Thường nghe câu: “Bảo kiếm trao anh hùng, hồng phấn tặng giai nhân”. Trong lịch sử, Hàn Tín nổi lên là bậc dũng tướng bách chiến bách thắng, võ công cái thế, thiên hạ vô song. Hình ảnh “chiến Thần” Hàn Tín luôn gắn liền với một thanh bảo kiếm, mà giống như chủ nhân của nó, thanh kiếm ấy cũng có lai lịch phi thường.

“Hán Sở tranh hùng” kể rằng, người trao bảo kiếm cho Hàn Tín chính là Trương Lương, một nhân vật kỳ tài bên cạnh Lưu Bang. Vậy Trương Lương là ai, và cớ sao lại dâng bảo kiếm cho Hàn Tín, vốn là kẻ vô danh tiểu tốt lúc bấy giờ?

Trương Lương: Ba lần dâng giày, được thiên thư 

Một buổi chiều, Trương Lương thẩn thơ dạo bước bên cầu, bỗng thấy một ông lão đi ngang qua cầu, bất cẩn làm rơi chiếc giày xuống dòng nước. Ông lão gọi Trương Lương và nói: “Này tiểu tử, hãy lại đây lượm chiếc giày cho ta”.

Trương Lương thấy lão ông tiên phong đạo cốt, không phải người thường, liền bước đến lượm chiếc giày và cung kính trao lại cho ông.

Ông lão xỏ chân vào giày rồi lại đánh rơi xuống nước. Trương Lương lại cúi xuống nhặt, cứ như thế đến ba lần, lần nào cũng kính cẩn hết lòng.

Trương Lương kiên nhẫn nhặt giày cho ông lão, khiến ông lão rất thán phục.
Trương Lương kiên nhẫn nhặt giày cho ông lão, khiến ông lão rất thán phục. (Ảnh: vietnewspro.com)

Ông lão mỉm cười nhìn Trương Lương nói: “Tiểu tử này khá lắm, có thể dạy được đây!”, rồi chỉ vào gốc cổ thụ gần đó: “5 ngày nữa, ngươi đến gốc cây này, ta sẽ cho một vật quý, chớ có sai hẹn!”.

Năm hôm sau, Trương Lương dậy sớm, đến chỗ gốc cây đã thấy ông lão ngồi chờ sẵn nơi đó.

Ông lão nhìn Trương Lương mắng: “Ðã hẹn với kẻ trượng phu cớ sao lại đến trễ? Thôi, ta cho 5 ngày nữa, hôm đó phải đến cho sớm”.

Đến ngày hẹn, vào đầu trống canh năm, Trương Lương đến gốc cây, nào ngờ ông lão đã ngồi ở đó rồi.

Ông lão mắng: “Sao ngươi biếng nhác thế, hôm nào cũng để ta phải chờ đợi? Thôi, ta hẹn cho 5 ngày nữa”.

Lần này, Trương Lương không ngủ, suốt đêm ngồi chờ ở gốc cây. Trống canh năm vừa điểm, ông lão lểnh mểnh bước đến.

Ông lão nói: “Ta xem tiểu tử cốt cách thanh kỳ, nếu biết dùng tuổi xanh lo việc học tập, sau này có thể đồ vương định bá được. Nay ta cho ngươi ba quyển bí thư, trong có đủ kỳ mưu, thần toán. Dù Tôn, Ngô phục sinh chưa chắc bì kịp. Ngươi hãy nhận lấy mà học tập, trước vì nước Hàn mà báo quốc, sau vì thiên hạ mà giúp chân chúa đem lại thái bình, để khỏi phụ tình tri ngộ”.

Ông lão trao cho Trương Lương ba quyển bí thư, sau khi thử thách Trương Lương không ít lần.
Ông lão trao cho Trương Lương ba quyển bí thư, sau khi thử thách Trương Lương không ít lần. (Ảnh: tinhhoa.net)

Trương Lương tiếp nhận ba quyển sách, quỳ mọp xuống đất tạ ơn.

Ông lão nói thêm: “Đọc bộ sách này thì làm được thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau, ngươi đến gặp ta. Hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phía bắc sông Tế là ta đó”.

Trương Lương nghe nói ngạc nhiên, ngẩng mặt lên thì ông lão đã biến mất rồi.

Đến khi về nhà, Trương Lương mở sách ra xem thấy đó là bộ “Thái Công binh pháp”, từ đó Trương Lương tinh thông binh lược, thấu hiểu thiên cơ, có con mắt nhận biết bậc hiền tài, là đại quân sư kiệt xuất của Hán Cao Tổ Lưu Bang trong lịch sử.

Hàn Tín: Kiếm báu không đem bán, chỉ tìm kẻ hùng anh

Khi Trương Lương đi khắp nơi tìm bậc dũng tướng có tài thao lược về phò tá Lưu Bang, ông vô tình gặp Hàn Tín. Lúc ấy Hàn Tín chưa có tên tuổi gì, mặc dù đã gia nhập nghĩa quân của Hạng Vũ nhưng Hàn Tín luôn bị xem thường và cũng không được trọng dụng. Nhưng Trương Lương thì khác, ông chỉ thoáng qua đã nhận ra Hàn Tín là bậc anh tài hiếm có, ai có được Hàn Tín người ấy sẽ nắm cả thiên hạ.

Trương Lương ngay lập tức đã đến gặp Hàn Tín.

Trương Lương nói:

– Tiền nhân tôi có để lại cho tôi ba thanh bảo kiếm quý báu vô cùng, vì vậy bấy lâu nay tôi đi tìm bậc anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, kẻ nào đáng mặt thì dâng hiến. Hiện hai thanh bảo kiếm kia tôi đã dâng hai người xứng đáng rồi, duy còn thanh thứ ba này chưa gặp chủ. Nay nghe tướng quân là bậc hào kiệt, lại là bạn đồng hương, nên mang lại đây kính biếu cho tướng quân.

Trương Lương nghe danh Hàn Tín là bậc hào kiệt, lại là bạn đồng hương, nên mang thanh gươm quý đến đây để kính tặng cho Hàn Tín.
Trương Lương nghe danh Hàn Tín là bậc hào kiệt, lại là bạn đồng hương, nên mang thanh gươm quý đến đây để kính tặng cho Hàn Tín. (Ảnh: youtube.com)

Hàn Tín thấy Trương Lương ca tụng thanh bảo kiếm liền hỏi:

– Dám hỏi tiên sinh, thanh kiếm ấy có gì quý?

Trương Lương ngâm lên một bài thơ ca tụng thanh kiếm, rằng:

“Ðể ngầm dưới nước, giao long khóc
Ðem bỏ trên không, quỷ mị kinh
Lưu truyền thiên cổ
Giá trị thiên kim

Kiếm báu không đem bán
Chỉ hiến kẻ hùng anh!
Giang sơn mặc sức tung hoành
Giúp người dựng nước, lưu danh muôn đời.”

Hàn Tín thấy Trương Lương nói vậy, bèn đứng dậy đáp:

– Tín tôi chẳng qua là một kẻ hư danh, nay tiên sinh có lòng hạ cố đến đây, ơn ấy không sao nói hết. Vậy xin tiên sinh cho tôi xem qua kiếm ấy.

Trương Lương trao kiếm cho Hàn Tín, kiếm vừa rút ra khỏi vỏ, hào quang chói sáng ngời. Trên bao có đề một bài thơ:

“Kiếm báu lập lòe tay dũng sĩ
Non sông môt dải chí hiên ngang.
Máu hồng men rượu say băng tuyết
Muôn dặm sơn hà một tấc gang.”

Hàn Tín thường ngày rất thích kiếm, nay thấy thanh bảo kiếm trong lòng vô cùng yêu thích, hiềm nỗi chỉ vì trong túi không có tiền, nên không dám hỏi giá.

Một lúc sau, Hàn Tín hỏi:

– Ngài có ba thanh kiếm, thế thì hai thanh kia ngài đã bán được bao nhiêu?

Hàn Tín rất thích thanh kiếm đó, nhưng băn khoăn không biết giá của nó bao nhiêu.
Hàn Tín rất thích thanh kiếm đó, nhưng băn khoăn không biết giá của nó bao nhiêu. (Ảnh: tinhhoa.net)

Trương Lương nói:

– Tôi đã nói với tướng quân là kiếm tôi không phải bán. Nếu gặp người xứng đáng làm chủ, xin đem dâng mà thôi. Vì nghe tướng quân là bậc hào kiệt, tôi mới đem kiếm đến đây.

Hàn Tín nói:

– Ða tạ tiên sinh có lòng chiếu cố. Chỉ sợ Tín tôi chưa chắc phải là hào kiệt hay không?

Trương Lương nói:

– Nếu tướng quân không xứng đáng thì tôi đâu có tìm đến đây, và dù tướng quân có trả muôn lượng vàng ròng đi nữa, tôi cũng quyết không bán, huống chi là tặng không.

Hàn Tín trong lòng cảm kích vô cùng, bèn hỏi tiếp:

– Thưa tiên sinh, ba thanh bảo kiếm đều có tên cả chứ?

Trương Lương nói:

– Dĩ nhiên. Một thanh gọi là Thiên Tử kiếm, một thanh gọi là Tể Tướng kiếm, còn thanh này gọi là Nguyên Nhung kiếm.

Thanh Thiên Tử kiếm còn gọi là Bạch Hồng Từ Ðiện, nguyên của vua Hạp Lư nhà Ngô đúc ra treo trên vách, giống tà ma quỷ mị phải xa lánh. Tể Tướng kiếm biệt danh là Long Tuyền Thái A, thanh kiếm này của Lôi Hoán đào được. Lôi Hoán vốn giỏi về thiên văn xem thấy có tia sáng vọt lên sao Ngưu, sao Ðẩu, liền dò theo chỗ hào quang đào xuống sâu hơn mười trượng, được một cái hòm, mở ra thấy có thanh kiếm báu. Khi lấy lên khỏi lòng đất thì sao Ngưu, sao Đẩu không còn sáng nữa. Sau Lôi Hoán đeo kiếm lội qua sông, bỗng nhiên thanh kiếm vọt xuống sông hóa thành con Giao Long vẫy vùng trong nước.

Nguyên Nhung kiếm có tên là Can Tương, Mạc Tà. Nguyên vua nước Ngô là Hạp Lư đúc ra hai thanh, một thanh “Thư” và một thanh “Hùng”. Tuy là sức người tạo ra, song chọn ngày giờ, ứng theo các vì tinh tú, hợp khí âm dương, rèn vào lửa hơn mười năm mới thành, cho nên quý báu lắm. Vì sự quý báu ấy nên tôi đi bán kiếm phải dùng người tài đức mà trao.

Trương Lương giải thích tên của ba thanh kiếm cho Hàn Tín.
Trương Lương giải thích tên của ba thanh kiếm cho Hàn Tín. (Ảnh: youtube.com)

Hàn Tín hỏi:

– Người tài đức thế nào mới dùng được kiếm báu của tiên sinh?

Trương Lương đáp:

– Người muốn dùng Thiên Tử kiếm phải có chân mệnh Thiên Tử, hội tụ đủ tám đức: Nhân, hiếu, thông, minh, kính, tắc, kiệm, học. Còn muốn dùng Tể Tướng kiếm cũng phải có đủ tám đức mới đeo được, đó là: Trung, chính, minh, biện, thứ, dung, khoan, hậu. Còn như kiếm Nguyên Nhung cũng cần phải có đủ tám đức: Liêm, quả, trí, tín, nhân, dũng, nghiêm, minh.

Hàn Tín lại hỏi:

– Tiên sinh đi tặng kiếm mà hiểu thấu lẽ trời, quả là bậc anh tài. Song hai thanh kiếm kia tiên sinh đã tặng cho ai?

Trương Lương nói:

– Thanh Thiên Tử kiếm thì tôi đã dâng cho Lưu Bái Công (Lưu Bang), người đất Phong. Ông ấy là người khoan nhân đại độ, biết trọng dụng lương thần, biết nghe lời trung gián, không tham tài, không hiếu sắc, không bội nghĩa, không vong ân, thật là một người có đức, đáng làm Thiên tử. Trước đây, người ấy vì dân, chém bạch xà khởi nghĩa nơi núi Mang Ðãng, trừ nhà Tần tàn bạo, khiến thiên hạ mến phục. Ngay khi đó tôi đã hiến thanh kiếm cho ông ấy.

Còn thanh Tể Tướng kiếm tôi đã trao cho ông Tiêu Hà. Ông ta là người có tài thao lược, gồm đủ kinh luân, lại đầy đức khoan hồng, nhân nhượng, không lấy vũ lực làm trọng, chỉ lấy nhân nhu làm gốc. Xem lúc ông ta theo Bái Công vào Hàm Dương, đem ba điều ước pháp truyền trong nhân dân, thì thật là tài tể tướng đã biểu lộ ra đó. Tôi dâng kiếm cho Tiêu Hà từ lúc ấy.

Thanh kiếm thứ nhất Trương Lương trao cho Lưu Bái Công, một thanh trao cho ông Tiêu Hà.
Thanh kiếm thứ nhất Trương Lương trao cho Lưu Bái Công, một thanh trao cho ông Tiêu Hà. (Ảnh: Youtube.com)

Hàn Tín nghe xong, mừng rỡ nói:

– Tiên sinh tặng kiếm cho Hán vương và Tiêu Hà thật xứng đáng. Nay thanh kiếm này tiên sinh đem đến cho tiểu tử, chỉ sợ rằng tiểu tử không đủ tài đức Nguyên Nhung, phụ với lòng tin của tiên sinh chăng?

Trương Lương nói:

– Cứ như tài đức của tướng quân mà suy thì dù Tô Tẩn, Ngô Khởi, Nguyên Thọ thuở xưa cũng không hơn được. Sở dĩ tướng quân còn long đong lận đận là vì chưa gặp được chúa biết trọng dụng. Tỷ như thiên lý mã ngày xưa, lúc chưa gặp được Bá Nhạc thì thiên lý mã phải nhốt chung vào chuồng trâu, chịu nhục với đứa ăn, đứa ở. Khi Bá Nhạc biết được, đem về nuôi dưỡng, thiên lý mã vó câu rong ruổi, nghìn dặm một giờ, ai nấy đều khen ngợi. Ấy vậy, tướng quân bây giờ chẳng khác con thiên lý mã chưa gặp Bá Nhạc. Nếu tướng quân gặp được minh quân, tài đức ấy sẽ làm khuynh thành, nghiêng quốc có khó chi.

Hàn Tín nghe Trương Lương động đến hào khí, bất giác thở dài, đứng dậy nói:

– Ða tạ tiên sinh, lời nói của tiên sinh như soi vào buồng gan của kẻ thất thời này, khiến Tín tôi không thể cầm lòng được. Nay lời nói của tiên sinh chẳng khác nào liều thuốc cho kẻ sĩ này! Thoạt trông dưới ánh trăng mờ, tôi đã hiểu, nhưng chưa dám nói. Tiên sinh có phải là Trương Tử Phòng, đang khuông phò Hán vương chăng?

Ða tạ tiên sinh, lời nói của tiên sinh như soi vào buồng gan của kẻ thất thời này, khiến Tín tôi không thể cầm lòng được.
Ða tạ tiên sinh, lời nói của tiên sinh như soi vào buồng gan của kẻ thất thời này, khiến Tín tôi không thể cầm lòng được. (Ảnh: youtube.com)

Trương Lương vội vàng đứng dậy thủ lễ, và đáp:

– Tướng quân đã biết, Lương này đâu dám giấu. Tôi xem các vua chư hầu, không ai bằng Hán vương, người ấy là bậc siêu nhân, có thế làm nên đại sự.

Từ đó Hàn Tín luôn mang theo Nguyên Nhung kiếm bên mình, một lòng phò tá Lưu Bang, làm nên sự nghiệp lẫy lừng thời Tây Hán (202 TCN – 9 SCN).

Huyền thoại Nguyên Nhung kiếm: Lưu truyền thiên cổ, giá trị thiên kim

Thanh kiếm Nguyên Nhung đã cùng Hàn Tín viết nên trang sử hào hùng cho nhà Hán. Nhưng vẫn còn một huyền thoại nữa về thanh kiếm này mà “Hán Sở tranh hùng” chưa đề cập đến, nhưng đã được lưu truyền trong dân gian.

Kể rằng, vào thời Xuân Thu, vua nước Ngô là Hạp Lư sai người tìm thợ đúc kiếm nổi tiếng tên là Can Tương, để làm cho ngài một thanh kiếm báu.

Theo lệnh vua, Can Tương đã được ban cho những loại vàng và sắt tốt nhất để rèn kiếm. Đúng ngày giờ hoàng đạo, ông sai các đồng nam và đồng nữ trinh tiết cả thảy 300 người, ngày đêm đốt than nấu. Nhưng suốt nhiều tháng trời, vàng và sắt vẫn không chảy. Can Tương bối rối không biết làm sao, vợ ông là Mạc Tà bèn nói:

– Muốn rèn nên báu vật thì ắt phải có nhân khí mới thành tựu được. Nay phu quân đúc kiếm đã nhiều tháng ròng mà vẫn không thành, phải chăng Thần kiếm còn đợi chờ nhân khí mới chịu ưng thuận chăng?

Can Tương nói:

– Ngày xưa thầy ta cũng đúc mãi mà kiếm không thành, nên cả hai phải nhảy vào lò, bấy giờ mới kết quả. Về sau, ai đúc kiếm ở chân núi ấy cũng phải làm lễ tế lò. Nay ta đúc kiếm mãi không được, hay là cũng phải thực hành như thế!

Mạc Tà nói:

– Thầy ta còn bỏ thân để đúc nên thần kiếm, khó gì mà ta không noi gương?

Nói rồi, Mạc Tà tắm gội sạch sẽ rồi nhảy vào lò bễ, chỉ một lát sau vàng và sắt đều nung chảy. Nhờ đó, Can Tương đúc được hai thanh kiếm báu, một là thanh “hùng”, lấy tên là Can Tương kiếm, một là thanh “thư”, lấy tên là Mạc Tà kiếm. Nhưng Can Tương chỉ dâng thanh Mạc Tà cho vua Hạp Lư, còn mình thì giữ lại thanh Can Tương bên mình.

Về sau vua Hạp Lư biết Can Tương giấu kiếm báu, bèn cho người đến đòi. Can Tương đem kiếm ra, thanh bảo kiếm trong bao nhảy ra, hoá thành một con rồng xanh, Can Tương cưỡi rồng bay lên trời. Còn lại thanh Mạc Tà cũng lưu lạc trong dân gian và trở thành huyền thoại.

Can Tương cưỡi rồng bay lên trời. Còn lại thanh Mạc Tà cũng lưu lạc trong dân gian và trở thành huyền thoại.
Can Tương cưỡi rồng bay lên trời. Còn lại thanh Mạc Tà cũng lưu lạc trong dân gian và trở thành huyền thoại. (Ảnh: deviantart.com)

Không ai biết số phận của hai thanh Can Tương và Mạc Tà sau đó ra sao, chỉ biết rằng sách Tấn Thư, phần “Trương Hoa truyện” ghi chép rằng, đến đầu thời Tây Tấn (266-316 SCN), cả hai thanh kiếm huyền thoại này cùng xuất hiện trở lại tại Diên Bình Tân, sau đó lại cùng hoá rồng rồi bay đi mất. Ngày nay tại Duyên Bình, Phúc Kiến vẫn còn đài tưởng niệm về “Song kiếm hoá long”, chính là huyền thoại kiếm Can Tương và Mạc Tà xưa kia.

Xưa nay, những vật báu trong thiên hạ ai ai cũng muốn tranh giành, ai ai cũng muốn đoạt lấy. Nhưng “bảo kiếm trao anh hùng”, báu vật, có chăng, lại không dễ rơi vào tay kẻ tục tử phàm phu, mà sẽ tự biết tìm đến người có nhân đức. Nếu như khắp thiên hạ không có lấy một kẻ sĩ đại đức, không một ai xứng tầm, thì cho dù người không quản, vẫn sẽ có Trời quản. Vì thế mới có chuyện, cuốn “Thái Công binh pháp” ắt được trao cho Trương Lương, thanh kiếm Thiên tử ắt phải trao cho Lưu Bang, Tể tướng kiếm ắt được trao cho Tiêu Hà, và Nguyên Nhung kiếm ắt là dành cho Hàn Tín. Đó là vì Lưu Bang có nhân đức, mang chân mệnh Thiên Tử, Tiêu Hà có tài thao lược, lại biết trọng nhân, còn Hàn Tín trí dũng song toàn, tài năng trác việt, lại là bậc đại nhẫn thiên hạ khó ai sánh bằng.

Cho nên, tu thân, dưỡng đức là điều mà người xưa luôn xem trọng. Chỉ khi cái đức đủ rộng lớn, lòng nhân đủ quảng đại bao la, thì mới xứng đáng được làm chủ “vật báu” trong thiên hạ vậy.

Theo “Hán Sở tranh hùng”
Tâm Minh