Đại Kỷ Nguyên

Khi dị họa phát sinh, bậc quân vương cổ đại làm sao để tiêu trừ?

Thương Thang của "Đế vương Đạo thống vạn niên đồ" của Cừu Anh thời Minh. (Phạm vi công cộng)

“Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục” – họa và phúc phụ thuộc và chuyển hóa lẫn nhau, ẩn dụ rằng, một chuyện xấu cũng có thể phát sinh kết quả tốt, và một chuyện tốt cũng có thể phát sinh kết quả xấu.

Trong mười năm qua, các chủng loại họa nạn tại Trung Quốc đại lục không chỉ xuất hiện không ngừng, mà với tần suất càng ngày càng cao. Lần phát sinh gần đây nhất là họa nạn lũ lụt, động đất, dị tượng bầu trời đỏ máu và những dị tượng khác ở địa khu Hoa Bắc và Đông Bắc, tất cả đều cho thấy cơn thịnh nộ và lời cảnh thị từ Thiên thượng. Vì sao nói như vậy? Bởi vì cổ nhân Trung Quốc giảng “Thiên nhân hợp nhất”, bất kỳ dị tượng nào cũng đều có lời cảnh báo đằng sau nó. 

“Kinh Dịch” có câu nói “Thiên thùy tượng, kiến hung cát”, ý tứ là ông Trời giáng thiên tượng, hết thảy đều có thể thấy hung cát. Đổng Trọng Thư của nhà Tây Hán trong học thuyết “Thiên nhân cảm ứng” của ông cũng cho rằng, thiên – nhân tương loại tương thông, ban thưởng hay hình phạt của ông Trời là căn cứ trên hành vi của con người mà thực thi. Thiên thượng dùng điềm lành và tai họa để biểu thị sự tán thưởng hay khiển trách đối với nhà thống trị, chỉ đạo hoạt động của thế gian con người. Đổng Trọng Thư cũng đặc biệt nhấn mạnh tác dụng cảnh báo của dị tượng thiên tai, cho rằng mọi tai họa đột biến của giới tự nhiên là do sai lầm của nhà chính trị dẫn đến.

Vậy thì, khi tai họa phát sinh, các bậc quân vương trong lịch sử ứng phó như thế nào? Hôm nay chúng ta sẽ nói về phương pháp của ba vị quân vương thời kỳ tiền Tần.

Vua Thành Thang nhà Thương tu đức trừ thiên tai dị thường

Nhà sáng lập ra triều Thương là Thành Thang. Tổ tiên của ông vì có công giúp Đại Vũ trị thủy lập công nên được ban cho họ “Khế”, sau này lại được sắc phong tại đất Thương, ban cho họ “Tử”. Khế ở đất Thương đã làm nhiều việc tốt cho bách tính, giúp cho cuộc sống muôn dân an định. Khi Thành Thang kế vị ngai vàng, ông không chỉ kính trọng thiên mệnh, cúng tế thần linh, mà còn trọng dụng Y Doãn và những hiền thần khác.

Thành Thang là một quân vương thập phần hiền đức, thành ngữ “võng khai nhất diện” chính là có liên quan đến ông. Một hôm, khi ông đang dã ngoại săn thú, thì nhìn thấy một cánh đồng bốn phía được bao quanh bởi những tấm lưới, người giăng lưới đang cầu nguyện, nói: “Nguyện cầm thú từ tứ phương tứ diện đều lọt vào lưới của tôi!” Sau khi nghe thấy câu này, Thành Thang nói: “Nếu ngươi làm như vậy, sẽ quét sạch toàn bộ cầm thú!”

Vì vậy, ông hạ lệnh rút ba mặt lưới, yêu cầu những người giăng lưới cầu nguyện rằng: “Muốn đi bên trái, hãy đi bên trái; muốn đi bên phải, hãy đi bên phải. Nếu không tuân lệnh, hãy tiến vào lưới của ta”. Chư hầu nghe xong chuyện này, đều nói: “Sự nhân đức của Thang đạt đến chí cực, ngay cả cầm thú cũng đều có thể nhận được ân huệ của ngài”. Đương thời có 36 quốc gia quy phục ông. Sau này, Thành Thang dưới sự phụ tá của Y Doãn đã đánh bại quân đội nhà Hạ. Nhà Hạ diệt vong, nhà Thương thuận thiên ứng mệnh, lập ngôi vị. Thành Thang liền được gọi là “Thương Thang”. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông cáo giới các chư hầu cần phải kính sợ Thiên thượng, tu hành đức chính, mưu lợi cho dân.

Một hôm, trong cung đình vua Thương bỗng mọc lên một cây lúa kỳ lạ, mọc lên lúc chạng vạng tối, mà đến rạng sáng hôm sau thì đã to bằng hai bàn tay. Các triều thần đều cho rằng đó là điềm bất tường, nên đã thỉnh cầu chiêm bốc (bói toán) về nguyên nhân xuất hiện của cây lúa.

Thương Thang ra lệnh cho cận thần phụ trách chiêm bốc rút lui, đồng thời nói với các quan đại thần khác: “Ta nghe nói, sự xuất hiện của vật cát tường là dấu hiệu của phúc khí đang đến, nhưng gặp điềm cát tường như vậy mà làm việc bất thiện, thì phúc khí cũng không thể giáng lâm. Sự xuất hiện của việc quái dị là dấu hiệu của tai họa, nhưng gặp hung triệu này mà làm việc thiện, thì tai họa sẽ không giáng lâm”.

Vì vậy, Thương Thang càng chú trọng đến việc tu dưỡng đức hạnh. Ông mỗi ngày lên triều sớm và rời triều rất muộn, xử lý công việc triều chính một cách siêng năng cần mẫn, ông cũng đích thân đến thăm bệnh nhân, thương tiếc người chết, lắng nghe tiếng nói của trăm họ, cố gắng an ủi mọi người.

Thương Thang đã làm như vậy trong ba ngày, và cây lúa kỳ lạ trong cung điện biến mất. Cho nên có câu: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục”, ý tứ là họa và phúc phụ thuộc và chuyển hóa lẫn nhau, ẩn dụ rằng, một chuyện xấu cũng có thể phát sinh kết quả tốt, và một chuyện tốt cũng có thể phát sinh kết quả xấu. Đây là đạo lý mà chỉ thánh nhân mới có thể nhận thức được.

Chu Văn Vương trọng đức hành thiện mà tránh miễn tai họa

Chu Văn Vương trong “Đế vương Đạo thống vạn niên đồ” của Chu Cừu Anh thời Minh. (Phạm vi công cộng)

Sau khi nhà Thương diệt vong, Chu Vũ Vương kiến lập triều Chu, ông truy phong cha mình là Tây Bá hầu Cơ Xương làm Văn Vương. Trong triều Thương, “Tây Bá hầu” Cơ Xương là trưởng chư hầu Tây bộ. Khi ông tại vị, kế thừa đức chính của tổ phụ, nhất tâm nhất ý thi hành nhân nghĩa, kính trọng người già, từ ái người trẻ, tôn trọng hiền sĩ, có khi đến giữa trưa giờ ngọ vẫn không ăn cơm để tiếp đãi hiền sĩ, rất nhiều nhân sĩ vì thế đều đến quy phục ông. Ví như danh sĩ Bá Di, Thúc Tề, những lão nhân mà Tây Bá phi thường kính trọng, đều theo ông.

Vào tháng sáu năm thứ tám sau khi Tây Bá xưng vương, lập ra nước Chu, ông đột nhiên sinh bệnh. Sau năm ngày ông nằm trên giường bệnh, một trận động đất xảy ra, phạm vi của trận động đất không vượt ra ngoài vùng ngoại ô của quốc đô. Trăm quan đều thỉnh cầu, nói: “Chúng thần nghe nói rằng trận động đất là duyên cớ của quốc vương gây ra. Như nay đại vương ốm nằm liệt giường năm ngày rồi mà phát sinh động đất, mà phạm vi cũng không vượt ra ngoài các vùng ngoại ô của quốc đô, điều này khiến chúng tôi rất sợ hãi, e rằng đó là điềm không cát tường”. Vì vậy, trăm quan lao xao thỉnh cầu Văn Vương giải trừ tai họa.

Văn Vương hỏi các quan, làm thế nào để giải trừ nó đi, có đại thần nói: “Bệ hạ có thể huy động quần chúng, gia cố tường thành của quốc đô, như vậy đại khái có thể tránh được tai họa”. Văn Vương nói: “Không thể làm như vậy. Thiên thượng hiển hiện quái tượng là vì muốn trừng phạt người có tội, nhất định là vì ta có tội, do đó Thiên thượng mới giáng tai họa để trừng phạt ta. Như nay ta đã gây phiền não bách tính, lại gia cố tường thành, đây chẳng phải tăng nặng thêm tội họa của ta sao. Ta nên phải thông qua trọng đức hành thiện mà được miễn trừ tai họa”.

Lập tức, Văn vương ra lệnh khống chế nghiêm khắc lễ nghi, chi tiêu lương bổng, ngưng sử dụng các chế phẩm bằng da, giao vãng hữu hảo với các chư hầu; chấn chỉnh khoa cử, ban bố tước vị đẳng cấp cùng điền sản tương ứng cho người có công lao.

Không lâu sau khi Văn Vương làm điều này, bệnh của ông đã được chữa lành, và động đất không bao giờ xảy ra nữa. Chu Văn Vương trị vì được 51 năm mới qua đời, ông lấy đức trị quốc, lấy nhân từ cảm hóa trăm họ, khiến người đời sau đều cảm phục xưng tụng. Khổng Tử từng gọi Chu Văn Vương là “Tam Đại Anh Hùng”, còn cảm khái, nói: “Ta văn chương như vậy, ta tòng Chu!” Mạnh Tử nói, thánh nhân như Văn Vương, năm trăm năm mới sinh ra một vị.

Tống Cảnh Công nói ba câu, sao Hỏa lùi tam xá

Tống Cảnh Công vào cuối thời Xuân Thu là vị quốc vương trị vì lâu nhất, có ảnh hưởng chính trị lớn trong lịch sử nhà Tống. Ông hạ quyết tâm đưa nước Tống trở thành cường quốc, đối ngoại kết giao hữu hảo với các nước láng giềng, đối nội thực thi chính sách nhân từ. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông đã ghi lại thiên tượng “Huỳnh hoặc thủ tâm”.

Năm 488 trước Công nguyên, nước Tào phản biến, tấn công nước Tống, năm sau, Tống Cảnh Công một tay tiêu diệt nước Tào, chiếm lĩnh thổ địa, quốc lực của nước Tống ngày càng hùng mạnh.

Năm 480 TCN, xuất hiện thiên tượng “Huỳnh hoặc thủ tâm”, chính là sao Hỏa xuất hiện ở vị trí trung tâm các vì sao. Vào thời cổ đại, ‘Huỳnh hoặc’ là dùng để chỉ sao Hỏa, bởi vì sao Hỏa rực cháy như lửa, hành tung bất định nên nó có tên như vậy. Thiên tượng này được cho là một điềm gở. Tống Cảnh Công rất sợ hãi, nên đã triệu Tử Vi, thái sử kiêm quan chiêm tinh, để tra vấn ý tứ của loại thiên tượng này.

Tử Vi nói với Cảnh Công: “Hỏa tinh đại biểu cho sự trừng phạt từ Thiên thượng, tâm tú là sự phân rã của nước Tống; tai họa có lẽ đối ứng trên thân quốc vương, nhưng nó có thể chuyển di lên thân tể tướng”. 

Tống Cảnh Công đáp: “Tể tướng là người cùng ta trị quốc, mang tai họa này chuyển lên thân ông ấy, là không cát lợi”.

Tử Vi lại nói: “Tai họa này có thể chuyển di sang thân trăm họ”. Cảnh Công đáp: “Bách tính mà chết, thì quả nhân sẽ là quốc vương của ai đây? Nếu như vậy, quả nhân thà chết một mình”.

Tử Vi lại nói: “Tai họa cũng có thể chuyển sang mùa màng nông nghiệp”. Cảnh Công vẫn không đồng ý, nói: “Nếu vụ mùa bị thiệt hại, người dân sẽ bị đói, nếu nạn đói xảy ra, họ sẽ chết đói. Thân làm quốc vương mà sát hại bách tính của chính mình để mưu cầu cuộc sống cho mình, vậy thì còn có thể coi ta là quốc vương nữa không? Tuy nhiên, đây là mệnh số của quả nhân rồi, ngươi không cần phải nói gì nữa”.

Sau khi nghe Cảnh Công nói xong, Tử Vi ngay lập tức rời khỏi nơi bản thân đang đứng, hướng về phương Bắc, cũng chính là hướng của Thiên đế, bái hai bái, rồi nói với Cảnh Công: “Hạ thần chúc mừng bệ hạ! Ông Trời tuy ở cao xứ, nhưng vẫn có thể nghe thấy hết thảy trên mặt đất. Bệ hạ vừa mới nói ba câu phù hợp đạo đức tối cao, Thiên thượng nhất định sẽ ban thưởng cho bệ hạ. Đêm nay sao Hỏa sẽ lùi ba xá, bệ hạ sẽ có thể diên thọ thêm hai mốt năm”. 

Cảnh Công nghi hoặc, hỏi Tử Vi làm sao biết được điều này, Tử Vi đáp: “Bệ hạ nói ba câu mỹ thiện, do đó tất được thưởng ba lần, vì thế sao Hỏa nhất định sẽ lùi ba xá, lùi một xá cần xuyên qua bảy ngôi sao, mỗi một ngôi sao đại biểu cho một năm, ba bảy hai mốt, cho nên thần nói bệ hạ có thể kéo dài tuổi thọ thêm hai mươi mốt năm. Thần thỉnh cầu bệ hạ chờ ở ngoài cung quan sát sao Hỏa, nếu sao Hỏa không lùi, thần cam nguyện chết”. Cảnh Công đồng ý.

Đêm đó, sao Hỏa thực sự đã lùi ba xá. Vào thời cổ đại, một chòm sao là một xá, ba xá chỉ vị trí của ba chòm sao.

***

Ba vị quân vương thời tiền Tần khi đối mặt với tai họa mà có thể nhanh chóng tiêu trừ tai họa, họ hiển nhiên đều là chọn cách tìm nguyên nhân từ bản thân mình, xem xem mình có chỗ nào con chưa phù hợp với tiêu chuẩn của Thiên thượng, càng nỗ lực trọng đức hành thiện. Thiên thượng thấy họ phù hợp tiêu chuẩn, liền xóa bỏ tai họa.

Không chỉ có các đế vương thời tiền Tần như vậy, mà các triều các đại hậu Tần cũng đều có không ít hoàng đế không dám coi thường lời cảnh cáo từ Thiên thượng, phản cung tự tỉnh, hạ chiếu định tội chính mình. Truyền thống này kéo dài cho đến thời nhà Thanh, nó cũng phản ánh truyền thống những nhà cai trị thời cổ đại kính sợ Thiên Đạo, lấy đức trị quốc.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version