Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (14): Lo lắng cho nông dân và thương gia – khai sáng thời thái bình thịnh thế

Trung Quốc cổ đại, những bậc thánh đế minh quân muốn thành tựu một đời trị vì đều xem trọng việc khích lệ nông dân trồng dâu nuôi tằm. Hoàng đế Khang Hy cũng có một cuốn sách luận về nghề nông nuôi tằm mang tên “Nông tang luận”.

Nội dung sách nói lên tầm quan trọng của nông nghiệp đối với quốc gia: Trồng trọt tạo ra nguồn lương thực, nếu hư hại thì dân chết đói; trồng dâu nuôi tằm là nguồn cung cấp vải cho may mặc quần áo, nếu gặp tổn hại thì dân sẽ phải chịu lạnh. Trong hoàn cảnh không có cơm ăn và áo mặc thì mọi người không thể dùng nhân nghĩa đạo đức để tự hạn chế bản thân, đất nước cũng xảy ra tranh chấp. 

Vào đầu triều đại nhà Thanh, do chiến tranh và sự kiện khoanh đất diễn ra, thêm nữa là thuế khóa nặng nề cùng những lý do khác mà đất nông nghiệp trở thành cánh đồng hoang, dân chúng lưu vong phân tán khắp nơi, dẫn đến quốc khố thiếu thốn, đời sống người dân gặp khó khăn. Hơn nữa, Hoàng đế Khang Hy lại tự mình chấp chính không lâu, Tam phiên làm loạn khiến cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Từ khi đích thân nghe báo cáo và quyết định sự việc, ông vô cùng quan tâm đến đời sống khó khăn của người dân, chú ý đến những vùng mùa màng thất bát. Theo thống kê, trong hơn 40 năm thời đại Hoàng đế Khang Hy, một nửa số bản tấu chương gấp của quan đại thần trình lên đều liên quan đến vấn đề khí hậu và tình hình thu hoạch ngũ cốc. 

Hoàng đế Khang Hy từng nói với các quan đại thần của mình: “Từ xưa đến nay, bậc quân chủ thường không thích nghe về vấn đề đạo tặc hoặc hạn hán, nhưng họ không biết rằng, mọi thứ đều bắt nguồn từ điều nhỏ nhặt, nếu biết trước thì có thể chuẩn bị được và dễ dàng tìm ra biện pháp ứng phó”. Trên cơ sở hiểu rõ tình hình nông nghiệp quốc gia, Hoàng đế Khang Hy đã thi hành một loạt chính sách như Tuất dân, Huệ dân, An dân giúp cho nền kinh tế nông nghiệp khôi phục nhanh chóng, trở thành trụ cột cho thời Đại Thanh thịnh thế. 

Khuyến khích khai khẩn đất hoang

“Mỗi lần đi tuần, Trẫm đích thân đặt chân đến nhiều địa phương, dù là người dân sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, trẫm cũng đều biết rõ” – Hoàng đế Khang Hy nói.

Tranh thời nhà Thanh của tác giả Lãnh Mai “Canh nông trong bộ Canh nông dệt vải”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Vào thời nhà Minh có rất nhiều trang ấp của phiên vương, đến triều đại nhà Thanh, vùng đất này đã trở thành đất hoang vô chủ, tức là ‘ruộng đất của chư hầu bị bỏ hoang’. Nếu như nông dân đi khai khẩn trồng trọt trên những thửa đất này thì sẽ bị đánh thuế hai lần là thuế phiên và thuế đất địa phương, hơn nữa còn dễ dàng xuất hiện tranh chấp tài sản. Do đó, mặc dù thời Thuận Trị, triều đình rất khuyến khích thúc đẩy người dân canh tác nhưng hiệu quả thu được không đáng kể. Trước tình hình đó, Hoàng đế Khang Hy đã nhanh chóng lập ra một kế hoạch ứng phó.

Đầu tiên là làm rõ quyền tài sản để người canh tác trở thành chủ đất hợp pháp. Vào năm Khang Hy thứ 7 (1668), Hoàng đế Khang Hy đã hạ lệnh, tra rõ ruộng đồng của phiên vương bỏ hoang, căn cứ giá đất mà bán cho dân chúng, sau đó mới thu thuế. Nhưng rồi xét thấy áp lực kinh tế đối với người dân quá nặng nề, ông đã đưa ra một quyết định quan trọng, đem những thửa đất không tra rõ nguồn, phân bổ miễn phí cho dân và đặt tên cho khu đất này là “thay tên ruộng”. Tiếp đến, ông lại hạ lệnh: “Thửa đất không được trồng trọt trong nhiều năm, không có thu lương thực đều được liệt vào danh sách đất hoang. Nếu dân chúng đi khai khẩn thì chủ cũ không có quyền can thiệp nữa”. Vậy là, ngày càng nhiều người dân có quyền sở hữu đất và an cư lâu dài, nguồn thu thuế cũng nhờ vậy mà tăng theo mỗi năm. 

Trong thời cổ đại, triều đình trưng thu thóc trên mỗi mẫu ruộng, chính sách này gọi là ‘Khởi khoa’ (thuế ruộng). Vào thời kỳ đầu của triều đại Khang Hy, canh tác trên ruộng đất bỏ hoang sau 3 năm mới phải đóng thuế. Từ năm Khang Hy thứ 10 (1671), thời hạn này được nới lỏng hơn, từ 4 năm, 6 năm rồi tới 10 năm. Một số khu thuộc vùng duyên hải Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc, thường là sau 5 đến 6 năm mới phải đóng thuế, thậm chí có nơi còn được miễn thuế. 

Sau khi quốc gia trở nên giàu có, người dân canh tác trên thửa đất khai hoang không còn phải đóng thuế nữa. Hoàng đế Khang Hy đã hào phóng tuyên bố, đất canh tác không cần thu thuế, hơn nữa ông cũng chưa từng tiến hành đo đạc ruộng đất trên quy mô lớn, thanh tra cũng không cần nghiêm khắc. Đây chính là Hoàng đế Khang Hy hy vọng rằng dân chúng có thể hưởng được nhiều lợi ích hơn nữa từ việc khai hoang. 

Tại vùng biên cương, Hoàng đế Khang Hy càng mở rộng diện tích đất canh tác bằng biện pháp dùng quân đội khai khẩn đất hoang, tiến thêm một bước nữa là mở rộng canh tác, vừa bảo vệ vừa đem đến thịnh vượng cho khu vực biên cương. Trong quá trình đàm phán với Nga, Hoàng đế Khang Hy đề nghị trấn giữ vĩnh viễn Hắc Long Giang và thành Hô Mã Nhĩ (Humar), trường kỳ giằng co cùng quân Nga. Ông yêu cầu: “Quân đội vừa tới, lập tức tiến hành trồng trọt, không để thiếu thốn. Sau đó, tại khu Đông Bắc, lấy Hắc Long Giang làm trung tâm, một vùng khai hoang quy mô lớn được mở rộng ra, việc này không chỉ cung cấp được lương thực tại chỗ cho quân đội mà còn nộp một lượng lớn thuế ruộng cho triều đình. 

Trong chiến dịch đánh dẹp Cát Nhĩ Đan, Hoàng đế Khang Hy cũng áp dụng phương pháp tương tự để xây dựng hai khu vực khai hoang lớn. Căn cứ vào đặc điểm khí hậu của địa phương, ông cũng chỉ đạo quan viên giám sát việc gieo trồng, rằng khu vực phía Bắc có gió lớn và khí hậu lạnh khốc liệt, những hạt thóc bình thường sẽ không thể đạt được thu hoạch, phải trồng giống lúa chín sớm. Tấm lòng vô cùng quan tâm tới việc đồng áng của ông quả là không có ngôn từ nào diễn tả nổi. 

Ngoài ra, phương pháp khích lệ canh tác của Hoàng đế Khang Hy rất linh hoạt, không có quy định thống nhất về chủng loại và số lượng cây trồng trên toàn quốc. Kinh nghiệm đi tuần cùng với tự mình xuất chinh đã giúp cho dấu chân của Hoàng đế Khang Hy hiện diện ở khắp đại giang Nam Bắc. Ông cũng hiểu rõ rằng, khí hậu một phương chính là thủy thổ một phương, thai nghén sản vật một phương, không có sai biệt. 

Ông từng nói với đại học sĩ: “Ở những nơi có khí hậu khác nhau thì đồ ăn, quần áo, khí cụ cũng không giống nhau, các chủng cây trồng như ngũ cốc, dâu, bông vải, đay, cũng cần tùy vào điều kiện thích ứng mới có thể gieo trồng, điều này không phải sức người có thể cưỡng cầu mà được. Hiện tại, các quan viên địa phương có thể đốc thúc dân chúng chăm chỉ trồng trọt, không để đất đai bị bỏ hoang, chính là nhân tài tận tâm tận lực vì dân vì nước rồi”.

Miễn tô trừ thuế

“Chính sách miễn tô là thực thi nền chính trị nhân từ hàng đầu từ xưa đến nay, cho dù dân chúng sống tại nơi thâm sơn cùng cốc cũng được hưởng lợi như vậy” – Hoàng đế Khang Hy nói.

Bức họa ẩn danh thời nhà Thanh “Gia đình hòa thuận, ruộng vạn khoảnh”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Về việc thu phục sức dân, Hoàng đế Khang Hy hết sức ca ngợi nền chính trị nhân từ được thực hiện trong thời kỳ Văn Cảnh nhà Tây Hán. Ông cũng khen ngợi Hán Văn Đế nhiều lần giảm thuế, miễn thuế, có thể được coi là vị hoàng đế đầu tiên thực hiện nền chính trị nhân từ. Hán Cảnh Đế cũng nhiều lần hạ chiếu thư khích lệ nông dân nuôi tằm, ngôn từ rất khẩn thiết, điểm trúng nỗi khó khăn của dân chúng. Đối diện với tình hình kinh tế khó khăn vào thời đầu nhà Thanh, ngoài việc coi trọng chính sách nông nghiệp, Hoàng đế Khang Hy cũng áp dụng phương sách không bắt dân phải lao dịch và thu thuế ít, cùng lo nỗi lo của dân, tĩnh dưỡng sức dân. Trong đó việc mang tính trọng yếu nhất chính là bãi bỏ thuế ruộng.         

Hoàng đế Khang Hy trị vì 61 năm, ông đã thực hiện việc bãi bỏ tô thuế, tiền phạt, lao dịch hơn 500 lần, chủ yếu có 3 hình thức là tai quyên (miễn thuế do thiên tai), bô quyên (xóa nợ khó thu) cùng đại quyên (miễn thuế trên diện rộng).

Tai quyên chính là khi địa phương gặp nạn hồng thủy, hạn hán, châu chấu, động đất, triều đình ngoài cứu tế cho dân cũng thực hiện bãi bỏ thuế ruộng. Ban đầu khi thực hiện chính sách miễn thuế, Hoàng đế Khang Hy thực hiện giảm trừ 3/10 tiền thuế. Đến năm Khang Hy thứ 9 (1670), ông hạ lệnh, phàm là châu huyện gặp nạn châu chấu nghiêm trọng thì thực hiện miễn trừ tất cả tiền thuế ruộng, kỳ tiếp theo giảm 5/10 tiền trưng thu thuế. Đến năm Khang Hy thứ 29 (1690), Hoàng đế khang Hy lắng nghe đề nghị của đại thần, tiến hành giảm hoặc miễn thuế đinh, thuế ruộng tới mức phù hợp với hoàn cảnh của dân. 

Bô quyên chính là xóa những khoản thuế mà dân đã khất nợ nhiều năm. Sau khi bình định Tam phiên, kháng Nga thắng lợi, việc nợ thuế cũng giảm dần. Ví dụ như vào năm Khang Hy thứ 27 (1688), Hoàng đế Khang Hy đã miến trừ thuế đóng góp cho xây dựng công trình đường thủy nợ từ 10 năm trước cho tất cả các tỉnh. Năm thứ 28, trong lúc thực hiện chuyến đi tuần phương Nam, ông điều tra và nghe ngóng các châu huyện gặp lũ lụt nghiêm trọng, trước tình hình khó khăn của người dân, ông không khỏi cảm thán nói: “Lúc trẫm đi qua Bi Châu, tận mắt chứng kiến phần lớn ruộng đồng bị nhấn chìm xuống nước, dân chúng không cách nào trồng trọt, như vậy thì lấy gì mà thu thuế đây?”. Thế là ông liền hạ lệnh miễn thu thuế cho các vùng thuộc Giang Nam bị ngập lụt bao năm qua mà thiếu nợ thuế”. 

Đại quyên là chính sách miễn thuế trên quy mô lớn. Sau khi bình định Tam Phiên, năm thứ 24 của Hoàng đế Khang Hy, chính sách miễn sai dịch và thuế ruộng được áp dụng đối với các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Quý Châu; mỗi lần miễn, tiền thuế được giảm trừ lên đến hàng triệu lượng. Hầu như mỗi năm, triều đình đều có những đợt miễn trừ thuế lớn, có thời điểm được thực hiện đồng loạt ở trên nhiều tỉnh, cũng có thời điểm các tỉnh thay phiên nhau được miễn trừ. Ông từng nói: “Trẫm nghĩ đến đời sống thực tế của dân, bãi bỏ nhiều hơn nữa cũng không tiếc”. Ông thông qua nhiều hình thức miễn thuế khác nhau giúp cho mỗi người dân đều được hưởng lợi ích thực tế, đạt được ân huệ phúc lành của nền chính trị nhân từ thời thịnh thế.

Một chính sách khác để giảm nhẹ gánh nặng cho người dân được Hoàng đế Khang Hy đưa ra trong những năm cuối đời của mình là “Sinh thêm con, vĩnh viễn không phải đóng thêm thuế ruộng”. Thuận theo sự phát triển của triều đại nhà Thanh, nhân khẩu tăng nhiều, đất canh tác lại tăng quá chậm, nếu tăng nhân khẩu lại phải đóng thêm thuế thì sẽ tạo gánh nặng cho dân. Tăng thêm nhân khẩu liên quan đến thành tích sát hạch quan địa phương. Tất cả các châu huyện đều báo cáo tình hình nghiêm trọng về vấn đề nhân khẩu, một số lượng lớn dân chúng bỏ trốn gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc thu thuế cùng sự yên ổn của đất nước. 

Vào năm Khang Hy thứ 51 (1712), Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh tính thuế hàng năm theo dân số đăng ký vào năm Khang Hy thứ 50, bất luận là số người tăng hay giảm, thuế má đều có hạn ngạch. Người đã đăng ký qua đời, vị trí này sẽ được bổ xung người mới vào, còn nhân khẩu mới tăng lên cũng cần báo cáo triều đình nhưng không trưng thu thuế theo đầu số người này. Bằng cách này đã ngăn cản triệt để hiện tượng báo cáo sai sự thật hoặc giấu giếm không báo, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng kinh tế cho dân chúng. 

Ngoài ra, chính sách vĩnh viễn không phải đóng thêm thuế còn có một ý nghĩa trọng đại, đó là thúc đẩy việc áp dụng chính sách “Than đinh nhập mẫu”, tức là thuế đinh được phân bổ vào thuế ruộng, người không có ruộng thì không cần nộp loại thuế này. Chính sách này được thảo luận vào thời Khang Hy, triều đại Ung Chính đưa thành quyết sách và áp dụng rộng rãi vào triều đại Càn Long. Việc hủy bỏ thuế nhân khẩu đã giúp giảm bớt sự trói buộc của dân chúng và có ý nghĩa trong yếu đối với việc phát triển ngành nghề công nghiệp thủ công. 

Lo lắng cho người dân sống bằng nghề buôn bán 

“Trong đối nhân xử thế, quan viên giải quyết việc chính sự, công nhân dùng đôi tay xử lý công việc, thương nhân giải quyết các vấn đề kinh doanh, nông phu giải quyết các vấn đề liên quan đến canh tác, thư sinh chăm lo việc đọc sách” – Hoàng đế Khang Hy.

Thư pháp của Hoàng đế Khang Hy “Phú chính vu ngoại”. (Miền công cộng)

Thời cổ đại, dân chúng được phân thành 4 loại là “sĩ nông công thương”, trong đó người đọc sách được xếp thứ tự đầu tiên, tiếp đến là đến nông dân, sau đó mới đến giới thủ công, cuối cùng là thương nhân. Như thế có thể thấy, địa vị của thương nhân được đánh giá thấp. Tuy nhiên, trong mắt của Hoàng đế Khang Hy, 4 loại dân chúng đều được xếp ngang hàng, cần được bảo vệ và giúp đỡ. Ông từng nói: “Thương nhân cũng là con dân của trẫm, sao có thể để họ liên lụy chịu khổ?” Cho nên, trong khi thực hiện các chính sách thuế khóa khích lệ nông dân thì ông cũng đề ra nhiều chính sách có lợi cho công thương. 

Đầu thời nhà Thanh, công việc kinh doanh cũng không phát đạt, ngoài lý do chiến tranh còn có nguyên nhân quan trọng hơn, đó là tộc Mãn Châu và Tam Phiên nắm giữ đường sông, cửa khẩu, tiến hành lũng loạn và bóc lột đối với hoạt động thương mại. Thậm chí họ còn áp dụng chính sách ‘dật ngạch gia tưởng’ (thưởng đạt thành tích thu thuế vượt mức) mà thực hiện trưng thu thuế một cách tùy tiện đối với nhà kinh doanh. Vì vậy, một số quan viên đã mô tả: “Thương nhân không khổ với quan viên mà khổ với quan thu thuế ở cửa khẩu, không khổ vì thuế mà khổ vì những loại thuế không chính thức”. 

Trước khi Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, ông đã ra lệnh cho những người thu thuế địa phương phải tuân thủ pháp luật và kỷ luật, bảo đảm “việc buôn bán được thuận lợi, người dân ở các địa phương được sống yên ổn”, nếu không sẽ bị xử tội nặng. Sau đó, ông nghiêm khắc ra lệnh cho các phiên vương quản lý thương nhân, người nhà của quan viên… không được dựa vào bất kỳ lý do gì mà lũng loạn thị trường thương mại, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng tiền hoặc cách chức. Nhằm vào hiện tượng thu thuế một cách tùy tiện, năm Khang Hy thứ 25, ông đã hủy bỏ chế độ “dật ngạch gia tưởng”, đồng thời tận sức giảm nhẹ hạn mức trưng thu thuế. 

Ngoài ra, Hoàng đế Khang Hy còn đặt mình vào vị trí của các thương nhân mà cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh rộng mở để bảo vệ tối đa lợi ích của các thương nhân và hoạt động thương mại diễn ra thuận lợi. Cách làm của ông chủ yếu thể hiện ở những điểm sau: 

Một là để bảo vệ các doanh nhân khỏi bị quấy nhiễu, Hoàng đế Khang Hy từng khuyên bảo tướng sĩ đóng quân tại các địa phương, nghiêm cấm xâm phạm khu buôn bán. Trên đường thân chinh, ông phản đối việc việc vây săn gần khu vực thành thị nơi mà các nhà kinh doanh đang tập trung buôn bán. Lúc đi tuần phương Nam, thấy thương nhân và dân thường bị thuyền tàu uy hiếp, ông đã ra lệnh cho Thống đốc đường thủy trừng trị nghiêm khắc việc này. Ông cũng xóa bỏ tư nhân môi giới, ngăn chặn hiện tượng họ vơ vét tài sản của thương dân. 

Thứ hai là cấm tăng thuế kinh doanh. Các quan viên địa phương nhiều lần kêu gọi tăng thuế nhưng Hoàng đế Khang Hy cho rằng việc tùy tiện áp thêm thuế là hành vi làm hại người dân buôn bán, cho nên đều bác bỏ. Lần thứ 2 đi tuần phương Nam, ông cũng nghe ngóng tình huống người dân buôn bán có bị tăng thêm thuế khóa hay không. Giới kinh doanh cho biết, dù không tăng thuế nhưng họ luôn bị chậm thông quan và nỗi khổ này không kém việc bị áp thêm thuế. Sau đó, hoàng đế Khang Hy đã giao trách nhiệm cho các quan viên phải giảm hết mức thời gian thông quan, đối với người đã nộp thuế đầy đủ thì cần cho thông quan ngay lập tức, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. 

Thứ ba là cắt giảm thuế kinh doanh. Chẳng hạn, thuế ở Đồng Quan, Thiểm Tây, có lần lượng cắt giảm tăng từ 7.000 lượng lên tới hơn 40.000 lượng, hai năm sau, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh thu theo số cũ, không cử quan viên đi đôn đốc thu thuế. Quảng Đông có thuế hải quan cao và ít tàu buôn. Ông đã hạ lệnh cắt giảm cho địa phương này hơn 30.000 lượng thuế hải quan.

Thứ tư là thống nhất đo lường. Vào năm Khang Hy thứ 43 (1704), sau khi tham khảo ý kiến ​​của các quan đại thần, Hoàng đế Khang Hy đã hạ lệnh thống nhất hình dạng, dung lượng và cấu tạo của thăng, đấu, hộc. Ông đã bãi bỏ các dụng cụ cân như kim thạch, kim đấu, Quan Đông đấu… và các tỉnh sử dụng thống nhất thăng và đấu có đáy phẳng. Ông cũng đích thân hiệu chỉnh dung lượng hộc thiết, dựa theo tiêu chuẩn 10 thăng một đấu, 5 đấu một hộc, chế định đấu đồng, thăng đồng kiểu mới. Vào năm Khang Hy thứ 57 (1718), ông cũng quy định quy đổi 16 lạng là 1 cân.

Dưới chính sách của Hoàng đế Khang Hy, việc kinh doanh buôn bán đã nhanh chóng phát triển vào đầu thời nhà Thanh, tàu xe tập trung nơi thị trấn và thành thị, người dân buôn bán tụ tập đông đúc, xuất hiện cảnh tượng phồn thịnh. 

Đề xướng thực hành tiết kiệm 

“Thiên tử cần thống trị thiên hạ mà không phải để cho dân chúng trong thiên hạ phụng dưỡng một mình thiên tử” – Hoàng đế Khang Hy.

Nhà truyền giáo Bạch Tấn đã mô tả trong “Bi ký của Khang Hy” rằng thứ “xa xỉ” duy nhất trên người của Hoàng đế Khang Hy có lẽ là những viên ngọc trai trên vành mũ của ông, và đây chỉ là một phong tục của người Mãn. Bức tranh vẽ chân dung Hoàng đế Khang Hy đang đọc sách năm 1699 (45 tuổi). (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Từ khi Hoàng đế Khang Hy lên nắm quyền, tứ phía dùng binh, bình định phản loạn. Ông đã thực hiện đi tuần phương Nam tới 6 lần, khởi công xây dựng công trình thủy lợi, mỗi lần đều tiêu tốn số tiền lớn, thế nhưng ông vẫn thực hiện chính sách giảm thuế ruộng và các loại thuế khác, hơn nữa còn tạo ra thời kỳ cường thịnh huy hoàng của vương triều Đại Thanh. Công lao sự nghiệp như vậy là không thể tách khỏi đức tính tốt đẹp – tiết kiệm một cách thiết thực. 

Trong suy nghĩ của Hoàng đế Khang Hy, tiết kiệm là một loại cảnh giới đạo đức cao thượng. Trong cuốn ‘Cần kiệm luận’ có viết rằng, cung đình nhà cửa lộng lẫy, ẩm thực, quần áo… phong phú, một mặt phản ánh dục vọng xa hoa lãng phí cực độ, khiến con người trầm mê trong đó, vì vậy mà buông lỏng việc kính trời đất và hiếu thuận với tổ tông cùng với đạo tâm cứu vớt dân sinh. Ông thường xuyên lấy thánh vương Nghiêu, Thuấn, Vũ, Chu Văn Vương làm gương, mà tự kiểm điểm bản thân giữa lời nói và việc làm, cắt giảm chi phí cung đình, vứt bỏ tâm hưởng lạc thứ xa xỉ. 

Ông cũng sử dụng đức tính tiết kiệm trong trị quốc. Ngay từ năm Khang Hy thứ 9 (1670), Hoàng đế Khang Hy đã ban hành “16 điều thánh dụ”, khích lệ người trong thiên hạ giữ lấy 16 đức hạnh này. Trong đó, điều thứ 6 có nhắn nhủ rằng “Thượng tiết kiệm, dĩ tích tài dụng” (Tôn sùng tiết kiệm, dựa vào tiếc của mà sử dụng đồ dùng, đồ ăn uống). Tiết kiệm cũng là nội dung trọng yếu mà Hoàng đế Khang Hy dạy bảo hoàng tử. Trong cuốn ‘Đình huấn cách ngôn’, ông lấy sinh kế của dân chúng làm ví dụ để nói về tầm quan trọng của tiết kiệm: “Người nông dân sẽ biết liệu cơm gắp mắm, chú ý đến tích trữ lương thực, dùng để đối phó với tình huống không mong đợi như hạn hán, hồng thủy… Muốn làm được điều này thì “chi tiêu có chuẩn mực, được mùa chọn tiết kiệm, an phận dưỡng phúc, con cháu luôn noi theo”.

Trong cuộc sống hàng ngày, Hoàng đế Khang Hy trở thành tấm gương tốt ở khắp nơi, nỗ lực tiết kiệm. Chẳng hạn, quần áo của ông đã mặc nhiều năm nhưng vẫn không bị ố màu, trông như mới. Mỗi ngày, ngoại trừ trường hợp cá biệt phong thưởng, ông cũng không ăn quá hai món thức ăn trong một bữa. Đồ dùng bằng lông nỉ cùng các vật dụng khác trong cung, 30 đến 40 năm cũng chưa từng thay đổi hoặc thay thế. 

Nhà truyền giáo Bạch Tấn mô tả một cách rõ nét về mỹ đức giản dị của hoàng đế Khang Hy trong “Khang Hy truyện”. Ông mặc áo choàng da bình thường vào mùa đông, mùa hè mặc áo dệt từ sợi cây gai, trên người có duy nhất một thứ đồ vật ‘xa xỉ’ chính là ngọc trai đính trên mũ, và cái này cũng không gọi là xa xỉ bởi nó xuất phát từ phong tục của người Mãn Châu. Tiếp đến là ẩm thực. Ông cũng không truy cầu những món ngon đặc biệt, đồ ăn cũng không chú trọng bày biện. Toàn bộ cung đình bài trí sạch sẽ mộc mạc, không có khí tượng xa hoa của bậc quân chủ thông thường ở nước lớn.

Hoàng đế Khang Hy không quên những bài học của nhà Minh, và chấm dứt phong cách sống hào hoa xa xỉ vào lúc cuối triều Minh. Ông từng nói, chi tiêu quân sự và chính trị của triều đại hiện tại tương đương với triều đại nhà Minh, nhưng chi tiêu cho cung điện trong 36 năm lại không bằng triều Minh chi tiêu trong vòng 1 năm. 

Ngoài ra, khi Hoàng đế Khang Hy đi tuần, ông không cho phép làm đường, không cần long trọng phô trương, không cho quan viên biếu vật phẩm cho nhau, giảm chi phí tới mức thấp nhất, tránh quấy nhiễu quan viên địa phương. Ông cũng không chủ trương để các nơi tiến cống vật phẩm, dựa vào quan niệm quý trọng sức dân cùng những thứ họ làm ra, cho rằng vật phẩm kỳ dị là ‘thứ không cần thiết’, còn cảnh tượng tốt lành chính là ‘ngũ cốc được mùa, dân có ăn’. 

Sau nhiều năm coi trọng nông nghiệp và thương nghiệp, Hoàng đế Khang Hy đưa ra chính sách chăm lo cho dân đem lại lợi ích đất nước, cùng với chủ trương tiết kiệm, nền kinh tế và đạo đức của đầu triều Thanh đã phục hồi nhanh chóng, sớm mở ra một thời kỳ thịnh vượng chưa từng có.

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version