Ở Việt Nam, trong những phương pháp tiên đoán số mệnh thì Tử vi là môn được biết đến rộng rãi bậc nhất. Người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này được cho là Trần Đoàn, tức Hy Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc. Ông là người có khả năng tiên tri siêu phàm.

Ông Tiên ngủ

Người tu Phật tu Đạo thời xưa có một phương pháp tu luyện kỳ lạ, đó chính là ngủ trong thời gian dài, có người thậm chí ngủ liền mấy chục năm. Thời Ngũ Đại đến thời kỳ đầu nhà Tống có một người tu Đạo thích ngủ như thế tên là Trần Đoàn, mọi người gọi ông là Trần Đoàn Lão tổ hoặc Thụy Tiên (Ông Tiên ngủ). Ông thường xuyên nhắm mắt ngủ, thường là hàng tháng không dậy.

Sử sách ghi chép, Trần Đoàn là người Chân Nguyên, Hào Châu. Sau khi ra đời, ông không thể phát ra âm thanh. Lúc lên 4 tuổi, ông chơi đùa bên bờ nước xoáy, có bà lão áo xanh cho ông bú, từ đó trở đi ông có thể nói được, hơn nữa ngày càng thông minh dĩnh ngộ. Lớn lên, ông đọc kinh sử Bách gia, đọc một lần liền thuộc, trí nhớ siêu phàm. Nhưng Trần Đoàn chỉ một lòng mong muốn xuất thế, thế là ông bán hết gia tài ngao du sơn thủy, sau đó tên tuổi ông dần nổi danh.

Thời nhà Hậu Đường thời Ngũ Đại, Đường Minh Tông đích thân viết chiếu thư mời Trần Đoàn vào cung. Khi vào cung, ông chỉ chắp tay hành lễ mà không bái lạy. Nhưng Minh Tông đối đãi với ông lại ngày một cung kính hơn, đồng thời ban cho ông 3 cung nữ hầu hạ. Trần Đoàn từ chối rồi rời khỏi hoàng cung, ẩn cư ở vách núi Cửu Thất núi Võ Đang để tu hành, tổng cộng hơn 20 năm. Sau đó, ông lại đến động đá núi Hoa Sơn tiếp tục tu hành, có lúc ông ngủ hơn 100 ngày không dậy. Có lần, một tiều phu trông thấy ở vách núi có một người chết, đầu và mặt đầy đất. Nhìn kỹ, tiều phu nhận ra là Trần Đoàn Lão tổ. Sau một thời gian lâu Trần Đoàn mới tỉnh lại nói: “Ta ngủ đang ngon giấc, sao ông lại quấy nhiễu ta?”.

Ba đời Hoàng đế ra chiếu mời

Chu Thế Tông nhà Hậu Chu thích pháp thuật luyện đan dược thành vàng bạc của đạo sỹ, nghe nói đến đạo hạnh của Trần Đoàn, Thế Tông liền lệnh cho người đón ông vào cung sống hơn một tháng. Chu Thế Tông hỏi pháp thuật luyện vàng bạc, Trần Đoàn trả lời rằng: “Bệ hạ là chúa của bốn biển, nên để tâm dốc sức trị quốc, sao lại để ý đến những chuyện phương thuật luyện vàng bạc như thế này?” Chu Thế Tông không trách tội ông, trái lại còn bổ nhiệm ông làm Gián nghị Đại phu. Trần Đoàn tạ từ rồi ra đi.

Một hôm, Trần Đoàn cưỡi lừa, đang đi du ngoạn ở Hoa Âm, bỗng nhiên nghe nói Tống Thái Tổ đăng cơ rồi, ông liền vỗ tay cười lớn và nói: “Thiên hạ từ nay thái bình rồi”. Không lâu sau, Tống Thái Tổ hai lần triệu kiến ông, Trần Đoàn từ chối rằng: “Chiếu dụ Hoàng Đế, thôi đừng để phượng hoàng đem đến, một cái tâm nơi hoang dã đã bị mây trắng giữ chặt rồi”.

Sau khi Tống Thái Tổ qua đời, Tống Thái Tông lên ngôi cũng triệu kiến Trần Đoàn. Trần Đoàn đến yết kiến Thái Tông, Thái Tông đối đãi rất trọng thị. Mấy năm sau, Trần Đoàn lại đến yết kiến Thái Tông. Tể Tướng của Thái Tông là Tống Kỳ nói: “Trần Đoàn giữ mình thiện riêng, không để thế lực danh lợi can nhiễu, đó chính là ẩn sỹ ngoài cõi trần thế. Trần Đoàn cư trú ở núi Hoa Sơn đã hơn 40 năm, tính ra tuổi của ông đã gần 100 tuổi rồi. Trần Đoàn tự nói ông đã trải qua loạn thế thời Ngũ Đại, may mắn hiện nay thiên hạ thái bình, do đó đến triều đình yết kiến. Đàm đạo với ông quả là rất đáng nghe những suy nghĩ của ông”.

Thế là Tống Kỳ hỏi Trần Đoàn sao không truyền thụ phương pháp tu thân dưỡng tính. Trần Đoàn nói, bản thân ông không có phương thuật gì có thể truyền thụ, ông cho rằng: “Hiện nay chính là lúc vua tôi trên dưới đồng lòng tu đức, thay đổi cải cách, dốc sức quản lý thiên hạ, nỗ lực tu luyện cũng không vượt ra khỏi phạm vi này”. Tống Thái Tông cảm thấy rất đúng, xuống chiếu ban cho ông danh hiệu “Hy Di tiên sinh”, đồng thời ban cho ông một bộ áo tía, giữ ông ở lại hoàng cung, lệnh cho quan lại tu sửa Vân Đài Quán cho ông ở. Mấy tháng sau, Trần Đoàn rời đi.

(Ảnh minh họa: art.com)

Khả năng tiên tri siêu phàm

Giống như những người tu luyện khác, Trần Đoàn cũng có khả năng tiên tri siêu phàm. Trên đường đi, Trần Đoàn gặp một phụ nữ chạy lánh nạn đang gánh hai cái sọt tre đi qua, trong sọt có 2 đứa trẻ. Khi người phụ nữ đi qua bên ông, ông ngâm nga rằng:

“Chớ nói ngày nay không Thiên tử,

Vai mang Thiên tử gánh gồng đi”.

Nguyên văn:

Mạc đạo đương kim vô Thiên tử

Đô tương Thiên tử thượng đảm thiêu.

Người phụ nữ đó chính là mẫu thân của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn và Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa sau này. Sau đó xảy ra binh biến Trần Kiều, Triệu Khuông Dẫn đã khoác lên bộ hoàng bào.

Còn có một lần, Trần Đoàn gặp Thái Tổ, Thái Tông và đại thần Triệu Phổ sau này cùng du ngoạn thành Trường An (Lúc ấy ba người còn chưa thành đại nghiệp – ND). Trong quán rượu, Triệu Phổ ngồi bên phải Thái Tổ và Thái Tông, Trần Đoàn nói với Triệu Phổ rằng: “Ông chẳng qua là một ngôi sao nhỏ trong khu vực sao Tử vi (Sao đế vương thời xưa), sao lại dám ngồi ghế trên?”

Sách “Đông đô sự lược” đời Tống cũng ghi chép một sự kiện thế này. Tống Thái Tông vì để chọn Hoàng thái tử đã có ý mời Trần Đoàn đến các vương phủ để xem tướng các hoàng tử, sau đó mới ra quyết định cuối cùng. Xe của Trần Đoàn đi qua cổng của Thọ Vương phủ rồi trở về. Thái Tông hỏi tại sao, Trần Đoàn nói:

“Vệ sỹ Thọ Vương toàn quan tướng,

Chẳng cần xem tướng các vương tôn”.

Nguyên văn:

Thọ Vương môn vệ giai tướng tướng

Na tựu bất dụng kiến vương liễu.

Thọ Vương chính là Tống Chân Tông Triệu Hằng sau này.

“Tống sử” có chép, trai thất của Trần Đoàn có một cái gáo lớn treo trên tường, Đạo sỹ Giả Hưu Phúc trong lòng muốn cái gáo đó, Trần Đoàn lập tức liền biết suy nghĩ của ông ta, bèn nói với Giả Hưu Phúc rằng: “Ông đến không phải là có sự việc gì khác, chỉ muốn cái gáo lớn của ta đó mà thôi”. Thế là gọi người hầu lấy gáo trao cho Giả Hưu Phúc. Giả Hưu Phúc vô cùng kinh ngạc, cho rằng Trần Đoàn là Thần Tiên.

Còn có một người tên là Quách Hãng, thuở nhỏ sống ở Hoa Âm, từng tá túc ở Vân Đài Quán. Trần Đoàn nửa đêm gọi ông ta dậy, bảo về nhà ngay. Quách Hãng do dự chưa quyết. Một lát sau Trần Đoàn lại nói: “Ông có thể không về nữa”. Hôm sau, Quánh Hãng về đến nhà mới biết mẫu thân của ông vào nửa đêm hôm trước đột nhiên bị bệnh đau tim, dường như sắp chết đến nơi, sau thời gian khoảng một bữa cơm thì lại khỏi.

Việc khiến người ta kinh ngạc khen kỳ diệu là Trần Đoàn không những biết sự việc của người khác mà còn biết trước ngày qua đời của mình. Năm Đoan Củng thứ nhất (năm 988), Trần Đoàn bỗng nhiên nói với đệ tử là Giả Đức Thăng rằng: “Con có thể đục vách đá hẻm núi Trương Siêu làm nhà, ta muốn nghỉ ngơi ở đó”. Tháng 7 mùa thu năm Đoan Củng thứ 2, thạch thất đã đục xong, Trần Đoàn đích thân viết biểu tấu mấy trăm chữ, biểu tấu đại ý nói rằng:

“Thần khí số sắp hết, Thánh triều khó mà lưu luyến, sau đó sẽ vào ngày 22 tháng này hóa hình ở trong hẻm núi Trương Siêu dưới ngọn núi Liên Hoa”.

Sau đó, quả nhiên đúng như đã hẹn trước, ông rời khỏi thế gian, hưởng dương 118 tuổi. Sau khi qua đời 7 ngày, thân thể và tứ chi vẫn còn ấm. Khi đó, mây ngũ sắc che kín ngoài cửa hang động, suốt cả tháng không tản mất.

Sách tham khảo:

 

  • “Tống sử – Trần Đoàn truyện”
  • “Tiên Phật kỳ tông” của Hồng Ứng Minh đời Minh.
  • “Đông đô sự lược” đời Tống

 

Kiến Thiện

Theo epochtimes.com

videoinfo__video3.dkn.tv||70521e70e__