“Thiên đạo chí công”, đạo Trời vốn dĩ luôn công bằng, mọi mất mát nơi thế gian cuối cùng cũng sẽ được Trời xanh bù đắp.

Trong xã hội ngày nay, con người đều bị cuốn trôi vào dòng chảy vật chất. Giấc mộng kim tiền hay mong muốn phát tài chỉ sau một đêm đã trở thành ước ao của rất nhiều người trẻ tuổi. Nào ngờ sinh tử có số, phú quý do trời, phúc – lộc – thọ sớm đã có định đoạt. Chỉ khi có tấm lòng thoáng đãng không mong không cầu, luôn trọng đức hành thiện thì mới có thể thay đổi được những điều đó.

Không được không mất, vận mệnh đã có an bài

Trong xã hội, tài sản của một người là sở hữu cá nhân nhưng cũng là do ông Trời dựa vào nhân quả kiếp trước mà sắp xếp.

Vào thời Tống, ở thành Lạc Dương, rất nhiều người khi còn sinh thời thường chôn vàng bạc châu báu xuống đất, vì thế mới có thông lệ: Nếu mảnh đất chưa từng được đào lên thì người mua đất sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa.

Có một người tên là Trương Quán đã chi mấy trăm vạn tiền để mua một căn biệt thự trong thành Lạc Dương. Mặc dù hai bên đã thương lượng xong xuôi, nhưng chủ nhà lại đột nhiên đòi thêm một khoản tiền rất lớn gọi là phí khai quật, và sau nhiều lần tăng giá rồi nâng phí khai quật thêm lên đến hơn 100 vạn tiền mới chịu bán. Trương Quán muốn sớm có nhà nên cũng không mặc cả mà chấp nhận trả tiền cho gia chủ, nhiều người cho rằng Trương Quán đã lỗ lớn.

Sau khi dọn về nhà mới, gia đình Trương Quán đào được một hộp đá nhỏ rất tinh xảo và đẹp. Trên đó khắc rất nhiều họa tiết hoa văn và chim chóc khác nhau, lại có hơn hai mươi ký tự trên nắp, người ta cho rằng đó có thể là một cổ vật thời cận cổ. Trương Quán mở hộp đá thì phát hiện bên trong có rất nhiều vàng bạc. Gia đình họ Trương liền đem hộp đá đi bán, và nhận lại số tiền bằng số tiền phát sinh mà họ từng trả cho chủ cũ. 

“Không được không mất”, xem ra vận mệnh sớm đã có an bài, hao tổn của người ta cuối cùng sẽ được ông Trời bù đắp mà thôi. 

Ảnh minh họa: Zhuangle.

Không mong không cầu, tiền tài mới trường tồn

Thời nhà Thanh, ở quận Tuy Ninh, Từ Châu, có ông Tuyền Huyền Thừa là một vị quan cai quản trong quận. Tại đây có phong tục rằng: Nếu có người qua đường hoặc khách thập phương đến đây mà không may qua đời trên đất của một gia đình nào đó, thì chủ nhà phải trả cho chính quyền địa phương một khoản phí là tám nghìn tiền.

Có một người trong làng nhảy xuống sông tự vẫn, dân chúng bèn đến báo quan phủ. Tuyền Huyền Thừa đến khám nghiệm tử thi, không thấy có bất cứ dấu hiệu thương vong nào, liền ra lệnh chôn cất càng sớm càng tốt. Sau đó ông hạ lệnh cho sai nha đi thu của đương sự tám nghìn. Khi Tuyền Huyền Thừa nhận được tiền, ông ngạc nhiên phát hiện số tiền này được buộc bằng một sợi dây màu đỏ, ông liền hỏi rõ nguyên do.

Vị kia nói: “Gia đình đương sự rất nghèo, vì để có tiền nộp họ đã phải bán con gái cho một người trong làng làm vợ bé. Bởi vì đây là tiền cưới, nên họ mới dùng sợi dây màu đỏ buộc lại”. Tuyền Huyền Thừa nghe xong vô cùng ngậm ngùi, nghĩ rằng đương sự bất đắc dĩ mới phải dùng đến khoản tiền này, vậy nên quyết không thể nhận bừa mà lạm thu được.

Nghĩ vậy ông liền gọi những người có liên quan đến nghe rõ ngọn ngành. Ông lại gọi người đã mua cô nương kia làm vợ bé đến nói: “Ta vì để thu được tiền của người khác mà buộc họ phải bán gả con gái, đây là chuyện bất nhân. Còn ngươi thấy người ta khó khăn mà mua con gái nhà họ, đây là chuyện bất nghĩa. Số tiền này ta sẽ không thu nữa, ngươi cũng nên nhanh chóng trả con gái cho người ta”.

Như vậy, Tuyền Huyền Thừa đã trả lại tiền cho người mua thê thiếp, cũng giúp đương sự chuộc con gái về. Vụ án đến đây là kết thúc.

Vài năm sau Tuyền Huyền Thừa mắc bệnh nặng. Trong cơn mê sảng lúc hấp hối, ông mơ thấy có vị quan sai mặc quần áo màu xanh đưa ông đến một cung điện rất lớn. Bên trong cung điện có vị đại quan trông giống như Diêm Vương, nói với ông rằng: “Số mạng của ông đã tận, nhưng may mắn là ông đã làm một chuyện tốt nên mới có thể kéo dài tuổi thọ. Ông có biết đó là chuyện gì không?”.

Ảnh minh họa: Flickr.

Tuyền Huyền Thừa không nhớ ra đó là chuyện gì, Diêm Vương lệnh cho phán quan mở lại cuốn sổ ghi chép, thì ra đó là chuyện cứu cô nương bị gả bán. Phán quan nói: “Việc tốt này công đức rất lớn, theo quy định có thể kéo dài tuổi thọ thêm 20 năm, làm quan đến chức ngũ phẩm”. Diêm Vương cũng đồng ý với phán quan, sau đó vị âm sai mặc áo xanh đưa Tuyền Huyền Thừa trở về nhà, khi tỉnh dậy bệnh của ông đã hoàn toàn bình phục.

Chức quan của Tuyền Huyền Thừa nhanh chóng được thăng lên đến ngũ phẩm. Trong suốt 20 năm sống còn lại, ông luôn hành thiện tích đức, quyên góp làm việc thiện. Nhưng 20 năm sau, bệnh cũ của ông lại tái phát. Có người hoài nghi hỏi: “Ông vì làm việc tốt mà được kéo dài tuổi thọ, trong mấy năm qua, ông luôn làm việc thiện, liệu Diêm Vương có kéo dài tuổi thọ cho ông nữa không?”.

Tuyền Huyền Thừa nói: “Trước đây ta làm chuyện tốt mà không có bất cứ mong muốn nào cả, âm phủ cũng dựa vào đó mà kéo dài tuổi thọ cho ta. Nhưng sau này ta làm việc thiện đều có ý tứ trong đó, âm phủ chắc chắn sẽ không xem trọng. Tuy nhiên làm việc thiện dù vô tình hay cố ý thì vẫn khác biệt rất lớn đối với cái ác, bởi vì ở kiếp sau sẽ có được thiện báo”.

***

Có bài thơ rằng: 

Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu
Xưa này làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện Trời thương lọ phải cầu

Tích đức không cần ai thấy, hành thiện tự có Trời biết. Lấy thiện đãi người ắt gặp phúc báo, ấy là bởi gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Người sống trên đời không thể quên chân lý ấy. Chỉ có tu sửa mình nghiêm túc, không làm việc ác dẫu nhỏ nhất, không bỏ qua việc thiện dẫu bình thường nhất, đứng về phía chính nghĩa, rời xa đường tà thì mới có thể chọn lựa được cho mình một tương lai có phúc thiện vậy. 

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Rốt cuộc sổ sinh tử của Diêm Vương ghi chép những gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||cd14a8e00__