Câu chuyện đời của Hòa Thân cho ta một ý vị sâu sắc về mối quan hệ giữa của cải và phúc báo của đời người. Liệu có phải càng giàu có thì phúc báo càng lớn?

Hòa Thân tự Trí Trai, người Mãn Châu, tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ. Thuở nhỏ, gia cảnh bần hàn. Vì lanh lợi giỏi biện luận, dáng vẻ khí thế, một lần tình cờ lọt vào mắt Hoàng đế Càn Long, được khen ngợi, dần thăng chức, từ thị vệ đề bạt lên Phó đô thống, sang Thị lang, rồi đến Thượng thư hộ Hộ, Văn hoa điện Đại học sĩ, tấn phong nhất đẳng Trung tương công. Sau thời Càn Long, ông nhậm chức Quân cơ đại thần, và là quyền thần được Càn Long sủng ái nhất. Em trai ông là Hòa Lâm từng làm Tổng đốc ở Tứ Xuyên. Gia thế bắt đầu giàu có, quyền lực dần lớn, văn võ trong triều đều muốn đến nhà ông ta kết thân. Mỗi khi Hòa Thân đến công sở xử lý công việc, triều thần đều đứng dạt sang hai bên sợ lạc phía sau, thậm chí có người làm thơ mỉa mai với đại ý chính là:

Mặc áo hoa nghênh Hòa Thân đến nha môn làm việc
Đi con đường quanh co cũng không dám sơ suất
Không được cười con đường nhỏ hẹp này
Ở đây là con đường có cánh cửa thông đến nhà vị quan lớn

Hòa Thân vốn không có tài học, phẩm hạnh cũng không đoan chính, duy chỉ dựa vào việc hầu hạ chu đáo Càn Long mà được sủng ái. Trong hơn 20 năm giữ triều chính, Hòa Thân công nhiên mua quan bán chức, chiêu quyền nạp của, kết đảng mưu lợi, bài xích người đối lập. Phàm với những người không “ăn cánh” với mình, ông ta luôn tìm cớ để vu oan, hãm hại trước mặt Hoàng đế Càn Long. Trong ngoài triều đình, từ đô phủ đến phủ huyện, quan lại đều lấy việc hối lộ Hòa Thân để củng cố địa vị và thăng tiến phát tài.

Hòa Thân cả đời gom góp được rất nhiều tiền tài của người khác, trở thành tham quan lớn nhất triều đại nhà Thanh. Dù như thế, Hòa Thân vẫn dựa vào sủng ái của Càn Long, ra vào cung đình, hễ thấy vật yêu thích liền chiếm làm của riêng. Bốn phương tiến cống kỳ trân dị bảo (thông thường là vật phẩm thượng hạng) đều rơi vào tay Hòa Thân, vật báu loại hai mới có thể tiến cống vào cung.

Hòa Thân được biết đến như là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa: Youtube).

Như Tôn Sĩ Nghị từ An Nam hồi kinh, cầm một viên minh châu có tên Tị Yên Hồ, muốn tiến cống cho Hoàng đế Càn Long. Hòa Thân thấy nó thì rất thích, bèn đến chỗ ông ta mà đòi. Tôn Sĩ Nghị vì đã tấu lên nên không dám bằng lòng. Nhưng chỉ vài ngày sau, Tị Yên Hồ đã rơi vào tay của Hòa Thân. Sau này Tôn Sĩ Nghị lén dò la mới biết là Hòa Thân đã mua chuộc thái giám để lấy cắp từ cung ra.

Có một câu chuyện nữa, trong cung có một đĩa bằng ngọc bích, là vật yêu thích của Càn Long. Một ngày nọ đĩa ngọc bị Thất A Ca lỡ tay làm vỡ. Thất A Ca bèn đến cầu cứu Hòa Thân. Hòa Thân lấy ra một cái tương tự nhưng màu sắc và độ sáng đều vượt qua cái đĩa đã vỡ. Chỉ hai việc này đã thể hiện cái giàu “nứt đố đổ vách” của Hòa Thân. Thời bấy giờ trong dân gian lưu truyền câu nói: “Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có”, hẳn cũng là có căn nguyên của nó. 

Năm Càn Long thứ 60 (năm 1795), Hoàng đế truyền ngôi cho thái tử Ngung Diễm, cải niên hiệu thành Gia Khánh, Càn Long thành Thái Thượng Hoàng. Ông vẫn sủng ái và tin tưởng Hòa Thân. Hoàng đế Gia Khánh tuy trong tâm đối với Hòa Thân cực kỳ chán ghét, nhưng ngại phụ thân, vẫn phải miễn cưỡng dung nhẫn, cố gắng chu toàn, gọi Hòa Thân là “tướng công” chứ không gọi tên. Phàm có chuyện tấu lên Thái Thượng Hoàng, Gia Khánh đều cho Hòa Thân thay mặt xử lý. Hòa Thân tiến cử người của mình là Ngô Tỉnh Lan làm người sao chép bản thảo thơ của Hoàng đế Gia Khánh, mượn điều đó để thăm dò thái độ của Gia Khánh đối với ông ta. Hoàng đế Gia Khánh biết điều đó nhưng cố ý không lộ ra thái độ để làm yên lòng Hòa Thân.

Ngày mùng 3 tháng Giêng năm Gia Khánh thứ tư (năm 1799), Thái Thượng Hoàng Càn Long mắc bệnh rồi băng hà, Hòa Thân mất nơi để dựa dẫm. Hoàng đế Gia Khánh lập tức sai Cấp sự trung Quảng Thái, Vương Niệm Tôn, Ngự sử Quảng Hưng, Trịnh Bảo… hạch tội Hòa Thân. Ngày mùng 8 bắt Hòa Thân vào ngục, Thượng thư bộ hộ Phúc Trường An cũng bị buộc tội là đồng đảng của Hòa Thân và bị cách chức. Ngày 15, Hoàng đế Gia Khánh ban chiếu tuyên bố 20 đại tội của Hòa Thân, lệnh cho vương công đại thần cùng thẩm xét.

Ảnh minh họa: Youtube.

Hòa Thân lần lượt nhận tội mà không né tránh. Ngày 18, Hoàng đế lệnh cho Hòa Thân tự tử trong ngục, đồng thời lệnh Phúc Trường An đến chứng kiến cảnh ấy. Sau khi Hòa Thân tự tử xong, áp giải Phúc Trường An vào ngục, định sau mùa thu thì xử tử. Hòa Thân chết rồi, bị cắt đi công tước, bãi bỏ tông miếu, hủy nơi thờ tự của ông ta. Những người thân tín của Hòa Thân đều bị cách chức, những người được Hòa Thân tiến cử hoặc từng đi cửa sau thì “không truy cứu tất, cố sửa lỗi lầm, làm lại cuộc đời”.

Hoàng đế Gia Khánh sau khi trừng trị Hòa Thân, phái người kiểm kê gia sản, phát hiện nhà Hòa Thân được dựng bằng gỗ lim. Nơi ở Hòa Thân xa xỉ vượt mức, phỏng theo điện Ninh Thọ vốn được coi là đỉnh cao thiết kế nội thất thời đó. Vườn cũng trang trí không khác mấy vườn Viên Minh vốn là vườn dành cho Hoàng đế, nơi xây dựng mộ được thiết kế như đình điện. Kiểm kê gia sản phát hiện: 80 vạn mẫu ruộng, 75 tiệm cầm đồ, 42 ngân hàng, 580 vạn lượng vàng ròng, hơn 200 vạn lượng vàng thô chưa qua luyện, 1000 thỏi Kim Nguyên Bảo, 1000 thỏi Ngân Nguyên Bảo, 940 vạn lượng bạc. Ngoài ra, tài sản của Hòa Thân còn có: trân châu, bạch ngọc, san hô, mã não, đồng hồ, đá quý, lụa, đồ sứ, đỉnh cổ, nhân sâm… nhiều không đếm xuể. Tổng cộng, gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Do đó trong dân gian có câu: “Hòa Thân sụp đổ, Gia Khánh ăn no”.

***

“Của thiên trả địa”, sau khi Hòa Thân chết, số vàng bạc, tài sản vơ vét được trong hơn 20 năm tham nhũng chỉ một sớm là bị tịch thu hết thảy. Gia sản mất đi, quyền lực cũng hóa thành tro bụi. Người xưa nói “Tham thì thâm”, quả nhiên chẳng sai. Tiền tài bất nghĩa thì không bền. Người tham lam tuy chiếm được lợi ích trước mắt nhưng phúc báo sẽ dần bị triệt tiêu.

Câu chuyện của Hòa Thân một lần nữa cảnh tỉnh con người thế gian về nhân quả báo ứng. Khi còn sống, một lần vì muốn che giấu chuyện xấu, Hòa Thân từng nói với Lưu Dung, vốn là một vị quan thanh liêm nổi tiếng rằng: “Việc này chỉ có hai người tôi và ông biết, ông sợ gì?”. Lưu Dung nói: “Sao lại chỉ có tôi và ông? Có ít nhất 4 người biết đấy!”. Hòa Thân thắc mắc, Lưu Dung bèn trả lời: “Việc hôm nay có tôi biết, ông biết, Trời biết, Đất biết, thế chẳng phải ít nhất 4 người biết là gì?”. Quả thực là người đang làm, Thần đang nhìn. Chỉ có sống thiện lương, không làm điều khuất tất thì mới mong có được phúc báo lâu dài. 

Bạn đang đọc bài viết: “Hòa Thân: Sống giàu nhất thiên hạ, chết nhục nhất thiên hạ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__

Từ Khóa: