Tác phẩm này không chỉ đại biểu cho chiến tích trác tuyệt ngoài thành tựu chính trị xuất sắc mà còn nói lên thái độ học tập nghiêm túc cẩn thận của hoàng đế Khang Hy thời thiên tử thịnh thế.
- Xem trọn bộ Hoàng đế Khang Hy
Lịch không chỉ là công cụ quan trọng căn bản liên quan đến nghề nông lập quốc thời xưa mà còn là biểu tượng của một triều đại, nó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lịch truyền thống được sửa đổi bởi các quan chức chuyên nghiệp của triều đình, và sau đó được hoàng đế quyết định cho ấn bản, dùng hình thức long trọng ban hành chiếu thư để thông báo cho thiên hạ biết. Việc làm lịch mới và phát hành lịch thường biểu thị cho quyết tâm thống nhất đất nước và lập trật tự quốc gia.
Vì vậy, lịch pháp Trung Quốc gọi tắt là “lịch”, được các đời hoàng đế coi trọng. Hoàng đế Khang Hy từng nói qua với các đại thần: “Thiên văn lịch pháp, trẫm luôn luôn lưu tâm”. Trải qua sự chỉnh sửa của các nhà truyền giáo cùng với cuộc tranh giành cách tính lịch Trung Quốc và phương Tây, cuối cùng vương triều đại Thanh đã hoàn toàn xác lập được cách tính lịch mới. Tuy vậy, hoàng đế Khang Hy vẫn luôn chú ý đến tính chính xác của lịch. Năm Khang Hy thứ 15, hoàng đế tự mình dùng dụng cụ tiến hành trắc nghiệm và phát hiện ra thời điểm Hạ Chí theo cách tính lịch của Tây Dương cũng xuất hiện sai số.
Ông nói với các quan đại thần rằng lịch phương Tây nói chung là chính xác, nhưng về lâu dài sẽ xuất hiện sự sai lệch nhỏ về thời gian và số độ. Ví dụ, thời điểm Hạ Chí năm đó, Khâm Thiên Giám trình lên là vào lúc giờ ngọ 3 khắc, nhưng sau khi đo đạc cẩn thận hoàng đế Khang Hy đã phát hiện, thời điểm chính xác là giờ ngọ 3 khắc 9 phút. Điều này cho thấy, sau 10 năm thì sai số của lịch mới ngày càng lớn. Thế là, hoàng đế Khang Hy tuổi cao trí càng cao, trong lòng bắt đầu nung nấu một kế hoạch khác để xây dựng một nền văn minh vĩ đại.
Biên soạn kinh điển khoa học và kỹ thuật
“Cần biên soạn một bộ kinh điển có trình độ học thuật tối cao, dùng để giáo hóa thiên hạ và làm gương cho muôn đời sau”, Hoàng đế Khang Hy nói.
Sướng Xuân viên là vườn thượng uyển do Hoàng đế Khang Hy xây dựng phỏng theo phong cảnh Giang Nam. Sau khi công trình được hoàn thành, mỗi năm hoàng đế Khang Hy dùng tới một nửa thời gian ở lại trong khu vườn của cung đình, chính là ly cung mà ông thích ở lại nhất lúc về già. Đương thời hoàng đế Khang Hy nhận ra việc sửa lại lịch là tất yếu cần phải làm, ông đã cho xây dựng khu nghiên cứu toán học tại Mông Dưỡng Trai ở trong khu vườn này, tuyển chọn nhân tài khắp thiên hạ tới để nghiên cứu lịch Thiên Văn, những nhà truyền giáo giỏi khoa học tự nhiên cũng tham gia vào sự việc này.
Mông Dưỡng Trai là nơi tập hợp các chuyên gia và nhà học thuật giỏi nhất cả nước, họ không chỉ tham gia vào biên soạn và sửa lịch mà còn góp sức ở nhiều lĩnh vực khác như nhạc luật, toán học… Vì vậy, nơi đây còn được gọi với cái tên khác là “Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc”. Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng công việc của họ nên đã cố ý phái 3 vị hoàng tử và một số quan đại thần cùng tham gia vào, đem những thành quả nghiên cứu của họ biên soạn thành sách. Mỗi bản thảo được hoàn thành tại Mông Dưỡng Trai đều cần trình lên hoàng đế Khang Hy đích thân xem xét, chỉnh sửa trước khi hoàn thiện đóng thành sách.
Vào năm Khang Hy thứ 53 (1714), một kiệt tác với hàng trăm quyển được hoàn thành, tiêu biểu cho trình độ đỉnh cao của giới học thuật Trung Quốc và phương Tây lúc bấy giờ. Trước tác này bao gồm 3 bộ sách chuyên khảo là ‘Lịch tượng khảo thành’, ‘Sổ lý tinh uẩn’, ‘Luật lữ chính nghĩa’, không chỉ bao hàm kiến thức toán học, thiên văn học, luật âm thanh cùng các chuyên môn khoa học tự nhiên khác mà còn dung hòa trong đó tinh hoa luật nhạc và lịch pháp truyền thống Trung Hoa. Hoàng đế Khang Hy đặt tên cho bộ sách này là “Luật lịch uyên nguyên”.
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, Hoàng đế Khang Hy cũng cô đọng những gì học được trong đời biên soạn thành cuốn “Khang Hy kỷ hạ cách vận thiên”. Cũng như ý nghĩa về cái tên của cuốn sách, trong quá trình xử lý công việc chính sự bộn bề, Hoàng đế Khang Hy cũng tận dụng những lúc rảnh rỗi mà suy nghĩ ứng dụng khoa học vào thực tế rồi ghi chép thành văn bản, tạo thành một bộ tuyển tập bách khoa toàn thư.
Tuyển tập luận văn này gồm 93 bài luận ngắn, bàn về nhiều lĩnh vực như vật lý, thiên văn, y học, cổ sinh vật học, … hơn nữa còn chú trọng đến nghiệm chứng khoa học. Đây là trước tác khoa học kỹ thuật duy nhất do hoàng đế viết trong thời cổ đại. Nó không chỉ đại biểu cho chiến tích trác tuyệt ngoài thành tựu chính trị xuất sắc mà còn nói lên thái độ học tập nghiêm túc cẩn thận của hoàng đế Khang Hy thời thiên tử thịnh thế.
Ví dụ như, khi Hoàng đế Khang Hy còn trẻ, ông từng kiểm tra ruộng lúa của hoàng gia ở vườn Phong Trạch, tình cờ thấy một cây lúa cao hơn những cây khác và chất lượng của hạt thóc cũng tuyệt vời hơn. Vì vậy, ông đã thu gom những bông lúa đó lại, năm sau tiến hành gieo hạt thí nghiệm, ông phát hiện giống lúa này không chỉ chín sớm mà còn có thể gieo trồng 2 vụ trong năm và cho ra hạt gạo “đỏ, dài, thơm và có vị béo”. Do vậy ông đã đặt cho giống gạo này là “Ngự gạo”. Trong hơn 40 năm sau đó, Hoàng đế Khang Hy đều ăn loại gạo này.
Còn có một cái gọi là “Định nam châm” (sửa la bàn). Hoàng đế Khang Hy chỉ ra rằng vị trí mà la bàn chỉ không phải hướng chính nam, sai số ở các vị trí không giống nhau. Ví dụ, vào năm Khang Hy thứ 30 (1691), hướng của la bàn ở kinh đô bị lệch 3 độ, và ở Thịnh Kinh là hướng chính nam, mà năm thứ 50, hướng của kinh thành phát sinh sai số biến thành 2,5 độ, hướng của các tỉnh khác là chếch về Đông hoặc ngả về Tây, tình huống đều không giống nhau. Hoàng đế Khang Hy đã rút ra kết luận dựa trên cơ sở đo đạc thực địa, chúng cũng là những dữ liệu đo đạc cổ quý giá lưu lại cho thế hệ sau.
Bản đồ đất nước
Hoàng đế Khang Hy nói: “Lấy trời đất hợp thành làm lãnh thổ quốc gia, lấy tứ hải tám phương làm biên giới, diện tích lãnh thổ bao la, thật sự là từ trước tới nay chưa có một bản đồ tinh mỹ rồi” (Khang Hy triêu cửu khanh).
Sau khi nắm giữ được khoa học tự nhiên của phương Tây, Hoàng đế Khang Hy đã hoàn toàn vận dụng kiến thức mới của mình để vẽ một bức bản đồ hùng vĩ hơn. Thành tựu về khoa học kỹ thuật của ông cũng thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Ông không chỉ được mọi người biết đến thông qua việc biên soạn ra chuyên khảo khoa học “Luật lịch uyên nguyên” mà còn vẽ ra được bản đồ quốc gia hoàn hảo nhất trên thế giới.
Thời cổ đại, bản đồ được gọi là địa đồ. Trước triều đại nhà Thanh, địa đồ đều là bản vẽ mặt phẳng, không thể hiện ra được địa thế cao thấp nhấp nhô của mặt đất, cho nên khi tính toán thực địa sẽ phát sinh sai số. Cho nên, ngay từ lúc bắt đầu, hoàng đế Khang Hy cũng vô cùng chú ý tới tính chính xác. Lúc về già, ông nhớ lại: “Từ khi còn nhỏ, Trẫm luôn chú ý đến địa lý quốc gia. Những sông núi có danh tiếng từ thời cổ đại đến nay, dù là ở nơi xa xôi và hoang vu đến đâu, trẫm nhất định sẽ khảo sát kỹ càng, hỏi thăm ý kiến rộng khắp, cần thu thập được tin tức chính xác”. Vì vậy, Hoàng đế Khang Hy đã cử sứ giả đến Côn Lôn và những nơi xa xôi ở Tây Vực, tự mình khảo sát khởi nguồn của mỗi con sông lớn để thêm chúng vào trong địa đồ.
Sau khi học được các thuật toán chính xác và cách sử dụng công cụ tinh vi của phương Tây, Hoàng đế Khang Hy luôn mang theo các nhà truyền giáo khi đi thị sát, ông yêu cầu họ chịu trách nhiệm đo đạc vị trí địa lý và vẽ bản đồ. Vào năm thứ 13 của Hoàng đế Khang Hy (1674), Nam Hoài Nhân đã hoàn thành bản “Khôn dư toàn đồ” lần đầu tiên, đồng thời tiến hành hoàn thiện địa đồ thế giới trước đó của Matteo Ricci. Đây là bức địa đồ thế giới đầu tiên của vương triều Trung Hoa được vẽ theo hai nửa bán cầu.
Ngoài ra, Nam Hoài Nhân còn viết thêm quyển hai “Khôn dư đồ thuyết” chú thích cho bản đồ, giới thiệu hình dạng trái đất, các hiện tượng tự nhiên, sự phân bố của năm châu và phong tục cùng khí hậu của từng quốc gia.
Trải qua nhiều lần đi tuần, khảo sát địa lý trong việc dụng binh, thời cơ đã đến, vào năm Khang Hy thứ 46 (1707), Hoàng đế Khang Hy đã hạ chỉ lệnh cho các giáo sĩ Lôi Hiếu Tư và Bạch Tấn… cùng với các học giả và quan viên Trung Quốc, thực hiện hoạt động khảo sát đo đạc thực tế quy mô lớn trên khắp đất nước để làm tư liệu chuẩn bị vẽ một bức địa đồ triều đại nhà Thanh chi tiết và chính xác hơn.
Các quan chức đã trèo đèo lội suối, đi qua từng vùng hẻo lánh của dải đất Thần Châu Trung Hoa, kết hợp phương pháp đo đạc vốn có cùng với phép đo thiên văn và đo tam giác kiểu phương Tây, bền bỉ không ngừng thực hiện công việc khó khăn này. Tập trung sức mạnh của giới tinh hoa phương Tây và Trung Hoa, 11 năm sau, tấm bản đồ nổi tiếng thế giới mang tên “Khang Hy hoàng dư toàn lãm đồ” cuối cùng đã được ra mắt vào năm Khang Hy thứ 57 (1718).
Tập bản đồ này được in bằng khắc bản đồng, được vẽ bằng phép chiếu ảnh hình thang, có tỷ lệ khoảng 1:1,4 triệu, cho thấy phía Đông Bắc đến đảo Sakhalin, phía Đông Nam đến đảo Đài Loan, phía Bắc đến hồ Baikal, phía Nam đến đảo Hải Nam, phía Tây Bắc đến Sông Y Lê, hướng Tây Nam đến Liệt Thành. Đây là bản đồ đầu tiên ở Trung Quốc được thực hiện theo phương pháp vĩ độ và kinh độ, trong đó các tỉnh và cửa ải cùng cửa khẩu, cảng biển đê sông, đài canh thôn trang cùng trạm dịch, đình làng, thị trấn mới… được hiển thị một cách chi tiết rõ ràng, có thể nói là “Hoang vu xa xôi không bỏ sót, toàn bộ chi tiết đều được ghi”.
Các học giả sau này ca ngợi nó không chỉ là bản đồ tốt nhất của châu Á thời bấy giờ, mà ở châu Âu, tấm bản đồ này cũng trở thành kiệt tác chính xác có một không hai.
Hưng suy truyền giáo
Trên sắc lệnh của hoàng đế Khang Hy có viết: “Nhà truyền giáo Tây Dương ngưỡng mộ văn hóa Trung Hoa đã đến từ nơi xa vạn dặm. Hôm nay họ chỉnh sửa lịch pháp, chế tạo đạn pháo phục vụ chiến tranh, sang Nga đàm phán, vì Đại Thanh mà chân thành góp sức hiệu quả, vất vả công cao”.
Những nhà truyền giáo đến từ nơi xa vạn dặm đã trở thành sứ giả quảng bá văn hóa phương Tây trên dải đất Trung Hoa. Nhưng mục đích cuối cùng của họ là truyền bá giáo lý, như vậy, tín ngưỡng phương Tây vào thời Khang Hy đã phát triển như thế nào? Liệu nó có khiến hoàng đế Khang Hy hứng thú như đối với khoa học công nghệ không?
Trước khi có sự tranh giành giữa lịch Trung Quốc và phương Tây, do chiến lược truyền giáo của Matteo Ricci, các nhà truyền giáo rất tôn trọng truyền thống Trung Quốc và Nho giáo, chúng rất phù hợp với dân chúng, cộng với ảnh hưởng của Thang Nhược Vọng và những người khác phục vụ trong triều đình, đạo Thiên Chúa được truyền bá một cách thuận lợi trong một khoảng thời gian. Vào năm thứ 3 của Hoàng đế Khang Hy (1664), tổng cộng 82 nhà truyền giáo vào Trung Quốc, hơn 150 nhà thờ được xây dựng, và có hơn 200.000 tín đồ.
Sự nghiệp của nhà truyền giáo gặp phải khó khăn sau sự việc Thang Nhược Vọng bị bỏ tù vì Lịch pháp. Về sau Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, ông đã xem lại và sửa án sai cho Thang Nhược Vọng, tuy nhiên đối với đạo Thiên Chúa, ông cũng không dỡ bỏ những hạn chế. Khang Hy năm thứ 8 (1669), Hoàng đế Khang Hy đã ban chiếu chỉ dụ: “Nam Hoài Nhân cùng những người khác được theo đuổi tín ngưỡng của mình nhưng lo lắng việc các tỉnh xây dựng giáo đường và thu nạp tín đồ, nên vẫn nghiêm cấm các hoạt động truyền giáo”.
Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy vẫn đánh giá cao tài năng của các nhà truyền giáo, mạnh dạn sử dụng và khiêm tốn học hỏi công nghệ phương Tây từ họ. Ngoài việc giảng dạy công nghệ phương Tây, các giáo sĩ cũng trung thành trợ giúp hoàng đế. Một số người trong số họ giỏi chế tạo đại bác đã giúp triều đình bình định Tam phiên làm loạn. Một số người thành thạo tiếng Latinh đã trợ giúp Mãn Thanh ký Hiệp ước Nerchinsk với Nga, vì triều đại nhà Thanh đã có những đóng góp kiệt xuất. Trong quá trình tiếp xúc với các nhà truyền giáo, Hoàng đế Khang Hy cũng đã có những hiểu biết nhất định về đạo Thiên Chúa.
Năm Khang Hy thứ 31 (1692), Hoàng đế Khang Hy ra chiếu chỉ cho phép đạo Thiên Chúa truyền bá ở Trung Quốc và thúc đẩy sự nghiệp truyền giáo lên đến đỉnh cao. Trong chiếu chỉ, ông khen ngợi thành tích của các giáo sĩ trong nhiều năm qua, tin rằng họ chuyên tâm hoằng pháp, không làm điều ác, không gây hoang mang cho quần chúng, vì vậy không nên cấm đoán việc tự do truyền đạo của họ. Đây là lần đầu tiên hoàng đế Trung Hoa ủng hộ đạo Thiên Chúa dưới hình thức chiếu chỉ của hoàng gia.
Nhưng thời kỳ hoàng kim này cũng không được lâu dài. Đất nước Trung Hoa có truyền thống tế Thiên, Khổng giáo, cúng tổ tiên, điều này không thể tương dung với đạo Thiên Chúa, do đó đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa đối với tôn giáo phương Tây, dẫn đến một cuộc tranh chấp quy mô lớn về lễ nghi. Vào năm Khang Hy thứ 44 (1705), Giáo hoàng La Mã đã cử sứ giả Đạc La người Hoa tới Nam Kinh ban bố lệnh cấm các tín đồ người Hoa thực hiện tập tục cúng tế. Hoàng đế Khang Hy rất không hài lòng với điều này nên đã hạ lệnh áp giải Đạc La đến Ma Cao giam giữ, đồng thời ra lệnh nghiêm khắc đối với các nhà truyền giáo ở Trung Hoa, nếu không tuân theo “quy tắc của Matteo Ricci” thì sẽ bị buộc phải quay về cố hương của họ.
Để bảo vệ những người truyền giáo tôn trọng truyền thống Trung Hoa, Hoàng đế Khang Hy cũng đã ban hành “thư” cho họ như bằng chứng về việc lưu lại và truyền giáo lâu dài ở Trung Hoa. Vào năm Khang Hy thứ 46 (1707), ông đã ban lệnh cấm một cách rõ ràng. Năm Khang Hy 60 (1721), ông bố: “Sau này, người phương Tây không cần hành giáo ở Trung Hoa, cấm như vậy để phông phát sinh rắc rối”. Kể từ đó, chính sách cấm đạo này đã bắt đầu được thực hiện và kéo dài hàng thế kỷ của triều đình nhà Thanh.
Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy vẫn sử dụng và đối xử tốt với những nhà truyền giáo tinh thông kỹ thuật phương Tây, cho phép văn hóa phương Tây tiếp tục tỏa sáng vào thời nhà Thanh. Thái độ của Hoàng đế Khang Hy đối với các nhà truyền giáo một lần nữa thể hiện tầm nhìn rộng mở và con mắt sáng suốt của ông.
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Theo Epoch Times
San San biên dịch