Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế am hiểu phong thủy nhất nhì lịch sử: 14 tuổi đã tìm ra long mạch vương triều

Long mạch là một khái niệm quan trọng trong Phong thủy học. Long mạch có sự liên hệ trực tiếp tới sự thịnh suy của vương triều và sự ổn định của giang sơn. Các bậc đế vương xưa rất coi trọng phong thủy, long mạch và trong lịch sử cũng lưu truyền rất nhiều câu chuyện liên quan.

Trong “Tuyết tâm phú chính giải” có viết: “Long mạch biểu thị hướng đi, độ nhấp nhô, sự chuyển hướng, biến hóa của mạch núi, từ đó suy luận bố cục tốt xấu của một vị trí địa lý nào đó”.

Văn hóa Trung Hoa cổ xưa cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ sinh ra đều có sự đối ứng, long mạch trên mặt đất đối ứng với nhân mạch trên nhân gian và thiên mạch trên Trời. Thiên mạch chính là “Thiên ý”, quyết định sự biến đổi của thiên tượng. Còn long mạch chính là mạch của địa tượng, quyết định sự biến hóa của địa tượng.

Bức tranh “Trung Quốc tam đại can long tổng giám“, được tuyển chọn từ cuốn “Tinh hiệu địa lý nhân tử tu tri“, do Từ Thiện Kế và Từ Thiện Thuật thời Minh biên soạn, vẽ ra ba long mạch lớn của Trung Quốc cổ đại. Ba long mạch lớn này chính là Bắc mạch, Trung mạch và Nam mạch.

Thuận Trị Hoàng đế (1638 – 1661), tức Thanh Thế Tổ, Hãn hiệu Ngạch Da Nhĩ Trát Tát Khắc Hãn, họ Ái Tân Giác La, húy Phúc Lâm, là Hoàng đế thứ ba và Hoàng đế người Mãn đầu tiên của nhà Thanh cai trị Trung Hoa sau khi Đại Thanh nhập quan. Ông ở ngôi từ năm 1644 đến năm 1661. Cuộc đời của ông mang đầy màu sắc huyền thoại. Theo các ghi chép lịch sử, Hoàng đế Thuận Trị là người vô cùng tài năng, tư chất thông minh thiên bẩm. Ông tinh thông Kinh dịch và Phong thủy, 14 tuổi có thể sử dụng “Ngọc bản chỉ” (Miếng ngọc được khắc chữ ở trên hay được khắc điển tịch quý hiếm dùng trong thời cổ đại của Trung Quốc) tìm ra mảnh đất phong thủy tuyệt vời cho triều đại nhà Thanh.

Tạo hình Hoàng đế Thuận Trị trên điện ảnh (ảnh: Sohu).

Từ thời cổ đại, phong thủy luôn được người Trung Hoa coi trọng. Quân vương trong các triều đại đều xây dựng lăng tẩm để lưu giữ sự may mắn, hưng vượng của quốc gia. Phong thủy trong việc đặt vị trí lăng tẩm vì thế càng được coi trọng. Trong cuốn cổ thư “Khiếu đình tạp lục” chép rằng Hoàng đế Thuận Trị đã đích thân lựa chọn vị trí đặt lăng tẩm. Đó là mảnh đất phong thủy mà dù là thầy địa lý giỏi cũng khó có thể tìm ra.

Sau khi Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực băng hà, Hội đồng Nghị chính Vương đại thần đã đề cử Thuận Trị lên ngôi đại thống, kế vị vào tháng 9 năm 1643, lúc đó ông mới có 6 tuổi. Đồng thời hội đồng cử ra trong tông thất hai người đồng Nhiếp chính: Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn (1612 – 1650), Hoàng thập tứ tử của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, cùng Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng (1599 – 1655), cháu trong họ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.

Từ năm 1643 đến năm 1650, quyền lực chính trị phần lớn nằm trong tay Đa Nhĩ Cổn. Năm 1651 khi Hoàng đế Thuận Trị 14 tuổi, ông phụng mệnh cùng Hiếu Trang Văn hoàng thái hậu dẫn hoàng hậu, phi tần, chư vương đại thần và thầy phong thủy cùng xuất cung tới Tuân Hóa. Lần này đi Thuận Trị đã có sự chuẩn bị chu đáo. Ông nghe nói phong thủy ở Mã Lan Dụ Phong Đài của Tuân Hóa rất tốt nên muốn tới kiểm tra xem xét. Trong cuốn Tội Duy Lục có một số ghi chép về phong thủy của đỉnh Phong Đài. Năm Sùng Trinh thứ 13, Hoàng đế Sùng Trinh cử Lưu Khổng Chiêu và Trương Chân nhân đến Tuân Hóa để tìm đất hợp phong thủy. Sau khi lựa chọn xong, Lưu Khổng Chiêu nói mặc dù đã tìm được đất hợp phong thủy nhưng chưa tìm được thời gian khai công tốt. Sau khi bấm đốt ngón tay, ông tính được thời gian khai công tốt nhất là vào năm Giáp Thân, cũng chính là năm Sùng Trinh thứ 17. Tuy nhiên, đây lại đúng là năm triều đại nhà Minh bị diệt vong.

Thuận Trị đi bộ lên đỉnh Phong Đài và quan sát tứ phía. Phía nam là đồng bằng trải rộng như tấm thảm, phía bắc là những dãy núi quanh co nối liền cùng với rừng cây rậm rạp. Phía đông và tây, đều là có khe nước xanh trong vắt, tạo thành hình dáng như bức tranh sơn thủy hữu tình hoàn hảo. Thuận Trị Hoàng đế rất lấy làm ưng ý với mảnh đất này, nên nói với những đại thần đi cùng: “Ngọn núi này vương khí rất hưng vượng, sau này có thể làm lăng tẩm của trẫm”. Ông quay người xuống ngựa, cung kính quỳ xuống hướng mặt về phía mặt trời mà cầu nguyện.

Đại thần Kham Dư và quan Khâm Thiên giám đi theo đã căn cứ theo phương vị Bát quái căn cứ vào Âm dương Ngũ hành và những cơ lý phong thủy để kiểm tra địa thế. Họ thấy núi Xương Thụy ở phía bắc là “Hậu long”, Ưng Phi Đảo Ngưỡng sơn là Thanh long, Hoàng Hoa sơn ở phía tây là Bạch hổ, Kim Tinh sơn ở phía Nam là Chiếu sơn. Cảnh Bích sơn ở phía xa là Án sơn; sông Mã Lan, sông Tây Đại tạo thành hình vòng cung chảy qua, hình thành nên bố cục sơn thủy hữu tình “Sơn hoàn thủy nhiễu, phụ âm bão dương”. Đây quả thực là mảnh đất có phong thủy hiếm có.

Sau khi kiểm tra địa hình, hai vị đại thần đi theo Hoàng đế Thuận Trị còn phát hiện long mạch từ trên Thái Hàng kéo dài mà tới, khí thế giống như hình một con sóng lớn. Từng dãy núi bao quanh tứ phía giống như thế tay của Đức Phật đang làm thủ ấn đại liên hoa. Không ở đâu có thể tìm được mảnh đất phúc địa tốt hơn nơi đây.

Thế là Hoàng đế tháo ngọc bản chỉ trên tay ra, ném về hướng nam và nói với cận thần: “Nơi ngọc bản chỉ rơi xuống chính là vị trí đặt lăng mộ của trẫm trong tương lai”. Mọi người tới vị trí ngọc bản được ném xuống, cắm một cây trâm vàng xuống đó, dùng bùn đắp lên, trên che bạt phủ lên, không để chúng bị ánh sáng mặt trời chói vào.

Sau đó trên mảnh đất này triều đại nhà Thanh đã xây dựng lăng mộ cho 5 Hoàng đế, đây chính là Thanh Đông Lăng nổi tiếng. Thanh Đông Lăng có tổng diện tích 80 km2, là khu lăng mộ hoàng gia lớn nhất trong khuôn viên ba khu lăng mộ của triều Thanh, bao gồm: Thế tổ Thuận Trị Hiếu lăng, Thánh tổ Khang Hy Cảnh lăng, Cao Tông Càn Long Dụ Lăng, Văn Tông Hàm Phong Định lăng, Mục Tông Đồng Trị Huệ lăng, Phổ Tường Dục Định Đông lăng là mộ của Từ An Thái hậu, Phổ Đà Dục Định Đông lăng mộ của Từ Hy Thái hậu. Đây cũng là nơi mai táng của 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa…

Sơ đồ minh họa kiến trúc của Thanh Đông Lăng (ảnh: Sohu).

Tất cả các lăng mộ hoàng gia tại Thanh Đông lăng đều được dựa theo mô hình được thiết lập bởi Hoàng đế Thuận Trị. Bố cục cơ bản gồm 3 phần: Thần đạo (con đường thần linh), cung điện và nhà bếp. Thanh Hiếu lăng là lăng mộ có Thần đạo phức tạp nhất với các cấu trúc từ nam ra bắc gồm cổng vòm đá, bia đá, cổng cung điện, sảnh thay đồ, vọng lâu đá, điêu khắc đá, cổng rồng phượng, cầu một vòm, cầu bảy vòm, cầu năm vòm, bia đá, cầu thẳng. Tại cung điện cũng chứa rất nhiều các cấu trúc gồm bia tưởng niệm, sảnh, cổng Long Ân, lò đốt lễ, Long Ân điện, phòng chôn cất, trụ cổng, bàn thờ đá, tháp tưởng niệm…

Rất nhiều hậu duệ người Mãn Châu hiện nay tin rằng, vị trí của Thanh Đông Lăng ở phần đầu long mạch của Trung Hoa, tráng lệ đẹp đẽ, là mảnh đất thực địa kim tỏa ngọc quan. Vì rồng là thần thú phân bố mưa cho Trái Đất, bởi vậy Thanh Đông Lăng mỗi năm đều có 72 trận mưa, không sai lệch chút nào.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, mảnh đất phong thủy được Thuận Trị Hoàng đế lựa chọn quả thực mang lại nhiều may mắn cho nhà Thanh. Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đều là những Hoàng đế tạo ra sự thịnh vượng cho triều đại nhà Thanh, lưu danh thiên cổ, nổi tiếng muôn đời.

Năm 1976, trận động đất 7,8 độ richter ở Đường Sơn san phẳng hầu như toàn bộ nhà cửa, phòng ốc ở khu vực xung quanh. Cũng nằm trong tâm chấn nhưng Thanh Đông Lăng không hề mảy may tổn hại. Điều này khiến các nhà khoa học không khỏi kinh ngạc. 

Theo ghi chép trong lịch sử, Hoàng đế Thuận Trị không những am hiểu nghiên cứu về Phong Thủy và Kinh Dịch mà còn nhất tâm hướng Phật. Khi Đa Nhĩ Cổn qua đời, Thuận Trị mới 12 tuổi và bắt đầu trực tiếp quản lý việc triều chính, cũng từ đây ông có được cơ duyên với Phật giáo khi quen biết với Biệt Sơn pháp sư.

Năm đó Hoàng đế Thuận Trị đi săn và biết trên núi có động Tri Chỉ, bên trong có Biệt Sơn pháp sư đã tọa thiền tu luyện trong động được 9 năm thì cảm thấy vô cùng khâm phục, bèn lên núi thăm. Biệt Sơn pháp sư ra khỏi động Tri Chỉ nghênh giá. Sau khi hồi cung, ông lập tức cho mở Vạn Thiện điện ở vườn Tây Uyển Tiêu (còn gọi là vườn Minh Tiêu). Ông thỉnh Pháp sư đến điện Vạn Thiện để tu thân, tham thiền. Nhưng sau khi đến theo tính lễ tiết, pháp sư bèn từ chối ý tốt của Hoàng thượng và trở về núi Cảnh Trung tu luyện.

Tuy không giữ chân được Biệt Sơn pháp sư nhưng đã giúp Thuận Trị khai thông. Ông vui mừng phát hiện ra rằng, trên thế giới còn có một số thế giới độc lập khác như thế giới của những người xuất gia không ăn thức ăn của nhân gian mà tâm tĩnh, không tham vọng những ảo mộng nhân gian. Cũng từ đó Thuận Trị ngày càng hứng thú với Phật giáo. Ông thường xuyên thỉnh các cao tăng của Phật giáo đến Vạn Thiện điện. Ông bắt đầu tin và cho rằng ngôi cao quyền trượng của bản thân chẳng qua cũng chỉ là phù du. Kiếp lai sinh ở đâu chưa thể biết, chỉ cần kiếp này thành tâm tham thiền ngộ pháp mới có thể thoát được bể khổ vô tận của kiếp người.

Đêm mùng 5 sáng mùng 6 tháng 2 năm 1661, Thuận Trị băng hà vì mắc đậu mùa. Sau khi ông mất, cuối cùng Hiếu Trang hoàng thái hậu đã chọn Huyền Diệu (Khang Hy) kế vị.

Kiên Định
Theo NTDTV

Exit mobile version