Đại Kỷ Nguyên

Hòa thượng Hải Vân, 4 đời quân vương Mông Cổ đều tôn kính

Hòa thượng Hải Vân trời sinh an bài để trở thành người hoằng pháp, ngay từ nhỏ đã sớm có chí ngộ đạo tu hành. Nghe nói, vào năm 7 tuổi, khi cha của ông dạy ông học chương “Khai tôn minh nghĩa” trong «Kinh hiếu» đã bất ngờ vì không thể trả lời được nhiều câu hỏi của con mình, thầm nghĩ: đứa trẻ này chắc không phải người cõi trần. Thế là liền đưa ông đến ra mắt sư Nhan Công.

Sư Nhan Công xem căn tính rồi dạy Hải Vân «Thảo am ca» của Thạch Đầu hòa thượng. Hải Vân ca rằng: “Người ở am, giữ cương thường; không thuộc trung tâm hay trong ngoài; chỗ người đời ở ta không ở, chỗ người đời yêu ta không yêu.” Hải Vân vừa ca vừa khua tay múa chân. Nhan Công ngắm nhìn lòng thầm khen ngợi. Năm 8 tuổi, thiền sư Trung Quan Trảo (中观沼) nhận Hải Vân làm đệ tử, năm 11 tuổi Hải Vân tiếp nhận đủ các điều cấm, chính thức trở thành hòa thượng. Sau này đến chùa Quảng Huệ ở Lam Châu, lúc này ông đã được giảng Pháp.

Ở trong chùa Hải Vân là người nhỏ nhất, tính trẻ con còn chưa hết, vậy mà phải làm bạn với tâm thiền. Một hôm, vị thiền sư trong chùa nói với một tăng nhân: “Con ra sau Hải Vân vỗ vai nó một cái, khi nó quay đầu lại giơ một ngón tay hướng về phía nó xem nó phản ứng như thế nào?” Vị tăng nhân kia liền làm theo, nhưng không ngờ Hải Vân giơ một ngón tay trỏ thẳng lên trên mà không buồn quay đầu lại, rồi bỏ đi thẳng. Vị tăng nhân kia ngạc nhiên: Trẻ con mà lão luyện như thế, lại còn có thần thông nữa.

Năm Hải Vân 18 tuổi, Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn dẫn quân đánh chiếm thành Ninh Viễn và Lam Thành. Khi đó, các tăng nhân trong chùa ùn ùn bỏ chạy, chỉ còn mình Hải Vân ở lại trông nom sư Trảo Công già yếu. Sư Trảo Công thấy Hải Vân không chỉ có lòng nhân từ, mà đại nạn lâm nguy vẫn thản nhiên không sợ hãi, liền nói: “Nhân duyên của con đang ở phía Bắc, ta sẽ thuận theo đạo trời cùng con tiến về phía Bắc.

Ngày hôm sau đại quân Mông Cổ kéo vào trong thành, tướng quân Sử Thiên Trạch (史天泽) thấy Hải Vân phong thái hiên ngang, trong lòng thầm kinh ngạc. Sau một lúc hỏi chuyện thấy Hải Vân ứng đối thông minh liền cho mời Hải Vân và Sư phụ Trảo Công về. Sư Trảo Công sau đó giảng Pháp cho hai vị tướng, giúp họ được khai sáng, thế là họ lập tức hành lễ xin làm đệ tử, sau đó kết thân huynh đệ với Hải Vân.

Sau hai thầy trò được tiến cử với Thống soái Nam chinh là Thái sư Mộc Hoa Lê (木华黎), một trong “tứ kiệt” của đế quốc Mông Cổ. Thái sư Mộc Hoa Lê mời thầy trò Hải Vân đến phương Bắc hoằng Pháp, ngoài ra còn đặc biệt báo cáo cho Thành Cát Tư Hãn đang chinh chiến phía Tây. Thành Cát Tư Hãn ban chỉ lệnh rằng, họ đều là người để cầu xin ông trời, cần phải hầu hạ thật tốt.

Hoàng đế Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Wikipedia)

Hai thầy trò Trảo Công và Hải Vân được Thành Cát Tư Hãn kính trọng, nhận chiếu trụ trì Hưng An Hương Tuyền Viện. Đồng thời, Thái tổ còn trao cho Thiền sư Trảo danh hiệu “Trung Quan Từ Vân Chính Giác Đại Thiền Sư”, Còn Hải Vân là “Tịch Chiếu Anh Ngộ Đại Sư.”

Sau khi Trảo Công viên tịch, Hải Vân hóa duyên xây tháp để phụng dưỡng xá lợi Trảo Công. Vào một buổi tối, Hải Vân bất ngờ nghe tiếng gọi tên mình giữa không trung, tiếng rằng: “Đại sự sắp thành, không nên tiếp tục ở lại đây.” Ngày hôm sau, Hải Vân liền đi về Yên Kinh. Giữa đường đang đi thì trời đổ mưa to, Hải Vân trú lại một vách núi cao và dốc. Trong lúc gõ đá lấy lửa thì Hải Vân bất ngờ đại ngộ, ông sờ lên mặt mình nói: “Hôm nay mới biết mày ngang mũi thẳng. Quả thực là lời lão hòa thượng nói chứ không phải là ta mơ!

Vào một buổi tối trước khi Hải Vân đến chùa Đại Thọ, Thiền sư Trung Hòa Chương đã nằm mơ thấy một tăng nhân tay cầm thiền trượng đi vào ngồi xổm trong phòng phương trượng. Chương thiền sư liền báo tin cho chúng tăng: “Hôm nay sẽ có một hòa thượng đến bái kiến lão tăng.” Chạng vạng tối, Hải Vân quả nhiên xuất hiện trước chùa Đại Khánh Thọ. Hải Vân vừa đến, Chương thiền sư liền cười nói: “Đêm qua đã báo mộng.

Sau khi Hải Vân tiếp nhận chức Trụ trì chùa Đại Khánh Thọ đã viết 16 bộ kinh thư quảng bá thiên hạ và thụ giới cho hàng trăm vương công quý tộc. Khi đó quân Mông Cổ chưa định đô ở Yên Kinh, quản lý Yên Kinh là tướng Hốt Đô Hộ (忽都护).

Hốt Đô Hộ thường hay đến bái kiến Hải Vân, nghe ông giảng kinh thuyết Pháp, xin chỉ giáo những vấn đề như “nạn châu chấu”, “đi săn”, “hình phạt”. Khi Hốt Đô Hộ hỏi về đi săn, Hải Vân trả lời phải chú tâm vào việc cứu giúp con người, không nên chỉ rong ruổi tiêu khiển; khi hỏi vấn đề hình phạt và khen thưởng, Hải Vân trả lời phải lấy nhân từ, hành thiện làm đầu. Sau khi nước Kim sụp đổ, Hải Vân lại kiến nghị với Hốt Đô Hộ nên phong cho người cháu của Khổng Tử là Khổng Nguyên Thố (孔元措) tước vị “Diễn Thánh công”, kiến nghị này cũng được giới quý tộc Mông Cổ chấp nhận.

Cả bốn đời quân vương gồm Thành Cát Tư Hãn, Oa Khoát Đài, Quý Do và Mông Ca đều tôn kính Hải Vân. Hải Vân thuyết Pháp chu toàn, lòng trung hậu của ông cũng khiến giới quý tộc Mông Cổ phải khâm phục. Năm 1235, Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài thực hiện tuyển chọn người tu hành trong thiên hạ, Hải Vân được làm chủ trì, sau được phong là “Quang thiên trấn quốc đại sĩ”. Năm 1247, Quý Do Hãn ban chiếu thưởng cho Hải Vân một vạn lượng bạc.

Năm 1242, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt chưa lên ngôi nhưng đã đến Hải Vân xin thỉnh giáo Phật Pháp. Hốt Tất Liệt hỏi: “Trong Phật Pháp có Pháp nào vỗ yên thiên hạ không?” Hải Vân trả lời: “An nguy xã tắc nằm ở hạnh phúc nhân dân. Hạnh phúc nhân dân nằm ở việc chính trị. Việc chính trị không rời xa đạo trời, xa lòng người.

Sau khi Hốt Tất Liệt hỏi Phật Pháp đã theo Hải Vân thụ giới Bồ Tát. Sư Hải Vân khuyên Hốt Tất Liệt: “Luôn hiểu nỗi khổ của dân. Giúp dân yên ổn, thưởng phạt phân minh. Chấp chính vô tư, trọng dụng hiền tài, nghe lời can gián. Đều là Phật Pháp.” Sau này Hốt Tất Liệt lấy tên Hải Vân đổi tên thiền viện Phổ Tế ở Yên Kinh gọi là “Thiền viện Hải Vân”.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version