Đại Kỷ Nguyên

Không biết có thực là không có tội? Đức Phật trả lời rằng…

Không biết không có tội” chính là câu bào chữa cửa miệng của nhiều người khi gây ra một lỗi lầm nào đó. Thoạt đầu, nghe ra cũng khá hợp tình, hợp lý. Nhưng sau khi đọc xong câu chuyện này, bạn hẳn là sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, giọng nói của ngài luôn rất từ tốn, thân thiện, dễ gần. Các đệ tử của ngài đều chăm chú lắng nghe từng lời Phật giảng, dù là những vấn đề quen thuộc nhưng họ nghe hoài không chút chán chường. Đức Phật dùng những câu chuyện bình dị, dễ hiểu nhất để giảng cho mọi người những đạo lý cao cả.

Một hôm, sau khi Đức Phật thuyết pháp xong, một đệ tử bước lên thỉnh giáo: “Thưa Đức Phật! Người ta hay nói rằng không biết không có tội. Điều ấy có đúng chăng?“.

Đức Phật mỉm cười đầy từ bi, không trả lời thẳng mà dẫn ra một câu chuyện: “Có một cái gắp than bị lửa làm cho nóng bỏng nhưng mắt ta không nhìn thấy được, lại sờ tay cầm vào nó. Vậy giữa việc biết cái gắp than đang nóng bỏng và không biết, điều gì tổn hại hơn?”. 

Vị đệ tử suy nghĩ một chốc rồi trả lời: “Thưa Đức Phật, không biết nó đang nóng bỏng là tai hại hơn cả. Nếu không biết thì sẽ không đề phòng, bởi thế mà bị bỏng tay”. 

Đức Phật bấy giờ lại mỉm cười và ôn tồn giảng: “Đúng thế! Nếu biết cái kẹp than bị nóng bỏng thì lòng sẽ đề phòng, không dám sơ suất cầm vào tay không. Thế thì ‘không biết không có tội’ chẳng phải đã rất sai hay sao. Không biết thực ra chính là phạm tội lớn nhất. Người ta vì vô minh nên cứ mãi trầm luân trong bể khổ”. 

“Không biết không có tội” chính là câu bào chữa cửa miệng của nhiều người khi gây ra một lỗi lầm nào đó. Ảnh dẫn theo youtube.com

***

Người hồ đồ xưa nay chính là không biết rõ sự tình nhưng cứ kết luận, cứ động thủ, dẫn đến sai lầm nối tiếp sai lầm. Những hành động nông nổi của họ không chỉ khiến bản thân chịu hậu quả mà còn gây điều thị phi, làm hại người khác. Như vậy, há có thể nói không biết là không có tội chăng?

Nếu không biết là không có tội thì người ta sẽ thoải mái hành ác, hại mệnh giết người, làm điều xấu xa. Sau bao nhiêu ác nghiệp, cuối cùng họ chỉ cần nói rằng tôi không biết ông Trời có mắt, không biết nhân quả báo ứng vậy là thoát tội? Ở đâu có đạo lý ấy đây?

Kỳ thực, những người luôn đưa ra lý luận kiểu ấy trong tâm minh bạch hơn ai hết việc mình đã làm. Họ chỉ lấy nó ra để làm bức bình phong che giấu thói xấu của mình. Người ta tưởng rằng họ thực sự hồ đồ nhưng chính họ lại là những người tinh khôn nhất, có thể nói là “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Đạo Trời vốn rất công bằng, thiện ác phân minh, duyên nợ là có vay có trả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Người ta làm chuyện ác thì phải hoàn trả nợ nghiệp, chiếm lấy lợi thì phải chịu tổn phúc đức, không thể nói rằng gây ác nghiệp trong vô ý thì không phải chịu phán xét gì.

Phật gia giảng về từ bi, trung thực, sự nhẫn nại. Làm việc ác trong vô minh vừa là không từ bi, vừa là không nhẫn nại. Nếu đủ kiên nhẫn để suy xét được mất, trước sau, người ta có thể đã tránh được nhiều điều phiền toái, đã không tạo nhiều quả nghiệp đến vậy. Phật Pháp là từ bi nhưng cũng vô cùng uy nghiêm, ban phúc cho người hiền và trị tội kẻ hành ác. Đừng bao giờ để mình trở thành kẻ ác trong vô minh, hại người khác và hại chính mình.

Đạo Trời vốn rất công bằng, thiện ác phân minh, duyên nợ là có vay có trả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Ảnh dẫn theo youtube.com

Bởi lẽ:

Thiện ác trong đời vốn rõ ràng
Nhân nào quả ấy phải chịu mang
Tu sửa tâm lành, Chân – Thiện – Nhẫn
Chờ ngày viên mãn đẹp huy hoàng

Tinh Vệ – Văn Nhược

Xem thêm:

 

Exit mobile version