Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (2): Tuổi nhỏ lâm đại nạn không chết, ắt có hậu phúc

Người Việt Nam một thời đã không còn xa lạ với một vị hoàng đế Trung Hoa qua bộ phim truyền hình dài tập “Khang Hy vi hành”. Tuy vậy, phim ảnh thời hiện đại đã thêm vào nhiều yếu tố nhân tình, hư cấu, khiến cho diện mạo chân thật của nhân vật lịch sử bị che mờ. Khang Hy thật sự là vị hoàng đế có tấm lòng nhân từ và trí tuệ sáng suốt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc…

Hoàng tử chí hiếu

“Bởi vì lúc ta còn nhỏ không bị đậu mùa, Tiên đế đã mệnh lệnh cho bảo mẫu đưa ta ra ngoài Tử Cấm Thành để nuôi dưỡng chăm sóc. Cho nên ta chưa từng hầu hạ chăm sóc cha mẹ được ngày nào. Đây chính là điều mà ta tiếc nuối và áy náy vô cùng trong suốt 60 năm qua”, Hoàng đế Khang Hy nói. 

Sách ‘Lễ ký’ có đề cập đến ngay từ đầu rằng, thiên tử, chư hầu, đại phu có thể vì mong muốn chăm sóc tốt cho con cái mà thỉnh mời nhũ mẫu. Cung đình triều đại nhà Thanh cũng có quy định, phàm là con cái của hoàng gia vừa mới chào đời đều phải rời xa mẹ đẻ, do nhũ mẫu và bảo mẫu nuôi dưỡng. Hoàng đế Khang Hy cũng như vậy, sớm tối ở chung với nhũ mẫu, vào những dịp đặc biệt mới được gặp mẹ đẻ một lần.  

Điều này đã tạo nên một hiện tượng thú vị, trong cuộc đời của các hoàng tử sẽ có nhiều mẫu thân: Mẹ cả, mẹ đẻ, mẹ thứ, nhũ mẫu, dưỡng mẫu… Nói như vậy thì mẹ cả chính là Hoàng hậu, chính thê của phụ hoàng, còn mẹ thứ là các phi tần. Nếu mẹ đẻ có địa vị thấp thì còn có một phi tần có địa vị tôn quý làm dưỡng mẫu. 

Đối với hoàng đế Khang Hy mà nói, mẹ cả của ông chính là Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, Bác Nhĩ Tề Cát Đặc Thị. Mẹ đẻ của ông là Đông phi, sau này đổi thành Đông Giai Thị, truy phong Hiếu Khang Chương Hoàng Hậu. Nhũ mẫu của ông là một người rất nổi tiếng, chính là Tôn Thị, bà cố của Tào Tuyết Cần, tác giả của bộ tiểu thuyết ‘Hồng Lâu Mộng’. Khang Hy cùng Tôn Thị có tình cảm vô cùng thân thiết, ông thường gọi bà là “Lão nhân gia của ta”, ông còn đề bút đặt tên cho phủ của bà là ‘Huyên Thụy đường’. Bởi vì ông nhớ đến ân nuôi dưỡng của Tôn Thị mà cảm động nhớ nhung. Hoàng đế Khang Hy cũng rất quan tâm đến người nhà của bà, do đó gia tộc Tào Thị trở nên vinh hiển một thời. 

Sau khi Hoàng đế Khang Hy chào đời, ông đã sớm phải đối mặt với thử thách đầu tiên. Không giống như các hoàng tử của tất cả các triều đại, từ khi còn nhỏ ông đã được đưa ra khỏi Tử Cấm Thành và đến sống tại ngôi chùa lớn ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc Kinh. Điều này không phải là do lúc đó ông không được sủng ái mà bởi Hoàng đế Thuận Trị muốn tránh cho con trai khỏi mắc phải bệnh đậu mùa. 

Bệnh đậu mùa lúc đó là một loại bệnh truyền nhiễm và có khả năng tử vong cao, người tự khỏi sẽ có thể miễn dịch suốt đời. Năm đầu triều đại Nhà Thanh, bệnh đậu mùa đã tàn sát bừa bãi nơi kinh thành, dân tộc Mãn lại không biết cách phòng ngừa giống như dân tộc Hán, cho nên tỷ lệ người mắc bệnh cao, nhiều trẻ em vì bị lây nhiễm mà chết non. Thuận Trị đế cân nhắc đến việc tránh để con trai mắc phải loại bệnh này nên mới khổ tâm sắp đặt nhũ mẫu đưa con ra ngoài cung sinh sống. 

Ở bên ngoài hoàng cung, mặc dù Tôn Thị cùng nhóm người đi theo phục vụ chăm sóng tiểu Hoàng tử rất cẩn thận tỉ mỉ nhưng ông vẫn mắc phải bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, đúng như lời tiên đoán của Thái hậu Hiếu Trang, Tam a ca là người có phúc lớn, ông hồi phục nhanh chóng một cách thần kỳ, trên mặt chỉ để lại lưa thưa những vết sẹo nhỏ mờ nhạt. Không lâu sau đó ông được đưa trở về cung đình sinh sống. 

Trở lại Tử Cấm Thành, tiểu hoàng tử cũng được tiếp xúc nhiều hơn với phụ hoàng và mẫu phi. Tuy nhiên, đến năm ông 8 tuổi, Hoàng đế Thuận Trị băng hà. Ông đăng cơ được 2 năm thì Thái hậu Đông Thị mới 24 tuổi cũng qua đời vì bệnh tật. Hoàng đế Khang Hy tuổi còn nhỏ mà đã phải trải qua nỗi đau mất cả cha lẫn mẹ. Việc không được hầu hạ bên cha mẹ để tận đạo hiếu đã trở thành điều tiếc nuối suốt đời của ông. 

Mặc dù thời gian Hoàng đế Khang Hy và Tôn Thị ở chung rất ngắn ngủi nhưng ông lại là người con chí hiếu. Khi Khang Hy chưa được 10 tuổi, Đông Thị bị bệnh, Khang Hy tuổi còn nhỏ đã ngày đêm làm bạn bên nhũ mẫu, đích thân nếm thuốc cho mẹ, đến mức “đêm không chợp mắt, cực nhọc ngày đêm, không thể yên ổn nghỉ ngơi”. Lúc bệnh tình của Đông Thị chuyển biến nguy kịch, Hoàng đế Khang Hy lo lắng không ăn không nghỉ, gầy sút nhanh chóng. Mỗi lần đến thỉnh an Thái hoàng Thái Hậu Hiếu Trang, ông đều cố nén bi thương để an ủi Tổ mẫu, nhưng ngay khi vừa rời đi ông đã lại bật khóc. Khi Đông Thị qua đời, Hoàng đế Khang Hy càng đấm ngực dậm chân, buồn bã khóc thương, không ăn uống gì. Người hầu bên cạnh nhìn thấy vậy đều bị ông làm cho cảm động rơi lệ. 

Tổ mẫu dưỡng dục 

Theo ghi chép ‘Thánh Tổ nhân hoàng đế thánh huấn’, Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Dựa vào Tổ mẫu nuôi dưỡng và giáo dục, ta mới có thể trưởng thành và tự lập”. 

Thuở nhỏ, Hoàng đế Khang Hy mất cả cha lẫn mẹ, Tổ mẫu Thái hoàng Thái Hậu Hiếu Trang trở thành người thân nhất của ông. Vì tận mắt chứng kiến điềm lành hiện ra trước và sau khi Hoàng đế Khang Hy chào đời, bà vô cùng quan tâm chú ý đến sự phát triển của đứa cháu nhỏ này. Khi Hoàng đế Thuận Trị và Đông Thị lần lượt qua đời, bà càng hết lòng chăm sóc cho Khang Hy, nỗ lực bồi dưỡng ông trở thành một vị hoàng đế kiệt xuất. 

Lúc Khang Hy đế còn nhỏ tuổi, Tổ mẫu Hiếu Trang đã phái thị nữ tín nhiệm của mình là Tô Ma Lạt Cô tới giúp chăm sóc cháu trai, đồng thời cũng đảm nhiệm là người thầy vỡ lòng cho ông. Lịch sử có ghi lại rằng, Tô Ma Lạt Cô là người khéo tay, từng tự tay thiết kế và may bộ quan phục thời đầu của nhà Thanh. Bà cũng thông thạo chữ Mãn và chữ Mông Cổ. Nhờ sự dạy bảo của bà mà Hoàng đế Khang Hy có thể viết được chữ Mãn rất đẹp. 

Tổ mẫu Hiếu Trang giáo dục Hoàng đế Khang Hy vô cùng nghiêm khắc. Ngay khi mới chào đời, bà đã dùng tiêu chuẩn của bậc đế vương để bồi dưỡng Khang Hy rồi. Khi Hoàng đế Khang Hy có thể đi lại và nói chuyện, ngay cả khi ăn uống, cử chỉ, lời nói và các phương diện khác, bà đều định ra quy tắc cho ông. Ngay khi chỉ có một mình, Hoàng đế Khang Hy cũng không thể cho phép bản thân vượt ra ngoài những khuôn phép đó, nếu không sẽ bị Tổ mẫu nghiêm khắc phê bình. 

Dưới sự dụng tâm nhắc nhở của Tổ mẫu, Hoàng đế Khang Hy đã dưỡng thành những thói quen cư xử tuyệt vời ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Ví dụ như, khi đang đi đường, đứng lại, thậm chí là khi ngồi cũng có thể làm được không quay đầu về phía sau, không liếc mắt nhìn. Sau khi đăng cơ, dù là ở trên triều cùng quần thần thảo luận chính sự hay lúc nói chuyện phiếm với người nhà trong hậu cung, ông luôn giữ được tư thế “ngồi ngay ngắn đường hoàng”, thể hiện ra phong độ khí vũ hiên ngang, dáng vẻ đường đường của bậc thiên tử, mọi lúc mọi nơi đều để lộ sự tao nhã, nghiêm túc, cẩn trọng của hoàng gia. 

Những ngày bình thường Hoàng đế Khang Hy đã dưỡng thành thói quen tốt đó, điều này cũng cho thấy tinh thần cần cù học hỏi cùng khả năng tập trung của ông khác xa người bình thường. Hoàng thất của triều đại nhà Thanh vô cùng coi trọng giáo dục cho các Hoàng tử. Lúc Khang Hy đế 5 tuổi, theo quy định của tổ tiên, ông bắt đầu bước vào thư phòng học tập các tác phẩm kinh điển thời cổ đại, lấy lịch sử làm gương, học tập theo đạo trị quốc của các bậc đại thánh minh quân cổ đại. Ông cũng trở thành vị hoàng đế nổi tiếng chăm chỉ đọc sách. Sách sử ghi lại, lúc đọc sách ông vô cùng nỗ lực học tập, nhất định phải làm được đến đọc niệm từng chữ, nắm được nội hàm của câu chữ. Gặp được những lời dạy thâm thúy, ông liền khiêm tốn tìm người chỉ bảo tứ phương, hoặc là tự mình đào sâu suy nghĩ cẩn thận. 

Hoàng đế Khang Hy học tập nghiên cứu trong thư phòng với thái độ trang nghiêm cẩn trọng kiên trì thiết thực. Có lẽ người khác sẽ cảm thấy đọc sách là việc rất vất vả, thể nhưng đây lại và việc mà ông làm không biết mệt. Bởi vì sợ ông học hành quá sức, nhũ mẫu Phác Thị đã xuất phát từ sự quan tâm lo lắng cho sức khỏe của ông mà nhiều lần đem sách giấu đi, hy vọng Hoàng đế có thể nghỉ ngơi một chút, ai ngờ ông lại kiên trì tìm lại sách và tiếp tục siêng năng đọc. Sau khi nghe được chuyện này, Tổ mẫu Hiếu Trang vừa mừng lại vừa đau lòng: “Con đã là Hoàng đế rồi, sao còn chăm chỉ học tập như một thư sinh muốn tham gia khoa cử vậy?” 

Từng có một vị đại quan vì muốn tiểu hoàng đế vui vẻ mà tiến dâng con vẹt, tuy nhiên Hoàng đế Khang Hy đã cự tuyệt. Lúc đó ông mới là cậu bé 12 tuổi, đang ở tuổi ham chơi. 

Sử sách cũng ghi lại rằng không lâu sau khi Hoàng đế Khang Hy đăng cơ, Tổ mẫu Hiếu Trang từng hỏi ông mong muốn điều gì. Lúc đó ông đã trả lời rằng: “Chỉ cầu mong thiên hạ được yên ổn, bách tính an cư lạc nghiệp, cùng hưởng phúc thái bình”. Lời nói mang theo sự lo lắng cho xã tắc muôn dân lại được thốt ra từ miệng của một tiểu Hoàng đế, điều này cho thấy sự dạy bảo của Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang đối với hoàng tôn vô cùng thành công. 

Xung linh lên ngôi

Trong ‘Thuận Trị hoàng đế di chiếu’ có ghi chép lại lời của Hoàng đế Thuận Trị như sau: “Hoàng tử do Đông phi sinh ra vừa mới 8 tuổi, thông minh hơn người, có thể thừa kế cơ nghiệp tổ tiên, hiện lập lên làm Hoàng thái tử”. 

Vào cuối năm Thuận Trị thứ 17 (1660), vào thời điểm từ biệt cái cũ đón cái mới, cả nước đang làm lễ chúc mừng, Tử Cấm Thành lại bị mây đen bao phủ, lòng người bàng hoàng. Chính vào năm nền chính trị hưng thịnh, Thuận Trị đế lại mắc phải bệnh đậu mùa. Trước đó, vì để tránh dịch bệnh mà Hoàng đế Thuận Trị không chỉ hủy bỏ đại lễ quan trọng mà còn nhiều lần thực hiện chuyển nhà đi nơi khác, thế nhưng cuối cùng ông cũng không thoát khỏi việc bị mắc phải dịch bệnh này. 

Lúc đó bệnh đậu mùa được coi là bệnh đáng sợ không trị được. Sau khi mắc phải, Hoàng đế Thuận Trị rất nhanh lâm bệnh nặng và trút hơi thở cuối cùng. Vương triều nhà Thanh nhập quan không lâu, cơ sở còn chưa vững, tuyển chọn bậc quân chủ mới trở thành việc cấp bách hàng đầu. Trong điện dưỡng tâm dưỡng bệnh, Thuận Trị đế tự hỏi ai trong hoàng thất có thể đảm đương được trách nhiệm này. Trong cuộc đời, ông có 6 người con trai, Nhị a ca mới 9 tuổi, Tam a ca chính là Khang Hy đế sau này mới 8 tuổi, 4 a ca khác lại càng nhỏ tuổi hơn. Thuận Trị đế nghĩ rằng muốn tiếp nối truyền thống “Huynh chung đệ cập”, nghĩa là anh qua đời thì em lên thay, chọn một người lớn tuổi lên làm hoàng đế để triều đình được vững vàng, tuy nhiên cách nghĩ này đã bị Tổ mẫu Hiếu Trang cùng đại thần tam kỳ phản đối. 

Kỳ thực, người mà Hoàng đế Thuận Trị kỳ vọng truyền ngôi vị chính là hoàng tử thứ 4, có mẹ đẻ là Đổng Ngạc phi, người mà cả đời hoàng đế gửi gắm tấm chân tình. Cho nên, lúc Tứ a ca vừa chào đời, Hoàng đế Thuận Trị đã vui mừng tuyên bố rằng cậu là đứa con số 1. Nhưng tiếc thay, Tứ a ca vừa chào đời được mấy tháng đã chết yểu, khiến cho Thuận Trị đế cùng Đổng Ngạc phi vô cùng đau buồn. Vậy thì, trong những hoàng tử còn lại, làm sao mà Khang Hy đế lại được chọn? 

Có lẽ điều này bắt nguồn từ sự việc để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm Hoàng đế Thuận Trị diễn ra vào hai năm trước đó. Khi đó Khang Hy đế cùng hai đại ca, và a ca thứ 5 đến thỉnh an hoàng đế Thuận Trị. Thuận Trị đế có hỏi họ chí hướng của mỗi người là gì, a ca thứ 5 tuổi còn nhỏ nên không nói gì, Nhị đại ca nói: “Nhi thần muốn làm một bậc hiền vương”. Còn Khang Hy đế lúc đó nói rằng: “Nhi thần hy vọng bản thân có thể cần cù nỗ lực, trưởng thành có thể giống như phụ thân”. Sau khi nghe xong, Thuận Trị đế nhìn con với ánh mắt kinh ngạc. 

Còn một người nữa đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy hoàng đế Khang Hy đăng cơ, đó chính là giáo sĩ nổi tiếng thời nhà Thanh, Thang Nhược Vọng. Ông là đệ nhất Nhâm khâm thiên giam giam của triều đình nhà Thanh, quản lý lịch thiên văn làm pháp sự, rất được hoàng đế coi trọng. Thuận Trị đế còn gọi ông là “Mã pháp” (ý tứ người Mãn ám chỉ là “gia gia”). Trước khi lâm chung, Hoàng đế Thuận Trị cố ý hỏi ý kiến của ông. Thang Nhược Vọng có đề cập đến một việc, chính là Tam a ca từng vượt qua nạn bệnh đậu mùa lúc còn bé, người này sẽ cả đời miễn dịch, còn các hoàng tử khác sẽ gặp phải nguy cơ mắc bệnh đậu mùa bất cứ lúc nào. 

Tuổi nhỏ khổ cực lại trở thành trợ lực to lớn cho Khang Hy. Hoàng đế Thuận Trị cũng vì bị bệnh đậu mùa mà sắp qua đời. Lời nói của Thang Nhược Vọng lại giúp Thuận Trị tin tưởng vững chắc rằng, Tam a ca đúng là người được chọn tốt nhất. Từ phẩm hạnh mà nhìn, dưới sự dạy bảo của Tổ mẫu Hiếu Trang, ngôn hành cử chỉ của Khang Hy rất có quy tắc, tuổi còn nhỏ đã có ý chí cao xa. Từ học thức mà xem thì ông có thiên phú đọc sách, đọc nhanh như gió, vừa đọc đã không thể quên. Đồng thời ông cũng là người có nghị lực, thường đọc sách tới tận nửa đêm, từ chính trị đế vương, triết lý thánh hiền, đến 6 tác phẩm kinh điển, ông đều thông hiểu đạo lý. 

Nhà Thanh là một vương triều lấy được thiên hạ trên lưng ngựa, tôn trọng dũng sĩ, và Khang Hy đế, bậc Cửu ngũ chí tôn cũng là người văn võ toàn tài. Trong “Khang Hy triêu thực lục” có ghi lại như sau: “Giương cung 15 quân (1 quân bằng 30 cân), tay nắm 13 mũi tên. Cưỡi ngựa bắn cung trái phải, tên bắn chắc chắn trúng”. 15 quân tương đương với 450 cân, một tay nắm tới 13 mũi tên bắn ra cùng một lúc. Trong ‘Tống sử’ có ghi chép, Đại danh tướng Nhạc Phi thời Tống có thể giương cây cung nặng 3 thạch, tương đương với khoảng 300 cân. Khang Hy đế còn giỏi làm nhiều việc trên lưng ngựa cùng một lúc, bắn tên không trượt lần nào. Ông không chỉ dũng mãnh mà công phu cưỡi ngựa bắn cung cũng vô cùng tinh diệu. 

Vì vậy, “Sử ký” đã ca ngợi Hoàng đế Khang Hy là người “đa tài đa nghệ, văn cũng như võ”, “Nhân chí nghĩa tẫn, cửu đạo hóa thành”. Việc Khang Hy đăng cơ đúng là thuộc về thiên mệnh, lòng người hướng đến. 

Rạng sáng ngày 18 tháng giêng năm Thuận Trị thứ 18 (1661), Hoàng đế Thuận Trị băng hà, để lại một bản di chiếu hơn 1000 chữ, trong đó một lượng lớn từ nói về khuyết thiếu trong suốt cuộc đời nhiếp chính của ông. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất trong di chiếu chính là lập Tam a ca Huyền Diệp làm Thái tử. 

Theo sau tiếng khóc thê lương, đồ vật trong Tử Cấm Thành được bao phủ bởi màu trắng. Vào ngày thứ hai, với sự hỗ trợ của Tổ mẫu Hiếu Trang, Tam a ca đang mặc đồ tang tiến hành các nghi lễ tế trời đất, tông miếu, bái thiên địa. Sau khi mặc lên bộ hoàng bào, ngồi trang nghiêm trên ghế rồng tại điện Thái Hòa ban bố chiếu thư: Tổ mẫu phong làm Thái hoàng Thái hậu, mẹ cả cùng Đông Thị cũng được phong làm Hoàng Thái hậu, định tiên đế là Chương Hoàng đế, miếu hiệu Thế tổ, đại xá thiên hạ, năm sau đổi tên là “Khang Hy nguyên niên”. 

Từ đó, cậu bé Ái Tân Giác La – Huyền Diệp 8 tuổi trở thành hoàng đế Khang Hy, bắt đầu kiếp sống đế vương quân lâm thiên hạ. Mặc dù được Tổ mẫu Hiếu Trang giúp đỡ, dù sao đi nữa Hoàng đế Khang Hy tuổi vẫn còn nhỏ, ông có thể khiến văn võ bá quan trong triều chân thành thần phục sao? Ông đã gặp phải cục diện chính trị như thế nào? Một đất nước rộng lớn như vậy, ông làm thế nào để có thể thống trị được? Màn diễn truyền kỳ của bậc minh quân thịnh thế đã được mở ra. 

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version