Đại Kỷ Nguyên

Kẻ thiện chết về đao binh, kẻ ác lại chết nơi nhà cửa, có phải đạo Trời không minh?

Tranh vẽ một cảnh xử án dưới Âm gian (ảnh: Wikipedia).

Gốc ác đã sâu thì mầm họa tất nẩy, đừng thấy bản thân đang quyền cao chức trọng mà tưởng một tay che được trời.

Thời vua Giản Định nhà Hậu Trần lên ngôi ở Mô Độ (thuộc Ninh Bình ngày nay), Lý Hữu Chi vốn chỉ giỏi đánh trận, có sức khỏe mà được tiến cử làm chức tướng quân, lập được công mà có quyền vị cao. Nhưng sau đó Lý làm nhiều việc bất lương, xem lũ trộm cướp như tâm giao, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam vô độ, tậu ruộng vườn, dựng nhiều nhà cửa, dồn đuổi xóm giềng cho rộng đất… Người trong vùng phải phục dịch nhọc nhằn, ai nấy đều rất là khổ sở, nhưng Lý vẫn điềm nhiên không chút động tâm.

Được cảnh cáo mà vẫn không nghe, ác ấy càng ác thêm

Có lần thầy tướng số nói với Hữu Chi rằng: “Điều thiện ác tích lâu sẽ rõ, sự báo ứng không sai chút nào. Cho nên luận số trước phải luận lý, tướng diện không bằng tướng tâm. Nay Tướng quân có dữ mà không lành, khinh người trọng của, mượn oai quyền để làm bạo ngược, buông tham dục để thỏa ngông cuồng, đã trái lòng trời, tất bị trời phạt, còn cách nào mà trốn khỏi tai họa!”.

Lý cười nhạt: “Ta đã có binh lính, có đồn lũy, tay không lúc nào rời qua mâu (tên loại vũ khí), sức có thể đuổi kịp gió chớp, trời dù có giỏi cũng sẽ phải tránh ta không kịp, còn giáng họa cho ta sao được”.

Lý Hữu Chi không nghe lời thầy tướng khuyên nhủ (bỏ hết hầu thiếp, phá hết vườn ao, trút bỏ binh quyền, quy đầu phúc địa), mà thậm chí sau đó càng dâm cuồng, chém giết không kiêng dè gì. Hắn cho rằng: “Có ai lại vì lo cái vạ sau này chưa chắc đã có, mà vứt bỏ những cái công cuộc sắp thành làm hì hục trong mấy năm bao giờ”.

Quả nhiên năm 40 tuổi, Lý chết ở nhà, ngoài đường người ta bàn nhau: “Kẻ làm thiện thường phải chết về đao binh, kẻ làm ác lại được chết trong nhà cửa, đạo trời để đâu không biết!”.

Tuy nhiên, đạo trời thưa mà khó lọt, công bình không có sai chạy, chỉ là người đời nhìn không thấu chỗ u linh mà lại phải thấy mới tin, không thấy không tin.

Cõi âm triển hiện, răn dạy con người

Con trai của Lý Hữu Chi là Thúc Khoản chính là đã được cho thấy, để lý giải về cái chết của cha mình, làm bằng chứng lưu lại cho nhân quần biết, lấy đó làm bài học mà biết đường sống cho ngay.

Trước khi cha chết, Thúc Khoản gặp một người quen đã mất báo trước tin cho, hẹn tối hôm sau cho người đến đón. Thúc Khoản nghe lời, nửa đêm quả nhiên có người lính đầu ngựa đưa tới chỗ một vị vương cùng 4 vị phán quan đang đứng chầu.

Nghe phán quan luận công tội, mới thấy việc lớn nhỏ đều sẽ được Âm ty ghi lại, đường đi tiếp theo của sinh mệnh và phúc đức đời sau đều theo đó mà định đoạt.

Bốn viên này tay đều cầm thẻ, quỳ đọc ở trước án son.

Một viên đọc: “Viên quan kia tên là Mỗ ở đời cứng vuông, không kiêng sợ kẻ quyền quý; tước vị càng cao, càng biết khiêm nhường, rồi lại biết quên mình để chết vì việc nước, làm rạng rỡ cho nước nhà. Thần xin tâu lên Đế đình, cho người ấy được làm tiên”.

Một viên nói: “Ở nhà kia có tên Mỗ, vốn người tham bẩn, hối lộ dập dìu; lại lấy lộc trật mà hợm hĩnh ngông nghênh, khinh miệt những người có đức, chưa từng cất nhắc kẻ hiền sĩ để giúp việc nước. Thần xin chuyển báo cho tòa Nam tào tước bỏ tên ra”.

Một viên nói: “Ở châu kia có người họ Hà gắng sức làm thiện, hàng ngày trong nhà thường phải thiếu ăn, gần đây nhân sau hồi binh lửa, tật dịch nổi lên, người ấy lại cho đơn cấp thuốc, số người nhờ thế mà khỏi chết đến hơn một nghìn. Thần muốn xin cho người ấy thác sinh vào nhà có phúc, hưởng lộc ba đời, để báo cái ơn đã cứu sống cho nhiều người”.

Một viên nói: “Ở thôn kia có gã họ Đinh, bất mục với anh em, chẳng hòa với tông tộc, thừa dịp các cháu bé dại, chữa lại chúc thư để chiếm cướp lấy cả ruộng nương, khiến họ không còn có miếng đất cắm dùi. Thần muốn bắt người ấy phải thác sinh vào nhà kẻ hèn, đói khát, nằm vạ vật ở ngòi rãnh, để bõ với sự đã đi tranh cướp của người”.

Vị vương kia đều y theo những lời tâu này.

Một lúc sau Lý Hữu Chi được điệu ra, bắt quỳ phục ở dưới, bị đánh bằng roi rất dữ dội, máu tươi bắn ra nhầy nhợt, kêu khóc giẫy dụa. Sau đó phán quan thưa rõ các tội danh:

“Kẻ kia ghẹo vợ người, dâm con người, tội nên xử thế nào? Trên điện nói: “Đó là vì hắn đắm chìm trong bể ái, nên lấy nước sôi rửa ruột để cho tình dục không sinh”.

Tả hữu liền lôi ra bỏ vào cái vạc đương sôi, thân thể Hữu Chi đều nát rữa cả ra. Rồi lấy nước thần sẽ rẩy, một lát Hữu Chi lại trở lại lành lặn như là người thường.

Lại nói: “Kẻ kia chiếm ruộng của người, phá sản của người nên xử thế nào?” Trà lời: “Đó là vì suối tham dìm nó, nên lấy lưỡi trùy thủ moi ruột để cho lòng tham không nổi lên nữa”.

Tả hữu liền rạch bụng moi hết gan ruột phủ tạng ra ngoài. Rồi lại lấy cành dương sẽ phất, một chốc thì thân thể lại nguyên lành.

“Đến như phá mồ mả của người đời xưa, hủy đạo thường với người ruột thịt, nên xử thế nào?”
Vị vương im lặng lúc lâu rồi nói: “Đó là sự càn rỡ không có chừng mực nào nữa, dù xử bằng những hình cây kiếm núi dao, nước đồng gậy sắt cũng chưa đủ thỏa. Vậy chỉ nên áp giải vào ngục Cửu U lấy dây da chét lấy đầu, lấy dùi lửa đóng vào chân, chim cắt mổ vào ngực, rắn độc cắn vào bụng, trầm luân kiếp kiếp, không bao giờ được ra khỏi”.

Quỷ sứ liền vào lôi Hữu Chi điệu đi. Bấy giờ Thúc Khoản đang nghe lỏm liền khóc thất thanh. Mấy người sứ liền lấy tay bưng miệng đưa về nhà, ném chàng từ trên không xuống đất. Thúc Khoản giật mình tỉnh dậy, thấy người nhà đang khóc bảo chàng đã chết 2 ngày mà xác còn ấm. Thúc Khoản sau đó bèn đem của cải tán cấp cho mọi người vào rừng hái thuốc tu luyện.

***

Để lại lời bình sau câu chuyện, Nguyễn Dữ ghi: “Than ôi! đạo trời chí công mà vô tư, lưới trời tuy thưa mà chẳng lọt, cho nên hoặc có người lúc sống khỏi vạ mà lúc chết bị hình. Song, chịu họa ở lúc sống, người đã không hiểu, phải tội ở lúc chết, người lại không hay; vì thế mà đời thường có lắm loạn thần tặc tử. Ví thử họ hiểu, họ hay thì dù bảo làm ác cũng không dám làm…”

Người ta đôi khi thấy kẻ xấu mãi chẳng bị quả báo, người tốt mà lại chịu thiệt thòi, nên lớn mật trách đạo trời không công bằng. Nhưng không thấy không có nghĩa là không tồn tại. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà biết bao tích xưa, trải dài suốt lịch sử của nhân loại đã ghi lại được những câu chuyện khá tương đồng. Tồn tại được và giữ một vai trò không nhỏ trong văn hóa truyền thống, chuyện về nhân quả báo ứng, thần linh coi sóc con người chẳng phải vô cớ mà được lưu truyền. Giữ cho con người một con đường dù hẹp của sự tin tưởng và biết sợ, chính là để níu giữ đạo đức cao thượng, thiện lương.

Chuyện trích từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988.

Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

Exit mobile version