Đại Kỷ Nguyên

Khi mà từ Quân Vương đến dân thường đều mưu cầu tư lợi thì thiên hạ đại loạn

Thời Xuân Thu, có một ngày, Mạnh Tử đi đến Lương Quốc để tuyên truyền chủ trương cai trị đất nước của mình. Vua của Lương Quốc là Lương Huệ Vương tiếp đãi Mạnh Tử rất long trọng.

Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử: “Tiên sinh, ngài từ ngàn dặm xa xôi tới đây, chắc chắn là muốn mang đến chút lợi ích gì đó cho quốc gia của chúng tôi rồi!”

Mạnh Tử cười cười, rồi điềm tĩnh đáp: “Đại Vương, ngài sao có thể mở miệng, ngậm miệng là chỉ nói đến lợi ích thế? Làm một vị quốc vương có nhân nghĩa là đủ rồi, hà cớ gì phải chuyên môn nhắc đến lợi ích mới được?

Nếu như một vị Quốc Vương mà hễ mở miệng là nói đến lợi ích của đất nước ra sao, quan lại hễ mở miệng là nói đến lợi ích về đất đai được phong của bản thân mình như thế nào. Người trí thức và dân chúng hễ mở miệng là đều nói đến lợi ích của bản thân mình.

Cứ như thế, từ Quân Vương cho tới dân chúng, đều truy đuổi lợi ích cá nhân của chính mình thì thiên hạ chẳng phải tất sẽ đại loạn sao?”

Vị Quốc Vương Lương Huệ Vương nghe xong lời này của Mạnh Tử vô cùng chí lý nên tiếp nhận rất thận trọng, từng ý từng lời.

(Ảnh minh họa)

Mạnh Tử lại trình bày tiếp: “Ở một đất nước có một vạn xe binh thì giết hại Quốc Vương nhất định là quan lại có một ngàn xe binh. Ở một quốc gia có một ngàn xe binh, thì giết hại Quốc Vương nhất định là quan lại có một trăm xe binh.

Quan lại của một nước lớn có thể từ trong một vạn xe binh mà lấy được một ngàn xe binh. Quan lại của một nước nhỏ có thể từ trong một ngàn xe binh mà lấy được một trăm xe binh. Những quan lại này bình thường đã có tài sản vô cùng dồi dào nhưng vĩnh viễn cũng không thể lấp đầy được lòng tham của họ.

Bởi vậy, xin ngài đừng tuyên dương lợi ích cá nhân. Nếu như tuyên dương lợi ích cá nhân thì người cao thấp trong thiên hạ đều sẽ vứt bỏ cái chung mà mưu cầu cái tư, đối với sự an định và hưng thịnh của cá nhân ngài và quốc gia ngài là vô cùng bất lợi.”

Lương Huệ Vương nghe xong, cảm thấy những lời giảng của Mạnh Tử vô cùng có đạo lý nên vội vàng hỏi Mạnh Tử đạo để giải quyết. Mạnh Tử nói: “Người coi trọng nhân nghĩa tuyệt đối sẽ không vứt bỏ cha mẹ mình, cũng sẽ không khinh mạn, coi thường bậc Quân Vương. Cho nên, Đại Vương, ngài chỉ cần coi trọng nhân nghĩa là có thể thống trị tốt được đất nước rồi!”

Lương Huệ Vương lúc này mới hiểu được, coi trọng nhân nghĩa lại có tác dụng và tầm quan trọng lớn đến như vậy.

Kỳ thực, không phải chỉ thời xưa, không phải chỉ ở phạm vi quốc gia mà cho dù là thời nào, ở phạm vi lớn nhỏ như thế nào đi nữa thì “nhân nghĩa” luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version