Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế chung thuỷ nhất lịch sử: chỉ một hoàng hậu, không nạp phi tần

Khi nghĩ đến các hoàng đế thời xưa, chúng ta thường liên tưởng tới “tam cung, lục viện” với hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Thế nhưng, ít ai biết rằng có một vị hoàng đế Trung Hoa suốt một đời chung thuỷ với một hoàng hậu, hoàn toàn không nạp thêm phi tần. Vị hoàng đế ấy cũng là một người con chí hiếu.

Minh Hiếu Tông (1470 – 1505), tên thật là Chu Hựu Đường, là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Minh và là con trai thứ 3 của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm và người mẹ xuất thân hàn vi họ Kỷ. Thời kỳ ông trị vì được các sử gia ghi nhận là “Hoằng Trị trung hưng”, với rất nhiều công lao cải cách kinh tế – chính trị, trừ bỏ bè lũ quan lại bất tài và hoạn quan lộng quyền thời trước, khiến cho triều chính thông suốt, lòng người hòa hợp.

Hoàng đế chung thuỷ bậc nhất cổ kim

Dù là thân cửu ngũ chí tôn nhưng Minh Hiếu Tông lại chỉ có duy nhất một người vợ là Hiếu Thành Kính hoàng hậu Trương thị. Trương hoàng hậu trở thành vợ của Minh Hiếu Tông từ năm 1487, khi ông vẫn đang là hoàng thái tử. Sau khi lên ngôi, Minh Hiếu Tông cũng không lập thêm thê thiếp nào mà chỉ chung tình với hoàng hậu, mặc kệ cho quan lại dâng tấu khẩn cầu như thế nào đi chăng nữa.

Minh Hiếu Tông và hoàng hậu của ông duy trì những thói quen sinh hoạt hàng ngày như những cặp vợ chồng bình thường. Theo sử sách ghi lại, có một lần Trương hoàng hậu bị sưng miệng, Hiếu Tông đã tự tay bưng nước, truyền thuốc cho bà. Thậm chí, ông còn không dám ho vì sợ làm phiền bà nghỉ ngơi. Điều này đối với một người đàn ông bình thường đã là đáng quý, huống hồ là bậc đế vương.

Không chỉ vậy, Minh Hiếu Tông còn dành đãi ngộ đặc biệt cho gia đình Trương hoàng hậu. Khi lập hậu được 4 năm, phụ thân Trương hoàng hậu là Trương Loan được phong bá, khi chết đi được truy phong là Xương Quốc công. Hai em trai của hoàng hậu là Trương Hạc Linh được phong là Thọ Ninh hầu và Trương Diên Linh phong Xương hầu.

Minh Hiếu Tông. (Ảnh: wikipedia.org)

Tuổi thơ cơ cực

Có người cho rằng sở dĩ Minh Hiếu Tông suốt đời chỉ chung thuỷ với hoàng hậu là vì tuổi thơ ông đã chứng kiến những hiểm độc và nếm trải đủ đắng cay chốn hậu cung của cha mình là Minh Hiến Tông.

Mẹ đẻ của ông là Kỷ thục phi, con gái một viên quan tộc người thiểu số vùng đất Quảng Tây xa xôi. Theo Minh sử, bấy giờ Vạn quý phi là người được vua Minh Hiến Tông sủng ái nhất. Vạn quý phi sinh hạ được một hoàng tử, nhưng chẳng may bị chết yểu, từ đó bà không thể mang thai thêm lần nữa. Lo sợ người khác có thể cướp mất vị trí của mình, Vạn Quý phi lập dã tâm không để cho bất cứ phi tần nào được sinh con. Bà giết tất cả những đứa trẻ là con của hoàng đế với các phi tần khác. Chỉ cần phát hiện phi tần nào mang thai, bà lập tức bỏ thuốc độc, ép phá thai, thậm chí còn giết chết người đó, thủ đoạn vô cùng thâm độc (2).

Khi biết Kỷ thị có mang, Vạn quý phi bèn sai một cung nữ đem thuốc phá thai tới bắt uống. May mắn thay, cung nữ này động lòng trắc ẩn đã không thực hiện mệnh lệnh, mà trở về nói dối rằng Kỷ thị không có thai mà bị mắc bệnh báng bụng. Vạn quý phi tin cho là thật, lệnh đuổi Kỷ thị ra sống ở An Lạc đường, một lãnh cung cực kỳ hẻo lánh. Năm Thành Hóa thứ sáu (1470), Chu Hựu Đường được Kỷ thị bí mật sinh ra. Nhờ thái giám đùm bọc che giấu, nên Vạn quý phi, hoàng đế Hiến Tông cùng hầu hết các quan đại thần không hề hay biết tới sự hiện diện của vị hoàng tử này.

Năm năm sau, Hiến Tông đã ba mươi tuổi, tâm trạng u uất bởi những đau đớn của hai lần chết con, đã thốt lên: “Trời! Trên đầu trẫm tóc đã bạc rồi, nhưng vẫn chưa có người con nào, thật đáng buồn!” Thái giám Trương Mẫn thấy thời cơ đã tới, bèn quỳ xuống tâu: “Vạn tuế gia đã có hoàng tử rồi, hiện hoàng tử đang ở Tây Nội”. Nhờ đó, cả triều đình mới biết một sự thực vô cùng đáng mừng vẫn được giữ kín bấy lâu. Hoàng đế cử Hoài Ân đến Nội các tuyên chiếu, bố cáo cho thiên hạ rõ. Hiến Tông đích thân đặt tên cho hoàng tử là Hựu Đường, phong Kỷ thị làm thục phi, đón vào cung Vĩnh Thọ.

Không lâu sau, Kỷ thục phi và thái giám Trương Mẫn bị Vạn quý phi ngầm sai người sát hại, khiến trong cung triều Minh lại thêm một nghi án. Hiếu Túc Chu thái hậu (mẹ đẻ của Hiến Tông) lo lắng hoàng tôn bị hãm hại, bèn đón Hựu Đường vào cung Nhân Thọ cùng ở với mình, nhờ vậy hoàng tử được bảo hộ nghiêm mật.

Người con hiếu thuận

Năm 1487, Hiến Tông băng hà, hoàng thái tử Chu Hựu Đường kế thừa ngôi đại thống, đổi niên hiệu là Hoằng Trị.

Mặc dù khi lên ngôi đã không còn cha mẹ, nhưng Hựu Đường vẫn nổi tiếng là ông vua chí hiếu. Ông không bao giờ sao nhãng việc vấn an, trực hầu và xin nghe lời chỉ dạy của thái hoàng thái hậu (mẹ của vua Hiến Tông – bà nội).  

Đặc biệt, đối với người mẹ Kỷ thị của Hiếu Tông, tình thân quả thực khác thường. Từ thuở chào đời mãi đến khi sáu tuổi, ông chung sống với mẹ trong cảnh lén lút ở An Lạc đường lạnh lẽo âm u, Kỷ thị đã nuốt mọi niềm cay đắng vào trong lòng để nuôi con. Vừa mới thoát khỏi cuộc sống đen tối, còn chưa kịp để cho người con báo đáp công ơn dưỡng dục, thì Kỷ thị đã đột ngột qua đời. Sau khi Hựu Đường lên ngôi, ông đã truy tôn Kỷ thị làm hoàng thái hậu, đem di thể bà dời tới chôn ở Mậu Lăng, nơi an táng Hiến Tông.

Nghi án về cái chết của Kỷ thị, các đại thần đều dâng tấu xin được điều tra tìm đến tận cùng nguồn gốc. Nhiều người đề xuất cần phải làm sáng tỏ tội ác của Vạn quý phi, tước đoạt thụy hiệu của bà. Thế nhưng, Hựu Đường cho rằng nếu tiếp tục truy xét sẽ liên quan tới cha mình là Hiến Tông, điều này không hợp với đạo lý “Tử vi phụ ẩn” (con giấu tội cho cha) (1). Hựu Đường đã biểu hiện thái độ khoan dung nhân hậu, truyền chỉ không cho phép nhắc tới chuyện đó nữa, vì vậy đã được trăm họ ngợi ca. Cách thể hiện chữ hiếu của Hựu Đường khác hẳn với thói thường thế nhân, không tiêu diệt bè đảng của Vạn quý phi để trả thù cho thân mẫu. Hựu Đường đã chọn cách lấy ân báo oán, lấy từ bi hoá giải hận thù để xây dựng đạo hiếu, vì vậy đạo hiếu của ông mang tính nhân văn cao cả.

Tình cảm nhớ thương vô tận đối với mẹ hiền Kỷ thị, Hiếu Tông đi tìm thân thuộc đưa về kinh sư để báo đáp. Dù vấp phải nhiều trắc trở nhưng Hựu Đường vẫn không nản chí, lần lượt cử các quan viên tới Quảng Tây để truy tìm tông tích. Về sau, Hựu Đường lập miếu vũ tôn thờ ngoại tộc ở phủ Quế Lâm (Quảng Tây), truy phong cho cha của Kỷ thái hậu là Thôi Thành Tuyên Lực Vũ Thần Đặc Tiến Quang Lộc đại phu Trụ Quốc Khánh Nguyên Bá, thụy hiệu là Đoan Hi, truy phong mẹ của Kỷ thái hậu là Bá phu nhân.

(Ảnh minh họa: xuehua.tw)

Vị quân chủ anh minh

Khi mới lên ngôi, Minh Hiếu Tông phải đối mặt với tình thế nghiêm trọng, mâu thuẫn giữa bè đảng của Vạn quý phi và phe thái giám ngày càng trở nên sâu sắc, triều Minh lâm vào cảnh hỗn loạn. Hiếu Tông đã ra sức chỉnh đốn chế độ, chấn hưng vương triều. Ông đã cách chức rất nhiều kẻ gian tà, đồng thời ra sức tuyển chọn bổ nhiệm người hiền tài, thực thi chính sách nghiêm khắc kiểm tra phẩm chất quan lại… làm cho triều chính ngày càng vững vàng, thịnh trị.

Không chỉ nghiêm khắc trong việc chấp pháp, Hiếu Tông cũng nổi danh là một ông vua có đức khoan dung nhân từ. Ông chỉ dụ cho quần thần: “Từ nay trong khi hỏi tội, cần thiết phải giữ lòng khoan thứ nhân hậu, chấp pháp cần phải công bằng, cân nhắc từng lời nói, quan sát sắc mặt, thẩm vấn tình tiết kỹ càng” (Minh Hiếu Tông thực lục). Ông luôn sử dụng chính sách vỗ yên nhân dân, thường xuyên xuất lương thực cứu giúp những vùng bị thiên tai, hỗ trợ người nghèo, miễn giảm thuế dịch…

Sử sách Trung Quốc gọi Chu Hựu Đường là “Trung Hưng lệnh chủ”, đánh giá là ông vua triều Minh đáng ca ngợi kế tiếp sau Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sau khi Chu Hựu Đường băng hà, căn cứ vào đức độ lúc bình sinh của ông mà hoàng tử Chu Hậu Chiếu kế ngôi đã suy tôn miếu hiệu của ông là Hiếu Tông Hoàng Đế.

Bách thiện hiếu vi tiên

Chung thuỷ và hiếu thuận là hai phẩm chất tưởng chừng tách biệt, nhưng thực ra lại rất có liên quan, cuộc đời Minh Hiếu Tông đã tỏ rõ cho người đời sau điều ấy. Phải chăng vì hiếu thuận với mẹ, nên Hiếu Tông thấu hiểu và cảm thông với những đau khổ của người phụ nữ chốn hậu cung, và ông quyết tâm không để vợ của mình phải chịu tổn thương như vậy?

Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu) quả là có đạo lý. Lòng hiếu thuận của một người có thể bồi dưỡng thêm, mở rộng thêm trở thành lòng kính trọng, nhân từ đối với tất cả mọi người trong thiên hạ. Một ông vua có lòng hiếu thuận thì cũng dễ dàng bao dung, nhân từ với thê tử của mình, khoan hậu đối với thần dân của mình.

Vậy nên những người phụ nữ muốn chọn cho mình ý trung nhân trọn đời chung thuỷ, phải chăng cũng cần xét xem họ có hiếu thuận với cha mẹ hay không? Với cha mẹ còn không hiếu thuận, thì mong gì đến yêu thương người nào khác nữa!

Khiêm Từ

(Tổng hợp và biên soạn)

Chú thích:

(1) “Luận Ngữ – Tử Lộ” viết: “Ngô đảng chi trực giả dị ư thị, phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn, trực tại kì trung hĩ” (Người ngay thẳng trong làng tôi khác với làng đó, cha dấu tội cho con, con dấu tội cho cha, sự ngay thẳng ở trong đó).

(2) Vạn quý phi vốn là nhũ mẫu của Minh Hiến Tông, hơn ông tới 20 tuổi, đã cận kề chăm sóc ông chu đáo từ thời thơ ấu ngay cả khi ông là thái tử bị phế. Sau này, Hiến Tông bất chấp sự phản đối của Chu thái hậu vẫn lập bà làm quý phi. Sự việc Vạn quý phi một tay hại chết các hoàng nhi của Hiến Tông được chép trong Minh sử, soạn vào thời nhà Thanh, nhưng lại không xuất hiện trong “Hiến Tông thực lục” đương thời. Các sử gia còn hoài nghi về tính xác thực của việc này.

Xem thêm:

Exit mobile version