Đại Kỷ Nguyên

Không chỉ là vật dụng, đôi đũa còn là nét văn hóa cổ xưa

Mặc dù là dụng cụ ăn cơm phổ biến nhưng đôi đũa lại là một phần của văn hóa cổ xưa, xuất hiện trong rất nhiều truyền thuyết và phong tục dân gian khác nhau.

Hiện có mặt khắp nơi bởi sự phổ biến của ẩm thực châu Á, đôi đũa từng là dụng cụ ăn cơm được lựa chọn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam trong hàng ngàn năm.

Nguồn gốc của đôi đũa

Một truyền thuyết phổ biến trong dân gian cho rằng đôi đũa được Hoàng đế Hạ Vũ tìm ra. Hạ Vũ nổi tiếng là một vị vua nhân cách đạo đức ngay thẳng và có tài chống lũ lụt.

Trong một giai đoạn lịch sử, khi đất nước mà ông trị vì liên tục bị lũ lụt nghiêm trọng đe dọa, vì quá bận rộn với công việc cải cách hệ thống những con đê để kiểm soát nước nên Hạ Vũ không thể dành thời gian để gặp vợ và con mình, không thể cùng họ dùng một bữa cơm tươm tất.

Một lần nọ, khi cùng những binh lính đến một hòn đảo, Hạ Vũ đích thân chuẩn bị dụng cụ nấu ăn và lửa để nấu thịt. Vì quá đói do làm việc cật lực dưới trời mưa lớn và nước ngập mọi nơi, đồng thời muốn rút ngắn thời gian ăn uống để quay lại công việc, ông đã bẻ hai nhành cây nhỏ từ một cành cây gần đó và dùng chúng để trực tiếp gắp thịt thả vào nồi nước đang sôi. Những người hầu cận và binh lính có mặt lúc đó cũng bắt chước ông. Và cây đũa đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Vua Hạ vũ hay còn gọi là Đại Vũ, là vị vua huyền thoại có tài trị thủy. Ảnh dẫn theo aboluowang.

Đôi đũa ra đời sớm nhất được làm bằng kim loại trong thời nhà Thương vào khoảng năm 1600 đến 1046 TCN, được phát hiện tại di tích khảo cổ Ân Khư, tỉnh Hà Nam.

Sau đó, đũa ăn dần dần được sử dụng rộng rãi. Người ta thường cắt thực phẩm thành miếng nhỏ trước khi nấu để tránh sử dụng dao trên bàn ăn, điều được xem là thô lỗ.

Khổng Tử, triết gia sống ở thế kỷ thứ 6 TCN là người thông kim bác cổ nhưng sống giản dị, thanh đạm và an hòa. Ông đã khuyên mọi người không nên dùng dao trên bàn ăn bởi nó có thể khiến người ta nghĩ đến những việc sát sinh. Ông cũng không bao giờ cho phép dao xuất hiện trên bàn ăn của mình. Tư tưởng của Khổng Tử đã được nhiều người noi theo và đũa vì thế nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến.

Hình dáng của đôi đũa, tượng trưng cho Trời và Đất

Trên bề mặt, đôi đũa giải thích các nguyên lý cơ bản của triết học Trung Hoa, đáng chú ý nhất là nguyên lý nhị phân âm – dương. Hai chiếc đũa phải được dùng như một cặp, một chiếc làm trụ trong khi chiếc còn lại di chuyển để gắp thức ăn. Điều này phản ánh sự tinh thông về âm dương tương ứng với các yếu tố chủ động và thụ động, hình thành khái niệm về một tổng thể vận động không ngừng.

Đôi đũa phản ánh sự tinh thông về âm dương của người xưa. (Ảnh dẫn theo GwiGwi)

Hình dáng phổ biến của đôi đũa thường là một đầu tròn và một đầu vuông, tượng trưng cho trời và đất. Điều này có nguồn gốc từ bát quái, một tập hợp những nguyên tắc sử dụng để bói toán.

Những ngón tay đặt ở giữa tượng trưng cho con người được nuôi dưỡng bởi trời và đất. Bởi vì tượng trưng cho sự hòa hợp của trời và đất nên đôi đũa được xem là điềm lành và thường được gói kèm vào của hồi môn trong đám cưới để chúc phúc cho những cặp đôi.

Theo truyền thống, độ dài tiêu chuẩn của một đôi đũa được đo lường bằng 7 thốn (1 thốn = 2,54 cm) và 6 phân (1 phân = 1 cm). Điều này đại diện cho thất tình lục dục được đề cập đến trong đạo lý của Phật giáo.

Khi cầm đũa đúng cách, những ngón tay tự nhiên đặt vào 3 vị trí: Ngón cái và ngón trỏ trên cao, ngón út và ngón đeo nhẫn ở dưới thấp, ngón giữa nằm ở giữa 2 chiếc đũa. Điều này không đơn giản chỉ là một quy ước bề mặt, nó còn tượng trưng cho quan niệm truyền thống của người Trung Hoa xưa về trời, đất và con người.

Ngón út và ngón đeo nhẫn hỗ trợ lẫn nhau dưới thấp, biểu thị cho Đạo của đất, hoặc là sự hợp tác của những người sống trong cõi âm. Ngón cái và ngón trỏ tương ứng với sự linh hoạt và ổn định hoặc những luật lệ trên thiên thượng.

Ngón giữa là biểu tượng cho vị trí khó khăn nhưng danh giá của một vị vương, theo truyền thống gọi là thiên tử. Đây chính là người vừa phải đáp ứng nhu cầu, mong ước của người dân vừa phải tuân thủ đạo đức và thuận theo mệnh trời.

***

Những vật dụng vô cùng thân thuộc trong đời sống hàng ngày tưởng chừng như một sự phát hiện ngẫu nhiên, nhưng lại chứa đựng trong đó nội hàm sâu sắc về con người và vũ trụ. Và có thể thấy, sự hòa hợp giữa đất trời và con người luôn là yếu tố được tìm thấy trong những phát minh của người xưa.

Người xưa tin rằng có một mối liên kết tồn tại giữa thiên thượng và con người. Họ một lòng thờ kính Thần vì Thần là đấng tối cao sáng tạo ra hết thảy vạn sự vạn vật trong không gian vũ trụ này. Những niềm tin như thế đã thấm nhuần vào văn hóa và cuộc sống, từ những lễ nghi tín ngưỡng đến những phong tục dân gian lưu truyền từ thế hệ này đến bao thế hệ khác.

Cũng vì tấm lòng kính ngưỡng Thần, người xưa luôn coi trọng đạo đức và không ngừng tu dưỡng bản thân, vì họ luôn cho rằng: “Người đang làm, Thần đang nhìn”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi văn hóa và đạo đức của người xưa đã đạt tới những đỉnh cao huy hoàng mà thời hiện đại khó lòng hình dung được.

Phương Lâm

Xem thêm:

Exit mobile version