địa bảo nghe vậy lập tức đi ra quỳ lạy cảm tạ. Ngân Ông lại lấy ra biên lai nộp thuế rồi nói: “E cậu phải một lần nữa đi về xa xôi, nên tôi đã thay cậu nộp thuế xong rồi, cậu không cần phải quay lại nữa.” Địa bảo càng cảm kích ân tình của ông, bảo vợ con cùng ra bái tạ. Thế rồi họ giết gà, nấu cơm chiêu đãi khách. Từ đó trở đi, khi địa bảo vào thành, anh ta luôn đến nhà Ngân Ông, tặng Ngân Ông một số sản vật địa phương làm quà. Vài năm sau, sơn dân không còn làm sai dịch nữa, cũng không có dịp đến nhà Ngân Ông nữa.

Ngân Ông tìm thấy một ngọn núi ở Tiểu Khê, bất ngờ gặp lại sơn dân. (Ảnh: Trang album “Sơn thủy đồ” của Thạch Thọ (Chu Nhược Cực) thời nhà Thanh. Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Phạm vi công cộng)

Sau này, khi Ngân Ông tuổi đã cao, bắt đầu chuẩn bị hậu sự cho mình, thỉnh một phong thủy chọn cho mình một táng địa có phong thủy tốt. Thầy phong thủy một mạch tìm tới một ngọn núi ở Tiểu Khê, cho rằng đó là cát địa. Ngân Ông nhìn thấy một chủ đồn điền đang làm nông dưới chân núi nên bước tới, chỉ vào ngọn núi và hỏi: “Đây là sản nghiệp của nhà ai? Có thể bán cho tôi không?” Đối phương nhìn Ngân Ông một lúc lâu mới hỏi: “Trưởng giả là Ngân Ông có phải không?” Ngân Ông nói: “Sao cậu biết?” Người đàn ông trả lời: “Tôi là địa bảo năm xưa đã để quên ngân lượng ở nhà bác.”

Ngân Ông nói: “Cậu cũng già rồi nhỉ!” Đối phương nói: “May nhờ có sự chiếu cố của bác, tôi làm sai dịch ba năm, hiện tại tôi dựa vào làm nông để kiếm sống, cũng có thể tự túc, tôi không vào thành đã gần 20 năm rồi. Dù không đến thăm bác được nữa, nhưng cảm kích và hoài niệm của tôi trước nay chưa bao giờ ngừng. Hôm nay có may mắn được tái kiến bác, xin hãy đến túp lều của tôi, tạm thời nghỉ ngơi một chút. Bác thích khối đất này, dễ dàng thương lượng.” 

Ngân Ông đi theo sơn dân về nhà, thấy cảnh tượng ngoài cửa khác hẳn khi xưa, liền nói: “Cậu đã giàu lên rồi sao?”

Sơn dân trả lời: “Giờ tôi có thể không cần phải lo lắng về nạn đói.” Sau đó anh ta nói với vợ: “Ân nhân cứu mạng năm đó, hôm nay đến nhà chúng ta, mau mau chuẩn bị cơm rượu.” Ngân Ông nói: “Cậu thay tôi trù hoạch cát địa, đã đủ khiến cho tôi cảm thụ được tình nghĩa của cậu rồi, làm sao tôi dám làm phiền cậu nữa?” Sơn dân trả lời: “Cứ ăn cơm ở nhà tôi, rồi sẽ có cát địa, không ăn thì không có.” Ngân Ông bèn đồng ý.

Ăn xong, sơn dân nói: “Ngọn núi này là mảnh đất mới mua của tôi”. Nói rồi đi tìm được giấy tờ mua bán, tặng cho Ngân Ông để báo đáp ân tình ngày xưa. Ngân Ông nói: “Tôi xuất thân từ nhà có tiền, làm sao có thể chôn trên mảnh đất không tiêu tiền mà có được? Điều đó sẽ khiến người ta cười cho!”

Ngân Ông cẩn thận đọc khế ước, trên đó ghi giá mười sáu lượng bạc, nên theo số bạc đó đưa lại cho sơn dân rồi nói: “Nhà tôi cách đây rất xa, tương lai việc xây mộ, an táng thế nào, lại phiền cậu tương trợ.” Cuối cùng mới vui vẻ trở về.

Sau này, việc tuyển dụng thợ xây và vật liệu, tất cả đều do sơn dân quản lý, nên tiết kiệm được rất nhiều. Đến thời kỳ Gia Tĩnh, Ngân Văn Nguyên, hậu duệ của Ngân Ông, vừa tài năng vừa hiển quý, thực tế là đến từ khối phong thủy bảo địa này.

Dã sử nói: Vô tâm vi thiện, nãi thị chân thiện – Vô tâm làm việc thiện mới là cái thiện thực sự. Hãy xem cách Ngân Ông đối đãi với sơn dân là có thể biết. Năm đó khi sơn dân để lại số bạc, không phải là phái người hầu đi trả lại tiền, cũng không viết thông báo tìm người, mà nhất định phải đích thân tìm đến nhà người ta, lại thay anh ta nộp thuế, đây thực sự là người thích làm việc thiện. Ngân Ông lúc làm vậy đâu có mong đợi được báo đáp! Ai ngờ đến lúc muốn tìm một mảnh đất yên nghỉ, thì lại được báo đáp một khối bảo địa. Thiên thượng nhìn thấy ông hành chân thiện, mà ban cho ông hồi báo lớn. Thiện hành thiện báo của Ngân Ông có thể dạy người cải ác tòng thiện!

Nguồn: “Chỉ văn lục”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version