Đại Kỷ Nguyên

Hơn 1.000 năm không ai dám động đến mộ của thầy phong thuỷ từng xem tướng cho Võ Tắc Thiên

Hai bậc thầy phong thủy nổi tiếng đầu đời nhà Đường cùng chọn một nơi làm mộ táng sau này của mình. Nhưng vì sao chỉ có một ngôi mộ được gìn giữ toàn vẹn, còn ngôi kia thì bị phá hủy trống rỗng?

Trung Quốc thời cổ đại xuất hiện nhiều người thông kim bác cổ, biết trước tương lai và đoán được tai họa cho nhân loại. Những bậc Thánh nhân này không những có thể dự đoán cát hung, họa phúc mà còn có thể nhìn được tương lai của đất nước. Như Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn… đều là những người có khả năng phi phàm ấy.

Trong số những người lợi hại nhất ấy tất phải kể tới hai bậc thầy phong thủy dưới đây. Họ cùng sống trong một thời đại, sau khi qua đời được an táng tại cùng một nơi. Tuy nhiên, sau ngàn năm, lăng mộ của một người thì bị trộm đào bới trống rỗng tới mức thảm hại, còn mộ của người kia lại hoàn toàn không bị hư tổn, cũng chẳng có ai dám động vào.

Bộ đôi hiển hách

Chúng tôi đang nói đến hai bậc thầy phong thủy nổi tiếng thời nhà Đường, Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong. Họ chính là đồng tác giả của cuốn sách tiên tri trứ danh thời Trung Quốc cổ đại “Thôi Bối Đồ”. Sách này dùng 60 “Tượng đồ sấm” (những lời ám chỉ, những câu đố dự ngôn) để dự đoán những sự kiện trọng đại diễn ra từ thời Đường tới thời hiện đại, thậm chí cả xã hội tương lai thế kỷ 21. Sự chính xác của những dự ngôn trong sách tới nay vẫn luôn làm người ta vô cùng kinh ngạc.

Dự ngôn Thối Bối Đồ. Ảnh dẫn theo sachkhaitam.com

Tương truyền, Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang là hai người bạn đồng liêu, hai quân sư đắc lực của vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Khi đó, Viên Thiên Cang là quốc sư, là nhà tướng học, thiên văn học, tinh tượng học nổi tiếng, có thể xem tướng, dự đoán cát hung vô cùng linh nghiệm. Ông cũng là người đã dự đoán chính xác việc Võ Tắc Thiên đăng cơ xưng đế sau này.

Trong “Cựu Đường Thư” có chép lại rằng, không lâu sau khi Võ Tắc Thiên ra đời, Viên Thiên Cang, bậc thầy tướng số khi đó được vua Đường triệu kiến. Trên đường vào kinh đô ông đi qua Lợi Châu. Cha của Võ Tắc Thiên khi đó vốn là Thứ sử đã mời ông tới tư gia để xem tướng cho Dương thị vợ mình.

Lúc đó Võ Tắc Thiên vẫn còn là cô bé đang ẵm ngửa, được vú em mặc quần áo con trai, cũng được bế ra xem tướng. Viên Thiên Cang sau khi nhìn thấy đứa bé này đã vô cùng kinh ngạc nói: “Long đồng phượng cảnh, cực quý nghiệm dã” (có tướng mạo rồng phượng, khuôn mặt của quý tử).

Nhưng khi ông thấy Võ Tắc Thiên mặc quần áo con trai thì lại nói đầy tiếc nuối: “Đáng tiếc lại là con trai. Nếu là con gái e rằng sau này sẽ làm chủ thiên hạ”. Còn Lý Thuần Phong khi đó làm chức Thái sử lệnh, cũng có thể dự đoán vận mệnh tốt xấu của đất nước không sai lệch chút nào.

Sau khi hai người hợp sức hoàn thành tác phẩm kinh điển “Thôi Bối Đồ”, Viên Thiên Cang vân du bốn biển, tiếp tục tu Đạo. Mãi cho tới khi Võ Tắc Thiên đăng cơ, ông mới lại xuất hiện trở lại. Khi đó ông và Lý Thuần Phong nhận lệnh Hoàng đế, đi tìm đất xây cất lăng mộ cho Võ Tắc Thiên lúc trăm tuổi.

Hai người cùng cất công khó nhọc, kết quả tìm được một địa điểm hoàn toàn trùng hợp như nhau, nơi sau này là Càn Lăng, lăng mộ hợp táng của Đường Cao Tông (Lý Trị) và Võ Tắc Thiên. Trong suốt hàng ngàn năm, khu lăng mộ này liên tục bị những tên trộm mộ khét tiếng nhất như Hoàng Sào đột nhập, tìm cách khai quật nhưng vẫn được vẹn toàn chẳng chút mảy may hư tổn.

Mỗi lần lăng mộ của Võ Tắc Thiên bị đào trộm thì đều xuất hiện những hiện tượng kỳ lạ. Sau này, dân gian truyền nhau rằng đó là khu lăng mộ bất khả xâm phạm vì đã được Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong tự tay sắp đặt. Danh tiếng của hai người này bởi thế lại càng thêm hiển hách, vang xa.

Lăng mộ của Võ Tắc Thiên. Ảnh dẫn theo blogchuyenla.com

Mỗi người một số phận

Tương truyền, khi tự chọn nơi an táng cho mình, Viên Thiên Cang đã đến Thiên Cung ở Lãng Trung, ngoại ô phía đông nam kinh thành Trường An. Cho rằng đây là bảo địa hiếm có, ông đã chôn miếng tiền đồng vào huyệt vị. Khi xây mộ, người ta lại phát hiện ra rằng Lý Thuần Phong cũng đã lựa chọn nơi đây làm mộ địa, đành đến nha môn bẩm báo. Kết quả lại phát hiện ra trên mặt đồng tiền của Viên Thiên Cang có cắm trâm bạc của Lý Thuần Phong.

Thế là hai vị đại sư mỗi người lùi phần mộ của mình về phía sau 2 dặm, cùng chia sẻ mảnh đất quý. Trên mảnh đất bằng phẳng đó, mộ của Lý Thuần Phong ở phía nam còn mộ của Viên Thiên Cang ở phía bắc, chỉ cách nhau vài trăm mét, có thể nói là hàng xóm láng giềng.

Mặc dù hai ngôi mộ chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng số phận của chúng lại hoàn toàn khác biệt. Sau khi Đại Đường bị diệt vong, mộ của Lý Thuần Phong đã bị đào trộm, hủy hoại tới hoàn toàn trống rỗng không còn ra hình thù. Giờ đây, nó trở thành một khu danh thắng đón khách du lịch hàng năm.

Mộ của Lý Thuần Phong. Ảnh dẫn theo sohu.com

Ngược lại, mộ của Viên Thiên Cang lại được gìn giữ toàn vẹn dù trải qua sương gió hơn cả ngàn năm. Suốt quãng thời gian dài đằng đẵng ấy, không một tên trộm mộ nào dám bén mảng đến đây. Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy?

Mộ của Viên Thiên Cang. Ảnh dẫn theo htzyad.com

Thứ nhất là bởi Viên Thiên Cang thực sự đã đắc Đạo thành Tiên. Trong các truyền thuyết cổ cũng kể rằng về cuối đời Viên Thiên Cang đã tu thành đắc Đạo. Lăng mộ ở từ đường Đỗ Công chẳng qua chỉ là mộ giả, chôn quần áo, di vật của ông. Những tên trộm mộ thời cổ đại dù tài giỏi đến đâu cũng luôn tuân thủ một quy tắc bất thành văn là không bao giờ động tới mộ của những Thánh nhân đắc Đạo. Hơn nữa một khi đã đắc Đạo thành Tiên, trong mộ chỉ là áo mũ, di vật, chẳng có ngọc ngà, châu báu giá trị gì. Cổ vật tìm thấy trong lăng mộ của Gia Cát Lượng cũng tương tự như vậy.

Thứ hai là bởi khu đất mà Viên Thiên Cang lựa chọn để xây lăng mộ cho mình, trải qua hàng ngàn năm lịch sử luôn được các triều đại chọn làm căn cứ quân sự. Bởi thế, nó luôn được xếp vào dạng bất khả xâm phạm, hiểm địa tuyệt mật. Đương nhiên, chẳng có tên trộm nào to gan đến mức dám đột nhập vào doanh trại quân đội để trộm mộ. Sau này, tới thời cải cách mở cửa, lăng mộ của Viên Thiên Cang lại được chọn là di tích lịch sử văn hóa trọng điểm nên càng được bảo vệ kĩ càng hơn.

Cuối cùng, các câu chuyện dã sử đời Đường tiết lộ rằng khi lâm bệnh nặng Lý Thuần Phong cũng đã dự đoán được số phận phần mộ của mình. Ông cho rằng mình làm Thái sử lệnh, gây thù chuốc oán với nhiều người nên phần mộ tất là không thể bảo tồn nguyên vẹn. Còn Viên Thiên Cang vốn là quốc sư, luôn tích đức hành thiện bởi vậy mộ phần của ông nghìn năm cũng không bị động tới.

Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version