Đại Kỷ Nguyên

Im lặng, vô cảm chính là đồng loã với cái ác

Đứng trước đúng sai phải rõ ràng không có sự trung lập!

Đứng trước thiện – ác, chính – tà, lựa chọn của người ta chỉ có một, quyết không thể đứng giữa hai dòng nước, đặt chân lên hai chiếc thuyền được.

Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh (1654 – 1722) trị vì trong 61 năm, là hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người trí dũng song toàn, mưu lược kiệt xuất. Năm 16 tuổi, bằng mưu trí của mình ông đã bắt sống được quyền thần Ngao Bái khi ấy đang lũng đoạn cung đình. Đây là sự việc được hậu nhân hết lời ca ngợi. Trong danh sách những người phải chịu tội chung với Ngao Bái có một người đặc biệt: Át Tất Long. Ông chưa từng vào hùa với Ngao Bái nhưng cuối cùng vẫn phải chịu hình phạt. Mọi chuyện có vẻ như rất khó lý giải. 

Thuận Trị hoàng đế qua đời từ khi tuổi còn trẻ. Theo di chiếu, tam hoàng tử Huyền Diệp (tức Khang Hy hoàng đế sau này) lên ngôi khi mới 8 tuổi. Hoàng đế non trẻ cần phải có các trọng thần là phụ chính giúp việc nước. Sách Ni, Át Tất Long, Tô Khắc Tát Cáp và Ngao Bái trở thành 4 phụ chính đại thần của vị vua trẻ. Ban đầu Ngao Bái là người có địa vị thấp nhất nhưng lại có dã tâm lớn nhất, ngang ngược hoành hành, kéo bè kết phái, dần dần nắm giữ quyền lực ngày một lớn hơn, trở thành quyền thần số một, lũng đoạn triều cương. 

Khang Hy năm thứ 3 (1664), Ngao Bái sát hại đại thần Phí Dương Cổ, sau đó lại muốn chiếm đoạt đất đai của Chinh Bạch Kỳ. Khi ấy, không chỉ Tô Khắc Tát Cáp không đồng ý mà còn có cả Hộ bộ thương thư Tô Nạp Hải, thống đốc Trực Lệ Chu Xương Tộ và rất nhiều những đại thần khác phản đối. Ngao Bái lần lượt sát hại hết họ. 

Bức tranh “Thanh niên Khang Hy xuất thú đồ” (ảnh: Wikipedia).

Khang Hy năm thứ 6 (1667), Hoàng đế khi đó vừa đủ 14 tuổi, bắt đầu muốn tự mình chấp chính. Năm đó, đại thần Sách Ni lâm bệnh nặng qua đời, người đứng ở vị trí thứ hai là đại thần Tô Khắc Tát Cáp dâng sớ xin từ chức. Ngao Bái lo sợ bản thân mình sẽ mất đi vị trí phụ chính đại thần, lại cộng thêm việc trước đây từng có hiềm khích với Tô Khắc Tát Cáp, bèn liệt kê 24 tội trạng, mưu hại Tô Khắc Tát Cáp, ép Khang Hy phải dồn Tô Khắc Tát Cáp vào chỗ chết. Tuy nhiên Khang Hy không phê chuẩn tấu chương này, cuối cùng Ngao Bái khăng khăng làm theo ý mình, phái người giết chết Tô Khắc Tát Cáp.

Sau khi Tô Khắc Tát Cáp chết, Ngao Bái tự bổ nhiệm cháu chắt và những người thân của mình làm quan, ở nhà hội nghị việc triều chính, sau đó tự ý hành động mà không cần mệnh lệnh của Hoàng đế. Với vây cánh của mình là Ban Bố Nhĩ Thiện, Mã Nhĩ Trại, A Tư Cáp… Ngao Bái hoàn toàn không kiêng nể Hoàng đế Khang Hy, trước mặt Hoàng đế tùy ý trách mắng quan viên, tấn công những người không phục tùng. Các đại thần trong triều đều rất phẫn nộ trước những hành động của Ngao Bái và tay chân nhưng không dám lên tiếng. Khi ấy không ai có thể chống đối được thế lực của Ngao Bái.

Khi đó, trong triều chỉ có đại thần Át Tất Long mới đủ sức chống lại Ngao Bái. Át Tất Long vốn là một trong 5 khai quốc công thần của Thanh Triều. Từ những năm đầu của triều Thanh ông đã cùng Hoàng đế Hoàng Thái Cực lập nhiều công lao trên chiến trường, giành được chiến thắng ở các trận chiến Ngọc Châu, Sơn Đông và Hạ Tân. Át Tất Long nhờ vậy được trao toàn quyền quản lý quân đội. Trong những năm Hoàng đế Thuận Trị tại vị, ông dẫn dắt quân đội nhà Thanh giết chết Lý Cẩm cháu trai của Lý Bạch Thành, lập nhiều chiến công lừng lẫy. Át Tất Long được thăng chức trở thành Thị vệ nội đại thần, thống soái toàn bộ cấm quân trong hoàng cung. 

Mục đích ban đầu của Hoàng đế Thuận Trị khi sắp xếp Át Tất Long làm phụ chính đại thần là muốn ông khống chế quyền hành của Ngao Bái, thậm chí với địa vị còn cao hơn cả Ngao Bái. Tuy nhiên, trước sự chuyên quyền của Át Tất Long, Ngao Bái từ đầu đến cuối đều không khuyên ngăn cũng không dâng tấu tố cáo. Thậm chí trong một số chính sách bất hợp lý của Ngao Bái, ông còn lên tiếng đồng ý. Khi Khang Hy tự mình chấp chính tiếp tục phong Át Tất Long là Nhất đẳng công kiêm Thái sư. Vì thế có thể nói, trong các đại thần, Át Tất Long có quyền hạn vô cùng to lớn. Nhưng khi Ngao Bái tỏ rõ ý phản nghịch, ông lại xem như không nhìn thấy, cũng không ủng hộ Hoàng đế Khang Hy. Thái độ của Át Tất Long là trung lập. 

Bức tranh Khang Hy Hoàng đế đi tuần, được vẽ bởi một họa sĩ triều đình nhà Thanh, hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Bắc Kinh (ảnh: Wikipedia).

Đến năm Khang Hy thứ 8 (1669), Hoàng đế khi đó đã tròn 16 tuổi quyết định loại trừ bè đảng Ngao Bái, lựa chọn những thị vệ có thể trạng khỏe mạnh vào cung giả vờ tập đấu vật nhưng thực chất là luyện võ nghệ. Khi Ngao Bái vào cung nhìn thấy Khang Hy và thị vệ tập đấu vật thì cho rằng Hoàng đế quá ham chơi, từ đó càng không nghi ngờ, phòng bị gì nữa. 

Cho đến tháng 5 năm đó, trong một lần Ngao Bái vào cung không phòng bị, Khang Hy đã bí mật lệnh cho những thị vệ thân tín giỏi võ nghệ trói bắt Ngao Bái. Dù cũng là một tay lão luyện trên chiến trường, có võ công cao cường nhưng Ngao Bái một mình không thể đấu lại đám đông. Ngao Bái chịu trói, bị tống vào ngục. Khang Hy lần lượt bắt hết người trong bè đảng của Ngao Bái, liệt kê 30 tội ác của chúng và xử tử hình, sau này cho đổi tội tử hình thành cách chức, giam giữ, biên kê và sung công tài sản.

Sau khi Ngao Bái bị bắt, Khang Hy cho rằng Át Tất Long rõ ràng biết những tội ác mà Ngao Bái gây ra nhưng im lặng không lên tiếng, chỉ muốn giữ thân, phụ lại sự uỷ thác của tiên đế hai triều trước. Do vậy, Hoàng đế ra lệnh cho binh lính đến áp giải Át Tất Long vào ngục. Sau khi điều tra, Át Tất Long phạm 12 tội danh. Đến khi thẩm vấn, Át Tất Long không có ý hối cải, mà còn trốn tránh, quanh co. Khi ấy, Khang Thân Vương cũng cho rằng Ngao Bái ngang ngược như vậy chủ yếu là do Át Tất Long làm ngơ. Át Tất Long nhìn thấy Ngao Bái giết hại nhiều đại thần nhưng không khuyên ngăn, ra tay trấn áp. Đứng trước thiện ác, chính tà, không lên tiếng mà im lặng, không nghi ngờ gì nữa, Át Tất Long chính là tiếp tay cho kẻ ác. 

Khang Thân Vương cho rằng, Át Tất Long làm ngơ những hành động của Ngao Bái, phạm tội khi quân, lừa dối Hoàng thượng nên phải cách chức và xử tử. Tuy nhiên Hoàng đế Khang Hy nhớ đến công lao khi trước của Át Tất Long nên quyết định chỉ cách chức và giam vào đại lao. Một năm sau, thương tình Át Tất Long đã già cả, lại không kết bè phái với Ngao Bái, Hoàng đế đã thả Át Tất Long và cho làm lính túc vệ. Nhưng chẳng bao lâu sau, Át Tất Long gặp bạo bệnh mà qua đời, so với cái chết trong tù của Ngao Bái cũng không tốt đẹp hơn là mấy. 

Cả đời Át Tất Long dũng cảm thiện chiến, là đại thần của 3 triều đại, về lý mà nói chính là trụ cột của quốc gia. Nhưng chỉ vì co đầu rụt cổ, không dám đứng lên chống lại cái ác, không ra tay ngăn chặn Ngao Bái lũng đoạn triều chính nên kết cục của ông thật bi ai. Nếu không có vết nhơ ấy, Át Tất Long đã có thể trở thành danh thần lưu danh sử sách. Đáng tiếc là thái độ dĩ hoà vi quý với cái ác của ông đã khiến cuộc đời vị phụ chính đại thần này gặp bi kịch. 

Đứng trước phải trái, thiện ác, rõ ràng không có chỗ dành cho sự trung lập vậy. 

Thiện ác là không thể chung đường. Con người sinh ra với bản tính thiện lương của mình thì chính là nên trừ ác dương thiện, cổ vũ đạo đức. Sự im lặng trước cái ác chính là bi kịch lớn nhất của con người. Giữa chính – tà, đúng – sai, thiện – ác, nếu bạn lựa chọn lặng im cũng chính là đồng tình với cái ác, là khiến cho thế giới này chìm trong sự lạnh lẽo, tàn nhẫn vậy. 

Exit mobile version