Làm người, sống trên đời không phải việc dễ dàng. Trong dòng chảy cuộc đời, vui cũng qua một ngày, mà buồn cũng hết một ngày. Vui cũng là một đời, sầu muộn cũng là một kiếp nhân sinh. Có lẽ có người sẽ nói rằng, tôi cũng muốn lạc quan lắm chứ, nhưng bao nhiêu vận rủi cứ mãi tìm đến, hỏi tôi mỉm cười thế nào đây?
Kỳ thực, rủi – may, may – rủi, rất nhiều là phụ thuộc vào cái Tâm của chúng ta. “Cảnh tuỳ tâm sinh” không phải là một triết lý suông. Nếu muốn thay đổi vận mệnh, trước tiên chúng ta cần thay đổi cái Tâm ảm đạm này trước đã.
Hai giấc mơ của tú tài
Có một tú tài lên kinh ứng thí, trước hôm thi hai ngày anh có hai giấc mơ. Trong giấc mơ thứ nhất, anh mơ thấy mình trồng rau cải trên tường. Trong giấc mơ thứ hai, anh mơ thấy mình đang đội nón dưới trời mưa nhưng tay vẫn còn cầm ô để che.
Tú tài nghĩ, hai giấc mơ này có lẽ còn có ý nghĩa sâu xa gì khác nữa, thế là anh bèn nhanh chóng đi tìm thầy đoán mộng. Thầy bói vừa nghe thấy, liên tiếp vỗ đùi nói:
– Anh hãy về nhà đi thôi. Anh nghĩ xem, trên tường cao mà đi trồng rau chẳng phải là phí công hay sao? Đầu đội nón rồi mà lại còn che ô chẳng phải là thừa hay sao?
Tú tài vừa nghe xong, chán nản mất hết hy vọng, quay lại quán trọ thu dọn đồ đạc chuẩn bị về nhà.
Chủ quán trọ thấy vậy, lấy làm lạ bèn hỏi: “Ngày mai anh mới thi cơ mà, sao hôm nay đã về quê vậy?”.
Tú tài nói rõ đầu đuôi xong, chủ quán trọ lại vui mừng:
– Ta lại thấy khác, lần này anh nhất định phải ở lại để thi. Anh nghĩ xem, trên tường cao mà trồng rau chẳng phải là đỗ cao hay sao? Đầu đội nón tay che ô chẳng phải nói rõ rằng lo trước không sợ tai họa sao?
Tú tài nghe xong, cảm thấy rất có lý, thế là tinh thần phấn khởi tham gia kỳ thi. Quả nhiên, anh đỗ thám hoa, vinh quy bái tổ.
Chiếc rìu của chàng tiều phu
Trên núi có một tiều phu chuyên sống bằng nghề kiếm củi. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng anh đã dựng được một ngôi nhà che mưa che nắng cho mình.
Một ngày nọ, sau khi đã đốn được một đống củi to, anh vội gánh vào thành giao cho khách. Không ngờ khi trở về thì ngôi nhà của anh lại đang cháy dữ dội.
Hàng xóm vội vàng kéo đến giúp anh dập lửa, nhưng về chiều gió rất to, nên mọi người đành bất lực nhìn ngọn lửa nuốt chửng ngôi nhà.
Khi lửa đã tắt, người tiều phu cầm một chiếc gậy lao vào trong đống tro ra sức lục lọi tìm kiếm. Mọi người đều rất ngạc nhiên vây kín lại, vì tưởng anh đang tìm bảo vật gì. Một lúc sau, mọi người thấy anh tiều phu reo lên sung sướng:
– Tìm thấy rồi, tôi tìm thấy rồi!
Mọi người tò mò lại gần xem trong tay anh là báu vật gì, không ngờ đó chỉ là cây rìu không đáng tiền. Rồi anh tra cán vào cái rìu, tự tin nói:
– Chỉ cần có cái rìu này thì tôi sẽ dựng lại một căn nhà còn chắc chắn hơn nữa!
Ai trong cuộc đời cũng cần một “chiếc rìu” như thế…
Có câu nói: Nhân sinh mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý. Đối diện với những tử biệt, sinh ly, ốm đau, mất mát… như căn nhà cháy rụi của chàng tiều phu, mấy ai có thể không đau lòng nhỏ lệ? Nhưng nhà thì đã cháy rồi, cũng như sinh lão bệnh tử là quy luật của kiếp người, khóc than đâu thể vãn hồi những gì đã mất.
Chi bằng, hãy lục tìm trong đống tro tàn của bất hạnh, một chiếc rìu sắc bén, xốc lại tinh thần, dựng lại một căn nhà còn chắc chắn hơn!
Chiếc rìu này không bị lửa thiêu rụi, bạn nghĩ xem, nó chẳng phải là ý chí lạc quan của con người sao? Nó chẳng phải là một trái tim kiên định, vững chắc như kim cương bất động sao? Chính trái tim này đã giúp Tôn Ngộ Không trải qua “500 năm bãi bể nương dâu” đói ăn viên sắt, khát uống rỉ đồng, đợi chờ người phương Đông đi lấy kinh…
“Chỉ còn một trái tim là chưa chết
Nhìn lại quá khứ tiêu dao, tự tại
Tiêu dao tự tại
Nào sợ lửa nội đốt thiêu
Nào sợ băng tuyết che phủ
Chí hướng vẫn hiên ngang không đổi
Niềm tin vẫn vẹn nguyên không sờn…”
Thanh Ngọc