Đại Kỷ Nguyên

Hướng thiện như nước: Làm người có 7 điều thiện, bạn biết được bao nhiêu?

Biển có thể chứa được trăm sông, bởi lẽ lòng biển rộng; Vách núi sừng sững, không dục vọng nên mới hiên ngang. Một khi con người có được tấm lòng sâu sắc và rộng lớn như thung lũng, thì có thể hội tụ trăm sông thành biển mênh mông.

Nước chỉ khi ở nơi đất thấp mới thành biển, núi không kiêu ngạo mới cao chạm trời.

Câu “hướng thiện như nước” (Thượng thiện nhược thủy) được trích dẫn từ cuốn “Lão Tử” như sau: Sự trọn lành giống như nước. Nước khéo làm lợi vạn vật mà không tranh với ai, ở chỗ chẳng ai ưa, nên gần Đạo. Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thì thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người thì nhân ái; nói năng thì thành tín; trị vì xã tắc thì mang đến bình yên; làm việc thì có năng lực; hoạt động thì hợp thời. Chính vì không tranh, nên không lầm lỗi”.

(Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ky ư đạo.  Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân , ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thì. Phù duy bất tranh, cố vô vưu). 

Lão Tử nói: “Người giỏi đánh trận, không dễ bị chọc giận, người giỏi đánh thắng kẻ địch, không hay tranh với kẻ địch, người giỏi dụng nhân, luôn thể hiện sự khiêm nhường với người khác. Đây gọi là phẩm đức không tranh với người, hay còn gọi là giỏi vận dụng năng lực của người khác”.

(Thiện chiến giả bất nộ. Thiện thắng địch giả bất dữ. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ. Thị vị bất tranh chi đức. Thị vị dụng nhân chi lực).

(Ảnh dẫn theo blogspot.sg)

Ở nước có 7 điều Thiện mà con người chúng ta phải học hỏi:

Một là “Cư thiện địa” – Ở khéo chọn nơi chốn

Con người phải giống như nước giỏi ở nơi thấp, giỏi lấy cái lợi và tránh được cái hại.

“Ở khéo chọn nơi chốn” nghĩa là có thể tỉnh táo nhận thức được bản thân được hay không, có tìm được vị trí nhân sinh thích hợp của mình hay không. Nước vẫn luôn là ngọn nguồn của vạn vật. Nếu luận công thì nước xứng với cả nghìn lời ngợi ca, với cả vạn bia đá tán dương suốt kim cổ. Cái bản sự mà nước có thể khoa trương cũng quả là không nhỏ. Nhưng trước sau nước vẫn luôn giữ một tâm thái bình thường, không chỉ không phô trương, mà ngược lại nơi nào thấp nước lại chảy tới nơi đó, nơi nào trũng nước thì trẫm mình tới nơi đó, thậm chí nước càng sâu lại càng bình lặng. Sự tĩnh lặng và tấm lòng rộng lượng này là cảnh giới mà rất nhiều người khó có thể với được.

Hai là, “Tâm thiện uyên” – Tâm hồn thâm trầm sâu sắc: Tâm cảnh như nước thâm sâu trầm mặc, giản dị mà bình lặng

Biển có thể chứa được trăm sông, bởi lẽ lòng biển rộng; Vách núi sừng sững, không dục vọng nên mới hiên ngang. Một khi con người có được tấm lòng sâu sắc và rộng lớn như thung lũng, thì có thể hội tụ trăm sông thành biển mênh mông. Nếu con người có thể buông bỏ dục vọng không tranh với đời, thì có thể giống với vách núi dốc đứng, sừng sững giữa trời mây.

Nước bao dung nhất, có sức thẩm thấu và gần gũi nhất. Nước thông thấu mà chảy rộng khắp thiên hạ, cống hiến mà không mưu cầu báo đáp.

Làm người nên giống như nước vậy, trong cái nhu nhất mà lại có được phong thái cương nhất, tấm lòng thuần khiết, bao dung và năng lực lớn nhất.

(Ảnh dẫn theo blackshopping.net)

Ba là, “Dữ thiện nhân” – Nước đãi người một cách nhân từ

Nước đối đãi với người nhân ái, thiện lương, với vạn vật đều đối đãi như nhau, không hề thiên vị.

Nước động mà có tĩnh, trong tĩnh lại có động. Tất cả đều là vì nó rất nhu mì, mỹ lệ và mềm mại. Nước động theo một khí cơ, nhờ động mà nước luôn chảy không ngừng, nhờ chảy không ngừng mà nước luôn tiến lên, nên trong cái vô hạn ấy mà sinh ra khí cơ. Dẫu cho đặt trong bát sành hay bát vàng thì cũng đều như nhau. Hơn nữa ly có nghiêng thì nước cũng không nghiêng, vật có lệch thì nước cũng chẳng lệch, đây chính gọi là “thủy chuẩn” (chuẩn mực của nước). Nếu gặp phải hố sâu mà chuyển dòng như bị lừa gạt thì sóng nước sẽ vọt lên thét gào . Đây gọi là “Gặp việc bất bình là lên tiếng”.

Bốn là, “Ngôn thiện tín” – Nói biết giữ chữ tín

Nước rất chú trọng uy tín, luôn chuẩn xác như thủy triều dâng, không thét ra tiếng ngông cuồng.

Nước không màu cũng không có mùi, long lanh đến tận đáy. Nước tỏa ra thứ ánh sáng quang minh lỗi lạc, không ham muốn, chẳng truy cầu, lúc nào cũng đường đường chính chính. Chỉ khi nào nước trong veo mới có thể làm gương, mới có thể phân biệt thiện ác, xấu đẹp. Nếu con người tu được thuần khiết như nước, tĩnh tại như nước, thì còn chuyện gì tốt đẹp hơn nữa đây?

Nược giỏi nuôi dưỡng vạn vật, ban ân điển mà không cầu báo đáp. Các loài thực vật đều thấm đẫm ơn của nó, động vật cũng phải mang ân huệ nuôi dưỡng của nước. Vậy nên mới nói rằng nước rất nhân từ, lương thiện. Nước làm lợi cho vạn vật, chân thành hòa thuận, không giả dối, trước sau như một.

Năm là, “Chính thiện trị” – Giỏi trị vì, quản lý một cách nhẹ nhàng có trật tự, mang đức dày nhưng rất vô tư

Khi nước ngưng kết lại thì vô cùng mạnh mẽ, một khi đã hòa thành một thể thì vinh nhục cùng chịu, sống chết bên nhau, luôn tiến về phía trước dẫu khó khăn cũng chẳng từ nan. Cho nên Lý Bạch mới phải cảm thán khi thốt lên: “Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh”.

Bởi vì đoàn kết một lòng, nên uy lực của nước mới có được sức mạnh không gì sánh được. Nước tụ lại thì thành sông, thành biển, thành mặt nước bao la bát ngát, tẩy tịnh suốt chiều dài cổ kim. Nếu gặp gió nước liền lập tức nổi sóng, oanh oanh liệt liệt, xối hết những thứ nhơ bẩn, chỉ lưu lại sự thuần khiết.

Làm người cũng nên giống như nước vậy, phải biết thay đổi, biến hóa. Bởi vì nước mang tính nhu lại có thể thay hình đổi dạng nên trong đại dương thì nước mang hình dáng của đại dương, trong sông hồ thì nước mang hình dáng của sông hồ. Khi đựng trong tách chén thì nước mang hình dáng của tách chén, ở trong bình hoa lại mang dáng vẻ của bình hoa.

(Ảnh dẫn theo presskg)

Sáu là, “Sự thiện năng” – Nước giỏi hành sự, luôn làm việc dựa theo năng lực, biết quý trọng khả năng của mình

Nước mềm mại nhất, nhưng cũng cứng rắn nhất, luôn giữ vững niềm tin, theo đuổi chí nguyện của mình không biết mệt, khiến con người phải nghiêng mình kính phục. Nước chảy quanh co qua 9 khúc sông Hoàng Hà đã trải qua biết bao ngăn trở, biết bao mê hoặc. Dẫu núi non trùng điệp, trăm nghìn khúc quanh co uốn lượn, cuối cùng nước vẫn đổ về biển.

Nước đánh ầm ầm vào vách đá ngầm, dẫu cho thịt nát xương tan cũng quyết không thoái lui, chỉ một lòng hướng về phía trước, phấn đấu hết mình. Cuối cùng nước cũng khiến những thành quách san hô mang thương tích đầy mình, lỗ chỗ hàng trăm hàng nghìn vết.

Nước chảy đá mòn, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, nước vẫn luôn nắm chắc mục tiêu của mình. Không kiêu ngạo, cũng chẳng nóng vội, nước cứ chảy “róc rách” suốt tháng năm. Quả thực nước đã đục được một cái lỗ trên mình đá cứng, đúng như câu: “Thứ mềm mại nhất thiên hạ lại có thể chiến thắng thứ mạnh mẽ nhất trong thiên hạ”.

Bảy là, “Động thiện thời” – Nước biết chọn đúng thời cơ

Phải đúng thời cơ nước mới hành động, chứ không manh động, khi nào có thể hành động thì nước mới ra tay.

Nước không theo đuổi giàu sang phú quý, cũng chẳng âu lo phiền muộn cảnh nghèo hèn. Nước không bị bó buộc, không cứng nhắc, không ngoan cố, không phiến diện cố chấp. Đôi khi nó tỉ mỉ, đôi khi lại ngông cuồng. Nó thuận theo thời thế mà biến hóa. Đêm thì nước kết thành những giọt sương, sáng sớm lại hóa thành sương mù, trời nắng hiển linh, trời mưa tỏa sáng ánh cầu vồng.

Mùa hè nước hóa thành mưa, mùa đông lại đổi là tuyết, biến hóa theo sinh khí, ngưng đọng lại thành băng. Nước thay đổi theo thời thế. Nước chảy nhẹ nhàng thư thái thì thành dòng suối, ngày đêm thì thầm róc rách tỉ tê như đang kể ngàn câu chuyện. Ở nơi vách núi dựng đứng nước lại biến thành dòng thác lũ, ầm ào gầm thét như hùm beo.

Nước sâu thì thành đầm, giấu kỹ tài năng; bao la rộng lớn thì thành biển, cất cao tiếng hát rì rào vỗ sóng. Nước thay đổi theo vật chứa đựng mình, gặp tròn thì nước hóa thành tròn, gặp vuông nước lại biến thành vuông, gặp thẳng thì thành đường, gặp cong nước uốn khúc như rồng bay phượng múa. Vậy nên mới có câu rằng: “Nước mang bóng dáng vô thường” luôn thay đổi. Làm người phải chăng cũng nên giống như nước vậy!

(Ảnh dẫn theo pinterest.com)

Nước thường chảy không dừng, có thể chạm tới mọi sinh mệnh, giống như có Đức vậy. Nước chảy ắt là hướng về chỗ trũng, không đối đầu mà luôn thay đổi, lúc thì vuông, khi lại dài. Nước luôn thuận theo Lý, giống như có Nghĩa. Nước rộng lớn bất tận, như mang theo Đạo.

Nước chảy suốt vài trăm trượng giữa núi non điệp trùng mà không sợ hãi, dường như có Dũng. Nước để yên thì không phân biệt cao thấp, giống như luôn tuân thủ phép tắc. Nước lượng nhiều ít cũng không cần thêm thắt, giống với sự chính trực, không nơi nào không chảy đến giống với việc luôn biết minh xét. Nước luôn bắt nguồn từ hướng Tây, tẩy tịnh cho vạn vật, lại giống thiên biến vạn hóa.

Nước có những phẩm chất tốt như vậy, cho nên người quân tử gặp nước cũng phải cúi đầu.

Người xưa thường ví phụ nữ nhu mì, mềm mại như nước. Nhưng những cô gái hiện đại lại sợ rằng nếu vẫn giữ vẻ dịu dàng, yếu đuối của phụ nữ truyền thống, phải chăng ra ngoài xã hội dễ bị người ta bắt nạt, ở nhà cũng không được chồng và nhà chồng trọng vọng. Vì vậy, không ít chị em đành phải đi ngược lại với thiên tính trời phú mà khoác lên mình cái vỏ mạnh mẽ như đàn ông. Nhưng cuối cùng lại có không ít chị em lại thầm thương cho số phận vất vả ngược xuôi của mình, không tìm được bờ vai che chở để được nghỉ ngơi chốc lát, mà cứ phải gồng mình trước cuộc sống bộn bề lo toan.

Nhưng nước đâu có thực sự yếu nhược như vậy! Phải chăng là phụ nữ chúng ta nên giữ nguyên đặc tính bẩm sinh của mình, để được là chính mình, để được yêu thương và che chở?

Sau khi hiểu sâu hơn về những đặc tính của nước, bạn có còn cho rằng nhu mì sẽ phải chịu thiệt thòi nữa không. Bạn còn muốn khoác lên mình lớp vỏ ngoài mạnh mẽ như đàn ông nữa không? Hãy trút bỏ lớp áo phòng vệ ấy và trở về với thiên tính của mình là những người phụ nữ nhu mì, dịu dàng. Đó mới là sự an bài tuyệt vời mà tạo hóa dành cho giới nữ để cuộc sống thêm nhiều yêu thương, gia đình thêm đầm ấm và hạnh phúc.

Nhã Văn

Exit mobile version