Đại Kỷ Nguyên

Hiệp nữ ra tay, quan tham run rẩy

Một nữ hiệp cảnh cáo quan tham ở chùa Báo Ân. Bối cảnh của "Từ Hiển Khanh hoạn tích đồ lộc ô triệt ca” là tháp chùa Đại Báo Ân ở Nam Kinh (Phạm vi công cộng)

Tưởng mất chuỗi hạt quý, ai dè quan tham nhận được một bài học

Vào thời Càn Long của nhà Thanh, Hoàng Thái Bảo là tri phủ Lưỡng Giang, có lần tuần tra biên phòng, đến Trấn Giang, tàu quan neo đậu tại bến Kinh Đầu. Khi chuẩn bị lên bờ thăm khách và rửa áo, ông chợt phát hiện trên cổ mình không còn chuỗi hạt đá quý, ông bàng hoàng, hỏi ái thiếp đang đợi bên giường xem có nhìn thấy không. Ái thiếp nói tối hôm qua lão gia khi đi ngủ còn đeo nó trên cổ, làm sao có thể trong một đêm không cánh mà bay? Vì chuỗi hạt giá trị rất lớn, nên tri phủ Hoàng rất bức xúc, lập tức triệu tập quan viên địa phương tiến hành khám xét nghiêm ngặt, gia hạn phải phá án trong vòng một tháng, nếu không sẽ bị cách chức điều tra.

Sau huyện lệnh Trấn Giang nhận được mệnh lệnh, vội vàng phân công bốn người đi điều tra truy bắt, nhưng đã qua mấy ngày, không còn chút dấu vết gì. Thấy thời hạn đến gần mà vẫn không tìm được gì, huyện lệnh ăn không ngon ngủ không yên, râu tóc biến bạc phơ. Sau khi suy đi nghĩ lại, ông không còn cách nào khác, phải thay thường phục, bí mật ra khỏi nha môn đi điều tra riêng. Ông đã lang thang khắp nơi trong vài ngày, giả làm khách trong các quán cơm, quán rượu, kỹ viện, đoàn kịch, bất cứ nơi nào có đông người, nhằm cố gắng phát hiện điều gì đó, nhưng tất cả đều vô ích. Vì vậy, ông đi bộ đến vùng ngoại ô, cố gắng tìm kiếm một số manh mối ở vùng ngoại ô.

Một ngày nọ, sau khi đến núi Câu Khúc, trên đường ông gặp một cô nương dung mạo mười phần xinh đẹp. Cô nàng mặc trang phục võ lâm màu tím, đi giày nơ đế mỏng, lúc đó đang trèo cây hái dây leo. Chỉ thấy cô nàng bay lên bay xuống như một con chim. Huyện lệnh nhìn cô nàng, rất kinh ngạc, cho rằng nữ nhân này nhất định không phải người bình thường, liền đợi cô nàng về nhà, lặng lẽ đi theo sau. Huyện lệnh đi theo cô nương đến một con suối, thấy cô bước vào một cái hang, ông theo vào khi cô nương không chú ý.

Hang rộng vài mẫu, tối sâu và quanh co, uốn lượn như con rắn, khác biệt hoàn toàn với nhân gian. Ra khỏi hang là phía sau núi, có thể nhìn thấy một số túp lều tranh, được bao quanh bởi hàng rào thưa thớt, tạo nên một cảnh quang yên bình. Lúc này, khi cánh cửa mở ra, ông nhìn thấy một bà lão đang rửa bát đĩa bên bếp lò. Bà nhìn thấy một người lạ mặt bước tới, ngạc nhiên hỏi: “Ngài không phải là huyện lệnh Trấn Giang sao? Đại nhân tại sao phải đến túp lều này ở thôn hoang này?”

Huyện lệnh nghe bà lão nói về thân phận của mình, nhất định là một người phi thường, không thể giấu được sự thật, ông liền bước tới, cúi đầu nói thật: “Lão nhân gia, lão đã biết bổn quan rồi, ta cũng không thể không nói thật. Tất cả là do tri phủ Hoàng đại nhân bị mất một chuỗi hạt đá quý, thúc ép tôi tìm kiếm, nên mới đến đây. Rất hy vọng lão chỉ điểm cho tôi có thể nhanh chóng phá án này, tôi sẽ rất biết ơn.”

Bà lão nghe xong mỉm cười nói: “Quả nhiên tôi đã đoán trước, xem ra ngài làm quan không dễ chút nào! Đây có thể lại là một trò đùa của đứa con gái nghịch ngợm của tôi với quan đương chức các ngài. Nha hoàn này vĩnh viễn không thể thay đổi bản tính nghịch ngợm của mình, khiến người ta lo lắng muốn chết. Tôi nhất định phải cho con gái một bài học thật tốt. Nhưng bây giờ tôi không biết nó ở đâu. Khi nó quay lại, tôi sẽ bảo nó trả chuỗi hạt cho huyện lệnh vào ngày mai. Đại nhân sau giờ Ngọ hãy đến chùa Báo Ân lấy lại nó, giờ hãy quay về đi, chờ một chút!”

Huyện lệnh tuân theo sự sắp xếp của bà lão, cung kính thưa thưa dạ dạ. Trở lại huyện nha, ông vội vàng sửa lại sổ sách, lập tức không ngừng bẩm báo với Hoàng Thái Bảo. Thái Bảo nhận được bẩm báo, cảm thấy thật quái dị. Vì vậy, trước giờ chính Ngọ ngày hôm sau, ông ra lệnh cho phó tướng dẫn một nhóm binh lính đến chùa Báo Ân, bao vây tháp chùa để có thể bắt ngay bọn trộm. Khi Mặt Trời đã lên đến đỉnh điểm, phó tướng và binh sĩ nhìn lên đỉnh tháp, chỉ thấy trên bầu trời một luồng ánh sáng đỏ lóe lên, nhanh như tia chớp, rất chói mắt, rồi đột nhiên chuỗi hạt cườm được treo cao trên đỉnh tháp. Hàng ngàn mũi tên nhất tề được bắn ra, nhưng cứ như thể đuổi hình bắt bóng, mọi người không ai nhìn thấy dù chỉ một bóng người.

Tháp pha lê của chùa Báo Ân được vẽ bởi nhà sử học và địa lý người Anh Thomas Salmon (1679-1767). (Phạm vi công cộng)

Vị phó tướng định thần lại, lập tức sai người lên đỉnh tháp lấy chuỗi hạt, thì nhìn thấy trên đó có một phong thư. Trên phong thư đề “Gửi riêng cho Hoàng đại nhân” và ký tên “Không Không nhi”. Phó tướng nhanh chóng rút binh, chuyển phong thư và chuỗi hạt cho Hoàng Thái Bảo.

Tri phủ đại nhân mở phong thư ra đọc, sợ hãi đến sắc mặt tái nhợt, mắt trừng mồm ngây, ngồi trên kiệu thái sư hồi lâu không thốt nên lời. Ái thiếp của ông ngạc nhiên không hiểu, nhanh chóng cầm phong thư lên đọc, chỉ thấy trong đó viết: 

“Từ khi Hoàng đại nhân nhậm chức đến nay, đã tích vô số tội ác. Ngươi lạm thi dâm uy, nhũng nhiễu trăm họ; ngoạn lộng quyền lực, lừa dối hoàng thượng; ỷ quyền cậy thế, vũ nhục thuộc hạ; phóng túng tiểu nhân do thám riêng tư của người khác; bịa đặt tội danh vu oan người tốt; ngươi còn trọng dụng gian nịnh, tham ô nhận hối lộ; xảo lập danh mục để lừa đảo lấy tiền tài, thực là kẻ lòng lang dạ sói, điều xấu gì cũng dám làm. Ngươi thân là quan chức được phong đất, nhưng lại tàn hại trăm họ ở địa phương. Quan lại không dám tố cáo ngươi, quan ngự sử cũng không dám luận tội ngươi. Thế nên, ta đã lẫy chuỗi vòng cổ trên đầu ngươi để cảnh cáo. Nếu ngươi từ nay không cải biến, mà lại tiếp tục chấp mê bất ngộ, thì ta sẽ báo cáo các quan viên triều đình, đừng trách ta không báo trước.” 

Ái thiếp đọc xong, cũng sợ chết khiếp, mặt mày tái mét. Từ đó trở về sau, những hành vi tham nhũng và phạm pháp của Hoàng Thái Bảo mới bị kiềm chế, không còn dám vô lương tâm như xưa nữa.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version