Đại Kỷ Nguyên

Ít ai biết Tây Thi không chỉ sắc nước hương trời mà còn có một tấm lòng đại nghĩa hiếm có


Tây Thi là một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại. Nàng được lưu danh sử sách không chỉ bởi sắc nước hương trời mà còn là một con người đại nghĩa. Sau đây là câu chuyện về nàng.

Năm 496 trước Công Nguyên, Doãn Thường qua đời, Câu Tiễn lên nối ngôi. Hay tin, vua Ngô Hạp Lư bèn đem quân đánh nước Việt, Câu Tiễn mang quân ra chống cự. Ông sai những kẻ sĩ quyết liều chết ra khiêu chiến. Họ dàn thành ba hàng, tiến đến trận tuyến quân Ngô, thét lên rồi tự đâm vào cổ. Quân Ngô đang mải nhìn thì Câu Tiễn thúc quân Việt thừa cơ đánh úp. Quân Việt đại thắng quân Ngô ở thành Huề Lý. Quân Việt bắn trúng Ngô Hạp Lư, quân Ngô thua to, bỏ chạy về nước. Hạp Lư bị trúng tên trước khi chết, dặn con là Phù Sai phải báo thù nước Việt. Sau đó Phù Sai lên ngôi vua.

Ba năm sau Câu Tiễn được tin Ngô Phù Sai ngày đêm luyện quân sĩ, sắp sửa đánh Việt để trả thù. Câu Tiễn muốn mang quân ra đánh trước khi quân Ngô xuất trận. Tướng quốc Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe, bèn cất quân đi đánh. Vì xem thường lực lượng quân Ngô nên quân Việt đã thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn bèn đem 5000 quân còn lại giữ và trốn tránh ở núi Cối Kê.

Phù Sai đuổi đến, bao vây Cối Kê. Câu Tiễn hỏi kế Phạm Lãi. Phạm Lãi khuyên Câu Tiễn nên dùng lời lẽ khiêm nhường, dùng lễ hậu để lấy lòng vua Ngô, nếu vua Ngô không chịu thì phải thân hành đến hầu hạ.

Câu Tiễn nghe theo, bèn sai đại phu Văn Chủng đến cầu hòa với Ngô. Phù Sai sắp ưng thuận thì Ngũ Tử Tư can không nên theo. Văn Chủng trở về báo với Câu Tiễn. Câu Tiễn muốn giết vợ con, đốt của cải châu báu, xông ra đánh để chịu chết. Văn Chủng ngăn Câu Tiễn nói: “Quan thái tể của Ngô tên là Bá Hi là người tham lam có thể dùng lợi để dụ dỗ. Xin đại vương cho tôi lẻn đến để nói với ông ta”.

Câu Tiễn nghe theo đành phải xin đầu hàng, sai Văn Chủng đem gái đẹp, của quý lẻn đến đưa cho Bá Hi. Bá Hi nhận rồi nói giúp với vua Ngô. Phù Sai nghe theo, cho nước Việt đầu hàng. Nước Việt không bị tiêu diệt nhưng Câu Tiễn bị bắt về nước Ngô.

(Ảnh: Youtube)

Sau ba năm phục dịch và chịu nhục cùng với vợ ở nước Ngô, Câu Tiễn đã giành được sự tin tưởng của Phù Sai và được Ngô Vương cho quay về nước Việt. Câu Tiễn đã tiếp tục cai trị và tiến hành cải cách lớn. Trong thời gian này, Câu Tiễn đã trọng dụng Văn Chủng và Phạm Lãi là những nhà quân sư chính trị, quân sự tài ba để xây lại nước Việt. Câu Tiễn bên trong nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả vờ tuân phục, hàng năm đều đặn cho người mang lễ vật triều cống. Câu Tiễn giao Phạm Lãi bí mật luyện tập quân đội, tích trữ quân lương.

Một thời gian sau, Câu Tiễn biết được nhân dân trăm họ nước Ngô bị vua Ngô bắt ép lao dịch khổ sai đến sức cùng lực tận để làm đài Cô Tô. Câu Tiễn nói với Văn Chủng: “Quan tướng quốc nói nên đem thợ khéo gỗ tốt sang dâng để cho hắn làm cung thất, tốn hại tiền của, kế ấy cũng đã thi hành rồi. Nay đài cao, tất phải tuyển ca nhi vũ nữ, nếu ta không tìm được người tuyệt sắc thì sao làm cho hắn mê hoặc được, quan tướng quốc bàn mưu giúp ta”.

Văn Chủng đáp: “Việc gì cũng bởi trời cả. Trời đã sinh thần mộc thì lo gì không có mỹ nữ?”.

Tìm mỹ nữ là để mê hoặc Ngô vương. Nhưng nếu Việt Vương treo cờ phát trống, loan báo trong thiên hạ tìm mỹ nữ cho Việt Vương thì e rằng nước Ngô chưa loạn, nước Việt đã loạn rồi.

Vậy nên Phạm Lãi có ý: “Xin chúa công phái một trăm nội thị đi lẫn với bọn thầy tướng, giả cách đi xem tướng khắp nơi trong nước, thấy mỹ nữ thì biên lấy tên và chỗ ở. Dùng cách ấy mà chọn thì chỉ vẹn trong mấy tháng là có thể xem được mặt mỹ nhân cả nước, dân tình lại không ai nghi ngờ”.

Câu Tiễn nghe xong dùng kế đó thi hành, hạ lệnh các quan cùng Phạm Lãi vi hành tìm mỹ nữ.

(Ảnh: Youtube)

Một hôm, Phạm Lãi lững thững một mình đi ra khỏi thành, ông đi vô định rồi tình cờ đến một nơi, có non cao nước biếc, suối chảy rì rào, phong cảnh sơn thủy hữu tình như bước vào chốn tiên cảnh bồng lai. Phạm Lãi một mặt suy nghĩ, một mặt ngắm phong cảnh nơi đây, chợt ông thấy một khe suối nước chảy nhẹ nhàng, từ chân núi chảy ra. Đưa mắt nhìn theo, xa xa đào, lê, tùng bách mọc kín thành rừng, xanh um tươi tốt. Rìa suối thì tre trúc đan xen, thật như chốn mê hoặc du lòng người.

Phạm Lãi ven theo con đường nhỏ vừa đi nghe tiếng suối chảy rì rào như thiên nhiên ca hát, đi tầm trăm bước đột nhiên ngửi thấy mùi hương nhẹ nhẹ từ xa bay đến. Đảo mắt nhìn quanh, thấy phía xa có người đang giặt vải, tiến bước đến gần, đó là một thiếu nữ tuổi vừa chớm xuân, xinh đẹp tuyệt trần, mặt hoa, má hồng, kiêu sa mỹ lệ khiến ông phải thốt lên: “Thật không ngờ trong chốn nhân gian lại có thể ẩn cư một thiếu nữ mỹ lệ như vậy”. Phạm Lãi tiến đến hỏi cô gái đây là đâu?

Cô gái đang giặt đồ thấy có người đến hỏi liền dừng tay đứng dậy đáp: “Đây là đất Chư Kị, huyện Cảnh, thuộc vùng đất do Việt Vương cai quản, gọi là núi Trữ La, vậy nên thôn này còn được gọi là Trữ La thôn. Tiểu nữ họ Thi tên gọi Di Quang, tổ tiên bao đời đều sống ở thôn Tây dưới chân núi, hơn nữa mọi người trong thôn đều họ Thi cho nên hay gọi tiểu nữ là “Tây Thi”. Do nơi đây hoang vắng, gia cảnh lại bần hàn nên tiểu nữ thường ở đây giặt vải kiếm sống qua ngày”.

Thấy nơi hoang vắng thế này lại có người tìm đến, Tây Thi mới hỏi: “Không biết khách quan tôn danh quý tính thế nào? Vì việc gì lại đến nơi hoang vắng thế này?”.

Phạm Lãi đáp: “Thật không giấu gì, hạ quan là Phạm Lãi, là tướng quốc của nước Việt”.

(Ảnh: Youtube)

Tây Thi nghe xong giật mình: “Hóa ra là tướng quốc giá lâm, tiểu nữ không biết thật là đắc tội mong được thứ tội. Tiểu nữ nghe nói tướng quốc một lòng trung nghĩa, không quản gian nguy cùng với Việt Vương đến nước Ngô chịu khổ, mọi người đều nói, tính mệnh của Việt Vương, sự an nguy của nước Việt, chuyển nguy thành an, tất cả đều nhờ cậy vào tướng quốc. Đến ngày nay, tuy đại vương chúng ta đã trở về nước, nhưng đại thù chưa báo, tướng quốc phải ở trong triều phò tá Việt vương, phục hưng nước Việt mới đúng, cớ sao lại một mình đơn độc đến nơi hoang vắng này?”.

Phạm Lãi đáp: “Hạ quan đến đây không phải là du sơn ngoạn thủy, mà là vì đại sự của xã tắc mới đến. Việt Vương hạ lệnh hạ quan đến nhân gian tìm kỳ tài dị sĩ đến nước Ngô”.

Tây Thi nghe xong hiểu ra mới đáp: “Hóa ra tướng quốc vì hiền tài mà đến, không quản gió mưa, không quản khổ cực thật là đáng kính phục. Nhưng không biết tướng quốc đã tìm được hiền tài chưa vậy?”.

Phạm Lãi đáp: “Nửa năm nay cũng gặp được mấy người hiền tài, chỉ là người có thể đảm nhận được trọng trách to lớn thì chưa”.

Tây Thi: “Nước Việt chúng ta chịu sự sỉ nhục của nước Ngô, tiểu nữ tuy là thân liễu yếu đào tơ, nhưng cũng thường vì việc nước mà ưu tư, chỉ có điều không biết phải làm thế nào? Cũng muốn vì nước Việt mà xả thân hào kiệt, có thể gánh vác đại sự”.

Phạm Lãi nghe xong đáp: “Hôm nay hạ quan muốn mang trách nhiệm trọng đại này gửi gắm lên thân tiểu thư, nếu có thể vì ơn nước nợ nhà mà khẳng khái đảm nhiệm thì thật là may mắn cho nước Việt.”.

Tây Thi nghe xong kinh ngạc hỏi: “Lời của tướng quốc là có ý gì? Tiểu nữ thân nữ nhi liễu yếu đào tơ, sao có thể đảm đương trọng trách?”.

Phạm Lãi thành thật đáp: “Hạ quan phụng lệnh Việt Vương không phải là tìm kiếm hiền tài, mà là tìm kiếm mỹ nhân”.

(Ảnh: Youtube)

Tây Thi nghe xong mặt liền biến sắc nói: “Lời của tướng quốc nói thật sai rồi, Việt Vương chịu nhục bao ngày nay mới được về nước, đang là lúc chăm lo việc nước. Hôm nay lại phái tướng quốc đi tìm mỹ nhân? Việt Vương nếu có tâm này, tướng quốc phải có lời khuyên can mới phải. Tại sao lại vâng mệnh bôn ba đến đây? Tiểu nữ vốn cho rằng tướng quốc là người trung nghĩa, bây giờ xem ra cũng chỉ là phường xu nịnh”. Tây Thi nói xong liền quay người bước đi.

Phạm Lãi thấy vậy liền vội vàng đuổi theo: “Mỹ nhân, xin ngừng cơn oán giận, Việt Vương hạ lệnh hạ quan đi tìm mỹ nhân, không phải là cho riêng mình hưởng lạc, mà là dâng cho Ngô Vương, mỹ nhân đừng có trách nhầm Việt vương”.

Tây Thi nghe vậy nên dừng bước nói: “Tướng quốc muốn làm nhiễu loạn một quốc gia, sao không tìm anh hùng hào kiệt đảm nhận, lại tìm mỹ nhân có dụng ý gì?”.

Phạm Lãi nói: “Tại vì trước mắt, nước Ngô cường thịnh, binh hùng, tướng giỏi, mưu sĩ trung thành. Việt Vương tâm nguyện báo thù, muốn nội trong 10 năm biến nước Ngô thành nơi bình địa, ngặt một nỗi tìm mãi không ra cơ hội. Bây giờ Ngô Vương đã dựng xong Cô Tô đài, chúng ta muốn nhân cơ hội này tuyển chọn mỹ nữ cống nạp cho Ngô Vương, khiến cho hắn bị mê hoặc mà buông lơi chính sự, như vậy nước Việt mới có cơ hội báo thù. Không biết mỹ nhân có thể vì nước mà xả thân?”.

Tây Thi đáp: “Tiểu nữ tuy thân nữ lưu, nhưng cũng đọc qua đạo lý thánh hiền, từ lúc nghe nước Việt bại trận, Việt Vương chịu nhục làm thân nô dịch, thân làm dân nước Việt sớm đã có lòng báo thù. Nếu như có cơ hội xả thân vì nước, đây chẳng phải là điều vinh hạnh hay sao?”.

(Ảnh: Youtube)

Phạm Lãi thấy tấm lòng trung nghĩa của Tây Thi trong lòng mừng rỡ, chắp tay bái tạ: “Được mỹ nhân khẳng khái nhận lời vì nước mà phân ưu, ta nghĩ nước Việt ta trên có Việt Vương, dưới có trăm họ vạn dân đều một lòng cảm tạ nghĩa ơn của mỹ nhân. Vậy một lời làm ước, ngày mai ta sẽ chuẩn bị người ngựa đến rước mỹ nhân”.

Tây Thi một lời đồng ý không mảy may suy nghĩ phân vân. Sau khi từ biệt Tây Thi, Phạm lãi trở về kinh thành, Tây Thi cũng trở về chuẩn bị hành trang lên đường sang nước Ngô.

Sau khi Việt Vương tiêu diệt nước Ngô, Tây Thi giúp Việt Vương báo được thù, nhưng vì sống nhiều năm với Ngô Vương, nảy sinh tình cảm nên lấy cái chết để đền đáp ân sủng của Ngô Vương. Tây Thi sống vì trung dân với Việt Vương, chết vì trung hồn với Ngô Vương. Có thể nói thế gian chẳng được mấy người.

La Ẩn, nhà thơ đời Đường từng viết về Tây Thi như sau:

“Quốc gia hưng vong tự hữu thì,
Ngô nhân hà khổ oán Tây Thi
Tây Thi nhược giải khuynh Ngô quốc,
Việt quốc vong lai hựu thị thùy?”

Hai câu thơ muốn nói rằng, từ cổ chí kim, gia tộc hưng vong, quốc gia thành bại có rất nhiều, tất cả đều có định số của nó, người nước Ngô hà tất phải khổ sở trách Tây Thi? Nếu như Tây Thi là tội đồ, là nguyên do của sự diệt vong của nước Ngô, vậy sau này nước Việt diệt vong lỗi bởi tại ai?

Theo Secretchina.com
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version