Văn Tuyên đế của nước Bắc Tề từng muốn giết một vị thiền sư nhưng sau đó lại hối lỗi và quỳ xuống cầu xin cho phép sửa sai. Vị thiền sư ấy là ai và đã làm gì khiến Văn Tuyên đế thay đổi thái độ như vậy?
1. Thần thông của Phật Pháp
Thiền sư Tiểu Trù là người Nghiệp Thành, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, sống vào thời Bắc Tề thuộc Nam Bắc triều. Trong chùa Thiếu Lâm nơi ông xuất gia, các tiểu hòa thượng có thói quen đấu vật đọ sức vào những lúc nhàn rỗi. Thiền sư Tiểu Trù sức yếu nên thường hay bị các bạn đồng môn ức hiếp và bắt nạt.
Một ngày, ông chạy vào trong Phật điện và đóng chặt cửa lại, rồi ôm lấy chân của pho tượng Thần Kim Cang Đại Lực Sĩ mà phát thệ rằng: “Con yếu đuối nên thường bị các huynh đệ đồng môn bắt nạt, thật sự không thể chịu đựng thêm được nữa. Ngài là Thần Đại Lực Sĩ, con nguyện ôm chân của ngài 7 ngày như vậy, xin Ngài hãy che chở cho con”.
Sau khi phát thệ, mỗi ngày ông đều dành thời gian đến ôm chân của Kim Cang Thần và thành tâm cầu nguyện. Những ngày đầu không có gì khác biệt, nhưng ý chí của ông vẫn vô cùng kiên định. Đến ngày thứ 6, khi trời sắp sáng, Thần Kim Cang Lực Sĩ đã thị hiện trước mặt thiền sư Tiểu Trù. Trong tay Ngài cầm một cái bát lớn đựng đầy gân thịt, nói với thiền sư rằng:
“Con muốn có sức mạnh không?”.
“Con muốn!”. Thiền sư Tiểu Trù trả lời.
“Con có thành tâm thực ý không?”.
“Con thành tâm thực ý!”.
“Con có thể ăn bát gân thịt này không?”.
“Không thể”.
“Tại sao không thể?”.
“Người xuất gia không thể ăn thịt được!”.
Kim Cang Thần bèn bưng chiếc bát rồi giơ thanh đao lên và bảo thiền sư Tiểu Trù nhìn theo. Cùng lúc, Ngài vung mạnh chiếc chùy Kim Cang và nói một cách dứt khoát: “Đây là gân thịt, cần phải ăn mới có thể gia tăng sức mạnh!”. Thiền sư Tiểu Trù lúc này mới dè dặt chấp nhận ăn gân thịt.
Kim Cang Thần nói: “Con đã tăng thêm sức mạnh rồi, nhưng vẫn cần phải cố gắng tiếp tục tu hành, tuân thủ giới luật, con hãy tự mình giải quyết cho tốt!”.
Khi Kim Cang Lực Sĩ rời đi thì trời cũng tảng sáng. Thiền sư Tiểu Trù về đến nơi ở của mình, các tiểu hòa thượng hỏi ông: “Ê, tiểu tử, nhà ngươi vừa mới đi đâu về đấy?”.
Thiền sư Tiểu Trù không nói lời nào. Một lúc sau, chúng tiểu hòa thượng lại xúm lại muốn bắt nạt ông. Thiền sư Tiểu Trù nói: “Tôi giờ đã có sức mạnh rồi, chỉ sợ các huynh đệ không chịu nổi thôi!”.
Các tiểu hòa thượng thử túm lấy cánh tay của ông, cảm thấy cánh tay của thiền sư xương thịt rắn chắc, người bình thường không thể sánh bằng. Các tiểu hòa thượng đều rất kinh ngạc. Thiền sư Tiểu Trù nói: “Tôi sẽ thử cho các cậu xem!”.
Nói xong, thiền sư đạp chân nhảy lên tường, trên không bay từ Đông sang Tây, đi ước chừng mấy trăm bước lại từ đất bằng nhảy lên, đầu óc gần như đụng phải mái nhà, một mạch nhảy liền mấy lần. Sau đó, lại dùng sức nhấc cái đỉnh nghìn cân, rồi tay lại đấm quyền, thân thủ mau lẹ, chúng hòa thượng đều không khỏi trợn mắt há mồm.
Các tiểu hòa thượng bắt nạt ông ngày trước sợ đến quỳ rạp trên mặt đất, khắp người đổ mồ hôi, không dám ngẩng đầu lên nhìn.
Về sau, thiền sư Tiểu Trù khắc khổ tu luyện, kỹ nghệ càng thêm vượt trội. Rất đông đệ tử đi theo ông. Thế là, ông đi vào trong núi sâu, dựng lên một ngôi chùa hùng vĩ đồ sộ. Lúc này, số hòa thượng theo ông tu tập Phật Pháp đã lên đến hàng mấy nghìn người.
2. Trước Phật Pháp, Hoàng đế phải quỳ gối
Văn Tuyên đế của Bắc Tề nghe và tin theo lời sàm tấu của gian thần, nói thiền sư Trù tập trung mọi người nghe giảng kinh ở ngôi chùa trong núi sâu là có ý đồ mưu phản. Thế là đích thân thống lĩnh tinh binh đi thảo phạt, muốn giết chết thiền sư Trù.
Thiền sư Trù từ sớm đã đoán ra được. Ông bình thường trước nay chưa hề đi xuống nhà bếp, lần này đột nhiên đến nhà bếp căn dặn: “Ngày mai, có lượng lớn khách quý đến chơi, chuẩn bị nhiều cơm rau để chiêu đãi”.
Đêm đó, khi trời gần sáng, thiền sư Tiểu Trù một mình đi đến cửa vào khe núi, cách ngôi chùa hơn 20 dặm, đứng ở bên đường chờ đợi.
Một lúc sau, Văn Tuyên đế dẫn theo quân đội đã đến nơi này. Hoàng đế vừa trông thấy thiền sư, rất lấy làm kinh ngạc, hỏi rằng: “Đại sư, sao ông lại một mình đứng ở đây vậy?”.
“Bệ hạ muốn giết bần tăng, tôi sợ máu bắn vào chùa làm dấy bẩn đất Phật. Vậy nên đặc biệt đến cửa núi xin đợi thụ hình”. Thiền sư Trù nói một cách khẳng khái.
Văn Tuyên đế nghe xong giật mình, thấy thiền sư Tiểu Trù thần cơ diệu toán như vậy, vội xuống ngựa quỳ lạy dưới đất, hối hận không kịp, xấu hổ không thôi. Ông cầu xin thiền sư cho phép ông hối lỗi sửa sai.
Thiền sư Trù không nói gì. Một lúc sau, Tuyên Văn đế đến chùa, nhà bếp thiết đãi tiệc chay, chiêu đãi hoàng đế và binh sĩ.
Sau bữa cơm, Văn Tuyên đế thỉnh cầu rằng: “Nghe nói đại sư từ chỗ Thần Kim Cang Lực Sĩ học được thần lực, hôm nay trẫm muốn nhìn một lần cho thỏa, không biết đại sư có vui lòng hay không?”.
Thiền sư Tiểu Trù nói: “Sức mạnh ngày trước của tôi chẳng qua chỉ là sức mạnh của người thường. Hôm nay, tôi sẽ biểu diễu thần lực một chút, ngài có muốn xem hay không?”.
Văn Tuyên đế nói: “Muốn lắm, muốn lắm, xin đại sư biểu diễn cho”.
Thế là, thiền sư Trù bèn niệm động chú ngữ, lập tức, mấy khúc gỗ lớn còn thừa khi xây chùa đã bay lên trên không trung, trên không trung va đập vào nhau, phát ra tiếng vang như sấm rền, có những khúc gỗ đụng đến nát vụn, mảnh gỗ bay lả tả xuống dưới giống như mưa tuyết vậy.
Văn Tuyên đế giật mình, các quan viên, binh sĩ đi theo sợ đến bỏ chạy tán loạn. Văn Tuyên đế quỳ xuống đất cứ mãi dập đầu cầu xin đại sư hãy ngưng biểu diễn. Đồng thời, lập tức hạ lệnh: “Đại sư có thể nhận đồ đệ, xây chùa, giảng kinh, ai cũng không được phép can thiệp!”.
Về sau, thiền sư Tiểu Trù xây chùa ở Tịnh Châu. Ngôi chùa còn chưa xây xong thì ông đã viên tịch. Trước khi mất, ông còn canh cánh chẳng quên việc xây chùa ở Tịnh Châu, ông nói: “Ta phát nguyện: Sau khi chết, một đời sau phải tiếp tục xây xong ngôi chùa này!”.
30 năm sau, Tùy Văn đế lên ngôi và có đi qua Tịnh Châu, khi đi qua ngôi chùa còn chưa xây xong này, bèn dập đầu vái lạy, sau đó hạ lệnh, lệnh cho quan viên Tịnh Châu đồng tâm hiệp lực mau chóng hoàn tất công trình còn đang dang dở này.
Sau khi ngôi chùa Tịnh Châu này xây xong, có một vị cao nhân truyền ra lời, nói rằng: “Tùy Văn đế chính là đại lực sĩ thiền sư Tiểu Trù năm xưa chuyển sinh!”.
(Theo “Cao Tăng truyện” – Kim Cang Đại Lực Sĩ là cầm Kim Cang chùy, một loại binh khí của Ấn Độ cổ bảo hộ Phật Pháp, trong chùa có tượng Tứ Đại Thiên Vương, thường gọi là “Tứ Đại Kim Cang”).
Phi Long biên dịch