Đại Kỷ Nguyên

Kết cấu Tử Cấm Thành và bí ẩn của phong thủy âm dương

Kết cấu Tử Cấm Thành và bí ẩn của phong thủy âm dương

Ảnh minh họa: Kulex/Pixabay.

Tử Cấm Thành là tòa cung điện nổi tiếng nhất trong các triều đại phong kiến còn tồn tại tới ngày nay. Phong thủy của Cố Cung dựa trên tư tưởng của Đạo gia: Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.

Cố Cung Tử Cấm Thành được Hoàng đế Minh Thành Tổ Chu Đệ khởi công xây dựng vào năm 1406, đến năm 1420 đã cơ bản hoàn thành. Cố Cung triều nam bắc dài 961m, chiều đông tây rộng 753m, gồm 9999 phòng ở, diện tích các công trình kiến trúc là 155.000m2, tổng diện tích lên tới 725.000m2, mái lợp ngói lưu ly màu vàng. Cố Cung được cách ly với bên ngoài bằng con hào dẫn nước màu xanh và bức tường màu đỏ tía.

Cố Cung chia thành hai khu vực là ngoại đình và nội đình. Ngoại đình, hay còn gọi là tiền triều, là khu vực biểu thị cho Dương và Trời, gồm ba điện chính là Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện, phía trước có Thái Hòa môn, hai bên là hai cung điện Văn Hoa và Võ Anh. Nội đình, hay còn gọi là hậu cung, là khu vực biểu thị cho Âm và Đất, phía ngoài là Càn Thanh môn, vào trong là hậu tam cung gồm Càn Thanh cung, Khôn Ninh cung và Giao Thái cung.

Bố cục của Cố Cung

Cố Cung được thiết kế theo quan niệm của Đạo gia: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, nghĩa là: Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.

Lối đi chính chạy dọc theo hướng đông tây từ Cảnh Vân môn qua Càn Thanh môn đến Long Tông môn chia cung điện thành hai khu vực Âm và Dương. Khu ngoại đình thuộc Dương, trong đó kiến trúc của Thái Hòa điện là biểu thị của Trời, dương trong dương, là kiến trúc tôn quý nhất cuối thời phong kiến. Bảo Hòa điện nằm cuối cụm tam điện, là âm trong dương. Trung Hòa điện nằm giữa Thái Hòa điện và Bảo Hòa điện, là trung dương (dương sáng). Cả ba điện đều có chữ “Hòa”, ngụ ý thiên địa âm dương hài hòa, vạn vật hòa hợp, quốc thái dân an.

Từ Ninh cung nằm ở phía tây của Cố Cung, trước kia thuộc khu Thái Hậu cung. Từ Ninh cung là do Hoàng đế Gia Tĩnh triều Minh xây dựng cho mẫu thân của ông là Tưởng thái hậu. Cung được xây trong thời gian hai năm, đáng tiếc là Tưởng thái hậu chỉ sống ở đó được vài tháng thì qua đời. Từ đó, nơi này trở thành Thái Hậu cung. Thái hậu và thái phi các đời sau của nhà Minh đều ở đây. Đến triều nhà Thanh, ở Từ Hy cung đã xuất hiện một cảnh tượng rất lạ, sau đó Thái Hậu không còn dám ở lại đó nữa. Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất của đời nhà Thanh từng ở Từ Ninh cung cho tới khi qua đời. Sau này, các thái hậu, thái phi đều cảm thấy thân phận của mình không đủ để “áp” nơi ở từng thuộc về một người được kính trọng hết mức này.

Kiến trúc của Cố Cung tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc “tiền triều, hậu thị, tả tổ, hữu xã”. Tiền triều nằm ở phía trước, là triều đường, nơi các quan bàn thảo việc quốc gia đại sự. Hậu thị nằm ở phía sau hoàng cung, nơi này là chợ lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm trong cung đình. Tả tổ nằm ở bên trái của hoàng cung, bao gồm các thái miếu thờ cúng tổ tiên của hoàng đế. Hữu xã nằm ở bên phải của hoàng cung, là xã tắc đàn – nơi hoàng đế thờ thần thổ địa, thần ngũ cốc.

Kiến trúc Cố Cung tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đối xứng, biểu thị sự hòa hợp âm dương. Cả khu chạy dọc hai bên trục đường chính theo hướng Nam Bắc, trục đường chính này cũng trở thành trọng tâm của cả công trình lớn. Hai đầu của trục đường đối xứng âm dương, chính giữa trục đường là đường Tử Ngọ trung ương, là đường mốc phân chia toàn bộ cung điện trong Cố Cung và thành Bắc Kinh. Ba đại điện triều chính bên trong Cố Cung là Phụng Thiên điện, Hoa Cái điện, Cẩn Thân điện (sau đổi tên thành Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện) và hậu tẩm tam cung (gồm Càn Thanh cung, Giao Thái cung, Khôn Ninh cung) đều nằm trên trục đường chính. Các cung điện khác nếu không được xây dựng trên trục đường chính này thì vẫn tuân thủ theo đúng bố cục đối xứng hai bên trục đường.

Kiến trúc ngũ hành âm dương ở Cố Cung

Bố cục quy hoạch và kiến trúc của Cố Cung tuân theo học thuyết ngũ hành. Ngũ hành âm dương là thế giới quan, vũ trụ quan của người Trung Hoa. Nam thuộc dương, nữ thuộc âm. Phía trước thuộc dương, phía sau thuộc âm. Số chẵn là dương, số lẻ là âm, v.v. Ở Cố Cung, hoàng đế thuộc dương, do đó nơi điều hành việc triều chính của vua nằm ở phía trước, tẩm cung nơi ở của hoàng đế và hoàng hậu là ở phía sau. Cách bố trí này không chỉ tiện lợi cho việc sử dụng mà còn phù hợp theo thuyết âm dương ngũ hành.

Được biết, Cố Cung được thầy phong thủy Liêu Quân Khanh quy hoạch. Ông thiết kế Cố Cung theo thế tự nhiên của thuật Dương Công.

Cố Cung của Bắc Kinh, mạch Can Long bắt đầu từ phía tây bắc chạy dọc từ Đà Sơn đến Bát Đạt Lĩnh rồi tới Miêu Phong Sơn, hạ mạch ở Hương Sơn. Mạch Cấn Long phía đông bắc bắt đầu từ Vụ Linh Sơn đến Hoài Nhu Sơn rồi tới Bàn Sơn, hạ mạch ở khá xa.

Hai mạch Can Long và Cấn Long cách nhau hàng nghìn dặm, cùng nhau hợp lại tạo nên viên ngọc sáng, viên ngọc ấy chính là hoàng cung dài nghìn dặm. Phía tây bắc của Cố Cung có sông Vĩnh Định, có mương dẫn nước chảy vào Bắc Hải, Trung Hải, Nam Hải. Bắc Hải nằm ở phía tây bắc Cố Cung, Trung Hải nằm ở chính tây Cố Cung, qua Nam Hải chảy về hướng Ngọ.

Công trình Cố Cung là tinh hoa sáng ngời của nền văn minh Hoa Hạ, và là một dấu mốc trong văn hóa phong thủy phương Đông.

Theo Trương Vân Phong, Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Phong thủy thay đổi, Hồng Kông rơi vào tay giặc như thế nào?

Exit mobile version