Đại Kỷ Nguyên

Huyền thoại ít biết về hai con sông lớn nhất Trung Hoa: Trường Giang và Hoàng Hà

Trung Quốc có hàng ngàn con sông lớn nhỏ nhưng quan trọng nhất là hai con sông: Hoàng Hà và Trường Giang. Cả hai đều chảy theo hướng Tây – Đông, đem phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng châu thổ màu mỡ. Đặc biệt, sông Hoàng Hà là nơi sản sinh ra nền văn minh Hoa Hạ với hơn 5000 năm văn hoá huy hoàng.

Hoàng Hà được xem là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Những triều đại đầu tiên trong lịch sử như Hạ, Thương, Chu đều hình thành ở lưu vực Hoàng Hà. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, các nước chư hầu xuất hiện và tranh giành bá vị với nhau, chủ yếu cũng đều hoạt động tại lưu vực Hoàng Hà. Về sau, người Trung Quốc mới tiến dần về phía nam, xuống lưu vực sông Trường Giang.

Hoàng Hà có tổng chiều dài 5.464 km và diện tích lưu vực sông gần 753.000 km2. Đây là con sông lớn thứ năm trên thế giới và dài thứ hai ở Trung Quốc. Sông Trường Giang, hay còn gọi là Dương Tử, dài khoảng 6.300 km, là con sông dài thứ ba trên thế giới. Có một câu chuyện huyền thoại ít được biết đến kể về hai dòng sông gắn liền với lịch sử 5000 năm của dân tộc Trung Hoa.

***

Thuở xa xưa, ở một khe suối trong hang động bên ngoài dãy núi Tu Di có hai chú rồng song sinh là Thanh Long và Hoàng Long. Với bản tính thiện lương, ghét sự ác tà, hai con rồng đã dũng cảm chiến đấu với những yêu ma quỷ quái chuyên làm việc ác ở nhân gian. Một năm nọ, nhân gian xảy ra đại hạn, sơn thần thổ địa vô cùng lo lắng báo cáo tình hình khẩn cấp lên thiên giới. Đức Phật Như Lai biết rằng Thanh Hoàng nhị long am hiểu sâu sắc thế đạo nơi thế gian, liền phái hai chú rồng thần hạ thế.

Không lâu sau khi tra xét, hai chú rồng biết kẻ gây ra đại hạn là tên Nhị yêu ma từ Biển Đông đang tác oai tác quái ở nhân gian. Hắn đã phái con cháu đi khắp nơi phóng hỏa, lại dùng ma thuật điều khiển làm nhân tâm mỗi người ẩn chứa một loại “lệ hỏa”, khiến ai ai cũng mang tâm thái thích tranh đấu với người khác. Từ đó con người thế gian thường làm điều xấu ám hại lẫn nhau khiến nơi đây không còn thanh tịnh, lại có rất nhiều người vì hám quyền hám lợi mà trở nên sùng bái và đi theo bầy yêu ma.

Hai chú rồng quyết tâm loại bỏ ác tà, giúp nhân loại chính lại đạo đức. Chúng biến hoá thành hai nhà sư, lấy danh nghĩa trị bệnh và xua đuổi tà ma để loại bỏ những ý nghĩ xấu xa cũng như tâm bệnh của con người thế gian. Bởi những độc hại quỷ quái này, mọi người thường mắc một loại bệnh có tên là “yếm bệnh”. Khi bị nhiễm bệnh này, người ta luôn bứt rứt trong tâm, chỉ khi mưu toan tính toán hoặc làm một vài điều gây tổn hại người khác và chiếm lợi ích cho bản thân thì họ mới thấy thoả mãn, mới không bị ma bệnh giày vò.

Ảnh minh họa: Shiguangyouju.

Hai nhà sư liền cho mọi người uống một vài loại thuốc như cửu sa, trân châu, hải tảo và dạy họ niệm chú quyết để loại bỏ bệnh tật. Một số người sau khi được điều trị thì bệnh tình dần dần hồi phục và thoát khỏi thống khổ. Tiếng lành đồn xa, một truyền mười, mười truyền trăm, khắp nơi người người tới tìm hai nhà sư trị bệnh. Ba tháng sau có hàng nghìn người khỏi bệnh và khôi phục lại cuộc sống bình thường. Họ cảm ơn công đức của hai nhà sư và tôn vinh ân nhân mình là hai vị Tiên sống.

Yêu ma quỷ quái nghe nói có người phá giải được pháp thuật của mình, liền cử cá sấu và cóc tinh đi thám thính tình hình. Cóc đã thành tinh là một tên ma đầu tâm địa gian trá, quỷ kế đa đoan. Nó thuyết phục tên cá sấu tinh vốn dĩ đầu não đơn giản mà tính tình hung hãn, rằng cả hai sẽ cùng hóa thành bệnh nhân, trà trộn vào nhóm người đến trị bệnh để tìm nơi hai vị hòa thượng đang ở.

Vì tu luyện tà pháp đã ngàn năm, cóc tinh sớm nhìn thấy phía xa xa dưới bóng cây, trên đầu hai vị hòa thượng xuất hiện vệt sáng màu xanh và màu vàng thông thẳng lên trời. Cóc tinh bèn nghĩ ra quỷ kế, nó nói với cá sấu rằng đó chỉ là hai vị tiểu tiên, không cần quá bận tâm về họ, lại bảo cá sấu hãy ngồi xuống nghỉ ngơi, để một mình nó đi bắt hai vị hòa thượng.

Cá sấu nghe vậy liền cho rằng cóc muốn lập công một mình nên đùng đùng giận dữ, bèn hiện nguyên hình và há cái miệng đầy răng nhọn hoắt lao về phía hai nhà sư. Hai vị hòa thượng sớm đã đoán biết yêu tinh sẽ đến, nên rất bình tĩnh thản nhiên, một vị bắn đạn long châu về phía cá sấu làm nó ngã nhào xuống mặt đất.

Cá sấu vừa định quay người bỏ chạy thì vị hòa thượng còn lại liền bắt nó trong tay. Cóc tinh nhân cơ hội bèn hóa phép tạo ra một cơn gió lớn rồi vội vàng chạy trốn về Biển Đông, báo cáo rằng hai vị hòa thượng chính là Thanh Hoàng nhị long. Tên ma quỷ cầm đầu vô cùng tức giận, liền điều động 50.000 binh lính tới khiêu chiến. Thanh Long và Hoàng Long dặn dò những người đã khỏi bệnh rằng phải trốn thật kỹ không được xuất hiện, đoạn lại bày binh bố trận, cưỡi mây ứng chiến với yêu quái trên không trung. Hai chú rồng thi triển sức mạnh, giao chiến với yêu binh bảy ngày bảy đêm không ngừng nghỉ.

Nhị yêu quái chứng kiến quân binh của mình càng ngày càng ít, thế lực càng ngày càng suy yếu thì không cam tâm chịu thất bại, bèn nảy sinh quỷ kế vô cùng tàn độc. Nó dùng ma pháp kết hợp với những con yêu tinh một lòng một dạ đi theo mình, khống chế chúng tập hợp thành hai con rồng lửa trải dài từ nam tới bắc.

Mây mù bao phủ mờ mịt từ phía chân trời xa, hai con rồng lửa to lớn trườn khắp không gian, đi tới đâu lại phun lửa và siết chặt tứ phía. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, vạn vật đều trở nên cháy xém, khô cằn. Chúng muốn thiêu cháy hủy diệt hết thảy những con người trên thế gian cùng với hai chú rồng thần.

Bởi đã chiến đấu gian khổ với yêu quái trong nhiều ngày đêm, cả Thanh Long và Hoàng Long đều sức cùng lực kiệt. Khi thấy Nhị yêu quái đang hủy diệt những người dân vô tội, hai chú rồng liền quyết tâm bảo hộ dân lành. Thế là, nhị long không màng an nguy bản thân, hóa thành hai dòng sông thanh mát, một màu xanh, một màu vàng, chia làm hai hướng tiến tới ứng chiến với ngọn lửa hung tợn của cặp rồng tà ác. Khi nhị long tấn công trực tiếp tới hai con rồng lửa kia, những kẻ tâm địa xấu xa đi theo Nhị ma quái liền bị dòng nước mạnh cuốn chìm xuống nước. Lại qua ba ngày ba đêm, cuối cùng Thanh Long và Hoàng Long đã đuổi được hai con rồng lửa ra xa tới hơn nghìn dặm, rồi dùng thân hình to lớn của mình ép chặt chúng lại.

Sông Trường Giang (trên) và Hoàng Hà (dưới).

Cuối cùng, Thanh Long và Hoàng Long dần mất đi nguyên khí và chìm sâu vào trong lòng đất, hóa thành hai dòng sông Trường Giang và Hoàng Hà. Cho đến ngày nay, con cháu Hoa Hạ vẫn dựa vào hai dòng sông lớn này để sinh sôi nảy nở và ngày càng trở nên thịnh vượng.

Kiên Định
Theo NTDTV

Bạn đang đọc bài viết: “Huyền thoại ít biết về hai con sông lớn nhất Trung Hoa: Trường Giang và Hoàng Hà” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! 

Exit mobile version