Đã có bao giờ bạn rơi vào trường hợp, ví như: dẫu cố gắng nỗ lực đến đâu vẫn không đạt được mục tiêu đã định?
Ví như ở công ty, cấp trên giao cho bạn một nhiệm vụ khá quan trọng, bạn cảm thấy năng lực của bản thân mình cũng không tệ. Nhưng trong quá trình làm việc, bạn lại không mấy hứng thú. Bạn rất muốn thu được thành tích tốt, nhưng lại sợ không làm được như ý, nên đầu óc thường căng thẳng như bước trên tảng băng, dốc hết toàn lực muốn bảo đảm mọi việc sẽ tiến triển theo chiều hướng mà mình mong cầu?
Kỳ thực, chúng ta nên thừa nhận:
1. Kết quả ra sao, không phải lúc nào cũng do ta quyết định
Trong cuộc sống, có những lúc gặp phải sự can nhiễu vô tình hay cố ý từ bên ngoài, diễn biến của sự tình vượt ngoài dự liệu, nên dù bạn có cố gắng hết sức, dốc toàn lực ứng phó, cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. Bởi thực tế là có những sự tình không phải lúc nào cũng do ta quyết định.
2. Dù không đạt được kết quả như ý, cũng không phải không thu hoạch được gì
Dù không đạt được kết quả tốt nhất, bạn cũng không phải chịu vất vả một cách vô ích. Khi bạn đã tận lực với kế hoạch rèn luyện thân thể, nhưng không đạt được cơ bụng 6 múi; hoặc là tham gia một hạng mục công việc mà bạn yêu thích, nhưng lại bị buộc phải dừng lại nửa chừng… Tuy rằng không thể đạt được mục tiêu, nhưng trong quá trình đó, có lẽ chúng ta cũng đã trở nên khỏe mạnh, thể lực nâng cao, hoặc là học được những kỹ năng mới, rèn luyện được năng lực mới, gặp được những mối quan hệ mới…
Những thu hoạch này, có lẽ đối với bạn khi ấy không phải là điều gì to tát, nhưng tích lũy dần dần, vào một ngày nào đó trong tương lai sẽ trở thành trợ lực to lớn đến không ngờ.
3. Chỉ để ý đến kết quả, trái lại sẽ trở thành chướng ngại
Đặt hết tâm tư vào kết quả, sẽ khiến chúng ta lo lắng sốt ruột, càng khó điều chỉnh bản thân trở về trạng thái tốt nhất. Chấp trước vào kết quả sẽ càng gò bó tư tưởng của bạn trong một không gian nhỏ hẹp, và càng ức chế năng lực và trí huệ của bạn.
Bởi quá mong muốn kết quả, vậy nên sẽ càng lo sợ nếu không đạt được, thậm chí sẽ giậm chân tại chỗ, mỗi một bước đều phải suy tính trước sau, hiệu suất làm việc lại trở nên càng thấp kém.
Ví như khi nhận được dự án mới, bạn sợ sẽ thất bại, vậy nên cân nhắc nhiều lần, chần chừ không dám đưa ra kế hoạch. Nhưng một đồng nghiệp khác không cưỡng cầu vào kết quả, trong lúc bạn còn đang do dự, anh ấy đã đưa ra bao nhiêu kế hoạch nhỏ to, dù trong đó có cái thất bại, có cái thành công, có cái bị cự tuyệt, có cái được chấp nhận. Đến khi bạn lấy hết dũng khí để thực hiện dự án của mình, thì anh ấy đã tích luỹ kinh nghiệm mà trở nên thành thục.
Nếu xem nặng kết quả, thì khi kết quả không như dự định ban đầu sẽ khiến ta thất vọng, cảm thấy bản thân không đủ tốt hoặc là oán trách người khác phối hợp không đủ. Lần sau càng không có tín tâm đi về phía trước.
Không chấp vào kết quả cũng giúp chúng ta chung sống hòa thuận với người, bởi điều chúng ta quan tâm là con người chứ không phải thành quả. Chúng ta nên để tâm đến cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn bên trong, chứ không phải là những nhân tố bên ngoài. Điều này khiến chúng ta có thể gây dựng mối quan hệ với người khác tốt hơn.
Quan trọng là chúng ta cần mang theo tâm trạng cống hiến và nhiệt tình mà làm việc, buông bỏ chấp trước vào kết quả bạn sẽ thấy tâm hồn của mình luôn luôn khoáng đạt, mọi việc cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp, bởi lẽ cổ nhân thường có câu: ‘Không cầu mà được’!
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch