Người đơn giản thường lấy sự giản đơn chế ngự sự phức tạp. Trong một thế giới có quá nhiều sự huyễn hoặc, họ chọn cho mình cách sống với nội tâm yên tịnh, ăn đơn giản, sống giản dị.
Lão Tử người thời Xuân Thu, viết cuốn “Đạo Đức Kinh” 5000 chữ, chính là tinh hoa đạo học của mình lưu lại hậu thế. Đây cũng là một trong những cuốn sách được xuất bản nhiều nhất trên thế giới với nội dung bác đại tinh thâm. Lão Tử khuyên người ta phải biết tu thân dưỡng tính, sống thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành, vạn sự tùy kỳ tự nhiên.
Tu dưỡng thân tâm, buông bỏ dục vọng, theo Lão Tử chính là cách để đạt đến cảnh giới cao thượng trong Đạo. Muốn trường sinh bất lão, khỏe mạnh an vui thì phải biết “vô vi”. Vô vi không phải là phó mặc, không hành động mà là thuận theo Đạo, theo tự nhiên. Trong đạo làm người đối nhân xử thế, Lão Tử nhìn nhận rằng người tầng thứ càng thấp thì càng phức tạp, người cảnh giới càng cao thì càng đơn giản thuần khiết.
Đạo làm người
Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Màu sắc quá nhiều làm người ta mờ mắt, âm thanh quá nhiều làm người ta không phân biệt được thiện ác thị phi, hương vị quá nhiều làm người ta tê miệng mất giác, vui chơi săn bắn, ham mê nhục dục làm cho con người ta điên cuồng phát dại, vật khó có được khiến cho người ta làm liều mà rước họa” (1). Vậy nên các bậc Thánh nhân thường chọn cho mình cách sống thanh đạm, miễn sao có thể duy trì cuộc sống căn bản là được.
Người đơn giản, suy nghĩ cũng giản đơn, không nghĩ đến nhiều việc, đối với công việc thì chuyên tâm hoàn thành. Người đơn giản thường không để tâm người khác dị nghị, họ chỉ chú trọng nội tâm chính mình. Người suy nghĩ càng nhiều thì tâm tư càng lắm, càng đa mưu túc kế, kết quả dễ hao tâm tổn sức. Trong xã hội hiện đại phức tạp ngày nay, học làm người đơn giản mới là bậc cao minh.
Người đơn giản thường lấy sự giản đơn chế ngự sự phức tạp. Trong một thế giới có quá nhiều sự huyễn hoặc, họ chọn cho mình cách sống với nội tâm yên tịnh, ăn đơn giản, sống giản dị.
Hạnh phúc chân chính thường xuất hiện vào những lúc bình dị, và vì vậy cuộc sống giản đơn nhất chính là cuộc sống tốt nhất. Người có trí huệ và cảnh giới cao thường không màng sự hỗn độn của thế giới bên ngoài, điều họ chú trọng chủ yếu là thế giới nội tâm, quay trở về với bản ngã của mình, quay trở về thiên nhiên.
Phương thức đối nhân xử thế
Người tầng thứ thấp dùng cường thế, người cảnh giới cao thì dùng hiền hòa.
Người hiền hòa thì giống như nước, tuy nhu mềm nhưng lại có thể bao dung vạn vật. Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Phu duy bất tranh, cố vô ưu”, người hiền hòa cũng giống như nước, nhìn bề ngoài thì mềm yếu nhưng bên trong lại tàng ẩn một sức mạnh phi thường.
Làm người hiền hòa, từ lời nói cho tới hành động đều biết nghĩ cho người khác, cũng chẳng khi nào chấp vào chuyện vặt, luôn khiến cho người khác có ấn tượng tốt. Mà có ấn tượng tốt ắt cũng có duyên phận tốt, đường đời cũng sẽ rộng mở. Cây cao thì gió lớn, làm người mà quá hiển thị bản thân thì dễ rước họa vào thân.
Trong Tam Quốc, Dương Tu là nhân vật nổi tiếng thông minh tài giỏi, đoán được ý của Tào Tháo, tiếc rằng có tính hiển thị. Về sau, cũng vì điều này mà Dương Tu bị rất nhiều người có thế lực lúc bấy giờ ganh ghét đố kỵ. Cuối cùng vì miệng mà hoạ thân, nhận cái chết oan uổng.
Làm người hiền hòa, tu khẩu dưỡng thân, bảo trì tâm thái hòa ái. Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là làm người hiền hòa sẽ chịu thỏa hiệp không có nguyên tắc. Vạn vật trên đời có âm có dương, âm dương cân bằng mới tạo nên vạn vật.
Pháp dưỡng sinh
Người tầng thứ thấp thì dưỡng, người tầng thứ cao thì thuận.
Tư Mã Thiên từng nói: “Lão Tử sống hơn 160 tuổi, hoặc hơn 200 tuổi cũng là vì tu Đạo mà dưỡng thọ”.
Lão Tử là sứ quan của nhà Chu, tinh thông đạo dưỡng sinh, có sự hiểu biết độc đáo về dưỡng sinh đạo.
Xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người “hiểu” về dưỡng sinh. Ví như đối với ăn uống, nhiều người kiêng ăn những thực phẩm không phù hợp, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thậm chí có nhiều người đến bữa ăn còn nơm nớp lo sợ, cẩn trọng từng chút một, sợ thực phẩm có nguồn gốc không an toàn, sợ ăn món này kỵ món kia, đôi lúc còn làm người khác thấy sợ.
Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phu vật vân vân, các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh”.
Ở đây, Lão Tử cho rằng mấu chốt của đạo dưỡng sinh là nằm ở dưỡng tinh thần; bảo trì tâm thái hòa ái an lạc, bình hòa mới là điều quan trọng nhất của đạo dưỡng sinh. Ngày nay, mọi người vì để dưỡng sinh mà đặt ra các loại kiêng kỵ, nó cũng giống như tự mình đặt địa lôi cho chính mình, khiến cho tâm thái căng thẳng, cơ thể cũng vì thế mà suy nhược.
Lão Tử nói: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên”. Ý là, người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên. Trên thế gian này, luật to lớn nhất chính là luật tự nhiên, luật của con người kỳ thực là rất nhỏ bé. Cho nên, “thuận theo tự nhiên” mới là đạo dưỡng sinh chân chính; con người chỉ cần thuận ứng với Thiên đạo tự nhiên, bảo trì tâm thái đó là được, không cần phải cố ý thêm bớt, bù đắp gì cả. Phàm bất kể việc gì chỉ cần tận lực là được, không cần phải kết nối, suy nghĩ quá nhiều, vạn sự đều lấy tùy kỳ tự nhiên làm gốc chính là pháp dưỡng thân tốt nhất.
Thuật mưu sự
Người tầng thứ thấp thì nhận, người cảnh giới cao thì buông.
Muốn thành đại sự phải cần nhiều người, muốn có nhiều người thì cần phải có cách quản lý. Một người lãnh đạo tốt, một tập đoàn tốt, thậm chí ngay cả một người chủ gia đình tốt cũng phải hiểu được đạo quản lý này.
Vậy phương pháp quản lý nào mới là tốt nhất? Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.
“Đạo” sinh ra vạn vật, từ ít đến nhiều, từ giản đơn cho tới phức tạp. Đây cũng là bản tính tự nhiên mà sinh trưởng của vạn vật. Bất luận là trị quốc hay quản lý gia đình, giáo dục con cái đều cần áp dụng bản tính này. Áp dụng càng nhiều thành công càng lớn.
Giáo dục tốt thì không thể cứ mãi gò bó, cần phải hiểu buông lỏng để con cái có thể tự mình khám phá sở trường của mình. Cha mẹ không nên ra điều kiện, ép buộc, gò bó con cái trong một phạm vi nào cả. Có như vậy con cái mới có thể phát triển được một cách toàn vẹn. Vạn sự tùy kỳ tự nhiên mới là cách phát triển hoàn thiện nhất, là cha mẹ chỉ nên hướng đạo cho con cái làm người lấy nhân tín, thiện lương làm trọng là đủ. Một đứa trẻ có nhân có tín, có thiện có lương thì sợ gì không có tương lai tốt đẹp.
Trong một xã hội phát triển như ngày nay, con người đối diện với quá nhiều điều mê hoặc: máy tính, điện thoại, trò chơi điện tử… dễ khiến cho con người ta mê lạc, có lúc cảm giác con người thật khó làm chủ bản thân, thật khó để có được hoàn cảnh để phát triển tâm thân hoàn thiện. Làm một người giản đơn có lẽ chính là cách duy nhất để phát triển trí tuệ, có được cuộc sống thanh đạm mà yên bình. Mỗi ngày học sống một chút giản đơn, mỗi ngày thêm phần hạnh phúc.
Minh Vũ
Theo soundofhope.org
Chú thích:
(1) Nguyên văn: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng, trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương”.