Nhà Phật có giảng, mỗi bông hoa một cõi trời, mỗi ngọn cỏ một thế giới, mỗi thân cây một cõi Bồ Đề, mỗi nụ cười một kiếp trần duyên, mỗi niệm phúc lành một cõi an lạc. Tâm thái mỗi người tựa như hoa sen khai nở. Trải qua một đời bể dâu, biết bao phen gió táp mưa sa, lên lên xuống xuống, nhìn không thấy quang cảnh trước mặt, cũng không đến được bờ bên kia. Là thời gian đã dạy chúng ta biết dũng cảm kiên cường, học biết chấp nhận và trưởng thành, khiến cho mọi con đường đã đi qua đều chứa đầy hy vọng.
Cuộc sống mệt mỏi, kiếp người long đong. Trên chặng đường của cuộc đời, luôn có những phiền não khiến ta dính mắc không thôi, xem nhẹ được thì sẽ an nhiên, buông xuống được thì sẽ tự tại. Xin được chia sẻ với bạn 3 câu chuyện nhỏ, mong rằng sau khi xem xong, quý độc giả đều sẽ có được thu hoạch nho nhỏ cho riêng mình.
Có một chàng nông phu suốt ngày than vắn thở dài, buồn phiền vì chuyện lương thực mùa thu và chăn bông mùa đông.
Có người hỏi chàng nông dân: “Anh có trồng lúa không vậy?”.
Chàng nông dân đáp: “Không có, chỉ là tôi sợ trời không đổ mưa”.
Người đó lại hỏi: “Thế anh có trồng cây bông vải không?”.
Người nông dân đáp: “Không, tôi sợ cây bông bị sâu bọ ăn mất, nên cũng không trồng?”.
Người kia lại hỏi: “Thế anh trồng cái gì?”.
Chàng nông dân: “Tôi không trồng gì cả, tôi phải đảm bảo an toàn cho mình”.
Người kia lại nói: “Thật ra, anh dẫu có nghĩ nhiều hơn nữa cũng vô dụng, chi bằng bây giờ anh hãy dành thời gian đi trồng lúa và cây bông vải, đến mùa thu và mùa đông thì không phải lo cảnh đói rét nữa”.
Quả thật, có người sở dĩ cứ luôn mãi phiền não, chính là bởi nghĩ quá nhiều.
Phiền não của chàng nông dân ở chỗ bản thân còn chưa bắt tay làm việc gì thì đã bắt đầu lo sợ tổn thất, rủi ro phải chịu sau này, cứ như thể vấn đề xuất hiện trước mắt không thể giải quyết, chỉ có thể giậm chân tại chỗ mà phiền muộn không đâu.
Kỳ thật sau khi nghĩ thông rồi bắt tay hành động, khi đó bạn sẽ nhận thấy dường như mọi chuyện vốn không khó như trong tưởng tượng ban đầu.
Có câu nói rằng: “Nghĩ thông chính là cõi thiên đường, còn nghĩ không thông giống như nơi địa ngục”.
Một chàng trai trẻ thỉnh giáo một vị cao tăng: “Thưa sư phụ, có người nói con là thiên tài, nhưng cũng có người mắng chửi con là đồ ngốc, ngài thấy thế nào ạ?”.
Vị cao tăng hỏi: “Thế con nhìn nhận bản thân mình thế nào?”. Chàng trai trẻ nghe vậy không khỏi lúng túng.
Vị cao tăng tiếp tục hỏi: “Ví như một cân gạo, trong con mắt người thợ làm bánh thì đó là bánh nướng, trong con mắt người thợ nấu rượu thì đó là rượu, còn trong con mắt người ăn xin, thì đó lại là bữa cơm cứu mạng. Gạo đó vẫn là gạo, không thay đổi chút nào”.
Chàng trai trẻ nghe xong bừng tỉnh. Thì ra cùng một sự việc, trong con mắt của người khác nhau sẽ sinh những cách nhìn khác nhau, với những người khác nhau cũng có ý nghĩa khác nhau.
Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều sự tình khiến mình phiền não, ta sẽ bị phiền não bủa vây không dứt. Nếu cứ mãi vướng mắc những câu hỏi vì sao, như thế nào thì rất nhiều sự tình sẽ nghĩ không được thông.
Chuyện dẫu lớn hơn, ngày mai đều sẽ trở thành chuyện cũ, nếu cứ mãi đắm chìm trong đó cũng chẳng có ích gì.
Thế gian này, có quá nhiều chuyện bất đắc dĩ, có quá nhiều chuyện không biết phải làm sao được. Tuy vậy, bất kể thế nào, những lúc nên cười thì hãy cứ cười. Chuyện đã qua đi, dẫu không như ý, thì hãy cứ để nó qua đi, nghĩ thoáng một chút không có gì là không tốt cả.
Một chàng trai trẻ nghĩ không thông đứng trên bờ sông muốn gieo mình xuống dòng nước mà tự sát. Vừa khéo có một ông lão đi ngang qua, bèn hỏi cậu: “Cớ sao cậu lại muốn tự tử, có chuyện gì ư?”.
Chàng trai nói: “Cấp trên của con mắng con không phải vàng ròng, công ty đã bỏ công đào tạo cả 10 năm ròng vẫn không toả sáng được. Vợ con thì mắng con nghèo hèn, không có chí tiến thủ, là thứ bùn nhão không xây được tường. Con đã phí hoài mất 10 năm như vậy, những phiền não này khiến con cảm thấy thật sự rất mệt mỏi. Con không muốn nhẫn chịu thêm nữa, chỉ có cái chết mới có thể giúp con giải thoát khỏi những phiền não này”.
Ông lão nói: “Thế cậu cảm thấy một khối vàng và một đống bùn, cái nào tốt hơn đây?”.
Chàng trai trẻ đáp: “Đương nhiên là khối vàng rồi”.
Ông lão cười: “Nhưng nếu cậu là một hạt giống thì sao?”.
Chàng trai chợt hiểu ra, từ bỏ ý định tự tử.
Hãy thử tưởng tượng, bạn là một hạt giống, nếu không có bùn và nước, thì dẫu bạn có đặt bạn ở trong núi vàng núi bạc đi chăng nữa cũng không cách nào nảy mầm được. Chỉ có trong bùn đất, bạn mới có thể chứng minh được giá trị vốn có của mình.
Trên đời có muôn vàn phiền não, phần nhiều đều là bởi ta nghĩ không thông. Chỉ cần chúng ta nghĩ được thông, bạn sẽ nhận thấy thì ra trên đời này vốn không có tốt và xấu tuyệt đối, chỉ cần bạn tìm được đúng vị trí của mình, tìm được điều thích hợp với bản thân, thì đó chính là điều tốt nhất.
Học giả Lâm Thanh Huyền có nói:
“Điểm thấp nhất của thung lũng chính là khởi điểm của ngọn núi, rất nhiều người đi vào trong thung lũng sở dĩ không bước ra được, chính là bởi họ dừng chân trong thung lũng, đứng ở đó phiền não khóc lóc. Vậy nên, bất kể thế nào, bất kể gặp phải sự tình gì, đều đừng nhất mực đứng ở trong thung lũng khóc lóc, mà hãy mỉm cười khích lệ bản thân”.
Có người nói, những điều phiền não trong cuộc sống nhiều như những sợi tóc trên đầu, không chỉ ba nghìn sợi.
Cũng có người nói, trần gian ba nghìn việc, dửng dưng một nụ cười.
Đời người vô thường, lòng người thường đổi thay, cớ chi phải tự ràng buộc mình trong những thị phi ân oán đó. Xem nhẹ rồi, mọi thị phi ân oán đều đã nhẹ tênh. Buông xuống rồi, thành bại được mất cũng chỉ như gió thoảng mây trôi. Những gì không vui, hãy cứ để nó trôi theo dòng nước, giữ lại cho bản thân một phần lặng lẽ hồn nhiên.
Hồng trần cuồn cuộn, giữ được tâm thái tĩnh lặng có thể giúp ta thấy được cảnh sắc tươi đẹp. Tấm lòng rộng mở, ta càng bước đi càng thấy đường rộng thênh thang. Tâm thái an nhiên, mỗi một bước chân đều chứa đầy niềm vui. Dứt bỏ phiền não, ung dung nhẹ nhàng bước về phía trước, đến một ngày kia, ta sẽ thấy được cảnh sắc mỹ diệu phía cuối chặng hành trình.
Bài viết: Thuận An
Nguồn: Theo Sound of Hope
Ảnh bìa: Shutterstock/Pixabay
Thiết kế: Tea Tea