Khi Phật Thích Ca Mâu Ni ở nước Xá Vệ, một buổi sáng, ngài dẫn theo đồ đệ đi vào thành. Trong thành người đến người đi vô cùng đông đúc. Từ xa, Phật Thích Ca Mâu Ni và các đồ đệ nhìn thấy một ông lão đang khóc lóc vô cùng thương tâm.
Ông lão ấy vừa khóc vừa cất giọng rao hàng với một thanh âm buồn bã và bi ai. Trong chiếc giỏ của ông lão có một con cá mới được vớt lên từ dưới sông. Nó đang nằm giãy giụa như thể biết trước được cái chết đang đến cận kề.
Ông lão vừa rao hàng vừa oán giận nói: “Tại vì sao con trai tôi còn trẻ thế mà đã chết rồi, khiến cho cái thân đã già đến thế này mà còn phải đi chợ bán cá đây. Ông Trời ơi! Ông thật quá bất công.” Khi Phật Thích Ca Mâu Ni đi qua, ngài không nói gì mà chỉ khe khẽ thở một hơi dài.
Họ lại đi về phía trước và nhìn thấy một con lợn chết, toàn thân đều đã thối rữa, bốc lên mùi hôi tanh khó chịu. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni đi qua, ngài cũng không nói gì mà chỉ khe khẽ thở một hơi dài.
Lúc ấy, Tôn giả A Nan đi theo Phật Thích Ca Mâu Ni, thấy sư phụ thở dài như vậy thì cho rằng nhất định là có nguyên nhân nào đó. Nhưng rốt cuộc là vì nguyên nhân gì thì vị Tôn giả cũng không biết. Tôn giả A Nan giữ mãi thắc mắc ấy trong lòng. Đến lúc Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi đả tọa và các vị tôn giả khác đã ngồi vào chỗ của mình, Tôn giả A Nan mới đi đến trước mặt Phật Thích Ca Mâu Ni quỳ lạy.
Phật Thích Ca Mâu Ni liền hỏi: “A Nan, con có điều gì muốn hỏi sao?”
Tôn giả A Nan nói: “Thưa thầy, trong lòng con có một thắc mắc: những tiếng thở dài của thầy sau khi nhìn thấy ông lão bán cá và con lợn chết thối rữa là vì nguyên nhân gì?”
Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “A Nan, điều đó thực sự là có nguyên nhân. Ta sẽ giải thích cho các con nghe. Ông lão kia có vẻ mặt thống khổ như vậy, nhưng ông ấy cũng không biết được rằng mình quanh năm suốt tháng đánh cá. Có biết bao nhiêu sinh mệnh đã từng nằm trong lưới mà giãy giụa, khi sa lưới thì mạng của chúng cũng mất. Con trai chết trẻ khiến ông ấy bi thương thống khổ, oán trời, oán đất. Ông ấy chỉ biết nỗi đau của mình, nhưng lại không nghĩ đến nỗi khổ của chúng sinh. Cho nên, ta thở dài về sự ngu si của chúng sinh thiên hạ.”
“Còn con cá kia, trong kiếp trước nó là người trời, sinh sống trên Thiên giới. Nhưng khi phúc phận đã hết, nó phải chịu quả báo nhãn tiền, bị chuyển sinh thành động vật dưới nước. Giờ đây đã bị ông lão kia bắt được, sinh mệnh đang chờ chết. Điều khiến ta thở dài chính là con cá ấy tuy rằng kiếp trước sống có tạo phúc, nhưng khi phúc hưởng hết rồi thì phải chịu quả báo mà đầu thai làm cá. Cá rời khỏi nước thì mạng tất sẽ hết. Đây chính là bởi đã không duy trì tạo phúc liên tục.”
“Còn con lợn chết kia, trong kiếp trước nó là người có quyền thế, cũng vì hưởng hết phúc báo trong nhân gian nhưng lại luôn tự cao tự đại, trong lòng không coi ai là gì. Kiếp này phải chịu đầu thai thành lợn, phải chịu báo ứng mà chết. Toàn thân của nó thối rữa, khiến người đời ghét bỏ. Đây hết thảy đều là nhân quả. Cho nên, nhân duyên, quả báo đều là tự mình làm, tự mình chịu.”
Câu chuyện trên cho thấy, đời người, nếu chỉ biết bản thân mình mà làm ra những việc trái đạo lý, thì hết thảy nghiệp sinh ra đều phải tự mình nếm trải quả đắng. Nhưng có bao nhiêu người trước khi hành động mà nghĩ đến hậu quả đây?
Đa số mọi người đều rất thiển cận, chỉ nghĩ đến hưởng thụ, việc mình muốn thì không gì là không dám làm. Có những người công việc có chút khổ cực thì không nguyện ý gánh vác mà lại so đo với người khác. Đây đều là những hành vi trong cuộc sống thường ngày, tạo thành quả báo trong tương lai.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch