Khi bạn cảm thấy lạc lõng trên đường đời, hãy học hỏi trí huệ của các bậc tiền nhân.
Từ Khổng Tử học cách khiêm tốn
Khổng Tử viết: “Ba người cùng đi, tất có người làm thầy ta”.
Tự tin thái quá thường đẩy chúng ta vào bờ vực hiểm nguy, vừa gần với thành công nhưng cũng rất gần với thất bại. Bởi vậy, người xưa luôn giảng về đức khiêm nhường.
“Trời đất có những vẻ đẹp hùng vĩ không lời”. Trời cao vời vợi, đất rộng bao la, núi non kỳ vĩ, biển cả vô bờ. Thiên nhiên kỳ diệu là vậy, mỹ hảo là vậy, ấy thế mà chẳng một lời khoe khoang. Đây há chẳng phải là sự khiêm tốn của thiên nhiên đó sao?
Khiêm tốn giống như người nông dân ngày mùa gặt hái: cúi thấp đầu trên cánh đồng để có được thành quả bội thu. Người trí huệ là người biết hạ thấp bản thân và học cách khiêm tốn. Để thấy được điểm mạnh của người khác, hãy học hỏi từ những người tài giỏi hơn mình, trường đời luôn có những người thầy ở xung quanh chúng ta.
Từ Trang Tử học cách đồng cảm
Huệ Tử hỏi: “Con người không phải là cá, sao biết được niềm vui của cá?”. Trang Tử đáp: “Người khác không phải là ta, sao biết được ta không biết niềm vui của cá?”.
Khuyết điểm của chúng ta là không biết đứng trên lập trường của người khác để xem xét và suy nghĩ vấn đề. Khi chúng ta đồng cảm, khi chúng ta trân trọng cảm xúc và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, hiểu biết lẫn nhau và khoan dung cho nhau, thì tất nhiên giữa người với người sẽ không còn những nghi ngờ hay oán trách.
Từ Gia Cát Lượng học cách tu thân
Trong cuốn sách “Giới Tử Thư”, Gia Cát Lượng viết: “Tĩnh có thể tu thân, kiệm có thể dưỡng đức”.
Không thể hiện bản thân không có nghĩa là không hiểu biết, không màng danh lợi không có nghĩa là không có ý chí tiến lên.
Có người phàn nàn rằng xã hội không cho họ cơ hội, lại có người khi mắc sai lầm hay thất bại liền oán trách người, oán trách cuộc đời. Còn Gia Cát Lượng trong nửa đầu của cuộc đời đã biết: “Đạm bạc minh trí, ninh tĩnh trí viễn” (sống đạm bạc để có được tri thức sáng suốt, bĩnh tĩnh để nhìn xa hơn). Trong nửa sau của cuộc đời, ông đã tự luyện tập, tự hoàn thiện bản thân và cống hiến cho non sông đất nước.
Vậy, làm cách nào để tu thân? Gia Cát Lượng cho rằng đời người cần “đạm bạc” và “bình tĩnh”, từ đó mới có được “trí huệ”, mới có thể nhìn xa trông rộng. Tâm thái tĩnh lặng và đơn giản, ấy cũng là trí huệ của đời người.
Từ Nguyễn Tịch học cách thận trọng
“Tấn Thư, Nguyễn Tịch truyện” có viết: “Mặc dù không nói xấu người khác, cũng không chắc người khác nói xấu mình hay không. Người ta thường có câu: Ai mà không nói xấu người khác sau lưng, ai mà không bị người khác nói xấu sau lưng”. Nguyễn Tịch cũng cho rằng: “Miệng lưỡi đám đông làm kim khí tan chảy”.
Làm người cần học cách thận trọng: thận trọng trong hành động, thận trọng trong suy nghĩ, thận trọng trong lời nói. Đôi lúc, muốn quản tốt cái miệng của mình thì cần ngồi xuống và suy nghĩ về bản thân. Rất khó tránh khỏi miệng lưỡi thế nhân, nhưng thận trọng trong lời nói là cách để bảo vệ bản thân mình.
Từ Trịnh Bản Kiều học cách hồ đồ
Trịnh Bản Kiều từng nói: “Thông minh khó, hồ đồ càng khó hơn, từ thông minh chuyển sang hồ đồ càng khó hơn nữa”.
Bí quyết sống của Trịnh Bản Kiều là “chẳng mấy khi hồ đồ”. Con người ta nếu không dám buông bỏ một vài thứ thì không thể sống tự do tự tại, khi đã sống tự do tự tại thì cũng không cần phải so đo tính toán tất cả. Mọi chuyện đều biết trên dưới, nặng nhẹ, biết hoãn biết vội thì sẽ không khiến bản thân phải muộn phiền.
Vì thế, trong cuộc đời miễn là không vi phạm nguyên tắc sống của bản thân, thì rất nhiều chuyện đều không cần chúng ta phải phân biệt rõ ràng trắng đen. Rất nhiều vấn đề đều không có đáp án chính xác, chỉ cần “hồ đồ” một chút thì có thể khiến người khác trở nên thoải mái và bản thân mình cũng thoải mái hơn.
Ngọc Linh
Theo Phật Đệ Tử Văn Khố