Cha mẹ chính là tấm gương để con trẻ noi theo. Từ hành vi của cha mẹ dẫu chỉ là trên bàn ăn cũng quyết định sự trưởng thành của con cái.
Xã hội ngày nay, khi đời sống vật chất được nâng cao, tiện nghi gia đình tương đối đầy đủ, có rất nhiều bậc cha mẹ mang theo tâm lý “Đời cha đã khổ, thua bạn kém bè nhiều rồi nên bây giờ dù thế nào cũng phải chu cấp cho con cái một cuộc sống tốt nhất”. Vì thế con cái ngay từ khi mới được sinh ra đã được cưng chiều hết mực, cha mẹ luôn cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu một cách tối đa mà không biết điều đó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chúng sau này.
Cổ nhân có câu: “Tảo giáo lợi cộng bội”, nghĩa là đối với vấn đề nuôi dạy con cái thì cần phải chú trọng giáo dục càng sớm càng tốt. Trong lịch sử trị vì thiên hạ, nhà Chu trường tồn được 800 năm là vì sao? Chính bởi mẹ của Chu Thành Vương khi mang thai ông đã bắt đầu thực thi chế độ thai giáo, dạy con ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi mang thai, bà thực thi chế độ thường xuyên nghe những bản nhạc vui vẻ, kỵ ăn đồ chua cay, ngũ vị, tránh nghe những lời xấu, không nghĩ chuyện không vui, cho nên sau này đã thành tựu nên một Chu Thành Vương tiếng thơm lưu danh thiên cổ. Con trai của Chu Thành Vương là Chu Khang Vương nối nghiệp vua cha mang đến cho triều đại nhà Chu một thời kỳ cực thịnh, thiên hạ thái bình…
Quay về vấn đề giáo dục ngày nay, có nhiều bậc phụ huynh thường có suy nghĩ phó thác sự giáo dục con cái hết cho nhà trường, còn khi về nhà thì lại ít quan tâm đến con. Đây cũng chính là một sai lầm nghiêm trọng nhất trong giáo dục, vẫn biết giáo dục ở nhà trường là quan trọng, nhưng còn một điều quan trọng hơn, đóng vai trò mấu chốt hơn đối với tương lai của con cái, đó chính là nền tảng giáo dục gia đình.
Tuần trước, tôi có dịp đi ăn tiệc trong xóm làng, trên bàn ăn của chúng tôi có 3 gia đình khác cũng ngồi ăn, các gia đình đều có con còn nhỏ tầm độ tuổi ngang nhau. Tuy nhiên hành vi đối xử với con của 3 bà mẹ, mỗi người mỗi khác khiến tôi đặc biệt suy ngẫm:
Chị Vân: Cưng chiều con hết mực
Là người nổi tiếng trong xóm cưng chiều con cái, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp ăn cơm cùng, còn bình thường vẫn chỉ là nghe mọi người kể lại. Con chị Vân năm nay khoảng chừng 8 tuổi, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, nhìn rất đáng yêu.
Mỗi khi có món mới đưa lên, chị Vân liền gắp một miếng cho con ăn, cậu con trai được mẹ chăm sóc chu đáo, nếu như cắn thử một miếng mà thấy không ngon thì cậu bé đổ sang bát của mẹ. Còn nếu như món nào hợp với khẩu vị của cậu bé là chị Vân không kể người bên cạnh ăn uống ra sao, cứ xoay bàn chọn món đó cho con ăn hết. Quả là bà mẹ cưng chiều con nổi tiếng.
Chị Dung: Dùng điện thoại để chế ngự sự quậy phá của con
Con chị Dung năm nay vừa vào lớp 1, trong bữa ăn thì thường xuyên quậy phá, xô ghế, kéo bàn. Đã thế lại còn không ngừng hỏi cha mẹ những thứ trên trời dưới đất. Vì để con trai mình bớt quậy phá, chị Dung đưa điện thoại cho con chơi, cậu bé có được điện thoại liền ngồi im nghịch điện thoại.
Chị Tâm: Chân thành tán dương, khích lệ sự yêu thương của con cái
Có thể nói việc cha mẹ cưng chiều, chăm sóc con cái hết mực là lẽ thường thấy, nhưng con cái chăm sóc cha mẹ tận tụy thì xưa nay cũng ít gặp, đặc biệt là với việc trẻ nhỏ chăm sóc cha mẹ mình.
Gia đình chị Tâm là một trong số đó. Trong quá trình ăn cơm, cô con gái của chị Tâm không ngừng gắp thức ăn cho mẹ và cả mọi người. Không những vậy, trước mỗi lúc gắp thức ăn thường hỏi ý kiến của mẹ, khi ăn xong còn quan tâm món ăn có hợp khẩu vị với mẹ hay không? Khi nước uống gần hết thì chủ động giúp mẹ rót thêm, còn nhẹ nhàng lấy giấy ăn giúp mẹ. Nhìn tất cả hành động cử chỉ của hai mẹ con đều rất tận tình chu đáo, mỗi khi được con chăm sóc, chị Tâm luôn chân thành nói lời cảm ơn con gái mình.
Hành vi của cha mẹ có thể nhìn thấy được thái độ giáo dục con cái thường ngày ra sao. Từ biểu hiện của 3 bà mẹ trên bữa ăn, có thể nhìn ra được thái độ việc nuôi dạy con cái bình thường là như thế nào…
Chị Vân, cưng chiều con cái hết mực, khiến cho hành vi của con cái có thói quen vị tư, ích kỷ.
Chị Dung thiếu đi sự nhẫn lại, dẫn tới bỏ qua mất cơ hội giáo dục con. Điện thoại tuy rằng có thể khiến con cái yên tĩnh trong chốc lát, nhưng lại lấy đi của chúng cơ hội giao tiếp với mọi người.
Còn từ cô con gái của chị Tâm, chúng ta có thể nhìn thấy được sự tận tâm giáo dục con cái lúc bình thường ở nhà ra sao. Nhất định là đã bỏ ra không ít công sức, quan hệ gia đình dung hoà, con cái ngoan hiền, hiểu chuyện và lễ phép.
Có những bậc phụ huynh khi được hỏi về việc giáo dục trên bàn ăn lại cho rằng như vậy là hà khắc. Tuy nhiên, suy nghĩ như vậy thật là sai lầm, khiến tôi chợt nhớ đến câu chuyện xin việc của một chàng trai nọ.
Chỉ vì không có phép tắc trên bàn ăn mà không được tuyển dụng dù là người có tài năng
Một công ty tuyển nhân viên, có một nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá, kết quả thi rất xuất sắc, được mời đến dự buổi tiệc phỏng vấn của các quản lý cấp cao.
Khi ăn uống trên bàn cùng mọi người, nghiên cứu sinh này tỏ ra rất tự nhiên ăn to nói lớn mà không để ý tới những người ở các bàn xung quanh. Sau khi ăn xong thì chỗ anh ta ăn toàn là nước tương và thức ăn thừa vương vãi do gắp quá nhiều.
Cảnh tượng này khiến những người ngồi cùng rất khó chịu nhưng im lặng không nói ra. Cuối cùng, bộ phận tuyển dụng thất vọng nói với anh này rằng tuy năng lực của anh rất ưu tú, nhưng không thể tuyển dụng được…
Dù chàng trai này rất tài năng, nhưng chỉ vì thói quen trong ăn uống hàng ngày mà đánh mất đi tương lai của mình, như vậy thật đáng tiếc. Dù các bậc phụ huynh có cung cấp đầy đủ nhu cầu cho con cái như thế nào đi nữa, cho con học hết trường này trường nọ, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất ăn ở của con, nhưng lại không dạy chúng phép tắc trên bàn ăn thì vô tình đang hủy đi tương lai tốt đẹp của chúng mà không hay biết.
Hành vi trên bàn ăn quả thật quyết định không nhỏ tới tính cách của trẻ khi lớn lên
Khi chúng ta ăn cơm cùng đồng nghiệp, bạn bè hay người nhà, trên bàn ăn nói chuyện công việc, chuyện tình cảm, phát triển quan hệ, lớn thì có quốc yến, nhỏ thì có bữa cơm gia đình.
Người phương Đông rất coi trọng việc giáo dục lễ nghi đối với con trẻ. Bàn ăn được coi là nơi xã giao quan trọng, và giáo dục lễ nghi cho trẻ trên bàn ăn là việc rất quan trọng. Cha mẹ đừng cho rằng, vì trẻ còn nhỏ nên việc này là chưa cần thiết, đợi đến lúc trẻ lớn lên có thể đi ra ngoài rồi mới giáo dưỡng thì đã muộn rồi!
Trẻ con như một trang giấy trắng ngây thơ trong sáng, đang trong giai đoạn phát triển nên mới cần được quan tâm, bảo vệ nhất. Sự giáo dục tốt của các bậc phụ huynh “yêu thương đúng cách” từ việc nhỏ nhất là phép tắc trên bàn ăn, mới có thể giúp trẻ hoàn thiện nhân phẩm, phát triển toàn diện và trở thành người có ích cho xã hội.
Thiết nghĩ, từ những hành vi trên bàn ăn có thể để lại bài học cho các bậc cha mẹ, khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại cách giáo dục con của chính bản thân mình.
Nhã Thanh – Yên Ba