Đại Kỷ Nguyên

Hồ sơ tội ác của ĐCSTQ: Vụ đại hỏa hoạn Qaramay

Ảnh: Trăm năm chân tướng - ET

Ngày 8 tháng 12 năm 1994, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại Hội trường Hữu nghị ở Qaramay, Tân Cương, khiến 325 người thiệt mạng, trong đó có 288 học sinh tiểu học và trung học. Gần một trăm người chết trong vụ giẫm đạp. Câu nói “Hãy để lãnh đạo đi trước” trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc sẽ mãi mãi bị đóng đinh vào cây cột sỉ nhục. 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Ngày 8/12/1994, Phòng Giáo dục Qaramay Tân Cương tổ chức “buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt” dành cho học sinh giỏi ca múa của 15 trường trong thành phố để chào mừng lãnh đạo cấp trên.

Ngay sau khi buổi biểu diễn bắt đầu, tấm màn sân khấu tự động bốc cháy do đèn sân khấu gần đó quá nóng. Vào thời điểm ngàn cân treo sợi tóc này, một quan chức đã hét lên với các học sinh đang chuẩn bị trốn thoát: “Hãy để lãnh đạo đi trước!”

Cuối cùng, vụ hỏa hoạn đã giết chết 325 người, trong đó có 288 học sinh tiểu học và trung học, cháu nhỏ nhất mới 6 tuổi, cháu lớn nhất 14 tuổi, hầu hết đều là trẻ em con một.

Giám định cho thấy gần một trăm học sinh tử vong vì bị giẫm đạp chứ không phải do bị bỏng, trên thi thể những đứa trẻ in dấu giày của người lớn.

Trong tập này, chúng ta sẽ một lần nữa chứng kiến thảm họa do chính con người gây ra, thứ còn nghiêm trọng hơn hỏa hoạn.

Xem video tại đây

“Hãy để lãnh đạo đi trước”

Hơn 20 ngày sau vụ cháy, phóng viên của Báo Thanh niên Trung Quốc viết bản tin “Thảm họa do con người gây ra còn tồi tệ hơn lửa – Lời cảnh báo từ thảm án 8-12 ở Qaramay”, trong đó đề cập đến việc khi đám cháy bùng phát, có người đã hét lên “Hãy để lãnh đạo đi trước!” Chỉ lệnh khắc nghiệt đó đã trở thành danh từ thời đại khi nhắc đến vụ việc.

Mặc dù Triệu Lan Tú, phó thị trưởng phụ trách giáo dục thành Qaramay, đã phủ nhận khi được phóng viên tờ “Phương Nam cuối tuần” hỏi về việc có người nói “hãy để lãnh đạo đi trước”. Nhưng Kim Tố Mẫn, khi đó là học sinh cấp hai, và Dương Liễu, người bị bỏng 85% trong vụ cháy, phải nằm viện trị liệu 12 năm và nhiều học sinh may mắn sống sót khác đã xác nhận với phóng viên, rằng xác thực có một nữ lãnh đạo đã nói câu này.

Dương Vĩ Quang, khi đó là đài trưởng Đài truyền hình trung ương ĐCSTQ CCTV, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với “Nhật báo Phương Nam” năm 2009 sau khi nghỉ hưu, rằng sau vụ hỏa hoạn Qaramay, ông từng gọi và yêu cầu đình chỉ một bộ phim tài liệu do phóng viên của “Tiêu điểm phóng đàm” sản xuất, và Bộ Tuyên giáo Trung ương cũng đưa ra thông tri chính thức, rằng vụ hỏa hoạn Qaramay không được phép báo cáo.

Trần Diệu Văn, tác giả của bộ phim tài liệu bị cấm, đã tiết lộ một số chân tướng về vụ tai nạn trên blog của mình cùng năm. Tờ “The Sunday Times” của Anh dẫn bài báo của Trần Diệu Văn, rằng những người sống sót đã nói với họ, sau khi hỏa hoạn phát sinh, nghe thấy một vị quan chức phòng giáo dục thành phố, người tổ chức buổi biểu diễn, hét lên: “Học sinh, ngồi yên và để lãnh đạo đi trước!”

Ngày 5/2/2007, chương trình “Ngọn lửa Qaramay 1994” do Vệ tinh Đông Phương phát sóng, đã tiết lộ một số chi tiết về vụ cháy, nhiều người liên quan xác nhận họ đã nghe thấy tiếng kêu “Hãy để lãnh đạo đi trước” và tận mắt chứng kiến ​​các lãnh đạo được sơ tán khỏi đại sảnh bên trái đầu tiên, sau đó hiện trường rơi vào hỗn loạn.

Chương trình cũng đề cập đến việc một nữ sinh thiệt mạng là Viên Viện, 14 tuổi, ngồi ở hàng ghế cuối cùng của rạp hát, dù gần lối ra cửa an toàn nhất, nhưng cô bé vẫn không thể trốn thoát. Cha cô bé, Viên Sách nói: “Nếu các em muốn chạy thì hoàn toàn có thể chạy ra ngoài, nhưng giáo viên không cho phép di chuyển: Đừng loạn động, mọi người hãy ngồi ngoan.”

“Khi các học sinh lần lượt ngồi xuống, hàng ghế lãnh đạo đã trống không”

Ngày 21 tháng 12 năm 2006, “Tuần báo Phương Nam” đăng bài báo “Ngọn lửa Karamay: Chân tướng sau luân hồi”. Bài báo kể lại, vào khoảng 5h40 chiều ngày 8/12/1994, Triệu Lan Tú, phó thị trưởng phụ trách giáo dục thành phố Qaramay, từ chính quyền thành phố đến “Hội trường Hữu nghị”. Lúc này, hơn 700 giáo viên và học sinh đã chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ.

Nguyên lai, một ngày trước đó, một nhóm gồm 25 người thuộc “Đoàn đánh giá nghiệm thu giáo dục nghĩa vụ và xóa mù chữ” của Ủy ban giáo dục Khu tự trị Tân Cương đã đến thành phố Qaramay để kiểm tra công tác. Vào lúc 16h ngày 8/12, phòng giáo dục địa phương tổ chức 15 lớp mô phạm của 15 trường tiểu học, trung học cơ sở và 769 giáo viên, phụ huynh… để trình diễn và báo cáo văn nghệ cho đoàn kiểm tra tại “Hội trường Hữu nghị”. Tuy nhiên, những lãnh đạo đã không đến đúng giờ.

Mọi chuyện bắt đầu từ tiết mục thứ hai “Xuân ấm đồng tâm”.

Khi đó, có những tia lửa giống như pháo hoa rơi xuống từ hàng cột đèn phía trên màn sân khấu, phải đến khi một khối màn to như khăn trải bàn rơi xuống kèm theo một quả cầu lửa, thì cô giáo ở bên cạnh sân khấu mới nhìn thấy và nhận ra có một đám cháy. Một số lãnh đạo Ủy ban Giáo dục đến dập lửa, để tránh hỗn loạn, họ đã kéo màn sân khấu lại.

Tuy nhiên, ngọn lửa trên sân khấu đã đốt cháy nhiều chiếc vòng hola hoop được treo trên tấm màn sau làm bối cảnh, do bị tấm màn cản trở, lượng oxy bị tiêu thụ nhanh chóng hình thành một vùng áp suất cao trong khu vực sân khấu, khiến tấm màn trương lên như một quả bóng bay. 

Kim Tố Mẫn, một học sinh cấp hai được đề cập trước đó, nhớ lại: “Chúng em đều đứng tại trận, một người phụ nữ đứng trước bàn lãnh đạo, tay cầm micro bảo chúng em đừng lộn xộn, hãy ngồi xuống, thế nên chúng em ngồi xuống. Lớp học bình thường có hai cậu bé nghịch ngợm không nghe lời cô giáo và bỏ chạy.”

Đây là hai đứa trẻ duy nhất trong lớp của Kim Tố Mẫn sống sót bình an vô sự. Kim Tố Mẫn nói thêm: “Khi các học sinh lần lượt ngồi xuống, hàng ghế lãnh đạo đã trống không rồi.”

Tô Hạo (hóa danh) lúc đó ngồi ở hàng sau, tầm nhìn rất rõ, hồi ức lại: “Lãnh đạo ngồi ở mấy hàng đầu ở giữa, khi họ yêu cầu chúng em ngồi xuống bất động, em thấy họ từ từ tản sang hai bên, từ lối đi chậm rãi đi ra.”

Tại hiện trường, ngọn lửa tấn tốc lan ra, toàn bộ đèn tắt trong nháy mắt. Mọi thứ đều mất kiểm soát, không còn tổ chức, mọi người bị nỗi sợ hãi thúc đẩy và theo bản năng, lao tới mọi cách có thể để tồn tại.

Chu Nhã Tĩnh, một bé gái 9 tuổi, người dẫn chương trình cho buổi biểu diễn đó, sau này nhớ lại: “Trên lối đi, một lão quan chức đã dụng lực đẩy chúng em ra và chạy về phía trước. Em biết ông ấy, ông ấy chính là lão quan chức mà em đã tặng hoa trước buổi diễn.”

Sau khi vụ việc phát sinh, 3 lãnh đạo văn phòng thành phố và 17 thành viên Ủy ban Giáo dục Qaramay, ngoại trừ Triệu Lan Tú bị ngoại thương, những người khác đều thoát hiểm một cách “kỳ tích”, mặc dù họ đều ở gần nguồn lửa và cách xa cửa thoát hiểm.

Hỏa lò khép kín

Vào ngày 6 tháng 12 năm 2006, trang “Phượng Hoàng võng” đã đăng bài “Mười hai năm sau trận hỏa hoạn Qaramay – Những người may mắn sống sót”. Bài báo mô tả, sau khi nhóm người đầu tiên trốn thoát thành công, cánh cửa cuốn lúc đầu vốn đang mở bỗng nhiên bị sập xuống do mất điện, lúc này các cửa an toàn khác dành cho người thoát nạn đều bị đóng chặt, nhân viên công tác giữ chìa khóa đi đâu không rõ.

Trong hội trường, thế lửa do bị tấm màn sân khấu che kín mà hình thành vụ nổ, sóng khí cường đại đưa vụ nổ xung hướng xuống hội trường, hình thành âm thanh cự đại, vang xa hàng trăm mét. Lực xung kích của vụ nổ khiến nhiều người ngã quỵ xuống đất.

Ngọn lửa theo luồng khí nóng bốc lên trần nhà cao hơn 20 mét, đốt cháy các vật liệu bên trên, 810 chiếc ghế gỗ phủ xốp và vải trong hội trường cũng lần lượt bốc cháy.

“Hội trường Hữu nghị” trở thành một hỏa lò khép kín hoàn toàn.

Cuộc giải cứu hỗn loạn

Tiếng la hét và kêu la trong hội trường xé nát Qaramay khi màn đêm buông xuống. Bọn trẻ đập vỡ cửa sổ nhưng bị mắc kẹt bên trong bởi song sắt. Tối hôm đó, nhiều người dân đã đến ứng cứu.

Mọi người nhặt tất cả các dụng cụ có sẵn và đập mạnh vào cánh cửa cuốn chắc chắn. Không có dụng cụ, họ dùng vai đập vào cánh cửa hợp kim nhôm, sau đó nhấc cửa lên và đập cửa an ninh. Sau khi phần dưới cửa an ninh bị bẻ cong, họ kéo song thép lên để người bên trong có thể thoát ra ngoài. Đối phó với hàng rào sắt, họ dùng búa đập vỡ, dùng thanh thép nạy lên, cố gắng lôi những đứa trẻ ra ngoài.

Qua cánh cửa cuốn, làn khói dày đặc không ngừng tràn vào hội trường, lũ trẻ lần lượt ngã xuống… Những người lính cứu hỏa đến nơi đầu tiên vội vã quay lại đồn để lấy dụng cụ, mãi đến chiếc xe cứu hỏa thứ ba họ mới mang theo chiếc rìu để phá cửa. Cuối cùng, khi cánh cửa được mở ra, những người cứu hộ nhìn thấy bên trong bốc khói ngùn ngụt, xung quanh có rất nhiều thi thể người, chồng lên nhau, cao bằng nửa người, đều là trẻ em.

Vụ cháy chỉ kéo dài 20 phút, nhưng đã khiến 325 người thiệt mạng, trong đó có 288 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. 130 người khác bị thương và phải nhập viện.

Hiện trường nhận diện xác bi thảm

Năm 2005, nữ cảnh sát Lưu Uyển Oánh, người từng tham gia khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn, đã viết bài “Mười năm chứng kiến ​​vụ cháy Qaramay”.

Lưu Uyển Oánh hồi ức, tại hiện trường nhận dạng thi thể, rất nhiều cha mẹ, ông bà nội ngoại và nhiều người thân của trẻ em đã đến. Họ dìu nhau vào nhà xác theo từng đợt. Hầu hết các cụ già đều ngất xỉu sau khi khóc nấc lên, và được đưa ra ngoài một cách vội vàng. Có cha mẹ cứ mãi ôm xác con không rời tay.

Có một người cha ngồi một mình trên nền đất lạnh với đứa con gái bị bỏng bên cạnh. Người cha nắm chặt đôi bàn tay nhỏ bé đã biến thành đen sạm của con gái mình, không một giọt nước mắt, không có ai bầu bạn, ông cứ ngồi đó ngơ ngác suốt một ngày. Có lẽ ông chỉ muốn đồng hành cùng con gái mình vượt qua đoạn hành trình gian nan cuối cùng trên thế gian này.

Một gia đình ba thế hệ đã đến nhận dạng thi thể. Đó là một cô bé vô cùng xinh đẹp với những đường nét thanh tú, mặc một chiếc váy xòe màu trắng, giống như một nàng tiên đang ngủ say. Vì nằm trong góc nên cô bé không bị bỏng mà chết vì ngạt khói. Gia đình không thể tin rằng đứa trẻ đã chết, người bà lớn tuổi thậm chí còn cầu xin bác sĩ pháp y làm lại khám nghiệm tử thi.

Lưu Uyển Oánh cho biết, thời gian trôi qua, công việc nhận dạng càng trở nên khó khăn hơn. Một gia đình đã khóc lóc và bế con đi khi nhìn thấy chiếc áo len rách dưới nách cháu. Sau đó, họ gửi đứa trẻ trở lại, vì sau khi trở về nhà, họ phát hiện chiếc chìa khóa treo trên cổ đứa trẻ không mở được cửa nhà mình, họ mới nhận ra đó không phải là con mình.

Vào ngày 9 tháng 12, tuyết bắt đầu rơi ở thành phố Qaramay, nơi đã khô hạn từ lâu. Tuyết rơi dày đặc suốt ba ngày. Trong gió lạnh và tuyết trắng, người dân đau buồn đổ ra khắp thành phố, đoàn xe đưa tang xếp hàng dài hơn 20km, nhìn không thấy cuối.

Những đứa trẻ được chôn cất tại Nghĩa trang Tiểu Tây Hồ. Nơi đó cách thành phố khoảng 5km, được bao bọc bởi dãy núi Gobi, hơn 300 ngôi mộ mới sừng sững giữa thiên địa, phong thanh thê lương.

Trên mỗi tấm bia mộ đều có một bức ảnh, trong im lặng, những đứa trẻ vẫn tươi cười hồn nhiên như trẻ thơ. Thời gian được khắc dưới đáy những tấm bia mộ này: Ngày 8 tháng 12 năm 1994.

Những oan hồn lang thang trên quảng trường

Năm 1997, chính quyền lên kế hoạch cho nổ tung Hội trường Hữu nghị và xây dựng Quảng trường Nhân dân mới. Sau những kháng nghị và phản đối, quy hoạch đã được sửa đổi một chút, cửa trước của “Hội trường Hữu nghị” được tu chỉnh, quét vôi và giữ lại, còn những kiến trúc khác vẫn bị cho nổ tung.

Trên quảng trường không có bất cứ văn bản thuyết minh nào liên quan đến vụ họa hoạn, dường như mọi chuyện chưa từng xảy ra, chỉ có hơn 300 ngọn đèn đường đứng đó tĩnh lặng. Có tin đồn rằng, mỗi ngọn đèn đường đại biểu cho một vong linh. Oan hồn của những đứa trẻ đó lang thang trong quảng trường trong đêm tối.

Kể từ khi vụ hỏa hoạn xảy ra, các quan chức của ĐCSTQ không những không cử hành bất kỳ hoạt động truy điệu nào, mà còn tiến hành trùng trùng cản trở việc khiếu nại của gia đình những học sinh tử nạn, và bộ phim tài liệu “Qaramay” của đạo diễn Từ Tân vẫn chưa thể công chiếu tại Trung Quốc.

Một số cư dân mạng phẫn nộ, cho rằng nên dựng bia tưởng niệm tại hiện trường vụ cháy, trên tượng đài khắc dòng chữ màu đỏ máu: “Hãy để lãnh đạo đi trước!”

Theo Epoch Times, Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version