Nguyễn Văn Thực sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở nông thôn. Vì khi sinh ra, nhìn mặt cậu rất khờ khạo nên cha mẹ đặt tên là Thực, với ý nói cậu là người trung thực. Đến năm 3 tuổi không may bố Thực mất sớm, cuộc sống chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau.
Một hôm mẹ Thực gọi cậu đến bên cạnh rồi nói: “Chỉ trách số con không tốt, sinh ra vào gia đình ta nghèo khổ, cha lại qua đời sớm. Nay vì không để con phải uổng sống kiếp người, mẹ đành đem con cho một gia đình khá giả để con có điều kiện tốt hơn sinh sống. Con hãy cố gắng sống cho tốt nhé, đừng trách mẹ!”.
Thực tuy còn nhỏ nhưng nghe xong bàng hoàng như sét đánh bên tai, cậu ôm mẹ mà nói: “Mẹ nói gì vậy? Con nhất quyết không đi đâu cả. Mẹ con mình sướng khổ có nhau, tự con có cách lo được cuộc sống cho mình”. Vậy là mẹ Thực không đem cậu cho người khác nữa, hai mẹ con sớm tối đùm bọc lẫn nhau sống qua ngày.
Một thời gian sau, hai mẹ con Thực đến làm giúp việc cho một gia đình người quen, chủ nhà vì thấy mặt Thực trông rất khờ khạo nên hay mang Thực ra làm trò đùa. Một hôm ông chủ đặt 2 đồng tiền trước mặt Thực, một đồng 2 hào và một đồng 5 hào và nói: “Này tiểu tử, ở đây có hai đồng tiền, ngươi chọn đồng nào thì đồng đó cho ngươi đó”.
Thực nghe xong thích thú cười một cách ngây ngô rồi gạt đồng 5 hào ra mà lấy đồng 2 hào, mọi người xung quanh ai nấy cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo cho cậu là đồ ngốc: “Đúng là tiểu tử ngốc”. Và cũng kể từ đó, “sự tích” về cậu ngày một lan xa, bất kể đi đến đâu đều có người hiếu kỳ muốn lấy tiền ra để thử cậu. Còn cậu thì lần nào cũng vậy, đều ngây ngô chọn đồng nhỏ để lấy, ngày nào cũng có vài lần như thế, có hôm trong một ngày cậu kiếm cả được một mớ tiền lẻ mang về cho mẹ.
Năm Thực 8 tuổi, ở nhà cậu nuôi mấy con ngan, khi ngan đủ lớn, mẹ Thực đem ngan ra chợ bán. Nhưng bán cả ngày chẳng có ai mua, mẹ cậu buồn mã mang ngan về nhà, cơm chả buồn ăn, nước chả buồn uống, cứ ngồi thơ thẩn một chỗ. Cậu đi học về, thấy mẹ ngồi đó buồn bã mới hỏi: “Mẹ có chuyện gì mà buồn bã như vậy, nói ra con nghe xem nào, để con làm giúp cho”.
Mẹ cậu nghe vậy liền khóc lớn: “Con còn nhỏ, nói với con cũng có ích gì đâu”. Cậu không chịu cứ truy hỏi mãi, cuối cùng mẹ cậu cũng nói là ngan nuôi lớn rồi mà không bán được. Cậu nghe xong cười nói: “Tưởng chuyện gì, mẹ cứ để đó, mai con bán cho”. Mẹ cậu nghe xong nói: “Thật hiếm có được đứa con có hiếu như con, có câu nói này của con là mẹ vui rồi, nhưng con cho rằng dễ bán vậy sao? Người ta không mua mình cũng đâu có cách nào?”.
Ngày hôm sau, cậu đem ngan ra chợ bán, chọn chỗ đông người cậu vừa đi vừa rao: “Ai mua vịt không, một con 20 đồng, 2 con 18 đồng”. Mọi người nghe cậu bán ngan lại rao thành bán vịt, giá lại ngược đời như vậy nên đều cho cậu là ngốc nên xúm lại xem. Mọi người kêu nhau: “Việc hời đến rồi”, thế là tranh nhau mua. Đã thế, khi trả lại tiền thừa, cậu lại thường trả thêm mấy đồng tiền lẻ cho người mua. Mọi người thấy cậu không biết tính toán lại càng cười cậu hơn, việc hời như này quả là hiếm có, ai cũng thích thú.
Một năm, mẹ Thực trồng dưa hấu, nay đã đến mùa thu hoạch. Thương con, nên mẹ Thực chọn những quả ngon để lại ăn, còn lại những quả xấu mang ra chợ bán. Khách mua dưa hỏi: “Dưa có ngon không?”. Mẹ Thực chưa kịp trả lời Thực đã nhanh nhẩu nói: “Số dưa này toàn là dưa mẹ cháu lựa ra đó”. Mẹ Thực nghe xong liền nghĩ: “Hỏng rồi, đứa con này thật ngốc quá đi”. Ai ngờ, khách nghe xong đua nhau vào mua, chẳng mấy chốc hết sạch, vốn dĩ mọi người cho rằng trẻ con nói lời thật nên cứ rủ nhau mua không nghĩ gì.
Sau khi Thực học xong cấp 1, rồi cấp 2, cấp 3, tiếp rồi học đại học xong ra trường đi làm ăn, Thực gom tiền mở một công ty. Vì nhìn khuôn mặt cậu thật thà đôn hậu nên bạn bè và đối tác rất tín nhiệm hợp tác cùng với Thực. Chẳng mấy năm mà Thực đã phát tài, có nhà có xe trên thành phố, cơ nghiệp lớn mạnh, thành người nổi tiếng thành đạt.
Có tiền có bạc nhưng Thực vẫn luôn nhớ những năm tháng khổ cực nơi quê nhà, nên Thực thường xuyên tài trợ tiền về quê xây dựng trường học, đường sá. Năm nay Thực lại tài trợ tiền làm một con đường mới cho thôn. Hôm cắt băng khánh thành, mọi người mời Thực về phát biểu. Nhìn thấy Thực làm ăn tài giỏi, hoạt bát, mọi người mới hỏi: “Hồi nhỏ cậu lại khờ khạo ngốc nghếch như vậy, sao bây giờ cậu tinh anh, tài giỏi thế?”.
Thực nhìn mọi người rồi cười nói: “Kỳ thực không phải tôi ngốc, mà là tôi luôn nghi nhớ một điều: Mẹ con tôi có được ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào sự cưu mang đùm bọc của làng trên xóm dưới. Ân này, nghĩa này đối với mẹ con tôi cao tựa bằng sơn, sâu dày như bể. Vậy nên, hồi nhỏ khi mọi người đưa tiền cho tôi chọn, tôi chỉ chọn đồng bé. Khi tôi bán ngan thành vịt, đó là vì dù sao bán được còn hơn không, dẫu sao điều đó cũng giúp mẹ tôi đỡ buồn. Còn về việc bán dưa, tôi nói thật nhưng mọi người lại hiểu nhầm nên vẫn mua hết”.
***
Lão Tử từng giảng: “Đại trí nhược ngu” (người thông minh luôn thể hiện bởi vẻ ngoài khờ khạo ngốc nghếch). Người có thực tài thì thường không để lộ tài năng của mình ra bên ngoài. Vẻ ngoài của họ trông như đần độn, ngốc nghếch, vụng về nhưng thực ra đây chỉ là giả tướng, ẩn sâu trong đó lại là người có trí tuệ thông minh, có đức độ, có sự nhẫn nại hơn người.
Chúng ta đôi khi cũng chỉ vì tham cái lợi nhỏ mà đánh mất cái lợi lớn. Làm người, có những lúc, chịu thiệt chính là hạnh phúc, mất cái nhỏ được cái lớn. Và thực chất ngốc nghếch lại chính là một cảnh giới trí tuệ mà không phải ai cũng có được. Chúng ta ngày nay luôn cho rằng có tài năng thì cần phải khoe ra để cầu tiến bản thân, tuy nhiên, đôi khi làm người ngốc nghếch chính lại là con đường thăng tiến nhanh nhất.
Minh Vũ