Bạn có bao giờ tự hỏi, những chuyện mà chúng ta coi là ngẫu nhiên hay trùng hợp xảy ra trong cuộc đời, liệu có phải đều đã được an bài và khó tránh khỏi? Và trước những chuyện không hay xảy ra với ta, liệu việc dùng tấm lòng lương thiện để hóa giải món nợ một cách hòa ái là cách duy nhất để đối diện với nó một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất?
Hãy cùng đọc câu chuyện ngắn sau, dù không thể đưa ra một kết luận gì cho những nghi vấn trên, nhưng có lẽ việc bắt đầu đặt cho mình kiểu câu hỏi như vậy cũng là một khởi đầu tốt cho tâm thái an nhiên đối diện với những thứ gọi là bất công của cuộc đời. Cho đến giờ, có lẽ vẫn chưa có cách lý giải nào hợp lý hơn như trong câu chuyện sau, đối với những món nợ đời, nợ người mà ta phải gặp trong cuộc sống.
Thời Trung Quốc cổ đại, tại thành thị Dương Châu, có một thương nhân nọ tên là Trần Bộ Lân. Ông là một người có tấm lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật.
Vào mùa hạ năm đó, một đội quân từ phương bắc tràn vào xâm chiếm và tàn phá Dương Châu. Ông ta đã cầu xin Thần Phật che chở. Trong giấc mộng, một vị Thần đến bảo ông rằng 16 người trong gia đình ông sẽ sống sót qua họa nạn này, nhưng ông sẽ phải chết.
Khi tỉnh dậy, Trần Bộ Lân không thể hiểu được tại sao chỉ có mình ông sẽ mất mạng, nên ông lại cầu xin Thần giúp ông giải đáp.
Vị Thần lại đến và nói với ông trong mộng: “Trong kiếp trước, con đã đâm người mà kiếp này là Vương Mã Tử 26 nhát dao và giết chết người đó. Bây giờ con phải trả mạng lại cho hắn, e rằng khó có thể cãi lại số đã định. Con hãy sắp xếp căn phòng ở hướng đông cho gia quyến lánh nạn, còn con thì ở lại phòng khách. Bằng cách này người nhà con sẽ thoát được nạn này”.
Khi tỉnh dậy, ông đã làm theo những điều đã được nói trong giấc mộng.
Năm ngày sau, có một người lính của đoàn quân phương bắc đến gõ của nhà ông Trần. Ông hỏi anh ta: “Cậu có phải Vương Mã Tử không? Nếu là cậu, thì hãy đến và đâm ta 26 nhát dao. Còn không phải, thì cậu hãy rời đi, vì chúng ta không có ân oán”.
Người lính trả lời, “Tôi là Vương Mã Tử”. Sau đó, ông mở cửa cho người lính vào.
Vương Mã Tử vô cùng ngạc nhiên hỏi “Tại sao ông lại biết tên tôi?”. Lúc này ông Trần mới đem kể câu chuyện về hai lần ông mơ thấy vị Thần đến báo mộng cho người lính nghe.
Nghe xong câu chuyện, anh ta thở dài, nói rằng: “Kiếp trước ông đã từng giết tôi bằng 26 nhát dao, vậy nếu kiếp này tôi lại làm như vậy với ông, chẳng phải ông cũng sẽ lại báo thù tôi ở kiếp sau hay sao?”.
Nói đoạn anh ta bèn dùng đuôi kiếm mà đâm vào lưng ông Trần 26 lần và bỏ qua cho ông. Sau đó, anh còn hộ tống cả nhà ông Trần đến thành Nam Kinh, một nơi an toàn hơn.
Câu chuyện được lưu lại trong dòng chảy nghìn năm của một nền văn hóa đồ sộ là bởi nó có tính giáo dục và răn đe. Nó không phải chỉ là một câu chuyện hoang đường kể cho vui những lúc trà dư tửu hậu. Ít nhất qua đó, người đời xưa muốn nhắc nhở nhau rằng, mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do, chúng ta không thể coi mọi chuyện là ngẫu nhiên được.
Khi một ai đó đối xử với ta không tốt, rất có thể đó là vì chúng ta đã từng đối với họ không tốt trong kiếp trước, bất kể ta không thể nhớ được chuyện đã xảy ra. Nếu ta có thể nhẫn chịu qua nạn này mà không oán thán hay trách cứ, hoặc ta có thể buông bỏ nó, như vậy là ta đã có thể hóa giải được nghiệp báo này. Còn ngược lại, thì nghiệp lực này sẽ mãi không dứt được. Chúng ta hãy đối mặt với số phận của mình bằng sự tự tin vì khi đã biết quan hệ nhân duyên, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được nó.
Nếu không có niềm tin như vậy, đối với mọi sự không tốt xảy đến với mình, ta sẽ đổ cho cuộc đời bất công. Một khi đã thấy bất công, thấy không ai có thể đem lại công bằng cho mình, thì như chó cùng dứt dậu, chuyện bất bình, điên cuồng nào ta cũng có thể làm được mà không sợ phải hoàn trả. Nếu ai cũng như thế, chẳng phải xã hội sẽ trở nên náo loạn và như một bãi chiến trường. Ít nhất trong việc này, những lời răn dạy và lý giải của người xưa vẫn đang có lô-gic riêng rất hợp lý của nó, hợp lý cho sự ổn định và nhân văn của nhân loại.