Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (8): Kháng Nga ở biên cương phía Bắc

Khang Hy đế kế thừa cơ nghiệp tổ tiên nhưng thực tế là một đế quốc bấp bênh, nguy cơ tứ bề. Theo sự trưởng thành của Khang Hy, ông đã bình định được mọi thảm họa chiến tranh, tứ phương quy thuận. Vậy ông đã đánh đuổi quân xâm lược Nga như thế nào?

Ở phía Đông Bắc của mảnh đất Hoa Hạ rộng lớn, trong khu vực Trường Bạch Sơn và Hắc Long Giang có một vùng phúc địa ‘Dân tộc Mãn Châu’, đồng ruộng ngàn dặm phì nhiêu, sản vật dồi dào. Tổ tiên người Mãn sinh sống và phát triển trên mảnh đất này, thai nghén phát triển cơ nghiệp triều đại Kim và vương triều Đại Thanh. Trong nội tâm của dân tộc Mãn, Mãn Châu mang ý cát tường, bình an và tốt đẹp, càng là đế quốc Long Hưng, thánh địa nổi lên.  

Tuy nhiên, vào những năm đầu của triều đại nhà Thanh, dân tộc Mãn Châu không hề thái bình và tốt đẹp như mọi người kỳ vọng. Khi nhà Thanh nhòm ngó mong muốn làm chủ mảnh đất Trung Nguyên, một quốc gia ở phương Bắc của châu Á và châu Âu là Nga, thời kỳ Minh Thanh nước này được gọi là nước Raksha, đã phái quân viễn chinh xâm lược lưu vực Hắc Long Giang thuộc vùng đất của dân tộc Mãn Châu, thực hiện đốt giết đánh cướp dã man. 

Khang Hy đế kế thừa cơ nghiệp tổ tiên nhưng thực tế là một đế quốc bấp bênh, nguy cơ tứ bề. Phía Nam có Tam phiên cắt cứ, hải ngoại có Trịnh Thị kháng Thanh, Bắc có người Nga cướp giết, phía Tây có Cát Nhĩ Đan rình mò. Theo sự trưởng thành của Khang Hy, ông đã bình định được mọi thảm họa chiến tranh, thành lập võ công hiển hách, giúp biên thùy vững chắc, tứ phương quy thuận. Vậy ông đã đánh đuổi quân xâm lược Nga như thế nào?

Gia cố biên phòng

“Tộc người Valka, Hồ Nhĩ Cáp và các tộc người khác đều là những kẻ hung bạo, Ba Hải với danh nghĩa là tướng quân Ninh Cổ Tháp nhất định phải quảng bá cái thiện để giáo hóa, thuận theo ý trẫm mà trấn an người ở nơi xa”, Hoàng đế Khang Hy nói.

Một bản đồ trong thời kỳ Ung Chính của nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Kể từ khi lên ngôi, Hoàng đế Khang Hy đã trải qua cuộc sống gian nan khổ cực, xử lý đủ loại vấn đề khó khăn và nguy cơ các loại. Trừ Ngao Bái, phế bỏ Tam Phiên, thu phục Đài Loan, từ triều đình đến địa phương, từ đất liền đến biển đảo, trong thử thách mà không ngừng thăng cấp, điều này lại vừa hay giúp Khang Hy có thêm kinh nghiệm, rèn luyện bản thân ngày càng trở nên lớn mạnh. Lúc này ông đã bước qua tuổi 30 và là một vị hoàng đế thực thụ, nhưng đồng thời ông cũng phải đối mặt với những thử thách chưa từng có, đó là sự khiêu chiến từ các đế quốc khác. 

Vào thời Thuận Trị, nước Nga xâm lấn bờ cõi, trải qua nhiều lần chiến tranh, quân Thanh đã liên kết với dân chúng địa phương đánh đuổi quân Nga ra khỏi khu vực trung và hạ du Hắc Long Giang. Vì nhà Thanh đang gặp nội loạn liên tiếp nên không có thời gian để nhìn về phía Bắc, quân xâm lược Nga đã sớm trở lại. Vào năm thứ 4 của Hoàng đế Khang Hy (1665), người Nga đã chiếm đóng Nerchinsk và tiếp tục bành trướng thế lực về phía Đông và Nam.

Sau đó, tại khu vực biên giới Trung-Nga, người Nga đã thiết lập ba cứ điểm xâm lược lớn ở Nerchinsk và Yaksa (tức là Albazin) ở phía Đông, Chukubaixing (tức là Selengesk) ở phía Nam, và những khu vực nhỏ lẻ ở hạ du Hắc Long Giang. Họ lợi dụng những cứ điểm này, không ngừng quấy nhiễu và cướp bóc tài vật của dân chúng địa phương, sâm chồn cũng bị cướp bắt gần như không còn. 

Lúc này còn xảy ra việc các thủ lĩnh của bộ lạc phản bội chạy trốn, khiến cho xung đột ở vùng Trung – Nga càng thêm gay gắt. Để tránh sự xâm nhập của Nga, tộc trưởng bộ tộc Daur, Ghent Mur, đã dẫn bộ lạc của mình di chuyển về phía Nam khu vực Nerchinsk nhập vào nhà Thanh và trở thành thành viên Bát kỳ. Nhưng vào năm Khang Hy thứ 6, ông ta đột ngột chuyển sang Nga và bỏ trốn đến Nerchinsk. Vào năm Khang Hy thứ 12 và 13, lần lượt có người chạy trốn sang Nga. 

Trước hành vi xâm lược của Nga, Hoàng đế Khang Hy quyết không cho phép họ làm điều xằng bậy ở vùng đất Long Hưng. Đồng thời với việc đối phó với nội loạn, ông không quên việc phòng thủ ở vùng biên cương phía Bắc, chuẩn bị đánh lùi quân Nga. Phương diện phòng ngự là việc tối quan trọng đối với dân tộc “Tân Mãn Châu” và “Bố Đặc Cáp Bát Kỳ”. 

Tân Mãn Châu là chỉ những binh lính gia nhập các Kỳ sau khi nhập quan, từ năm đầu Khang Hy, triều đình đã tổ chức và kiến lập nhóm người có cống hiến thành lập nên dân tộc “Tân Mãn Châu”, theo công trạng mà được nhận phần thưởng. Năm Khang Hy thứ 10 (1671), trong chuyến đi bái tế lăng mộ tổ tiên, Hoàng đế Khang Hy đã đích thân đến Thịnh Kinh (nay thuộc Thẩm Dương), sau khi đến Diệp Hách ở phương Bắc (nay là khu phố Thiết Đông thuộc tỉnh Cát Lâm), ông đã triệu kiến tướng quân Ninh Cổ Tháp là Ba Hải, hỏi thăm về Ninh Cổ Tháp và các dân tộc sinh sống ở địa phương. Ông còn lệnh cho Ba Hải quan tâm đến việc giáo hóa dân chúng hướng thiện, giúp yên dân vùng biên cương, đồng thời chú ý thao luyện chiến sự, gia cố biên phòng để phòng ngừa người Nga xâm lấn. 

Vào năm thứ 12 của Hoàng đế Khang Hy (1673), tại vùng biên ngoại, mấy đời dân tộc Hách Triết liên tiếp dâng vật phẩm tiến cống triều đại nhà Thanh nhờ bảo vệ và mong muốn chuyển vào trong. Ba Biển dựa vào chỉ dụ của Khang Hy, đưa dân tộc này dời đến vùng gần Ninh Cổ Tháp. Dựa vào số dân mà tổ chức được 40 tá lĩnh; tá lĩnh chính là đơn vị cơ bản của Bát kỳ, số lượng tá lĩnh trong các thời kỳ khác nhau dao động từ hơn 100 đến 300. Ngoài tộc Hách Triết còn có tộc Khố Nhã Lạp cũng trở thành thành viên tộc Tân Mãn Châu. Cuối cùng tộc người Tân Mãn Châu được phân bố sinh sống ở vùng đất rộng lớn là tỉnh Cát Lâm, Ninh Cổ Tháp, Thịnh Kinh, Cẩm Châu, có tổng cộng 85 tá lĩnh, nhân viên khoảng hơn 1 vạn. 

Mà Bát kỳ Bố Đặc Cáp chính là các tộc người Ngạc Ôn Khắc, Đạt Oát Nhĩ, Ngạc Luân Xuân sống ở trung và thượng du Hắc Long Giang, họ được gọi chung là “bộ lạc Tác Luân”. Bởi vì họ rất am hiểu săn bắn, cho nên mới được mệnh danh là Bố Đặc Cáp, ý muốn ám chỉ là “Đi săn”. Trước khi Đại Thanh nhập quan, vì tránh né người Nga quấy nhiễu, bộ lạc Tác Luân đã chuyển đến sinh sống ở vùng phụ cận Nộn Giang. Khi Hoàng đế Khang Hy mới lên ngôi, liền biên chế họ thành tá lĩnh mới, thiết lập thủ lĩnh, đồng thời cũng lập ra Phó đô thống Tác Luân thống nhất quản lý, đây là nguồn gốc của Bố Đặc Cáp bát kỳ. 

Những bộ tộc này phụ thuộc vào triều đại nhà Thanh, được triều đình ban thưởng nhà cửa, đất đai và tài sản, có thể sống an cư lạc nghiệp tại vùng quan ngoại qua nhiều thế hệ. Kinh tế của dân chúng phồn vinh, cũng là nguồn cấp binh lính cho lực lượng biên phòng chủ yếu phòng thủ biên cương và đánh đuổi người Nga ra khỏi lãnh thổ. 

Bảo vệ vùng Đông Bắc vĩnh viễn 

“Khi 13 tuổi, trẫm tự mình chấp chính, liền chú ý đến tình huống ở lưu vực Hắc Long Giang, tìm hiểu cẩn thận những thuận lợi của đất đai và địa hình, đường xá cũng như phong tục của người dân nơi đây” – Hoàng đế Khang Hy.

Sau khi quân Thanh đến thành Ái Hồn, họ lập tức điều binh đóng giữ và bắt đầu mở rộng thành phố Hắc Long Giang, có quy mô lớn hơn và sức phòng thủ mạnh hơn. Bức tranh vẽ “A Ngọc Tích cầm giáo phóng vào bọn cướp” được vẽ bởi Lang Thế Ninh vào thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Hoàng đế Khang Hy thực hiện nền chính trị nhân từ, đối với sự xâm lấn của người Nga, ông cũng áp dụng biện pháp dĩ hòa vi quý, trước lễ sau binh. Từ lúc tự mình chấp chính, ông đã thực hiện 6 cuộc đàm phán với người Nga, một là yêu cầu quân Nga dừng lại việc xâm lấn biên cương, trả lại lãnh thổ cho triều đại nhà Thanh, mong muốn người Đặc Mộc Nhĩ trốn sang Nga gìn giữ luật pháp cùng tôn nghiêm của triều đại nhà Thanh. Đồng thời, ông cũng hy vọng hai nước giao thương bình đẳng và thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp, thể hiện phong thái của một vị vua anh minh.

Thế nhưng, quân đội Nga cũng sử dụng Nerchinsk và Yaksa làm thành trì ở phía Bắc mà vươn nanh vuốt hướng đến đến khu vực sông Tinh Kỳ Lý (Zeya River) và  Ngạch Nhĩ Cổ Nạp Hà (Reka Argun). Với vấn đề này, Hoàng đế Khang Hy đã vì chính nghĩa mà nghiêm khắc chỉ ra: “Nếu các ngươi không rời ra khỏi biên cương, biên giới Trung Nga sẽ có đại chiến, trẫm nhất định sẽ triệu tập đại quân, đánh đuổi các ngươi, đến lúc đó các ngươi có hối hận thì cũng đã muộn”. Trong tình huống nhiều lần thương lượng, đàm phán thậm chí cảnh cáo cũng không có tác dụng, hoàng đế Khang Hy quyết định không thể khoan nhượng nữa, và một cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ sắp diễn ra. 

Vào năm Khang Hy thứ 20 (1681), bình định xong phản loạn Tam phiên, Hoàng đế Khang Hy tập trung nhiều lực lượng chính trị và quân sự của triều đại nhà Thanh tại khu vực Đông Bắc, chuẩn bị mọi việc một cách cẩn thận, theo lệnh mà thực hiện đàm phán cùng chiến tranh, phát triển sách lược phòng ngự. Khoảng giữa năm Khang Hy 21, Hoàng đế Khang Hy một lần nữa đi tuần về phương Đông, sau khi bái tế tổ tiên ở Thịnh Kinh liền tiến thẳng lên phương Bắc, tự mình thị sát việc bố trí biên phòng. Tháng 9, ông cử Phó đô thống Lang Đàm và Bành Xuân lấy danh nghĩa bắt tuần lộc, dẫn theo vài trăm người đến Nhã Khắc Tát điều tra tình hình địa thế cùng giao thông. 

Không lâu sau, Lang Đàm trở lại kinh bẩm báo: “Đánh chiếm La Sát cực dễ dàng, dùng 3000 binh là đủ”. Ông cũng đề nghị mau chóng xuất binh. Hoàng đế Khang Hy cho rằng, làm tốt công tác phòng ngự, so với với việc phát động chiến sự thì quan trọng hơn nhiều. Vậy là ông đã sắp xếp như sau: Tướng quân Ninh Cổ Tháp là Ba Hải ở lại phòng thủ, Tát Bố Tố, Ngõa Lễ Hỗ nhận chức Phó đô thống ở Ninh Cổ Tháp, điều hơn 1.500 binh sĩ, sửa chữa và chế tạo chiến hạm, phân phối khẩu đại pháo đỏ, súng bắn chim và các vũ khí khác, trấn giữ hai thành trì ở Hắc Long Giang là Aigun và Humar. Quân lính đóng tại Ninh Cổ Tháp tiến hành canh tác và khai khẩn đất hoang, giằng co cùng quân Nga, tùy thời mà ứng biến.  

Vào năm thứ 22 của Hoàng đế Khang Hy (1683), gia quyến của binh lính đóng tại Ninh Cổ Tháp cũng lần lượt chuyển đến hai thành trì này sinh sống (về sau, hai thành trì đã được đổi tên thành Esuli thuộc địa phận Nga ngày nay). Cuối cùng mỗi thành có tới 1000 người. Hoàng đế Khang Hy hy vọng quân Thanh ở Hắc Long Giang có thể xây dựng thành trì đóng giữ lâu dài ở đây, làm phương thức tăng thêm đồn canh trấn thủ biên cương, thực hiện mục tiêu chiến có thể thắng, thắng lại có thể phòng thủ lâu dài. 

Sau khi quân Thanh đến thành phố Aigun, họ lập tức điều binh đóng giữ và bắt đầu mở rộng thành phố mới Hắc Long Giang, có quy mô lớn hơn và sức phòng thủ mạnh hơn. Tát Bố Tố được thăng lên làm tướng quân của Hắc Long Giang. Chức vị mới này cùng tướng quân Thịnh Kinh, Tướng quân Ninh Cổ Tháp (sau cải thành Tướng quân Cát Lâm), cùng nhau đặt định trụ cột cho 3 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc sau này. Tát Bố Tố còn chỉ huy binh lính canh tác dự trữ lương thực, đôn đốc việc đồng áng, bảo đảm nguồn cung lương thảo đầy đủ. Vì để chuẩn bị cho đại chiến, triều đình còn tích cực xây dựng nhà máy chế tạo thuyền, mở thêm trạm dịch và đường vận chuyển vật tư, khiến cho cuộc đại chiến càng đạt được thuận lợi. 

Hoàng đế Khang Hy đã điều binh đến trấn thủ biên cương, giúp ngăn chặn hiệu quả sự bành trướng của Nga đến vùng trung và hạ lưu Hắc Long Giang. Cùng với đó, ông cũng triển khai mạnh việc tấn công bằng ngoại giao. Ông đã gửi thư cho Nga bày tỏ quyết tâm của quân Thanh trong việc canh giữ biên giới và giành lại lãnh thổ đã mất. Yaksa, nằm ở trung tâm thượng lưu và vị trí chiến lược của Hắc Long Giang, trở thành thị trấn đầu tiên mà quân Thanh cần giành lấy.

Trận quyết chiến Yaksa

Hoàng đế Khang Hy nói: “Quân ta binh hùng tướng mạnh, thuyền kiên cố và đạn pháo lợi hại, Nga không là đối thủ, nhất định sẽ đầu hàng và trả lại phần diện tích chiếm đóng. Đến lúc đó, một người cũng không được giết, để cho họ trở về quê cũ, cho họ thấy được tâm ý vỗ về an ủi của trẫm”. 

Quân Thanh tấn công thành Yaksa. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Ngay cả khi chinh phục người Nga bằng vũ lực, Hoàng đế Khang Hy vẫn ôm trong lòng sự nhân nghĩa khoan dung, đối xử ưu ái với tù binh Nga, phái họ hướng đến chính phủ Nga truyền ý chỉ, hy vọng người Nga rời khỏi lãnh thổ Đông Bắc để tránh giao tranh. Vào tháng đầu tiên của năm Khang Hy thứ 24 (1685), Hoàng đế Khang Hy ban hành chỉ dụ và quyết định chính thức sử dụng quân đội chiếm lại vùng Yaksa đã mất. Trong chiếu thư, ông có liệt kê từng nơi mà người Nga xâm chiếm, lưu giữ kẻ bỏ trốn, thực hiện hành vi bắt cướp giết một cách tàn bạo. Nếu như quân Nga rút hết toàn bộ binh lính, trả người bỏ trốn về, hai nước có thể làm hòa, cùng nhau thông thương, bằng không quân Thanh sẽ tùy cơ ứng biến. 

Tháng Tư, 3 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của Bành Xuân được lệnh tiến đến Yaksa, trong thời gian này, triều đình đã bố trí 6 tù binh Nga trả về nước để chuyển lời khuyên bảo khổ tâm của Khang Hy: “Nếu quân Nga nhanh chóng lui binh, hoàng đế Khang Hy sẽ hạ lệnh dừng xuất phát, biên giới hai nước sẽ thoát khỏi họa chiến tranh, dân chúng cùng hưởng thái bình”. Khoảng 1 tháng sau, quân Thanh đã tiến đến thành Yaksa, việc đầu tiên là phái tù binh đưa hai bức thư, hướng đến quân Nga đưa lời cảnh báo cuối cùng. Quân Nga tự cao tự đại, cho rằng thành trì kiên cố, ngôn từ tỏ ra ngạo mạn không chịu rút lui, quân Thanh quyết định bắt đầu tấn công. 

Ngày 23 tháng 5 âm lịch, quân Thanh chia làm hai lộ quân thủy và bộ, đêm ngày 24 bố trí đủ loại súng đạn trước trận đánh. Rạng sáng ngày 25, hỏa lực liên tục phát ra, quân Thanh vây hãm ác liệt. Trong thành phố Yaksa, khói thuốc súng cuồn cuộn, lửa cháy hừng hực và bầu không khí hỗn loạn. Quân Nga vô cùng kinh hãi, rất nhanh bị đẩy vào đường cùng, buộc phải ra khỏi thành đầu hàng và xin tha mạng. 

Có lẽ bởi sự chuẩn bị khá đầy đủ mà quân Thanh đã dễ dàng giành được thắng lợi trong trận công thành Yaksa. Đốc quân của Nga thậm chí còn thề rằng sẽ không bao giờ trở lại vùng đất này. Bành Xuân cẩn trọng tuân theo chỉ dụ của Khang Hy: “Một người cũng không được giết, trả họ về cố hương”, cho nên đã thả hơn 700 tù binh Nga về nước, đồng thời còn để họ mang theo vũ khí và tài vật của mình, hơn 40 người không muốn về nước còn được bố trí một cách thỏa đáng. Ngoài ra, Bành Xuân còn phóng thích người trong nước bị bắt, sắp xếp họ trở về quê nhà. Những việc làm sau đại chiến này đã nhận được sự khen ngợi của Hoàng đế Khang Hy. 

Vào tháng 6, trong hoàn cảnh bình yên, Hoàng đế Khang Hy vẫn lo nghĩ lúc nguy nan, ông khuyên bảo tướng sĩ nơi tiền tuyến, không được coi nhẹ việc phòng thủ ở Yaksa. Nếu không chúng ta sẽ bị đánh lui, chúng ta lui nghĩa là bên kia tiến, như vậy hai bên đánh nhau qua lại, chiến tranh sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Tháng 9, hoàng đế Khang Hy lệnh cho quân đội xây dựng trạm dịch, thiết lập tuyến đường liên lạc thông suốt. Ai ngờ, nhóm người Bành Xuân không tuân ý chỉ, sau khi phá hủy Yaksa đã tự tiện rút quân. Những người Nga xảo quyệt nhận được tin này, và hai tháng sau, hơn 800 quân Nga tái chiếm Yaksa một lần nữa.

Vào tháng 2 năm Khang Hy thứ 25 (1686), Hoàng đế Khang Hy biết được tin quân đội Nga xâm chiếm một lần nữa, lập tức triển khai kế hoạch tác chiến lần thứ hai để thu phục Yaksa. Lần xuất binh này do Tướng quân Hắc Long Giang, Tát Bố Tố đảm nhiệm, tháng 5, dẫn hơn 2000 binh sĩ chia hai đường nam bắc tấn công Yaksa, giết chết hơn 100 kẻ địch, và buộc quân đội Nga phải rút lui về thành để cố thủ.

Hai đội quân rơi vào thế giằng co, để tránh thương vong quá nhiều, Tát Bố Tố áp dụng thế trận bao vây, xây dựng thành lũy và đào hào quanh thành khiến Yaksa biến thành tòa thành cô lập. Trong sự vây khốn tầng tầng lớp lớp, theo thời gian quân Nga lâm vào cảnh đáng sợ là hết đạn và cạn lương thực, hơn 800 người giờ chỉ còn lại 66 người, thành phố lâm nguy có thể nhanh chóng bị hạ. 

Chỉ sau đó, Nga Hoàng mới tỉnh ngộ, phái người đi gấp trong đêm tối tới Bắc Kinh, tỏ ý muốn tiến hành đàm phán về biên giới giữa hai nước, hy vọng quân Thanh dừng lại việc vây công thành Yaksa, chờ đợi kết quả đàm phán của đoàn Bá tước Golovin đến Bắc Kinh. Hoàng đế Khang Hy dùng lễ tiếp đãi, đồng thời lập tức hạ lệnh giải vây, cho phép người Nga trong thành tự do ra vào, thể hiện rõ phong thái của bậc quân vương nhân từ. Đến lúc này, cuộc chiến Yaksa lần thứ hai đã kết thúc, quan hệ Trung Nga đã tiến tới hòa đàm. 

Hiệp ước Nerchinsk

“Trẫm tin rằng Nerchinsk, Yaksa, lưu vực Hắc Long Giang có cùng chung một sông một suối, đều thuộc lãnh thổ nhà Thanh của chúng ta và không thể để người Nga tùy ý xâm chiếm dù chỉ một tấc một hào” – Hoàng đế Khang Hy.

Phiên bản tiếng Latinh của Hiệp ước Nerchinsk. (Phạm vi công cộng)

Quá trình đàm phán cũng có những biến đổi bất ngờ. Dưới sự nhắc nhở lần nữa của triều đình nhà Thanh, phái đoàn Golovin mới đến kinh đô vào năm Khang Hy thứ 27 (1688), và quyết định địa điểm đàm phán tại khu vực Khalkha Mongolia. Tháng 5, phái đoàn đàm phán của triều đại nhà Thanh bắt đầu xuất phát, nhưng họ lại gặp phải binh lính Cát Nhĩ Đan giao tranh tại khu Khách Nhĩ Khách, Mông Cổ, cho nên buộc phải quay về và chọn một địa điểm khác. 

Tháng 4 năm Khang Hy thứ 28, phái viên Nga lại đến Bắc Kinh lần nữa, đại thần Tác Ngạch Đồ đã gặp mặt tiếp đãi, đồng thời xác định địa điểm gặp mặt mới ở Nerchinsk. Lần này, phái đoàn của triều đình nhà Thanh quy tụ nhiều danh thần và danh tướng, trong đó có Tác Ngạch Đồ, Đông Quốc Cương, Lang Đàm, Tát Bố Tố. Cuối tháng, phái đoàn của triều đại nhà Thanh lại lên đường. Kết quả đàm phán lý tưởng nhất là vùng rộng lớn khu Mãn Châu và Nerchinsk bị chiếm đóng, Yaksa đều thuộc quyền sở hữu của nhà Thanh, không thể thiếu chút nào. Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy cũng nhìn thấy trước mối đe dọa tiềm tàng của Geldan, và để tránh việc hòa đàm bị đổ vỡ mà sinh ra thù địch, ông đã dặn dò sứ thần: “Khi cuộc đàm phán bắt đầu, nên dùng Nerchinsk làm ranh giới. Nếu người Nga cầu xin có được Nerchinsk, họ sẽ lấy Ergun làm ranh giới”. 

Phía Nga tham lam muốn chiếm toàn bộ bờ bắc Hắc Long Giang. Theo chiếu chỉ của Hoàng đế Khang Hy, phái đoàn đàm phán nhà Thanh dùng lý chỉ rõ ra, cuối cùng vào ngày 24 tháng 7 năm Khang Hy thứ 28, hai bên đã thống nhất ký kết Hiệp ước Nerchinsk Trung-Nga, trong đó xác định các vấn đề biên giới và thương mại giữa Trung Quốc và miền Đông nước Nga.

Theo Hiệp ước Nerchinsk, sông Gerbich, dãy núi Waixing’an và sông Erguna là đường biên giới giữa Trung Quốc và Nga, vì vậy quân đội Nga phải rút khỏi Yaksa và các khu vực khác thuộc lãnh thổ nhà Thanh, tất cả Nerchinsk thuộc sở hữu của Nga. Hoàng đế Khang Hy đã cho dựng các cột mốc phân định dọc theo đường biên giới, trên đó khắc nội dung của hiệp ước bằng tiếng Mãn Châu, tiếng Nga và tiếng Latinh, đồng thời cử người đi tuần thường xuyên. Tại khu vực Hắc Long Giang còn được xây dựng thêm các trạm gác, đi tuần và canh gác định kỳ, phòng ngừa người Nga vượt biên quấy nhiễu. 

Hiệp ước Nerchinsk giữa Trung Quốc và Nga có thể nói là hiệp ước đầu tiên mà triều đình nhà Thanh ký kết với nước ngoài, đồng thời đây cũng là một trong những hiệp ước luật pháp quốc tế sớm nhất trên thế giới. Văn bản chính thức còn được viết bằng tiếng Latinh, đồng thời còn có các phiên bản tiếng Trung và tiếng Nga. Đối với triều đình nhà Thanh mà nói, nó có ý nghĩa trọng đại. Trong hơn 170 năm kể từ khi hiệp ước ra đời, Trung Quốc và Nga luôn duy trì quan hệ hữu nghị, khu vực Đông Bắc cũng đã khôi phục hòa bình và ổn định lâu dài, là hậu phương vững chắc ổn định dồi dào cho vương triều Đại Thanh. Cũng nhờ hưởng được lợi ích từ hiệp ước mà nhà Thanh xây dựng được vương triều phồn vinh cùng với sự ra đời của thời đại Khang Càn thịnh thế.

Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Trẫm dùng nhân từ cai quản thiên hạ, vốn chưa từng có mong muốn giết chóc”. Thánh nhân giảng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, trong quá trình chống lại sự xâm lược của quân Nga, Hoàng đế Khang Hy cũng thể hiện ra mỹ đức truyền thống của Hoa Hạ. 

Lòng ôm nhân nghĩa, Hoàng đế Khang Hy luôn lấy khích lệ khuyên bảo quân Nga, nỗ lực hóa giải chiến tranh. Đây là thực hiện theo chữ Nhân. Đối xử tử tế với tù binh, coi ngoại bang như hàng xóm láng giềng, giải cứu tàn quân bị cô lập trong thành, đây là vì Nghĩa mà làm. Nhiều lần gửi thư khuyên, sau đó mới dùng binh, cho thấy thành ý đàm phán, đây là cùng Lễ. Bày mưu nghĩ kế, suy nghĩ sâu xa, công phạt phòng ngự, đều không có kẽ hở, đây là dùng Trí. Nói là làm, cần tuân thủ minh ước, giữ vững uy nghiêm cùng lãnh thổ Hoa Hạ rộng lớn, đây là thể hiện của Tín. 

Ngoài ra, Hiệp ước Nerchinsk còn mang lại ý nghĩa mới cho từ “Trung Quốc”, dùng để chỉ cả khu vực Đông Bắc và Mông Cổ đều năm trong vùng đất đai của Triều đại nhà Thanh. Đây cũng là tài liệu công ước quốc tế sớm nhất của nhà Thanh dùng từ “Trung Quốc”. Trung Quốc, ban đầu mang khái niệm không rõ ràng để chỉ vương triều chính thống của “Trung Nguyên” hoặc Trung Hoa, sau này bị chuyển thành từ ngữ mang ý nghĩa chỉ quốc gia có chủ quyền, đó là khái niệm Trung Quốc mà con người ngày nay biết đến. 

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version