Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (10): Quản lý sông ngòi lao tâm lực; tuần thú phương Nam lệ xót xa

Nhìn thấy trang trại và đồng ruộng bị lũ nhấn chìm mà vô cùng xót xa, Khang Hy nói với Tổng đốc Lưỡng Giang, Vương Tân Mệnh: “Khanh là một vị quan đại thần địa phương, hãy nghĩ cách khơi thông đường sông để cứu vớt dân chúng địa phương, như thế mới thể hiện được tâm ý nhớ thương dân chúng của trẫm”. 

Nước sông Hoàng Hà bắt nguồn từ Thiên Thượng, cuồn cuộn chảy tưới tiêu cho đồng ruộng xanh tốt và thai nghén nền văn minh Hoa Hạ suốt 5.000 năm. Nhưng bởi vì nhiều lần nước dâng cao, sông Hoàng Hà tạo nên những trận lũ nghiêm trọng khiến cho nhiều đoạn đê bị vỡ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người Trung Quốc xưa dựa vào nông nghiệp lập quốc, làm sao để Hoàng Hà yên ổn là kế sách của đất nước về vấn đề lương thực, thủy vận, tài phú cùng những vấn đề khác. Do vậy, việc quản lý sông cũng trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu mà các đời quân vương suy tính. 

Hơn 2.000 năm trước, Thánh vương Đại Vũ trị thủy suốt 13 năm, đi qua cửa mà không vào nhà, dãi gió dầm mưa cuối cùng đã dẹp được loạn hồng thủy tàn sát bừa bãi. Đến thời nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hy cũng bởi việc trị Hoàng Hà mà thẩm định giám sát tuyển nhân tài, khảo sát thực tế, lo lắng ngày đêm suốt hơn 40 năm, cuối cùng đã đạt được công lao và thành tích trác tuyệt giúp dòng chảy ổn định suốt hơn 20 năm. 

Trong lịch sử, sông Hoàng Hà cũng có mấy lần đổi hướng dòng chảy. Vào thời Nam Tống, người Tống đã đào đắp đê lớn và khai thông lòng sông, dùng nước thay binh để kháng lại quân Kim xâm lấn, khiến dòng chảy của sông hướng về phương Nam, khiến nước không vào được sông Hoài để đổ ra biển. Từ đó về sau, hơn 700 năm, dòng chảy phía Nam sông Hoàng Hà không còn được ổn định nữa, thường xuyên gây vỡ đê và ngập lụt. Đến triều đại nhà Minh, dưới sự nỗ lực của danh thần quản lý sông Phan Quý Tuần và những người khác, sông Hoàng Hà về cơ bản đã hình thành dòng chảy chính từ đông nam Hà Nam đến Từ Châu.

Vào đầu triều đại nhà Thanh, do chiến tranh loạn lạc, hạ lưu sông Hoàng Hà không được tu sửa, lũ lụt lại hoành hành một lần nữa. Từ khi Hoàng đế Khang Hy tự mình chấp chính, vì việc quản lý sông ngòi mà ngày đêm lao tâm suy nghĩ, thậm chí ông còn khắc vấn đề ‘thủy vận’ lên cột trong cung để nhắc nhở bản thân, coi đây là việc lớn cần phải làm trong suốt sự nghiệp chấp chính của mình. Vậy lý niệm và quá trình quản lý sông ngòi của ông như thế nào? 

Chuyên gia quản lý sông

Ngự sử Lục Tộ Phiên nói: “Tổng đốc đường sông có trách nhiệm trọng đại, phải chọn người có nhiều kinh nghiệm và tài năng trong việc quản lý sông ngòi để đảm nhiệm chức vị này”. 

Cận Phụ, danh thần quản lý sông ngòi và mưu sĩ Trần Hoàng đang triển khai kế hoạch trị thủy lâu dài. Một phần của bức tranh trong cuốn ‘Khang Hy nam tuần đồ’ của Vương Huy thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Mỗi năm dòng chảy sông Hoàng Hà mang theo lượng phù sa khổng lồ, trầm tích ở khu vực hạ lưu sông, khiến cho đất dưới lòng sông cao hơn mặt đất bên ngoài mấy mét. Mỗi khi gặp mùa mưa, dòng nước trên sông Hoàng Hà rất dễ gây vỡ đê tạo thành lũ lụt, cho nên nhiều năm nay con người thường phải đắp đê xây kè ngăn nước. Thời nhà Thanh, lũ lụt trên sông Hoàng Hà thường tập trung chủ yếu ở Thanh Khẩu phía đông hồ Hồng Trạch. Thanh Khẩu không chỉ là chỗ giao nhau giữa Hoàng Hà và sông Hoài, nơi đây còn là đầu mối kênh đào quan trọng nối liền giao thông đường sông Nam Bắc. Sông Hoài yếu thế, thường khiến dòng Hoàng Hà chảy ngược, hai sông chảy mạnh vào khu vực này gây ra lũ lụt. 

Một khi xảy ra lũ lụt, Thanh Khẩu gần Hoài An khiến cho vùng đất rộng lớn gồm 7 huyện thuộc Dương Châu là Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Sơn Đông đều chịu nguy hại. Hàng năm có tới 400 vạn thạch (4,8 triệu tấn) lương thực vận chuyển bằng đường thủy chịu ảnh hưởng. Độ sâu của lũ lụt cũng đang tăng lên từng ngày. 

Vào năm thứ 15 của Hoàng đế Khang Hy (1676), Hoàng Hà phát sinh lũ lụt, song song với việc bình định tam phiên, ông cũng tiến hành quản lý toàn diện lưu vực sông Hoàng Hà. Ông cử quan viên xuôi về phía Nam đến Hoài Dương thị sát công trình trị thủy, xác định cách thức tu sửa đê đập, đưa ra giải pháp “vất vả một lần để cả đời nhàn nhã”, cho thấy quyết tâm quản lý dòng chảy thành công của ông. 

Triều đình sắp đặt một cơ cấu chuyên nghiệp để quản lý sông ngòi, chức vụ quản lý cao nhất là Tổng đốc đường sông, gọi tắt là “Tổng sông”, quản lý quân đội có tên gọi “Sông tiêu”. Tổng đốc đường sông cùng Tổng đốc giao thông đường thủy là chức quan tương đương với chức quan Tổng đốc địa phương, quyền lực và trách nhiệm rất lớn. Hoàng đế Khang Hy cũng rất coi trọng việc bổ nhiệm người vào chức vị Tổng sông. Chức vị này liên tiếp được nắm giữ bởi các đại thần nổi tiếng như Cận Phụ, Vu Thành Long, Trương Bằng Cách cùng những người khác. 

Cận Phụ rất am hiểu lịch kinh sử, từng tại Quốc sử viện tham gia biên soạn và tu sửa cuốn ‘Thuận Trị hướng thực lục’. Sau này ông đảm nhiệm chức vụ Học sĩ nội các, làm quan Tuần phủ huyện An Huy, có thành tựu chính trị nổi bật. Ban đầu ông cũng không am hiểu về thủy lợi. Nhưng khi đảm nhiệm chức vụ tại An Huy, một hôm đi qua nhà thờ Lữ Ông ở Hàm Đan, ngẫu nhiên ông đọc được bài thơ viết trên vách tường: 

Phú quý vinh hoa ngũ thập thu, 
Túng nhiên nhất mộng dã phong lưu. 
Nhi kim lạc thác hàm đan đạo, 
Yếu dữ tiên sinh tá chẩm đầu.

Tạm dịch:

Vinh hoa phú quý năm mươi năm,
Dẫu rằng nhất mộng cũng phong lưu.
Dòng chảy Hàm Đan nay chán chường,
Muốn cùng tiên sinh mượn gối đầu

Nhìn thấy nét mực bài thơ vẫn chưa khô, Cận Phụ suy đoán rằng tác giả cũng chưa đi xa. Đọc nội dung bài thơ, ông cảm nhận được sự oán giận bản thân có tài mà không gặp thời, cảm thấy tác giả là người không bình thường, liền phái tùy tùng tìm kiếm tứ phương, cuối cùng cũng gặp được tác giả bài thơ. Người này là Tiễn đường Kỳ sĩ, tên là Trần Hoàng. Bình thường ông không yêu thích văn bát cổ, đam mê nghiên cứu thiên văn địa lý, thủy lợi sông ngòi, thông thạo đạo quản lý sông. Sau khi gặp mặt, Cận Phụ liền coi người này là tri kỷ, mời làm phụ tá cho mình. 

Vào năm Khang Hy thứ 16 (1677), Cận Phụ đến Giang Tô nhậm chức, bắt đầu cùng Trần Hoàng trị thủy trong thời gian dài. Họ dùng thời gian 2 tháng để đi dọc theo sông tìm hiểu tình hình nước, hỏi thăm dân chúng xung quanh và xem lại lịch sử quản lý sông qua các triều đại, tổng kết kinh nghiệm của bậc tiền nhân. 

Thế là, Cận Phụ cho rằng nên kế thừa sách lược “Đắp đê ngăn nước, lấy nước xông cát” của Phan Quý Tuần, đã lần lượt gửi 8 bản tấu chương “Quản lý công trình trị thủy” cùng 8 bản chi tiết trình lên cho Hoàng đế Khang Hy. Chủ trương của Cận Phụ là đường sông và đường vận chuyển hợp lại thành một, cho nên cần xây dựng một kế hoạch quản lý toàn diện có lợi cho việc kiểm soát lũ lụt, giảm thiên tai và giao thông đường thủy thông suốt. Ý tưởng chính của ông là xây dựng đê kè cao cùng với nạo vét kênh mương sông ngòi, mở sông dẫn nước, xây dựng bờ đê thoải để ngăn lỗ thủng… thực hiện giữ xanh quét vàng, tức là nâng cao mực nước trên sông Hoài để rửa trôi phù sa lắng đọng trên sông Hoàng Hà. Như vậy, nước sông Hoàng Hà cũng giảm đi sự cản trở đối với vận chuyển trên sông, đồng thời tăng cường năng lực đổ nước ra biển của Hoàng Hà và sông Hoài. 

Sau nhiều vòng thương nghị của triều đình, Hoàng đế Khang Hy quyết định để cho Cận Phụ chịu trách nhiệm toàn quyền phụ trách công trình trị thủy, đồng thời cấp 250 vạn lượng để xử lý và hạn định thời hạn công trình cần hoàn thành là 3 năm. Kể từ năm Khang Hy thứ 17, Cận Phụ và Trần Hoàng đã triển khai kế hoạch thực hiện việc lớn thứ 3 – quản lý tốt dòng chảy của sông Hoàng Hà và sông Hoài. Trong quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình trị thủy, Cận Phụ còn tự mình ra tận hiện trường để chỉ huy hoạt động. 

Trong vòng 3 năm, Cận Phụ dẫn theo thuộc hạ của mình cùng nhiều dân chúng địa phương xây dựng công trình Thanh Khẩu, Cao Gia Yển, Thanh Thủy Đàm, đê Quy Nhân…, thực hiện thành công việc dẫn nước sông Hoàng Hà ra biển. 

Lần đầu đi tuần phương Nam 

Trong cuốn ‘Khang Hy triêu thực lục’, Hoàng đế Khang Hy nói: “Đê sông Hoàng Hà nhiều lần bị vỡ gây nguy hại dân chúng. Trẫm muốn đích thân đến những nơi thường xuyên có lũ lụt, khảo sát địa hình và kiểm tra các công trình đê đập”. 

Hoàng đế Khang Hy vì muốn tìm ra sách lược quản lý sông tốt nhất, ông đã quyết định đích thân đi thị sát công trình, triển khai đi tuần phương nam. Bức tranh là một phần trong cuốn ‘Khang Hy nam tuần đồ’ của Vương Huy thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Mặc dù Cận Phụ làm việc cẩn trọng nhưng trong quá trình trị thủy vẫn xuất hiện những tình huống không lường trước được. Sau khi tiếp quản công trình trì sông, lũ lụt lại liên tiếp xảy ra trong 2 năm nên ông không thể hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, mấy khúc sông còn xuất hiện vỡ đê lần nữa. Rất nhiều quan viên tỏ thái độ bất đồng chính kiến với Cận Phụ, mượn cớ này để công kích, nghi hoặc tính hiệu quả trong công trình trị thủy mà ông đang thực hiện, muốn đem nhóm người Cận Phụ đi cách chức hỏi tội. Hoàng đế Khang Hy cảm thông với những vất vả mà Cận Phụ trải qua trong quá trình quản lý sông ngòi nên đã lệnh cho ông giám sát việc tu bổ công trình trị thủy trên sông Hoàng Hà để lập công chuộc tội. 

Vào năm Khang Hy thứ 21 (1682), Hoàng đế Khang Hy cử các quan chức đến hiện trường để khảo sát công trình, đồng thời cũng mời Cận Phụ đến họp bàn. Cận Phụ cùng các quan viên khảo sát tranh luận kịch liệt, không bên nào chịu nhường bên nào. Cận Phụ cũng thượng tấu nói rằng hiện tại công trình trị thủy đã hoàn thành phần cơ bản, nhưng còn cần sửa lại ở địa điểm Tiêu Gia Độ, dự kiến khoảng năm 22 là hoàn thành toàn bộ. Sau đó ông trình lên mấy điểm đê đập cần sửa hoàn thiện trong toàn bộ hệ thống phòng lụt. Hoàng đế Khang Hy đã nghe theo đề nghị của ông, đồng thời khôi phục cho ông chức vụ Tổng sông. 

Vào năm thứ 23, bình định xong Tam Phiên và Đài Loan, Hoàng đế Khang Hy đã thống nhất được Trung Nguyên. Vì muốn tìm phương pháp quản lý sông ngòi tốt nhất nên Hoàng đế Khang Hy đã quyết định đích thân đi thị sát các công trình trị thủy, tiến hành tự mình đi tuần phương Nam. Vào tháng 9, sau khi đến thăm tỉnh Sơn Đông, đi qua Túc Thiên, huyện Đào Nguyên (nay là Tứ Dương), thị sát công trình trị thủy ở bờ Bắc của sông Hoàng Hà. 

Trước khi quyết định đi thị sát, Hoàng đế Khang Hy biết rằng nhiệm vụ quản lý sông nước là gian nan và khó khăn, nhưng cũng chưa từng tận mắt chứng kiến, cho nên không thể hiểu rõ nước sông cuồn cuộn cùng với tình huống chân thật của đê đập. Chuyến đi tuần phương Nam lần này giúp Hoàng đế Khang Hy có thêm kinh nghiệm khảo sát thực địa, lúc cùng thảo luận với hạ thần cai quản sông, ông có được những giải thích độc đáo.

Ông nói với Cận Phụ 3 quan điểm: Một là đê đập ở Tiêu Gia Độ, Cửu Lý Cương, Thôi Gia trấn cùng 7 địa điểm khác đều cần phòng hộ thêm vì những nơi này thường xảy ra lũ lụt. Hai là những kênh đào dẫn nước từ Hoàng Hà đang bị hỏng hóc và đê hai bên bờ sông cần phải gia cố thêm để phòng ngừa vỡ. Ba là đập đước chỉ có thể nhất thời giảm được tai nạn, cách trì sông quan trọng nhất ở điểm là đảm bảo làm sao cho nước sông thuận lợi chảy ra biển. Làm được điều này thì mới chính thức đạt được “một lần vất vả giúp cả đời nhàn nhã”. 

Hoàng đế Khang Hy tận mắt chứng kiến những công nhân làm việc tại hiện trường công trình trị thủy chịu đủ vất vả, không quản ngày đêm, không quản mưa gió vẫn kiên trì làm việc bên bờ sông, trong tâm rất không đành lòng. Ông đứng nhìn họ thật lâu mà không chịu rời đi, đồng thời còn tiến đến hỏi thăm. Sau đó ông cũng dặn dò Cận Phụ, nhất định phải ngăn chặn hiện tượng tham quan ô lại ngấm ngầm chiếm đoạt tiền công, đảm bảo cho mỗi người đều nhận được đầy đủ tiền lương cùng phụ cấp của triều đình. 

Sau khi Hoàng đế Khang Hy đi đến cống Thiên Phi ở Thanh Hà (nay là Hoài Lâm), rồi xuôi theo kênh đào về phía Nam đến hồ Cao Bưu, cuối cùng đến Tô Châu, Nam Kinh. Nhìn thấy trang trại và đồng ruộng bị lũ nhấn chìm mà vô cùng xót xa, ông nói với Tổng đốc Lưỡng Giang, Vương Tân Mệnh: “Khanh là một vị quan đại thần địa phương, hãy nghĩ cách khơi thông đường sông để cứu vớt dân chúng địa phương, như thế mới thể hiện được tâm ý nhớ thương dân chúng của trẫm”. 

Ngự giá tiếp tục đi tuần đến Tô Châu, Nam Kinh, thời gian của chuyến đi kéo dài ước chừng một tháng. Trên đường về triều, Hoàng đế Khang Hy cũng không nghỉ ngơi, một lần nữa leo lên cống Thiên Phi, thị sát khu vực đê gần đó, lúc đến Sơn Đông, ông còn bái tế miếu Khổng Tử rồi mới trở về kinh thành. 

Kết thúc chuyến đi tuần về phương Nam, Hoàng đế Khang Hy rất khen ngợi thành tích cai quản dòng sông của Cận Phụ, động viên ông sớm ngày hoàn thành các công trình trị thủy, đồng thời còn thực hiện thêm 2 việc: Một là khống chế và giảm việc xây đập ngăn nước, hai là các kênh đào dẫn nước ra biển cần đào sâu hơn nữa. 

Trong chuyến đi tuần về phương Nam lần này còn xảy ra một chuyện nhỏ. Lúc Khang Hy dẫn theo Cận Phụ đi thị sát, với sự hiểu biết tinh tường của mình, ông hỏi Cận Phụ: “Bên cạnh khanh nhất định có một người phụ tá thông kim bác cổ”. Thế là Cận Phụ lập tức tiến cử với Hoàng đế vị thiên tài trì sông là Trần Hoàng, đồng thời cũng mời người này đến. Trần Hoàng chính là quân sư của Cận Phụ, phàm là việc liên quan đế quản lý sông ngòi đều do ông nghĩ sách lược, nhờ vậy mà công trình trị thủy mới có thể đạt được thành tích khiến hoàng đế kinh ngạc đến vậy. 

Đi tuần phương Nam lần nữa

Hoàng đế Khang Hy nói: “Đạo quản lý sông nước là thuận theo dòng chảy mà thống trị, mới có thể dễ dàng đạt được thành công”. 

Trên đường đi thị sát khu vực phía nam lần thứ 2, Hoàng đế Khang Hy đích thân tế bái công tích trị thủy của Đại Vũ. Bức tranh là một phần của tác phẩm “phỏng theo bản đồ Đại Vũ trị thủy người nhà Đường” của Tạ Toại thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng

Khang Hy đế đã đưa ra hai quyết sách sau chuyến đi tuần phương Nam và giao cho viên quan địa phương Vu Thành Long thực hiện. Ở đây muốn nói rõ một chút, triều Khang Hy còn có một viên quan tên là Vu Thành Long khác, gọi là “Đại tiểu Vu Thành Long”, hai vị danh thần tên Vu Thành Long đều là quan thanh liêm. Quan viên quản lý Hoàng Hà được gọi là “Tiểu Vu Thành Long”. 

Tuy nhiên, Cận Phụ có kinh nghiệm phong phú nên ông đã tỏ vẻ phản đối, bởi vì địa thế nhập biển thường trũng, khơi dòng sâu sẽ tạo bất lợi cho nước chảy ra biển. Vì vậy ông đã đề nghị xây đê cao vừa có thể chứa nước sông vừa có thể ngăn nước biển chảy ngược, giúp cho nước sông cuồn cuộn đổ ra biển. 

Mặc dù kiến giải rất tốt nhưng Cận Phụ lại không may lâm vào hoàn cảnh tranh giành ở triều đình nên đã bị cách chức vào năm Khang Hy thứ 27 (1688). Không chỉ vậy, những thành tựu trước đây của ông trong việc cai quản sông ngòi cũng bị triều thần công kích. Còn Trần Hoàng, bởi vì xúc phạm đến lợi ích của hào phú nên cũng bị luận tội và bỏ tù, cuối cùng ôm hận chết trên đường áp giải đi giam giữ. Đến năm Khang Hy 31, Trần Hoàng mới được sửa lại án xử sai. Tinh túy quản lý sông suốt đời của ông cũng được người đời đúc kết thành cuốn sách “Hà phòng thuật yếu”, tiếp tục tạo phúc cho đời sau. 

Để xác nhận kiến giải của Cận Phụ đúng hay không, vào tháng Giêng năm Khang Hy thứ 28, hoàng đế Khang Hy dẫn theo Cận Phụ và nhóm người Vu Thành Long tiến hành đi tuần phương Nam lần thứ 2. Lần này đi tuần 70 ngày, chủ ý của Khang Hy là muốn dò xét sông ngòi, đồng thời nghe ngóng dân tình. Ông đi dọc theo đường sông đến tận Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, tự mình đến bái tế Đại Vũ lưu lại công tích trị thủy, sau đó mới trở về kinh thành.

Trung Hà là một đường kênh dẫn nước song song với Hoàng Hà do Cận Phụ xây dựng, con sông này bắt nguồn từ hồ Lạc Mã, Túc Thiên, Đào Nguyên, đến cửa Trọng Gia Trang ở Thanh Hà. Kênh đào lớn này vốn là để Hoàng Hà mượn đường, bởi vì Hoàng Hà thường gây lũ lụt, Hoàng đế Khang Hy liền hạ chỉ khai mở Trung Hà, tránh hiểm họa do Hoàng Hà gây ra. 

Sau khi khảo sát, các quan đại thần dường như không có tranh luận gì mà khẳng định giá trị của con sông này. Họ cho rằng: “Trung Hà tránh được dòng nước hiểm trở chảy dài suốt 180 lý (90 km), có thể tùy lúc mà kiềm chế được độ chảy xiết của dòng nước, giúp cho ruộng đồng của dân không bị nhấn chìm. Chỉ có điều, Trung Hà rất gần với Hoàng Hà nên không thuận lợi để mở rộng đường sông”.

Hoàng đế Khang Hy nhiều lần thảo luận về việc tu bổ sông Trung Hà, cuối cùng ông đã quyết định giao nhiệm vụ này cho Vương Tân Mệnh, chú ý công trình sông Trung Hà sau khi hoàn thành để kịp thời sửa chữa. Ban đầu Khang Hy muốn tự mình quan sát lòng sông nhưng bởi ven đường khó đi nên buộc phải từ bỏ. Ông cũng đến thăm công trình cống Thiên Phi một lần cùng với cống Thất Lý. Trước đây, hoàng đế Khang Hy hạ chỉ đổi tên cống Thiên Phi thành “Thảo Bá”, hai cống này được thiết kế để chia dòng nước. Chuyến đi lần này, ông nhìn thấy dòng nước chảy nhẹ nhàng, thuyền bè qua lại thuận lợi, trong tâm không khỏi vui mừng. 

Qua chuyến đi tuần về phía Nam lần thứ 2, Hoàng đế Khang Hy nhìn thấy dân chúng địa phương cùng với công nhân đường thủy đều nhớ và cảm động ân đức của Cận Phụ, ông càng hiểu rõ việc cai quản đường sông khó khăn và nỗi vất vả mà Cận Phụ trải qua. Thế là ông hạ lệnh khôi phục chức quan và phẩm cấp cho Cận Phụ, đồng thời cũng lệnh cho Cận Phụ làm cố vấn cao nhất trong việc quản lý sông. Không lâu sau đó ông đã ủy nhiệm cho Cận Phụ làm Tổng sông. Lần này trở lại với vai trò chuyên gia cai quản sông, cho dù thân thể suy yếu vì bệnh tật, Cận Phụ vẫn tự mình đôn đốc công việc, cuối cùng ông đã qua đời vì bệnh khi đang giữ chức vụ, hưởng thọ 60 tuổi. Hoàng đế Khang Hy vô cùng đau buồn, hạ chỉ an táng trọng thể cho ông, đổng thời còn ban tên hiệu cho ông là “Văn Tương”. 

Người kế nhiệm thay Cận Phụ tên là Vu Thành Long. Hoàng đế Khang Hy dặn dò người này, đối với sự việc mưu hại Cận Phụ trước đây, cần phải kiểm tra và tìm ra sự thật. Thêm nữa là dựa theo biện pháp cai quản sông của Cận Phụ mà tiếp tục phát huy. Sau Cận Phụ, hoàng đế Khang Hy không còn bậc lương tài nào có thể cùng ông thảo luận việc trì sông. 

Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy là người bác học thấy nhiều biết rộng, cùng với những kinh nghiệm trong những chuyến đi khảo sát thực tế, ông cũng dần trở thành bậc chuyên gia trị thủy. Về sau, những phương pháp và sách lược quản lý sông đều do hoàng đế Khang Hy một mình chỉ đạo. Các quan đại thần tiếp quản chức vụ quản lý sông sau này đều nương theo phương pháp và sách lược của Cận Phụ, cũng theo ý chỉ của hoàng đế Khang Hy mà thực hiện. 

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version