Đại Kỷ Nguyên

Học trò lấy trộm kiếm phả của sư phụ, kết cục không ngờ

Rừng cây dày đặc, bóng tối khắp nơi, mọi người hoảng sợ! (shutterstock)

Vào thời trị vì của Ung Chính và Càn Long nhà Thanh, ở Tứ Xuyên có một kiếm sĩ tên là Kim Phi, từng học kiếm thuật ở Cam Lũng, học được bí quyết không dễ truyền thụ cho người khác. Sau khi trở về quê hương Tứ Xuyên, ông mở cửa nhận học trò, có hơn ngàn người đã đến ông học kiếm thuật.

Lúc đầu, Kim Phi chỉ cho họ học tập các kỹ năng cơ bản, rèn luyện nhãn lực và lực cánh tay. Kim Phi không thường xuyên đích thân có mặt tại trường, chỉ là mỗi ngày đi kiểm tra một lần, để đánh giá sự chuyên cần của học trò. Ba năm sau, ông vẫn chưa bắt đầu truyền thụ kiếm thuật chân chính, các học trò oán thán lần lượt tản đi, chỉ còn vài chục người ở lại. Họ cũng hoài nghi đại sư không có kỹ nghệ chân truyền. Để chứng thực sự nghi hoặc của họ, một ngày nọ, họ tìm được một cơ hội, yêu cầu Kim Phi biểu diễn kiếm thuật một lần. 

Kim Phi đã đoán được những gì những học trò của mình đang nghĩ. Ông yêu cầu một trong những người học trò đi tìm một bát hạt đậu, dùng mực nhuộm tất cả những hạt đậu thành màu đỏ. Sau đó, ông yêu cầu họ ném từng hạt đậu lên không trung, và Kim Phi vung kiếm chém đứt những hạt đậu trên không trung. Một lúc sau, Kim Phi chém xong chỗ hạt đậu, cất thanh kiếm của mình đi. Ông yêu cầu những học trò nhặt tất cả những hạt đậu trên mặt đất lên. Các học trò nhặt những hạt đậu lên nhìn, mỗi hạt đậu đều có dấu vết bị gươm chém.

Chỉ khi đó những học trò mới thực sự tin tưởng Kim Phi. Họ đều mong Kim Phi dạy kiếm thuật cho họ càng sớm càng tốt. Kim Phi bình tĩnh nói với bọn họ: “Học kiếm thuật sao có thể vội vàng như thế mà cầu thành đạt? Ta nghĩ lực cánh tay của các ngươi không đủ khỏe, cổ tay không đủ linh hoạt, thị lực không đủ tập trung, cho dù bây giờ ta dạy các ngươi, các ngươi cũng khó đạt đến trình độ ta yêu cầu!”

Nhưng những học trò vẫn không tin, nỗ lực thỉnh Kim Phi dạy kiếm thuật cho họ. Kim Phi bị ép quá, đành bắt đầu dạy họ một kiếm pháp gọi là “Hồ điệp song phi” tương đối dễ học hơn trong kiếm thuật. Kim Phi đứng lên phía trước dạy, các học trò ở phía sau mô phỏng. Nhưng đáng tiếc là, khi Kim Phi múa kiếm gia tốc một chút, thì các học trò phía sau kiếm vướng vào nhau, một số người bị kiếm đâm bị thương thân thể; Nếu Kim Phi múa kiếm hạ tốc một chút, thì các học trò càng bị “người vướng vào kiếm”, càng hoàn thành không nổi bộ động tác. Lúc này, các học trò mới nhận ra lời nói của Kim Phi là đúng, muốn vội vàng cũng không được! Tâm muốn ăn mà đậu chưa chín! Nhưng bọn họ đối với việc học kiếm pháp lại sinh tâm mệt mỏi, không muốn chịu khổ luyện tập nữa, nên đều nói lời cáo biệt với Kim Phi.

Sau khi những học trò rời đi, Kim Phi vuốt kiếm thở dài: “Lẽ nào kiếm thuật thiên cổ huyền kỳ này sẽ bị thất truyền trong tay ta? Không được! Bây giờ ta đã nắm vững nó trong tay, ta sẽ không bao giờ dễ dàng bỏ cuộc!” Thế là, Kim Phi đóng cửa học kiếm tại nhà, tóm tắt những kiếm thuật mà bản thân học được thành “Bát mẫu”, “cứu thế”, “thất thập nhị bộ”, “tam bách ngũ thập thủ”, sau ba tháng cân nhắc kỹ lưỡng, ông viết thành một bộ sách, giấu trên gác mái trong nhà mình.

Gia đình Kim Phi có một người hàng xóm tên là Trịnh Thụ, là một tú tài thất bại. Người này khá mưu mô, biết một ít võ thuật, cũng biết vài đường đấm đá. Anh ta thường xuyên nhìn thấy Kim Phi luyện kiếm, rất ghen tị với kiếm thuật của Kim Phi. Vì vậy, sau khi học trò của Kim Phi rời đi, Trịnh Thụ đã cố gắng tiếp cận Kim Phi, cuối cùng đề nghị học kiếm thuật. Kim Phi đồng ý khi thấy quyết tâm học kiếm thuật của Trịnh Thụ.

Kim Phi vẫn sử dụng phương pháp dạy học trò của mình trước đây, đầu tiên là để Trịnh Thụ rèn luyện các kỹ năng cơ bản như nhãn lực và lực cánh tay. Trịnh Thụ đã luyện tập rất chăm chỉ, không hề tỏ ra thiếu kiên nhẫn hay buồn chán. Ba năm sau, Kim Phi thấy tâm ham học của Trịnh Thụ trước sau bất biến, nên bắt đầu dạy anh ta kiếm thuật.

Một ngày nọ, Kim Phi đột nhiên có việc phải rời khỏi thành. Buổi tối trở về, ông nhìn thấy phía xa có rất nhiều người đang đứng ở cổng thành, đang xe cái gì đó. Kim Phi cưỡi ngựa tiến về phía trước một đoạn, nhìn kỹ hơn, hóa ra có hai người đang đấu kiếm. Ông thấy một kiếm sĩ trong số họ vừa hung dữ vừa điêu luyện về kiếm thuật, và người đó không phải ai khác, chính là Trịnh Thụ, học trò của ông. Kim Phi thập phần tức giận, thúc ngựa đi quanh một vòng mới trở về thành. Từ đó về sau, Kim Phi cố tình xa lánh Trịnh Thụ. Sau khi Trịnh Thụ biết được lý do Kim Phi lạnh lùng với mình, biết rằng Kim Phi sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho mình, cũng không còn cơ hội học kiếm thuật từ ông nữa, từ đó, Trịnh Thụ không dám đến nhà Kim Phi nữa.

Qua một thời gian, Trịnh Thụ nghe tin Kim Phi lại xuất ngoại, nên lặng lẽ lẻn vào nhà Kim. Ngày hôm sau, Kim Phi đi chơi trở về, vô tình kiểm tra cuốn “Kiếm thư” của mình trên gác mái, phát hiện cuốn sách đã biến mất. Kim Phi biết chắc việc này là do Trịnh Thụ làm ra, ông rất tức giận, cầm kiếm đi tìm Trịnh Thụ để tính sổ, nhưng Trịnh Thụ đã biến mất.

Sau khi Trịnh Thụ đánh cắp được cuốn sách “Kiếm thư” của Kim Phi, anh ta chạy đến một hang núi hoang vắng, nghiên cứu cẩn thận và luyện tập chăm chỉ. Trong hơn một năm, anh ta đã thành thạo các kỹ năng kiếm thuật của Kim Phi. Thế là, Trịnh Thụ rời Tứ Xuyên, băng qua Trung Nguyên lên phía bắc, đến khu vực Bắc Kinh và Thiên Tân.

Vào thời nhà Thanh, giữa Bắc Kinh và Thiên Tân, rất nhiều nơi rừng cây rậm rạp. Một nhóm trộm rừng xanh ẩn náu trong rừng, kiếm sống bằng cách chặn đường và cướp bóc người dân. Sau khi Trịnh Thụ đến đây, anh ta dựa vào kiếm thuật tinh thâm của mình để làm bất cứ điều gì mình muốn, cũng bắt đầu cướp bóc người đi đường. Những thương nhân đi ngang qua đây hèn nhát ném tiền xuống đất và bỏ chạy để cứu mạng. Trịnh Thụ không chỉ cướp của những thương nhân đi ngang qua, mà còn “hắc ăn hắc”, anh ta cũng không khách khí với những tên cướp rừng xanh ở đây, bắt được liền giết. Vì vậy, những tên cướp rừng xanh vốn sống trong khu rừng này rất ghét Trịnh Thụ, luôn muốn tìm cơ hội để giết anh ta. Nhưng Trịnh Thụ có kiếm thuật xuất sắc, nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, di chuyển như gió nên bọn cướp không thể đến gần.

Sau khi Trịnh Thụ cướp bóc trong rừng rậm giữa Bắc Kinh và Thiên Tân hơn mười năm, anh ta bất đắc dĩ rời khỏi đây, muốn trở về quê hương Tứ Xuyên. Khi anh ta đi ngang qua Tế Nam trên đường về phía nam. Một ngày nọ, anh ta nhìn thấy một người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi nói giọng miền Nam, và một cô gái mười ba, mười bốn tuổi đang múa kiếm ở quảng trường. Rất đông người tụ tập xung quanh để xem. Cô gái liên tục thực hiện nhiều động tác múa kiếm khác nhau, tư thế rất duyên dáng và hấp dẫn. Một lúc sau, người phụ nữ lớn tiếng nói với những người có mặt: “Mệnh tôi khổ quá! Chồng tôi đã chết, mẹ con tôi hai người bơ vơ không ai nương tựa, chẳng còn cách nào, mới phải lang thang biểu diễn nghệ thuật để mưu sinh. Con gái nhỏ của tôi đã lớn, tôi muốn nhân cơ hội này thi kiếm cầu rể, để sau này có người nương tựa, nếu chư quân có hứng thú, hãy thử kiếm pháp với con gái tôi!”

Ngay khi cô gái đang múa kiếm, Trịnh Thụ chen vào đám đông. Anh ta  nhìn thấy cô gái này rất xinh đẹp và quyến rũ, nghe được lời nói của người phụ nữ đó, anh ta không khỏi có chút cảm động. Anh ta thấy xung quanh tuy có rất nhiều người xem, nhưng không ai dám rời sân thử sức, nên anh ta tự tin bước vào sân với thanh kiếm trên tay và đối mặt với cô gái. Chỉ sau mấy hiệp, anh ta nghe thấy người phụ nữ bên cạnh vội vàng hét lên: “Dừng lại! Vị hảo hán này thực sự rất giỏi kiếm pháp! Xin hãy báo cho tôi biết danh tính thế nào?” Trịnh Thụ không suy nghĩ nhiều, mà nói cho người phụ nữ tên của mình. Người phụ nữ nói: “Hóa ra là Trịnh quân. Hãy xem, ở đây có rất nhiều người và không gian nhỏ, không phải là nơi thích hợp để thi đấu kiếm thuật. Phía Đông thành có một không gian rộng lớn. Nếu Trịnh quân có hứng thú, ngày mai hãy đến đó thi đấu nhé?” Trịnh Thụ thấy kiếm thuật của thiếu nữ này cũng thập phần cao minh, cũng thấy lời nói của người phụ nữ rất chân thành và không lừa dối, nên sẵn sàng đồng ý.

Ngày hôm sau, Trịnh Thụ sớm đến địa điểm đã thỏa thuận. Thoạt nhìn, anh ta thấy hai mẹ con đã đến từ trước. Thế là Trịnh Thụ lại tranh tài với thiếu nữ. Tuy nhiên, cuộc giao đấu này vừa bất ngờ vừa kỳ lạ đối với Trịnh Thụ. Kiếm thuật của cô gái đã thay đổi từ dịu dàng duyên dáng của ngày hôm qua, thoắt biến trở nên mạnh mẽ kiên cường. Sau khi hai người giao đấu một lúc, Trịnh Thụ dần dần cảm thấy mình chỉ có thể đỡ đòn chứ không có sức đánh trả. Một lúc sau, Trịnh Thụ mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển. Nhưng kiếm pháp của cô gái càng lúc càng trở nên cấp bách, càng lúc càng mạnh mẽ. Khi cô gái phát hiện ra sơ hở, đang định vung kiếm giết chết Trịnh Thụ, thì đột nhiên, một ông già trong số những người chứng kiến ​​hét lớn: “Kiếm tốt! Kiếm tốt! Hãy hạ kiếm lưu tình.” Trịnh Thụ cảm thấy giọng nói của người này rất quen tai, quay đầu nhìn lại, nguyên lai đó không phải ai khác, mà chính là Kim Phi đã hơn 10 năm không gặp.

Trong lúc Trịnh Thụ đang choáng váng, cô gái dùng kiếm chém xuống, chém tay phải của Trịnh Thụ đứt đôi. Lúc này, hơn chục người ăn mặc như chiến binh ùa về phía trước, dùng kiếm bao vây Trịnh Thụ và hét lên “Trả thù!” Trịnh Thụ nghĩ rằng cái chết của mình đã đến, nên nhắm mắt chờ chết.

Vào thời điểm quan trọng này, Kim Phi vội vàng bước tới, chắp tay chào mọi người và nói: “Lão phu đã nhận lệnh của các ngài, đã cắt đứt những nghiệp chướng xấu xa rồi. Hôm nay trước mặt lão phu, hãy tha cho cái mạng chó của hắn.” 

Nghe thấy những gì Kim Phi nói, mọi người không cưỡng ép nữa, lần lượt rút lui. Trịnh Thụ rất xấu hổ khi nhìn thấy Kim Phi. Kim Phi đã bỏ qua oán hận trước đó, lấy thuốc ra bôi cho Trịnh Thụ. Ngay sau khi Trịnh Thụ bình phục vết thương, anh ta lặng lẽ rời đi, trở về quê hương Tứ Xuyên.

Hóa ra kể từ khi bị Trịnh Thụ đánh cắp “Kiếm thư”, Kim Phi đã đi khắp giang hồ luyện kiếm bán nghệ, đồng thời lấy một người vợ lẽ, sinh được một cô con gái. Những tên cướp rừng xanh giữa Bắc Kinh và Thiên Tân đã căm ghét Trịnh Thụ từ lâu, khi không còn cách nào khác, chúng đã nhờ Kim Phi giúp khuất phục Trịnh Thụ. Vợ lẽ và con gái của ông đều nhận được chân truyền của Kim Phi, cả hai đều sở hữu những tuyệt kỹ kiếm pháp. Vì vậy, mới có một “cái bẫy” trong đó hai mẹ con múa kiếm chiêu mộ con rể. Trịnh Thụ quả thực đã bị lừa, cuối cùng bị chém đứt cổ tay.

Kim Phi sau đó đã lấy lại “Kiếm thư” bị Trịnh Thụ đánh cắp, mang theo vợ lẽ và con gái đi lang thang khắp thiên hạ, mãi kiếm mưu sinh.

Nguồn dữ liệu: “Thanh bại loại sao”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version