Khi gặp phải nguy nan, làm thế nào để tránh họa? Người xưa đã để lại cho chúng ta phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Trong sách cổ “Tả truyện·Mẫn Công·Mẫn Công nhị niên” có nói: “Tu kỷ nhi bất trách nhân, tắc miễn vu nan” (Tạm dịch: Tu mình mà không trách người, ắt sẽ tránh được tai họa). Mười chữ này nhìn thì thấy đơn giản, nhưng làm được lại rất khó. Trong đó có dùng một chữ “tu”. Nếu như không phải là người tu luyện, thì đó chính là có ý tu vi. Đại ý là: khi gặp vấn đề, nếu có thể đề cao sự tu luyện của bản thân, tìm ra nguyên nhân từ bản thân mình và không chỉ trích người khác, thì tai họa sẽ rời xa bạn.

Khi xảy ra mâu thuẫn giữa người với người, đôi bên thường biết mình có lỗi nhưng chỉ tự “bật đèn xanh” cho mình, cho rằng mặc dù tôi như vậy thì anh cũng không nên đối xử như thế.

Ví dụ giữa vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, người chồng tính khí nóng nảy, còn vợ thì cố chấp bướng bỉnh. Một khi mâu thuẫn xuất hiện, sau khi hai bên bộc phát, người chồng chỉ nhìn thấy sự cố chấp của vợ, còn người vợ chỉ thấy tính khí hung bạo của chồng, nên cả hai đều không muốn thay đổi bản thân. Cuối cùng sẽ dẫn đến cãi vã không thôi, thậm chí dẫn đến kết cục ly hôn.

Nếu khi mâu thuẫn nảy sinh, người chồng có thể ý thức được tính khí nóng nảy của bản thân, còn người vợ nhận ra sự cố chấp của mình, thì vấn đề có thể lập tức thay đổi. Thậm chí sẽ hòa hợp nhanh chóng. Lý do rất đơn giản. Tính khí nóng nảy của người chồng thực ra chính là nhắm vào sự cố chấp bướng bỉnh của vợ, nếu người vợ không cố chấp thì tính nóng nảy kia sẽ không tồn tại. Sự bướng bỉnh của người vợ cũng nhắm vào tính nóng nảy của chồng. Bởi vậy, nếu tính khí của người chồng tốt rồi, thì người vợ muốn bướng bỉnh cũng không còn chỗ để nhắm vào.

Khi gặp vấn đề, đừng nhìn xem đối phương tệ đến mức nào, mà hãy nhìn vào vấn đề của chính bản thân mình, như vậy mới giải quyết được vấn đề.

Điều này cũng đúng khi hai người có mâu thuẫn trong xã hội, nếu một bên bình tĩnh lại thì sự tình sẽ ngay lập tức phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

Khi gặp vấn đề, nếu có thể tìm ra nguyên nhân từ bản thân mình và không chỉ trích người khác, thì tai họa sẽ rời xa bạn.

Thời cổ đại Hàn Tín chịu nhục chui háng, đối với rất nhiều người mà nói, đây là điều khó có thể chấp nhận. Vậy vì sao Hàn Tín có thể làm được? Mạnh Tử từng nói: “Cố thiên tương hàng đại nhậm vu thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạt kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi”. Nghĩa là, Trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết làm cho tâm chí của người ấy phải khổ cực, gân cốt phải mệt mỏi, thân xác bị đói khát, chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi.

Vì vậy, hãy xem sự khiêu khích của đối phương là sự tôi luyện của Thượng Thiên dành cho bạn để bạn có thể gánh vác trách nhiệm lớn lao. Làm được như vậy thì mọi việc liền được giải quyết rồi. Nếu không, kết cục sẽ như thế nào, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra được.

Theo Chánh Kiến