Yêu tặng hoa, mến tặng phụ nữ và người yêu hoa; xin kính tặng những người đi tìm sự vĩnh cửu.
Trong phòng làm việc yên lặng chỉ có tiếng bàn phím máy tính lách cách, bỗng thảng thốt một chuỗi âm thanh loạt xoạt như mưa rào: Những cánh sen đang rơi. Ơ kìa, hoa đấy ư? Hoa muốn chào ta để đi về nơi không sắc không hương hay những lời trăn trối cuối cùng của cái đẹp.
Bình hoa sen trắng muốt tuyệt đẹp của hai hôm trước giờ gặp gió, thoáng chốc đã xác xơ. Nhớ câu phú Tử Vi học năm nào: “Tử Vi tu cần Tam Hóa, nhược phùng Tứ Sát, phong bãi hà hoa”. Ngôi Tử Vi cao quý không gặp được tay chân phù hợp cũng yểu mệnh như hoa sen tàn trong gió, vì hoa sen rất sợ gió. Bình hoa sen này chịu gió quạt đã hai hôm, ta thật sơ suất. Trông hoa lại thoáng chạnh lòng ngẫm về cõi trần ai vô thường. Chợt nhớ đến mấy câu thơ trong “Bài hát ru hoa sen” của nhà thơ Trần Hòa Bình:
“…Và em nữa đã bao giờ em khóc
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền
Trước những cánh sen xoay trong gió như thuyền…”
Vậy xin viết tặng hoa vài dòng.
Hoa của thiên nhiên, hoa của đời sống
Từ một hạt mầm nảy thành cây con, cây mọc ra cành lá, đến lúc đủ lớn mới trổ hoa. Khi cây trổ hoa cũng là đến lúc cây sắp trưởng thành, cũng giống như người con gái trong lúc xuân thì đẹp mơn mởn rực rỡ. Hoa là tinh túy của thiên nhiên cây cỏ. Không có hoa, đời không sắc không hương thật buồn biết bao nhiêu.
Bạn đã bao giờ đứng giữa một thung lũng vắng trong mùa xuân Bắc Mỹ, tắm mình trong ánh nắng xuân rực rỡ mà mơn man nhẹ nhàng như đùa trên da. Tuyết đã tan và con suối trong vắt chảy róc rách, lấp lánh dưới ánh nắng vàng óng như một khung cảnh trong A River Runs Through It của nhà văn Norman Maclean. Nhưng vẫn còn thiếu thứ gì đó? Một cánh đồng hoa cải vàng dập dờn trong gió nhẹ. Bạn nhắm mắt, hít căng lồng ngực hương hoa thơm ngát và hương nồng của vạn vật bừng bừng sinh khí, tai nghe tiếng đập cánh vi vu của đàn ong lấy mật giữa những khóm hoa. Giây phút ấy bạn nghĩ: Ôi, cuộc đời đẹp quá.
Những gì đẹp nhất, tinh anh nhất đều được gán cho hoa. Mặt hoa da phấn là khuôn mặt của cô gái đẹp cân đối, sáng láng và tươi tắn như hoa. Tầng lớp thượng lưu quý tộc có tri thức và văn hóa cao trong xã hội được gọi là tầng lớp tinh hoa. Người có tài về nghệ thuật, văn chương được gọi là tài hoa. Người khéo tay gọi là có hoa tay.
Hoa đẹp, thơm và nở theo mùa nên hoa cũng là sứ giả để báo thời gian. Nguyễn Du viết về mùa xuân phương Bắc với hoa lê:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Hay cảnh mùa hè với hoa lựu:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
Hay lúc giao mùa hạ sang thu với sen và cúc:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Hoa cũng là chứng nhân trong những kỷ niệm son sắt của đời người:
“Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đương thì con gái
Đợi anh chưa lấy chồng”.
(Trích: Mùa hoa cải – Nghiêm Thị Hằng)
Hoa và người phụ nữ đẹp
Hoa và người phụ nữ đẹp hay được so sánh với nhau. Nguyễn Du viết: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, ấy là về nhan sắc của nàng Kiều. “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”, ấy là nói về Thúy Vân. “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”, đấy là Kiều ở trong cảnh đoạn trường. Hoa và phụ nữ đẹp có hai điểm tương đồng: Đẹp và ngắn ngủi. Bởi vì:
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
(Trích: Tiêu Hồn Hải Đường – Triệu Diễm Tuyết)
Tức là, người đẹp tự ngàn xưa có ai mà đẹp mãi đến khi bạc đầu được đâu. Những mặt hoa da phấn, má thắm môi hồng, lưng ong liễu biếc, làn thu ba sáng long lanh giờ đã bỏ ta mà đi với kẻ khác. Cũng giống như hoa năm nay thật đẹp nhưng rồi cũng đến lúc xuân muộn hoa tàn. Sang năm sau hoa cũng đẹp không kém, nhưng đã không còn là hoa của năm nay nữa. Lớp trẻ lớn lên, lớp già lui xuống, sóng sau đè sóng trước, đó là quy luật vô thường của muôn đời.
Có tâm hồn nhạy cảm nào mà không nao nao buồn khi nghe Trình Anh, cô gái đẹp và sâu lắng năm xưa của Thần Điêu Hiệp Lữ ngâm bài Mộc Lan Hoa Mạn của nhà thơ Lương Tăng thời Nguyên. Trình Anh trót tương tư Dương Quá từ thời trẻ, nhưng trong lòng chàng chỉ có mình Tiểu Long Nữ, nên chỉ nhận nàng làm em gái để tránh vương tơ tình. Nàng ở vậy như bông hoa Mộc Lan thơm ngát nhưng lặng lẽ nở trong đêm không muốn ai biết tới, rồi lặng lẽ tàn phai theo năm tháng cuộc đời:
“Hỏi hoa, không nói một câu
Vì đâu hoa nở, vì đâu hoa tàn
Ba phần xuân sắc hồng nhan
Nửa tan sóng biếc, nửa tàn trần ai”
Đó cũng là nỗi lòng của Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Cô gái ấy có một nội tâm cực kỳ tinh tế, giàu trí tuệ, kiêu kỳ nhưng đa sầu đa cảm, lại hay ốm yếu. Nàng hay tủi phận mình mồ côi phải sống nương nhờ nhà ngoại. Bảo Ngọc là chàng trai duy nhất hiểu được nàng nhưng anh chàng như gần mà như xa. Nàng như cánh hoa rơi rụng cô quạnh giữa vườn Đại Quan. Do vậy, nhìn cánh hoa rơi lại nghĩ cám cảnh cho số phận mình. Nên trên đời này có ai chôn hoa như nàng, chẳng qua là đồng bệnh tương lân mà thôi. Bởi vậy, Bảo Ngọc mới trộm nghe thấy những lời thơ đẫm lệ như sau:
“Hoa bay hoa rụng ngập trời
Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?”
Đứng dưới cơn mưa hoa rụng tan tác như thế, “cô Lâm” lại sụt sùi thương cảm cho phận mình đến khi bơ vơ như hoa tàn nhụy rữa:
“Giờ hoa rụng có ta chôn cất
Chôn thân ta chưa biết bao giờ
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn
Lại là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua
Hoa tàn người vắng, ai mà biết ai!”
(Trích: Táng Hoa Từ – Hồng Lâu Mộng)
Người đẹp mủi lòng chôn hoa, quả là sự việc “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” chỉ có cô Lâm nhà ta là người duy nhất mà thôi. Nhưng nàng nói phải lắm: Cả hoa và người đẹp đều ngắn ngủi, thời xuân sắc có đáng là bao. Cuộc đời hết vui đến buồn, những cuộc vui thâu đêm, trận cười suốt sáng rồi cũng đến lúc tàn. Cảnh phù hoa của Giả Phủ chớp mắt chỉ như một giấc mộng. “Bảo Ngọc nghĩ ngay đến Đại Ngọc sắc đẹp như hoa, mặt trong như trăng, sau này ắt cũng có lúc không thể tìm thấy nữa, lẽ nào chả đứt ruột nát gan!
Đại Ngọc đã có lúc không thể tìm thấy, cứ thế suy ra, những người như Bảo Thoa, Hương Lăng, Tập Nhân cũng đều thế cả. Bọn Bảo Thoa đã vậy thì thân mình sẽ ở đâu? Thân mình còn chả biết ở đâu, đi đâu, thì nơi này, vườn này, hoa này, liễu này, biết thuộc về ai?” (trích Hồng Lâu Mộng). Có lẽ sau này khi cảnh nhà tan tác, Bảo Ngọc dứt áo xuất gia cũng một phần vì được điểm hóa từ bài thơ “Táng Hoa Từ” của em Lâm.
Đã có những bông hoa tuyệt đẹp ngộ ra được chân lý của cuộc đời ngắn ngủi không phải ở trong nhan sắc giả tạm. Trong Lộc Đỉnh Ký của văn hào Kim Dung, Trần Viên Viên, bông hoa đẹp nhất của vua Sùng Trinh nhà Minh, của Phiên Vương nhà Thanh Ngô Tam Quế, của thủ lĩnh áo vải Lý Tự Thành… tự nhận mình là một “hồng nhan họa thủy”.
Nàng cho mình là nguyên nhân của việc mất nước của vua Sùng Trinh, của việc Ngô Tam Quế tạo phản, mở cửa Sơn Hải Quan để người Mãn Châu chiếm đất trung Nguyên, của cuộc nổi dậy của “Sấm Vương” Lý Tự Thành. Bông hoa ấy ở tuổi 40 vẫn đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng đã đoạn tình để gửi mình chốn Không môn với pháp danh Tịch Tĩnh. Nàng đã thốt lên những lời đầy trí tuệ như sau: “Mỹ sắc làm hư việc nước, xưa đã thế mà nay cũng thế. Con người bất tường được trời ban cho tấm dung nhan khuynh quốc khuynh thành chỉ làm đau khổ lê dân trong thiên hạ. Tiện thiếp dù khua chuông gõ mõ, niệm nát chân kinh cũng không đủ đền tội trong muôn một”.
Đóa hoa vĩnh cửu không nở giữa đời mà nở trong tâm của người khai ngộ
Nhưng bông hoa đẹp và cao quý nhất lại không nở chốn nhân gian. Nó nở ở trong lòng một bậc cao tăng đắc đạo: Mãn Giác. Mượn xuân thiên nhiên và nhành mai trước sân đình để gửi gắm đạo lý.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Trích: Cáo Tật Thị Chúng – Mãn Giác thiền sư)
Có nghĩa là:
“Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
Hoa mai trắng chịu bao giá rét, sương giăng đến mức lá rụng hết, trơ ra cành lá khẳng khiu. Nhưng từ trong cảnh khắc nghiệt của trời đất mới bừng nở những nụ hoa trắng tinh khiết tuyệt đẹp. Cũng như vị cao tăng Mãn Giác phải vượt qua những đau đớn của thân xác, cả sự khổ ải của tâm trí để buông bỏ những dính chấp, dục vọng của người trần suốt những mùa xuân của tuổi trẻ. Đến khi cái tuổi đã đuổi xuân đi thì một ngày nụ mai của khai ngộ mới bừng nở. Đó là cảnh tượng cực kỳ tráng lệ mà không có mùa xuân nào của cõi trần có thể so sánh được. Vì đó không còn là bông hoa của năm nay, năm ngoái, năm sau – những đóa hoa vô thường mà chính là hoa mai vĩnh cửu như kim cương bất hoại ở xứ Phật.
Tạm biệt hoa, hãy ngủ yên và luân hồi trong cõi nhân gian vô thường. Ta đi tìm nhành mai trắng của Mãn Giác.
Tỉnh Thức