Người Việt Nam một thời đã không còn xa lạ với một vị hoàng đế Trung Hoa qua bộ phim truyền hình dài tập “Khang Hy vi hành”. Tuy vậy, phim ảnh thời hiện đại đã thêm vào nhiều yếu tố nhân tình, hư cấu, khiến cho diện mạo chân thật của nhân vật lịch sử bị che mờ. Khang Hy thật sự là vị hoàng đế có tấm lòng nhân từ và trí tuệ sáng suốt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc…
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Từ lúc Vương triều Đại Thanh tiến vào làm chủ Trung Nguyên, tộc người Mãn không còn là bộ lạc chiếm cứ một phương ở nơi quan ngoại nữa mà trở thành trung tâm của thế giới được vạn bang nhìn vào. Hoàng đế Đại Thanh với tư cách là vương của các vị vua, một hành động của ông không chỉ quyết định tồn vong hưng suy của một vương triều mà còn ảnh hưởng đến thiên hạ đại cục. Tuy nhiên, nhà Thanh mới nhập quan, hai vị hoàng đế lên ngôi là Thuận Trị và Khang Hy lại đều đăng cơ khi tuổi còn nhỏ. Hoàng đế Khang Hy lên ngôi, có thể không giống như phụ hoàng của ông, liệu có bình yên vượt qua giai đoạn học tập và rèn luyện trước khi chấp chính?
Khang Hy trừ Ngao Bái đã trở thành câu chuyện nổi tiếng truyền kỳ. Đây cũng là việc mà Khang Hy thực hiện một cách tốt đẹp nhất khi còn ở tuổi thiếu niên và tạo thành bước ngoặt trong sự nghiệp chấp chính của ông. Trong các tác phẩm văn học sau này, câu chuyện Khang Hy diệt trừ Ngao Bái vẫn được mọi người kể lại một cách say sưa. Cuộc đọ sức giữa mưu và lực xảy ra trong trận chiến lịch sử này, tại sao lại quan trọng như vậy? Vậy Ngao Bái là người như thế nào?
Đại thần phụ chính
Trong di chiếu của Hoàng đế Thuận Trị có viết rằng: “Bốn vị là nguyên lão trọng thần có công, trẫm đem việc nước giao phó cho họ. Hy vọng họ sẽ hết sức trung thành tận trung, trợ giúp ấu chủ, xử lý giúp việc nước”.
Hoàng đế Thuận Trị băng hà, Hoàng đế Khang Hy lên kế vị, khiến cho năm mới của năm Thuận Trị thứ 18 biến thành thời khắc vui buồn lẫn lộn, trở thành thời khắc trọng yếu thay đổi lịch sử Đại Thanh. Sau khi thiên tử đăng cơ, đương nhiên trở thành người đứng đầu thống trị quốc gia, tuy nhiên nếu như thiên tử tuổi còn nhỏ thì không thể tự mình xử lý việc triều chính một cách độc lập.
Vì là ấu chủ nên không thể tự mình chăm lo việc quốc gia đại sự, do đó triều đình sẽ chọn ra người đặc biệt để đại diện hoặc phụ giúp thiên tử quản lý việc triều chính. Người này gọi là “nhiếp chính”. Trong lịch sử cũng xuất hiện không ít những người nổi tiếng xưng là cố mệnh đại thần, ví như Chu Công của thời kỳ Chu Thành Vương, Gia Cát Võ Hầu thời kỳ Tam Quốc… Họ phần lớn là người đức cao vọng trọng, là quốc sĩ rường cột quốc gia, vì giang sơn xã tắc mà cúc cung tận tụy, để lại nhiều giai thoại. Còn có một loại người đặc thù, chính là thái hậu buông rèm nhiếp chính.
Theo chế độ cũ của Mãn Thanh, khi ấu chủ không thể tự mình xử lý chính sự thì chư vương trong tôn thất sẽ thay quyền xử lý việc triều chính. Ví dụ như, lúc Hoàng đế Thuận Trị đăng cơ, ông mới có 6 tuổi, việc triều chính thời điểm đó là do Hòa Thạc Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn và các thân vương khác cùng nhau giúp đỡ. Về sau Đa Nhĩ Cổn muốn tự mình xử lý việc quốc gia đại sự, cho nên ông đã thăng lên làm “Hoàng phụ nhiếp chính vương”. Ông không chỉ một mình tự quyết việc triều chính, về một số phương diện khác còn lạm dụng quyền hành giống như một vị hoàng đế. Mãi tới khi Đa Nhĩ Cổn qua đời ở tuổi trung niên, tình hình chính sự mới được đảo ngược. Khang Hy đế ngồi lên ngai vị cũng gặp phải tình trạng giống Tiên đế đến kinh ngạc, tuy nhiên lịch sử đã không diễn lại như vậy một lần.
Do đó, trong di chiếu, Hoàng đế Thuận Trị đã thay đổi phong tục cũ, xác lập chế độ mới, định ra 4 cố mệnh đại thần làm phụ chính cấp cao nhất, đầu tiên là Sách Ni, nguyên lão 4 triều, người của chính hoàng kỳ, thứ hai là Tô Khắc Tát Cáp, người thuộc chính bạch kỳ, còn hai vị nữa thuộc tương hoàng kỳ là Át Tất Long và Ngao Bái. Bốn người họ đều có xuất thân hoàng gia, thống lĩnh tam kỳ, là bậc khai quốc công thần, thuộc gia đình danh môn, lập được chiến công hiển hách, có nhiều công lao Hãn mã mở ra cơ nghiệp Đại Thanh, được Hoàng đế Thuận Trị rất coi trọng.
Bốn vị đại thần quyền cao chức trọng, nhưng đối với ủy thác trách nhiệm phụ chính cũng vẫn cảm thấy vô cùng sợ hãi, lo sợ sẽ bị các bối lặc chư vương của Mãn Thanh cản trở. Khi tuyên đọc di chiếu, bốn người họ còn hướng đến thành viên trong tôn thất để từ chối: “Tiên đế hạ di chiếu, mệnh cho 4 người chúng tôi phụ tá ấu chủ. Tuy nhiên, việc đại sự quốc gia vẫn do tôn thất phụ giúp, chúng ta không cùng họ với thần tử, sao có thể gánh được trách nhiệm nặng nề này? Cần chuyển lại cho các Vương gia bối lặc cùng quản lý chính sự”. Nhóm thân vương đã tranh thủ thời gian trả lời rằng: “Tiên đế biết rõ lòng trung thành của các ngươi, cho nên lúc này mới đem nghiệp lớn quốc gia ủy thác cho các ngươi, do đó đừng nên khước từ nữa”.
Sau đó, bốn vị phụ tá mới long trọng tuyên thệ trước linh vị của Hoàng đế Thuận Trị: “Chúng thần thề, trung thành trợ giúp, cùng sống chết, phụ giúp việc chính sự. Không tư thân thích, không kết bè phái, không kể oán thù, không lén qua lại cùng tôn thất, không nhận hối lộ. Nếu như vi phạm lời thề, sẵn lòng chịu nhận sự trừng phạt của Thiên Thượng”. Các văn võ bá quan khác cũng ở trên đại điện thề tận trung làm tốt chức trách, phụ giúp Hoàng đế mới.
Vì vậy, trước khi Hoàng đế Khang Hy tự mình điều hành việc quốc gia, triều đình nhà Thanh khai mở chế độ Tứ đại thần phụ chính. 4 vị đại thần này có thể ở một mức nhất định mà dùng quyền lực cao nhất của Hoàng đế với danh nghĩa “Phụ thần xưng chỉ” để ra quyết định xử lý công việc. Nói chung, 4 vị đại thần sẽ cùng nhau thảo luận đưa ra quyết sách sau đó mới cùng nhau thượng tấu lên Hoàng đế. Nhiệm vụ chủ yếu của Hoàng đế Khang Hy lúc này là học tập, lắng nghe, tham dự việc các đại thần dâng tấu, tìm hiểu cách thức xử lý việc quốc gia. Cuối cùng nhất, Hoàng đế Khang Hy còn nhờ Tổ mẫu Hiếu Trang xin ý kiến.
Từ lúc thành lập Tứ đại thần phụ chính đến năm 1696, khi Khang Hy tự mình chấp chính, thời gian khoảng 8 năm rưỡi. Thời kỳ này cũng được gọi là “Thời kỳ phụ chính”. Khoảng thời gian này, Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ và phụ giúp ấu chủ. Bà không màng danh lợi, cự tuyệt đặc quyền buông rèm chấp chính, dùng uy vọng tôn quý mà giúp đỡ và ủng hộ hết mình đối với vị hoàng tôn còn nhỏ tuổi này.
Nhờ có kinh nghiệm giúp đỡ Hoàng đế Thuận Trị, việc giúp đỡ Khang Hy xử lý chính sự đối với Tổ mẫu Hiếu Trang càng thêm bình tĩnh hơn. Thêm nữa, bà còn có nhiều kinh nghiệm hơn để chỉ bảo cho Khang Hy. Nhưng mà cho người con cá không bằng dạy người cách câu cá, Tổ mẫu Hiếu Trang không chỉ bồi dưỡng Hoàng đế Khang Hy mà còn dạy bảo và động viên, chỉ bảo ông hiểu được đạo trị quốc.
Tổ mẫu Hiếu Trang còn dạy Hoàng đế Khang Hy vẽ tranh và viết chữ: “Cổ nhân thường nói, làm hoàng đế khó. Dân chúng trong thiên hạ đều đặt hy vọng vào Hoàng đế. Cho nên hoàng đế phải nhận thức rõ lý “được lòng dân thì sẽ được thiên hạ”. “Muốn để muôn dân được an cư lạc nghiệp, giang sơn yên ổn vững chắc”. Bà cũng ân cần dặn dò: “Con cần khoan dung nhân từ, nhẹ nhàng cung kính, thận trọng từ lời nói đến việc làm, làm được như thế thì mới có thể kế thừa được cơ nghiệp mà tổ phụ lưu lại, ta mới có thể yên tâm được”.
Ngao Bái lộng quyền
Trong ‘Khang Hy triêu thực lực’ có ghi chép: “Chỉ vì sự việc ‘khoanh đất’ mà Ngao Bái và Át Tất Long đã giết 3 người là Thượng thư Tô Nạp Hải, Tổng đốc Chu Xương Tộ, Tuần phủ Vương Đăng Liên, thật là oan uổng. Sự việc như thế, trẫm không đành lòng làm, nhóm người Chu Xương Tộ chẳng những không nên giết mà cũng không nên trị tội họ”.
Hoàng đế Khang Hy trưởng thành từng ngày, toàn bộ quốc gia dưới nền chính trị tốt mà vận hành một cách bình ổn. Tuy nhiên, thế sự khó lường, nhân tâm dễ thay đổi, bốn vị phụ thần có thể ngăn được tai hại tôn thất tự ý chuyên quyền, nhưng họ có thực hiện đúng như lời thề, giữ vững tâm nguyện ban đầu, chí công vô tư phò tá hoàng đế trẻ?
Trong bốn phụ thần, người nổi tiếng ngang ngược và kiêu ngạo nhất chính là Ngao Bái. Ban đầu, Ngao Bái là một vị tướng dũng mãnh thiện chiến, lòng son dạ sắt. Ông ta theo Thái Tông Hoàng Thái Cực chinh chiến khắp nơi, lập nhiều công lao và trở thành tâm phúc của Thái Tông. Ông còn lấy được danh xưng dũng sĩ của người tộc Mãn Châu là ‘Ba đồ lỗ’, võ công cao cường, nghe nói có thể bắn tên sắt vào cửa thành, mười thị vệ hợp lực cũng không rút nổi mũi tên ra, giống như cọp con dũng mãnh thấy được vằn.
Ngao Bái lập nhiều công lao, danh tiếng rất cao, cho nên ông ta không cam lòng ở dưới trướng, dần dần đã không kiềm chế được dã tâm tranh quyền đoạt lợi. Ông bắt đầu lợi dụng chức quyền, trừ khử kẻ đối đầu, ý đồ muốn phá vỡ sự thăng bằng khi 4 thần phụ chính. Ví dụ như, trước kia, Ngao Bái cùng đại thần Phí Dương Cổ có oán thù lâu dài. Vào năm phụ chính thứ 2, Ngao Bái liền tự tạo thêm một ít tội danh, đem Phí Dương Cổ cùng hai người con của ông giết chết. Về sau, Ngao Bái ngày càng ngang ngược, bắt đầu gây dựng thế lực trong triều, thân thích của ông ta và một số đại thần xu nịnh như em trai, cháu trai, cùng nhóm người Ban Bố Nhĩ Đẳng ở đại học sĩ, trở thành tay chân của ông ta.
Khi thảo luận về chính sự, thái độ của Ngao Bái không ai bì nổi. Ông ta dựa vào công cao, lời nói việc làm bạo ngược, khiến các quan lại phải e ngại. Vậy 3 vị phụ tần còn lại chẳng lẽ lại bỏ qua sao? ‘Bản thảo Lịch sử nhà Thanh’ có ghi: “Sách Ni tuổi cao, Át Tất Long quan điểm không rõ ràng, Tô Khắc Tát Cáp có cái nhìn nông cạn, tâm không phải đồng ý với Ngao Bái mà cảm thấy bản thân không thể tranh giành”. Hàng thứ nhất là Sách Ni tuổi già nhiều bệnh tật, thứ hai là Tô Khắc Tát Cáp sự từng trải còn non, thứ ba là Át Tất Long, người hoa mắt ù tai nhu nhược, 3 người này không phải là đối thủ của Ngao Bái, đối với hành vi của Ngao Bái chỉ biết giận mà không dám nói gì.
Tuy nhiên, người mà Ngao Bái hận nhất chính là Tô Khắc Tát Cáp, ông ta xem người này như kẻ thù chính trị lớn nhất của mình. Tô Khắc Tát Cáp là con của Ngạch phò, người được hoàng gia coi trọng, cho nên ông được sắp đặt trong danh sách cố mệnh đại thần gần thứ hạng với Sách Ni. Điều này ám chỉ rằng, Tô Khắc Tát Cáp và Ngao Bái vẫn là thân gia, vốn có khả năng kết thành vây cánh. Nhưng bởi vì Tô Khắc Tát Cáp không ưa thái độ hung hăng vênh váo của Ngao Bái, cho nên trong lúc thảo luận chính sự, ông thường tỏ thái độ đối nghịch, dẫn đến sự oán hận giữa hai người ngày càng sâu dày.
Hơn nữa, cờ trắng của Tô Khắc Tát Cáp từng do Đa Nhĩ Cổn thống lĩnh, vốn có thù cũ sâu đậm với hai lá cờ vàng do Hoàng đế đích thân thống lãnh, do đó Tô Khắc Tát Cáp cùng 3 vị phụ chính còn lại có mâu thuẫn trùng trùng điệp điệp và ở vào thế cô lập. Thế là Ngao Bái liền bày mưu, dựa vào sự kiện “Khoanh đất” để tạo sóng, rồi tiến thêm một bước cô lập nhằm mục đích chèn ép Tô Khắc Tát Cáp.
Trước kia, lúc Đa Nhĩ Cổn nhiếp chính, lợi dụng quyền thế để ưu tiên khoanh ruộng, đem khu vực đất tốt phân cho các cờ trắng trước, sau đó mới đến phân cho cờ vàng, khiến cho người nằm trong đội cờ vàng cảm thấy bất mãn. Hơn 20 năm sau, tháng Giêng năm Khang Hy thứ 5 (1666), Ngao Bái nhắc lại chuyện xưa, yêu cầu chia đất lại lần nữa. Quả nhiên yêu cầu của ông đã được các đại thần thuộc hoàng kỳ hưởng ứng, thậm chí phụ thần còn ủng hộ. Nhưng tình huống thực tế là, dân ở tất cả các kỳ đã an cư từ lâu, đột nhiên di dời chỉ gây thêm náo loạn cho kinh thành.
Vì vậy, Hộ bộ Thượng thư Tô Nạp Hải thuộc cờ trắng tỏ ý phản đối: “Sự việc khoanh đất đã qua từ lâu, đến năm Khang Hy thứ 3, triều đình quy định không được phép khoanh đất của dân. Cho nên, hiện tại không thích hợp để thay đổi, thay thế vùng đất đã phân”. Ngao Bái lại một mực cố chấp, lấy danh nghĩa “xưng chỉ”, cưỡng ép ban bố ý chỉ đổi đất. Hành động này khiến dân chúng xôn xao, lòng người bàng hoàng.
Tới tháng 11, quan viên địa phương vùng gần kinh thành cũng liên tiếp dâng tấu phản đối. Tổng đốc của Trực Đãi Tỉnh là Chu Xương Tộ nói: “Nếu như đây là ý chỉ của Hoàng đế, thần không giám quá phận mà thượng tấu. Chỉ là tận mắt nhìn thấy đời sống của dân liên tiếp gặp khó khăn, hy vọng có thể lập tức hạ chiếu dừng việc đổi đất lại”. Tuần phủ Vương Đăng Liên cũng nói: “Từ khi chiếu thư ban ra, đất thuộc các kỳ đợi đổi, dân ở các kỳ đợi chuyển, tất cả mọi người không trồng trọt, đất đai đã chuyển thành đất hoang, hy vọng dừng việc này ngay lập tức”.
Chỉ trong một tháng, Ngao Bái liền giả mạo chỉ dụ của vua, đem Tô Nạp Hải, Chu Xương Tộ, Vương Đăng Liên đi xử trảm. Họ đều là những quan lớn thuộc hàng Nhị phẩm trở lên, Ngao Bái nói giết liền giết, như vậy cho thấy dã tâm của ông ta thâm độc, thế lực to lớn. Vào thời điểm đó, Hoàng đế Khang Hy mới 13 tuổi, nhưng cũng hiểu được việc khoanh đất ảnh hưởng đến đời sống người dân ở kinh thành, do đó đã đặc biệt mời 4 vị phụ thần đến gặp mặt để hỏi thăm việc này. Nhưng do mâu thuẫn giữa cờ trắng và cờ vàng, trừ Tô Khắc Tát Cáp trầm mặc không nói, Sách Ni cùng Át Tất Long cùng đồng ý với việc đem 3 người Tô Nạp Hải đi trừng trị với tội danh nghiêm trọng.
Lý trí mách bảo, thiên tử tuổi còn trẻ nhưng cũng nhận thức được tính nghiêm trọng của sự kiện này, cho nên từ đầu đến cuối vẫn không đồng ý chủ trương của Ngao Bái. Tuy nhiên, đại thần lạm dụng quyền hành kiêu căng ngạo mạn, giả danh nghĩa thiên tử, xem mạng người như cỏ rác. 3 người chết khiến Hoàng đế Khang Hy vô cùng đau lòng. Mãi đến 40 năm sau, trước mặt quần thần, Hoàng đế Khang Hy vẫn nhắc lại sự việc này, vẫn gọi họ là “Oan gia trái chủ” để bày tỏ sự tiếc hận và đau lòng của mình.
Ung dung thản nhiên
“Ngao Bái uổng xưng cố mệnh đại thần, lại tiến thêm bước trộm lộng quyền bính, nắm giữ triều chính”.Hoàng đế Khang Hy.
Đối với người dưới, Ngao Bái nắm giữ quyền sinh quyền sát, đối với cấp trên lại ngạo mạn vô lễ. Ông ta thấy Hoàng đế Khang Hy tuổi còn nhỏ lại nhân từ khoan dung, dần dần không để hoàng đế vào trong mắt, thường gọi Khang Hy đế là “Tiểu hài tử”, thậm chí còn nói năng lỗ mãng.
Theo ghi chép trong tiểu thuyết bút ký, một hôm Ngao Bái chuẩn bị bẩm tấu sự tình thì nhìn thấy Hoàng đế Khang Hy đọc sách Nho giáo, trong lòng rất không vui nên đã ‘phản đối’ thẳng thừng: “Theo chế độ Đại Thanh ta, hoàng đế nên đọc nhiều kinh lạt ma chứ không phải kinh sách Nho gia”. Hoàng đế Khang Hy cười nói: “Trước khác nay khác. Đại Thanh làm chủ Trung Nguyên, lại không đọc sách Khổng Tử, không dạy đạo lý này. Trẫm cho rằng tam giáo ngang hàng, không phân cao thấp, tại sao kiến thức của ái khanh lại không sâu rộng?”
Ngao Bái tức giận nói: “Hoàng thượng vừa tự mình chấp chính đã cự tuyệt can gián của trung thần, thần còn dám hỏi quốc sự nữa sao?” Nói xong, Ngao Bái liền phất tay áo muốn cáo lui. Hoàng đế Khang Hy vẫn nhẹ nhàng trấn an: “Trẫm không phải cự tuyệt can gián, đọc sách cũng không phải chuyện xấu gì. Ái khanh cứ bình tâm mà xem xét”. Ngao Bái vẫn tỏ ra không vừa lòng mà buông xuống chuyện này. Ông ta nói: “Hoàng thượng, thỉnh đem những gì thần nói để cho chư thần thảo luận. Lời thần nói nếu có gì sai, thần nguyện chết để tạ tội”. Hoàng đế Khang Hy biết rõ tính tình kiêu căng của ông ta nên cũng không so đo, chỉ cười cười mà thôi.
Một lần khác, Ngao Bái thỉnh cầu gia phong cho một vị tiền bối trong gia tộc, lý do là người này từng theo Thái Tông Hoàng Thái Cực chinh chiến lập nhiều đại công. Hoàng đế Khang Hy từ chối nói: “Không phải là chiến công của người này không hiển hách, nhưng mà Tiên đế cũng đã dành cho người này phần thưởng rất hậu đãi rồi. Sao hôm nay lại còn thỉnh phong? Trẫm không dám vượt qua quy định của tiên hoàng, mong ái khanh tự bảo trọng”. Ngao Bái không chịu vẫn cố tình dâng chiếu thư, hơn nữa còn biện minh một cách trắng trợn. Đối với thái độ ngạo mạn vô lễ của Ngao Bái, Khang Hy đế cảm thấy rất phiền chán, nhưng vì muốn giữ lại chút thể diện cho cố mệnh đại thần mà bình tĩnh trấn an: “Trẫm có ý chỉ khác, ái khanh không cần quá lao tâm phí sức”. Ngao Bái lại lập tức tạ ơn, tự cho là đã nhận được ân chuẩn của Hoàng đế, có thể thấy ông ta ngang ngược ngạo mạn lạm dụng quyền thế đến mức nào.
So với sự ngang ngược bất tuân của Ngao Bái, Hoàng đế Khang Hy lại thể hiện ra sự hàm dưỡng và cơ trí vượt xa so với tuổi của mình. Dù khảo nghiệm sinh tử ngay trước mặt, Khang Hy đế vẫn thản nhiên bất động.
Trong tiểu thuyết bút ký còn ghi lại một sự việc, ngày đó Ngao Bái cáo ốm không lên triều, Hoàng đế Khang Hy đích thân đến phủ của ông ta để hỏi thăm. Sau khi vào phòng ngủ của Ngao Bái, một thị vệ có tính cảnh giác cao đã phát hiện thấy sắc mặt của Ngao Bái khác thường, lập tức tiến đến trước giường của ông ta, lật chiếu lên và một con dao găm hiện ra. Trong tình huống nguy cấp và khó xử này, Hoàng đế Khang Hy cười nhẹ nói: “Đao bất ly thân là tập tục của người Mãn xưa, cũng không có gì lạ cả”. Nói xong, ông bình thản trở về cung.
Bề ngoài, Hoàng đế Khang Hy không hề tỏ ra tức giận và vui mừng đối với Ngao Bái, từng bước nhượng bộ, kỳ thực là ông đang chờ đợi thời cơ để phản kích. Mặt khác, Tổ mẫu Hiếu Trang đã cùng các phụ thần khác đã ở trong sáng trong tối mà giúp đỡ Khang Hy, hy vọng ông có thể sớm ngày tự mình chấp chính, giải trừ quyền hành của Ngao Bái. Vào năm Khang Hy thứ 4 (1665), Hoàng đế Khang Hy kết hôn, Tổ mẫu Hiếu Trang đã chọn cho ông một thiếu nữ khuê các con nhà danh môn, chính là cháu gái của Sách Ni, Hách Xá Lý làm Hoàng hậu. Sau 6 năm 3 tháng, Hoàng đế Khang Hy 14 tuổi, đã đến tuổi tự mình chấp chính, Sách Ni đại diện cho Tứ đại phụ thần, đã nhiều lần thỉnh cầu hoàng đế Khang Hy tự mình chấp chính.
Lúc đầu, Hoàng đế Khang Hy cho rằng thời cơ chưa chín muồi nên đã đem tấu chương của Sách Ni lưu lại mà không công bố. Không lâu sau, Sách Ni qua đời vì bệnh tật, Hoàng đế Khang Hy đã dẫn 3 đại phụ thần đến bái kiến Hiếu Trang, định ra việc tự mình chấp chính. Ngày 3 tháng 7, Hoàng đế Khang Hy tiếp nhận chúc mừng của văn võ bá quan tại điện Thái Hòa, đồng thời chiêu cáo thiên hạ tin tức tự mình chấp chính.
Sau khi hoàng đế Khang Hy tiếp nối chế độ “Ngự môn nghe báo cáo và quyết định sự việc” được lưu lại từ thời kỳ Hoàng đế Thuận Trị, ông bắt đầu chính thức xử lý công việc quốc gia đại sự. Thế nhưng, Ngao Bái lại tham luyến quyền vị, tiếp tục can thiệp triều chính, hầu hết các quan lại trọng triều đều nghe theo lệnh của ông ta, do vậy những ý chỉ của Hoàng đế không thể nào được thực thi.
Lúc này, Tô Khắc Tát Cáp với tư cách là phụ thần đứng đầu, cũng ra mặt giúp đỡ Hoàng đế Khang Hy. Ông nhiều lần dâng tấu lên Hiếu Trang cho thấy quyết tâm loại bỏ chức vị phụ thần, “Buổi tối bàn giao công việc với Hoàng thượng, sáng sớm hôm sau liền đi canh giữ lăng của Tiên đế”. Một khi Tô Khắc Tát Cáp từ chức, chế độ phụ thần liền bị bãi bỏ, Ngao Bái cũng không có lý do để tiếp tục thực hiện quyền hành độc tài. Do vậy, Ngao Bái đã quyết định ra tay với Tô Khắc Tát Cáp. Ngao Bái lợi dụng ngôn luận, lợi dụng vây cánh tận sức thêu dệt, định cho Tô Khắc Tát Cáp 24 tội danh, muốn đem ông lăng trì xử tử cùng diệt môn.
Hoàng đế Khang Hy đương nhiên biết được ý đồ thâm độc của Ngao Bái nên đã quyết đoán bác bỏ tấu chương của ông ta. Ngao Bái lại tiến sát từng bước, “Ra tay thượng tấu mỗi ngày không biết mệt mỏi”. Trước mặt thiên tử, ông ta không hề có lễ phép quân thần, càng không có tác phong của vị đại tướng, vén tay áo, vung tay, hướng đến Khang Hy mà lớn tiếng chất vấn, kiên trì ý định phải xử tử Tô Khắc Tát Cáp.
Đây là lần đầu tiên quân thần chính thức giao phong. Khang Hy tuổi còn trẻ, khi đối mặt với Ngao Bái võ công cao cường lại lộng hành ngang ngược, vẫn “nhất quyết không đồng ý thỉnh cầu”, tận lực bảo vệ mạng sống cho Tô Khắc Tát Cáp. Nhưng kết quả cuộc tranh luận lần này, vẫn để Ngao Bái chiếm được thế thượng phong, đem diệt cả nhà Tô Khắc Tát Cáp. Sự kiện đổ máu lại diễn ra lần nữa, điều này khiến Hoàng đế Khang Hy thất vọng triệt để về Ngao Bái, ông không cân nhắc đến tình cảm mà Tiên đế ủy thác, bắt đầu tính toán việc diệt trừ Ngao Bái.
(Còn tiếp)
- Xem trọn bộ Hoàng đế Khang Hy
Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch