Đại Kỷ Nguyên

Hiếu kính với mẹ cha, đắc phúc báo toàn gia

Trong văn hóa truyền thống, bất kể giàu sang hay nghèo hèn, người ta luôn cố gắng sống theo đạo lý, noi theo các tấm gương hiếu thuận của tiền nhân. Năm câu chuyện về những hiếu tử thời xưa dưới đây rất đáng để cho mỗi người trong chúng ta cùng tham khảo

Chu Thọ Mệnh chuộc mẹ

Chu Thọ Mệnh là người vùng Dư Can, tỉnh Giang Tây. Năm Ất Mão thời Khang Hy, đất nước xảy ra nạn binh đao loạn lạc, Chu Thọ Mệnh vì lạc mất mẹ mà khóc lóc ngày đêm, đau đớn không còn muốn sống nữa. Một hôm ông mơ thấy có vị Thần đến nói với ông rằng: “Mẹ của con bình an, hiện đang làm nô lệ trong quân Chính Lam Kỳ”.

Chu Thọ Mệnh khóc lóc đi gặp họ hàng, làng xóm để nói lời cáo biệt, nguyện rằng: “Nếu không tìm được mẹ, tôi sẽ không trở về”.

Sau đó ông mặc áo ngắn, đi giày cỏ, trên lưng gùi một tay nải màu vàng, dọc đường lê bước xin ăn. Trải qua hơn 3 ngàn dặm, cuối cùng ông mới đến được Bắc Kinh.

Đến Bắc Kinh, Chu Thọ Mệnh lại tiếp tục ăn xin trên đường phố. Người ta cho cơm thì ăn, cho tiền thì khâu vào trong áo, khi không xin được cơm thì cả ngày chịu đói, nhất quyết không tiêu một xu, vì ông để dành tiền chuộc mẹ. Chu Thọ Mệnh đi khắp nơi, cuối cùng cũng tìm thấy mẹ ông trong quân doanh của Chính Lam Kỳ.

Chu Thọ Mệnh khẩn khoản xin chuộc mẹ, nhưng Đại hãn cố ý đòi giá khổng lồ để cự tuyệt ông. Thế là ngày ngày ông quỳ trước cổng nhà Đại hãn cầu xin, hai đầu gối sưng phồng cả lên. Đến ngày sinh nhật mẹ, ông bưng một bát mì thịt đến, quỳ dâng lên mẹ, đợi mẹ ăn xong rồi mới đứng dậy.

Ở Bắc Kinh, khi ấy có Học sỹ Thiệu Viễn Hô ở chốn quan trường, là người trượng nghĩa khinh tài, cảm động bởi tấm lòng hiếu kính của Chu Thọ Mệnh, nên đã chuộc mẹ giúp ông. Hai mẹ con không nơi nào nương tựa, thế là học sỹ Thiệu giữ lại cho ở trong nhà.

Mẹ Chu Thọ Mệnh là người nóng tính, ông làm phật ý mẹ liền bị mắng chửi, thậm chí còn bị bạt tai. Nhưng Chu Thọ Mệnh vẫn cứ vui vẻ cười hề hề nói: “Con sợ mẹ đánh đau tay thôi”.
Mấy tháng sau có chiếc thuyền cho đi nhờ, Chu Thọ Mệnh đưa mẹ trở về quê phụng dưỡng.

Hiếu thuận với người mẹ mù được phúc báo lớn

Thôi Miện bản tính chí hiếu, mẹ ông bệnh mù hai mắt, ông đi khắp nơi tìm thầy thuốc chữa, nhưng đều không có kết quả. Thế là ông ở nhà bên mẹ, hầu hạ phụng dưỡng mẹ suốt 30 năm, vô cùng cung kính tận tụy, thậm chí đêm cũng không bỏ mũ cởi áo ngoài để tiện trở dậy chăm sóc mẹ.

Thôi Miện chăm sóc mẹ. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Mỗi dịp lễ tết hoặc gặp cảnh đẹp giờ lành, ông đều dìu mẹ ra ngoại ô dạo chơi, hoặc dẫn đi thăm bạn bè thân thích, trò chuyện với mọi người, khiến mẹ quên đi nỗi khổ đau phiền muộn về bệnh tật.

Sau này khi mẹ qua đời, Thôi Miện đau lòng thổ ra máu. Cả đời ông làm theo ý nguyện của mẹ, yêu thương anh chị như yêu thương mẹ, đối với các cháu ông cũng đối xử như với con mình. Lương bổng đều chia cho người thân, Thôi Miện nói:

“Mẹ đã qua đời rồi, tôi không còn cách nào bày tỏ lòng hiếu thuận với mẹ được nữa. Nhớ khi mẹ còn, mẹ thương nhớ nhất là anh chị và các cháu. Do đó tôi phải chăm sóc họ cho tốt, như vậy mới an ủi linh hồn mẹ ở trên Trời được”.

Sau này, bước đường quan lộ của Thôi Miện rất thuận lợi. Ông làm quan đến chức Trung thư Thị lang, con trai ông là Thôi Hữu Phủ cũng noi gương cha, trở thành một bậc tể tướng hiền minh.

Thần giúp hiếu tử lấy lại vườn hạnh nhân

Lã Thăng đời Minh từ nhỏ đã mồ côi mẹ, ông phụng dưỡng cha vô cùng hiếu thuận. Người cha do tuổi đã cao, đêm thường đi tiểu, Lã Thăng bèn ngủ cùng cha, để tiện chăm sóc. Mỗi đêm Lã Thăng phải dậy 4, 5 lần dìu đỡ cha già đi tiểu.

Có một năm gặp phải binh đao chiến loạn, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Lã Thăng bèn cõng cha trốn chạy vào trong núi, giữa đường bỗng gặp toán cướp. Nhưng những tên cướp hung hãn này vốn nghe danh Lã Thăng hiếu kính đã lâu, bị cảm động bởi tâm đại hiếu, nên đã để họ yên bình đi qua.

Cha Lã Thăng bình thường rất thích ăn hạnh nhân thơm ngọt, vì vậy Lã Thăng trồng rất nhiều cây hạnh nhân xung quanh nhà. Nhưng khu đất trồng hạnh nhân đó sau lại bị người hàng xóm chiếm mất.

Lã Thăng không biết làm thế nào, đành viết một bản tấu, bẩm báo với Thần linh, xin Thần giúp. Thần liền trách phạt người hàng xóm chiếm vườn hạnh nhân của Lã Thăng, khiến cho người nhà ông ta mắc bệnh. Ông ta tìm mời đủ các thầy thuốc chữa mà bệnh không khỏi. Cuối cùng ông đến miếu Thần làm lễ cầu đảo, được Thần báo mộng rằng: “Ngươi phải lập tức trả lại vườn hạnh nhân đã cưỡng chiếm cho người con hiếu thảo Lã Thăng”.

Người hàng xóm này vội vàng trả lại vườn hạnh nhân, bệnh tật của người nhà ông ta liền hết.

Cảm động trước lòng hiếu thảo của Lã Thăng, Thần đã giúp ông lấy lại vườn Hạnh Nhân. (Ảnh minh họa: weibo.com)

Trước nhà hiếu tử mọc cỏ linh chi

Lý Huýnh Tú đời Đường thiên tính chí hiếu. Mẹ ông xuất thân nghèo hèn, còn vợ ông lại xuất thân từ gia đình phú quý. Người vợ vì vậy không nguyện ý hiếu thuận với mẹ chồng, lại còn thường xuyên mắng chửi nữ tỳ ra chiều cạnh khóe, mẹ Lý Huýnh Tú nghe thấy, trong lòng rất không vui.

Lý Huýnh Tú dạy bảo vợ, muốn vợ trở nên khoan hậu hiền thục hơn, nhưng vợ ông vẫn chứng nào tật nấy. Lý Huýnh Tú bèn ly dị vợ. Có người hỏi: “Ông rốt cuộc vì cớ gì mà lại ly dị vợ?”

Lý Huýnh Tú nói: “Mục đích tôi lấy vợ là muốn vợ phụng dưỡng mẹ. Nhưng vợ tôi không dốc sức chăm sóc mẹ chồng, không vui vẻ đối đãi với người dưới. Người con dâu như thế làm sao có thể giữ lại trong nhà tôi được?”

Lòng hiếu kính của Lý Huýnh Tú đã cảm động đến Thiên thượng, vì thế trước nhà ông mọc cỏ linh chi. Đường Trung Tông biết chuyện đã ban riêng một chiếu thư, biểu dương hiếu hạnh của ông.

Thượng Đế thưởng Ngô Hiếu Phụ

Ngô Hiếu Phụ là người đời Tống. Chồng chết sớm, lại không có con, nhưng cô phụng dưỡng mẹ chồng vô cùng hiếu thuận. Mẹ chồng già rồi, mắt lại có bệnh, nghĩ đến con dâu quá cô đơn, nên muốn nhận con trai nuôi, để thành thân với con dâu.

Ngô Hiếu Phụ nghe vậy khóc lóc nói với mẹ chồng rằng: “Từ cổ xưa đến nay, liệt nữ không thờ 2 chồng. Con tự phải dốc hết sức phụng dưỡng mẹ, xin mẹ cứ yên lòng”.

Ngô Hiếu Phụ một lòng thờ chồng và phụng dưỡng mẹ già. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Ngô Hiếu Phụ ngày ngày làm thuê cho hàng xóm, kiếm ít tiền phụng dưỡng mẹ chồng. Đôi khi có người tặng cô đồ ăn, cô đều đem về nhà cho mẹ chồng. Một lần cô đang nấu cơm, còn chưa kịp chín thì một người hàng xóm có việc gấp, gọi cô đến giúp.

Ở nhà, mẹ chồng lo cơm nấu lâu quá sẽ bị cháy, bèn xới cơm bỏ vào trong hộp. Nhưng vì mắt kém nên bà đã bỏ nhầm vào thùng rác.

Khi Ngô Hiếu Phụ trở về, thấy vậy cũng không hỏi, liền vội vàng sang nhà hàng xóm vay ít cơm để mẹ chồng ăn. Sau đó cô dùng nước rửa sạch chỗ cơm bẩn, rồi hấp lại, tự mình ăn.

Một hôm cô bỗng chiêm bao thấy hai đồng tử mặc áo xanh cưỡi mây lành đến trước mặt, tay cầm bản điệp văn nói: “Chúng tôi phụng Ngọc chỉ của Thượng Đế triệu Ngô Hiếu Phụ tiếp kiến”.

Ngô Thiếu Phụ gặp Thượng Đế, Ngài nói với cô rằng: “Con chỉ là một cô thôn phụ, có thể cần khổ tận tâm phụng dưỡng mẹ chồng như thế này, thực sự khiến người ta tôn kính. Vì vậy ta thưởng cho con 1000 đồng tiền (tương đương với 1 lạng bạc xưa), hãy đem về nhà phụng dưỡng mẹ chồng. Từ nay trở đi, còn không cần phải đi làm việc nặng nhọc kiếm tiền nuôi nhà nữa”

Nói rồi, hai đồng tử áo xanh lại đưa cô trở về.

Ngô Hiếu Phụ tỉnh dậy, thấy đầu giường quả nhiên có 1000 đồng tiền. Hơn nữa cứ tiêu hết thì lại có, liên tục như vậy không hết.

Cổ nhân từng dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là trăm nết thiện thì hiếu đứng đầu. Trong văn hóa truyền thống, chữ Hiếu được đặc biệt coi trọng. Hiếu tử xưa không chỉ dốc sức nuôi dưỡng cha mẹ, mà còn luôn cung kính hiếu thuận, nói lời nhẹ nhàng đầm ấm, cảm niệm từ nội tâm, báo đáp ơn dưỡng dục cha mẹ.

Nhưng ngày nay, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp đã bị phá hủy, luân lý truyền thống bị xói mòn, do đó muốn khôi phục lại văn hóa truyền thống, thì thiết nghĩ mỗi người chúng ta nên tự bắt đầu bằng hành động của chính mình: Hãy làm một người thiện lương, chân thành, bao dung và nhẫn nại. Người giữ được phẩm đức thì mới có tương lai.

Theo Minh Huệ Radio
Kiến Thiện biên dịch.

Exit mobile version