Vua, quan xưa thường nhận mình là bậc cha mẹ của dân, với ý là phải chăm lo đời sống cho dân được no ấm, yêu thương dân chúng như con, chứ không phải chỉ là bậc bề trên có quyền sinh quyền sát, áp đặt vô lối. Thế nên tự trách mình, sửa mình, là điều đương nhiên phải làm của đấng quân vương. Trong nghìn năm văn hiến của nước Nam, đã có rất nhiều những tấm gương như vậy. Cái khó khi ở trên vạn người là biết nhìn lại mình, chỉnh được mình thì mới chỉnh được người, cái khó đó nhưng chính lại là cái khôn.
Bậc đế vương mẫu mực cho muôn đời
Đế Nghiêu còn gọi là Đào Đường Thị hoặc Đường Nghiêu. Ông được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, nhân từ, cần cù, được coi là kiểu mẫu cho bậc Đế vương muôn đời.
Khổng Tử ca ngợi Đế Nghiêu: “Làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại thay! Thật là cao quý thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có Nghiêu là người biết dựa vào đạo trời. Công đức của Nghiêu to lớn khôn cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi”.
Bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú” của vua Trần Nhân Tông (sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo) có câu:
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Bên trong Điện Thái Hòa ở Huế, ngay trên ngai vị có bài thơ của vua Minh Mạng:
Văn hiến ngàn năm dựng
Núi sông vạn dặm xa
Hồng Bàng thuở lập quốc
Nghiêu Thuấn vững sơn hà.
Mọi việc ở dưới đều là trách nhiệm của người đứng đầu
Một hôm vua Nghiêu thấy một người dân miền núi nằm ở ven đường rên rỉ, vua liền quan tâm hỏi thăm: “Anh làm sao vậy?”.
Người dân miền núi đáp lời với giọng yếu ớt: “Đói…”.
Vua Nghiêu bèn lấy lương khô của mình đưa cho và nói: “Ăn đi, là ta đã khiến anh bị đói”.
Người dân miền núi cảm động, ăn ngốn ngấu. Vua Nghiêu nói với các đại thần tùy tùng rằng: “Từ khẩu phần thức ăn của ta lấy ra một phần cho người bị đói”.
Các đại thần nói: “Vậy bệ hạ thì sao?”.
Vua Nghiêu nói: “Ta ăn chút cháo, ăn thêm rau dại là được rồi”.
Các đại thần nghe thế đều làm theo vua, ai nấy đều lấy một phần lương thực từ khẩu phần của mình ra để cho những người bị đói.
Một hôm trên đường đi qua một thị trấn nhỏ, vua Nghiêu phát hiện ra có một tội phạm đang bị trói, dẫn đi trên phố thị chúng. Vua bèn đi đến và hỏi sai nha: “Anh ta phạm tội gì?”.
Sai nha đáp: “Ăn trộm lương thực”.
Vua Nghiêu hỏi phạm nhân: “Tại sao anh phải ăn trộm lương thực?”
Phạm nhân trả lời rằng: “Chỗ thảo dân xảy ra hạn hán, không thu hoạch được một hạt thóc nào”.
Vua Nghiêu nói với sai nha rằng: “Hãy trói ta lại đi, là ta đã khiến anh ta phạm tội”.
Viên sai nha và các đại thần tùy tùng cuống quýt quỳ xuống. Một đại thần nói: “Anh ta phạm tội là do hạn hán không có lương thực để ăn, có liên quan gì đến bệ hạ đâu”.
Vua Nghiêu nói: “Dân chúng không có sức chống lại thiên tai, đó là trách nhiệm của ta. Không có cái ăn liền ăn trộm cũng là do ta không giáo dục tốt. Sao có thể nói là không có liên quan gì đến ta?”.
Thế là vua Nghiêu mệnh lệnh cho các đại thần trói ông lại, đứng bên phạm nhân. Lê dân bách tính từ tứ phương tám hướng tràn đến xem, cảm động khóc lớn.
Bỗng nhiên trong đám đông có hơn chục người bước ra, quỳ trước mặt vua Nghiêu, vừa khóc nức nở vừa thú nhận những tội mà mình trước kia đã phạm, họ đều bày tỏ xin nguyện ý được xử phạt.
Vua Nghiêu sau khi đi thị sát dân tình trở về, trong đại điện bằng cỏ tranh, ông nói với quần thần trong triều rằng: “Có người bị đói, có người không có áo mặc, có người phạm tội, đều là lỗi của ta, ta muốn xuống chiếu “Tội kỷ chiếu” (chiếu trách tội bản thân) để kiểm điểm những lỗi lầm của mình đối với người dân”.
Các đại thần đều xôn xao nói: “Cuộc sống dân chúng không tốt là vì thiên tai quá nhiều, là thời kỳ khó khăn, bách tính nên học cách nhẫn chịu”.
Vua Nghiêu nói: “Cuộc sống bách tính không tốt, không thể đẩy trách nhiệm đó cho thiên tai được, cần phải kiểm điểm bản thân ta. Ta cũng không được trách nhân dân không biết nhẫn chịu, cần nghĩ xem khi ta trị sửa quốc gia có những chỗ nào đã làm sai?”.
Mấy hôm sau, ở cổng trái cung đình, vua Nghiêu đặt một chiếc trống “Cảm gián chi cổ” (Trống dám can gián), mọi người có thể đánh trống để đề xuất ý kiến với vua Nghiêu. Vua Nghiêu lại sai người đặt khúc gỗ “Phỉ báng chi mộc” (Gỗ phỉ báng) ở cổng bên phải cung đình, bách tính có thể đứng bên nói những lỗi lầm của vua Nghiêu.
Nhận lỗi lầm, nhận trách nhiệm không làm người ta tầm thường đi mà trái lại sẽ khiến người ta càng hoàn thiện bản thân, và càng thêm vĩ đại.
Xuân Thanh
Theo Góc nhìn cuộc sống
Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm