Mai là cây thân gỗ họ Tường Vi. Tương truyền từ thời thượng cổ, Viêm Đế Thần Nông khi nếm thử các loài cây cỏ, phát hiện ra cây mai, đồng thời còn dạy mọi người ăn quả mai để trị bệnh. Có thể thấy, mai trở thành người bạn trong cuộc sống con người, đã có lịch sử rất lâu đời.
Mai nguyên chủng hoang dã mọc ở tỉnh Tứ Xuyên và Hà Bắc (Trung Quốc), hoa mai màu trắng hoặc hồng nhạt, có hương thơm, đa phần kết quả hình cầu. Bất kể hình dáng và màu sắc của hoa và quả có nhiều biến đổi, về đại thể có thể chia thành hai loại: “mai quả” chủ yếu lấy quả, và “mai hoa” chủ yếu để thưởng thức ngắm hoa.
Hoa mai thường nở trong mùa đông giá lạnh rét buốt nên được ví với tấm lòng trinh bạch như băng tuyết, phong thái tài hoa tuyệt thế. Do vậy, xưa nay luôn có rất nhiều người nghiêng ngả si mê, đồng thời đã để lại rất nhiều câu chuyện thú vị lưu truyền thiên cổ.
Trong lịch sử, nhân vật điển hình cho việc hòa hợp hoa mai với sinh mệnh bản thân là tiên sinh Lâm Hòa Tĩnh thời Bắc Tống. Khi ông còn nhỏ, dù gia cảnh sa sút, phải sống cô độc khổ cực, thân thể lại yếu ớt nhiều bệnh tật, nhưng ông vẫn sống trong sạch yêu bản thân, dốc sức học tập không buông lơi.
Sau khi học hành thành tựu, ông cũng không truy cầu danh lợi thế tục, mà yên vui với cuộc sống nghèo nhưng an vui yên tĩnh. Cuối cùng, ông dứt khoát dựng nhà ẩn cư trên núi Cô Sơn ở Tây Hồ, Hàng Châu, không làm quan cũng không kết hôn.
Trên núi, ông trồng rất nhiều mai và nuôi hai con hạc tiên bên hồ. Bình thường ông đọc sách, đến lúc mệt thì ngắm mai, thả hạc tiêu khiển, cuộc sống vô cùng thanh cao.
Người khác thấy vậy, bèn nói hoa mai giống như vợ ông, hạc tiên giống như con ông, và dùng cụm từ “Mai thê hạc tử” (Vợ mai con hạc) để hình dung các cao nhân nhã sỹ.
Nghe nói sau này có người đến bái kiến một vị quan lớn có tiền có quyền thế, xưng là “con cháu mấy đời” của Lâm Hòa Tĩnh. Sau khi sự tình lan truyền ra, có người đã làm thơ bút tre chế giễu anh ta rằng:
Hòa Tĩnh tiên sinh vị thú thê,
Hậu đại na đắc hữu tôn nhi.
Tưởng quân xuất tự nhàn hoa liễu,
Bất thị Tây Hồ mai nhất chi.
Dịch thơ:
Tiên sinh Hòa Tĩnh chẳng kết hôn,
Đời sau nào có cháu với con.
Chắc anh chui ra từ hoa liễu,
Thua cả Tây Hồ một nhành mai.
Tiên sinh Hòa Tĩnh có danh xưng là “Mai Si” (mê mai). Ngoài cuộc sống ẩn cư “mai thê hạc tử” được mọi người truyền tụng ra, ông còn viết rất nhiều thơ vịnh mai, từng câu từng chữ khắc họa thần thái của mai rất đậm đà tinh tế, ý tứ tràn trề.
Trong đó được mọi người thưởng thức nhất là hai câu: “Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển, Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn” (Thưa bóng đâm nghiêng lan mặt nước, Thoảng hương toả xuống động hoàng hôn) trong bài “Sơn viên tiểu mai” (Cây mai nhỏ trong vườn núi). Thơ ông không chỉ được người đương thời yêu thích, mà được hậu nhân ca ngợi là tuyệt xướng thiên cổ vịnh mai.
Quả mai (mơ) chua ngọt rất ngon, mọi người đều thích, trong lịch sử có câu chuyện “Bẻ mai” và “Nghĩ mai” để giải khát. Thời Tam Quốc, có lần Tào Tháo dẫn đại quân chinh phạt Trương Tú, trên đường hành quân, không may lạc đường, binh sỹ đều khát khô cả cổ, tinh thần sa sút.
Đúng lúc không biết làm thế nào, Tào Tháo đột nhiên nhanh trí giơ roi ngựa chỉ về phía trước nói: “Đằng kia có một rừng mai, quả vừa chua vừa ngọt, có thể giải khát, mọi người cố gắng lên đường nào”. Binh sỹ nghe vậy, nghĩ ngay đến mùi vị quả mai, ai nấy quả nhiên hết khát, sỹ khí vì thế phấn chấn.
Vào thời Minh, có một vị hòa thượng là Bạch Vân thiền sư, một hôm đi đến lưng chừng núi Nga My ở Tứ Xuyên, cảm thấy vô cùng khát nước, nhất thời không tìm thấy nguồn nước, vô cùng khó chịu. Đột nhiên ông ngẩng đầu lên, nhìn thấy trên đỉnh núi có rất nhiều cây mai, lòng nghĩ chỉ cần ăn no những trái mai kia là có thể sinh tân giải khát rồi.
Vì vậy ông lấy can đảm leo lên đỉnh núi, nào ngờ trên đỉnh núi một cây mai cũng chẳng có. Người đời sau để kỷ niệm kỳ ngộ “Nghĩ mai giải khát” của ông đã xây dựng một trà đình ở lưng chừng núi, và gọi sườn núi đó là “Dốc trái mai”.
Khí tiết hoa mai cốt cách thanh cao, ngạo nghễ băng hàn, tính cách kiên cường trung trinh, một mình đội tuyết chẳng sợ gió sương, cũng thường được ví với lòng trung trinh bất khuất và kiên nhẫn chẳng sờn lòng của bậc quân tử.
Giang Âm huyện chí chép rằng, huyện này trước đây có vị tên gọi Vương Liễn có vợ là bà Trần. Sau khi ông Vương chết, bà Trần thề sẽ thủ tiết.
Một hôm nghe thấy tin đồn ngoài kia có người nghi ngờ sự trinh tiết của mình, bà lập tức nhổ hạt mai muối đang ngậm trong miệng xuống đất, rồi ngửa mặt lên trời thề rằng: “Nếu tôi hai lòng, hạt mai này lập tức mục nát, nếu không phải thì hãy để hạt mai nảy mầm mọc thành cây, để tỏ rõ sự trinh tiết của tôi”.
Không lâu sau ở đó quả nhiên mọc lên một cây mai, cành lá ngày càng rậm rạp. Có người hoài nghi bà đã đổi hạt mai, nhưng điều vô cùng kỳ lạ là đến khi trái chín hái xuống lại thấy tất cả những quả mai đều có chút vị mặn.
Từ sau đời Đường, Trung Quốc luôn lấy mẫu đơn làm quốc hoa. Mẫu đơn vốn được ca ngợi là “Quốc sắc thiên hương”, hoa lớn lại có nhiều chủng loại màu sắc như hồng nhạt, hồng, đỏ, đỏ sẫm, trắng và tím… rất diễm lệ, do đó lại có tên “hoa phú quý”. Từ khi cách mạng Quốc dân thành công lập ra nước Dân Quốc, mới lấy hoa mai thanh khiết như băng như ngọc làm quốc hoa.
Mai thường nở vào cuối đông đầu xuân, trong muôn loài hoa, mai là loài nở sớm nhất. Khi mai nở, rực rỡ như tuyết, hương thầm cao khiết, khí vận thoang thoảng, phong cách cao nhã, chẳng sợ băng tuyết, chẳng quản gió sương, thiết cốt băng tâm, rắn chắc nhẫn nại tự cường.
Hoa mai không chỉ hàm chứa tinh thần kiên cường bất khuất, phấn chấn tự cường, mà còn tiêu biểu cho khí thế cổ phác, phong nhã, cao khiết, hùng tráng.
Hoa mai thiết cốt băng tâm, đẹp từ gốc, thân, cành, lá, hoa, sắc, hương cho đến cốt cách thanh cao tao nhã, được mọi người yêu thích. Nếu người người đều có am hiểu về mai, nhà nhà trồng mai, thưởng thức mai, chọn mai, tìm mai thì không những sáng tạo ra nhiều chậu mai đẹp mà còn nâng cao cảnh giới tinh thần, tu tâm dưỡng tính, giống như cốt cách thanh cao thuần khiết của mai – một trong tứ quân tử.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch