Đại Kỷ Nguyên

Hãy biến yêu thương thành thói quen bởi ‘gieo thói quen gặt số phận’

Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt số phận

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, một nhà truyền giáo người Do Thái có thói quen đi bộ trên đường quê vào mỗi buổi sáng. Gặp ai, ông cũng hồ hởi chào: “Chào buổi sáng!”. 

Ở làng có một anh nông dân tên là Miller lúc nào cũng lạnh nhạt trước những lời chào hỏi của ông. Ông không lấy làm lạ vì vào thời điểm ấy, người ta vẫn ác cảm với người Do Thái nói chung và các nhà truyền giáo Do Thái nói riêng.

Nhưng sự lạnh nhạt của mọi người không làm thay đổi thái độ của nhà truyền đạo. Mỗi sáng thức dậy, ông vẫn gửi lời chào nồng nhiệt đến mọi người xung quanh, kể cả Miller.

Vài năm sau, Đảng Quốc xã lên nắm chính quyền ở Đức.

Nhà truyền giáo và tất cả người dân Do Thái trong vùng đều bị chính quyền Quốc xã bắt giam trong trại tập trung. Bước xuống tàu hỏa, họ xếp hàng đi về phía trước.

Một người lính Đức cầm gậy đứng đầu hàng người hô “trái – phải”. Những người được gọi qua trái thì cầm chắc cái chết, còn những người qua phải sẽ có cơ hội sống sót.

Khi vị giáo sĩ bước tới đầu hàng, trong thời khắc đó ông thấy run rẩy, sợ hãi. Ông tuyệt vọng ngẩng đầu lên thì chợt chạm phải ánh mắt của tên lính. Dù vậy, như một thói quen không kiểm soát, ông buột miêng:

– Chào buổi sáng, anh Miller.

Miller có chút bối rối vì thói quen kỳ cục của nhà truyền giáo. Anh hoàn toàn hiểu đó là một lời chào theo quán tính, nhưng trong khoảnh khắc đó, anh bỗng nhận ra sự tử tế chân thành trong thói quen cố hữu của vị giáo sĩ Do Thái già nua, mà ngay cả khi phải đối mặt với cái chết, ông vẫn không từ bỏ. Cũng như ông đã không từ bỏ dù anh chưa bao giờ đáp lại, hay bớt đi một chút lạnh lùng khi nghe câu chào đó.

“Chào buổi sáng!”. Giọng nói của Miller nhỏ đến mức chỉ có hai người nghe được.

Và cuối cùng, vị giáo sĩ được gọi qua phải. Có nghĩa là ông thoát khỏi cái chết.

Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.

Nhà truyền giáo người Do Thái (Ảnh minh họa: cafebiz.vn).

Kỳ thực, nhà truyền giáo nọ, chẳng suy tính chi nhiều nhặn khi giữ cho mình thói quen chào mọi người mỗi ngày. Thói quen đó hẳn đã được dưỡng thành từ một tâm hồn trong trẻo, chân thành và yêu thương thế giới quanh mình.

Thói quen một khi đã hình thành thì không dễ từ bỏ. Vì thế, hãy chọn cho mình thói quen tốt bởi vì nó sẽ quyết định số phận của bạn, theo một cách, vào một lúc nào đó trong cuộc đời mà bạn không  bao giờ biết trước.

Hãy biến yêu thương thành thói quen, đó là món quà vô giá mà thực ra thật dễ dàng để chúng ta trao cho mọi người xung quanh và chẳng cần phải tốn một đồng nào cả.

Phật gia chẳng phải đã nói, cách ‘bố thí’ tốt nhất không phải bằng tiền. Chẳng qua trong xã hội hiện đại này, mọi thứ như một thói quen, đều được dùng tiền làm tiêu chuẩn đo lường, kể cả… lòng tốt.

Trao nhau nụ cười chân thành (Ảnh minh họa: voluongcongduc.com).

Thực ra có cả ngàn cách để chúng ta ‘bố thí’, làm từ thiện mà không cần tốn một đồng nào cả. Tất cả những gì bạn cần để cho đi… là một tấm lòng, mộc mạc, giản dị, không màu mè, vụ lợi.

Trao nụ cười hay một lời chào chân thành, niềm nở và hiền hòa với bất kì ai đó bạn tình cờ gặp trên đường đời.

Nói những lời khích lệ khi họ chùn chân, lời an ủi khi họ đau buồn, lời khen ngợi khi họ cố gắng, lời chia sẻ khi họ cần sự đồng cảm.

Giúp một người già qua đường, nâng một em bé ngã dậy, mở cửa, giữ thang máy cho phụ nữ, nhường ghế khi đi xe bus hoặc chờ ở bệnh viện, nơi công cộng.

Chia sẻ một cuốn sách, một căn phòng không dùng đến cho ai đó cần nghỉ ngơi, một bộ quần áo dư ít khi mặc.

Hay đơn giản là một ánh mắt trìu mến, một cái ôm nồng hậu, ấm áp, một cái nắm tay dịu dàng.

Tất cả những yêu thương tưởng như vô hình và không để lại dấu vết ấy, thực ra đều là những mầm thiện lành bạn gieo vào thế giới xung quanh mình.

Và một ngày nào đó, nó sẽ hồi đáp bằng âm thanh của tình yêu thương, những gì cho đi… chính là những điều bạn sẽ nhận lại.

Lam Thư

Exit mobile version