Người Đan Mạch thường được ca ngợi và bình chọn là những người hạnh phúc nhất trên thế giới, và văn hóa “hygge” hay được nhắc tới như một cách lý giải cho điều này. Nhưng chính họ lại không lựa chọn hygge là một trong những từ yêu thích của mình, mà một từ khác đã được chọn. Và nó giải thích lý do làm nên hạnh phúc thực sự, khi những phiền toái trong cuộc sống luôn xuất hiện bất ngờ, ngoài mong chờ của tất cả chúng ta.
Khi bạn được mời tới nhà người Đan Mạch và vô tình là đổ rượu vang đỏ ra tấm khăn trải bàn trắng muốt yêu quý của bà chủ, bạn rối rít xin lỗi và hối tiếc vô cùng, nhưng bà chủ sẽ mỉm cười và nói: “Pyt! Med det!” (đừng lo lắng về điều đó). Khi người Đan Mạch nhận được một chiếc vé phạt dưới kính chắn gió ô tô khi phải dừng sai quy định một chút vì việc gấp, họ sẽ nói “pyt!” và coi như không có chuyện chán nản nào xảy ra làm hỏng một ngày của mình.
“Pyt” là từ đã được người Đan Mạch lựa chọn là từ yêu thích nhất của quốc gia trong một cuộc bình chọn vào tháng 9 năm 2018. Nó thường được dùng như cách người Đan Mạch phản ứng lại với những rắc rối, thất vọng hoặc sai lầm hàng ngày. Pyt là một từ ngắn đáng yêu, nó giống như một nỗ lực chân thành để khuyến khích bản thân và những người khác không bị sa lầy bởi những nỗi thất vọng và đau buồn.
Trong trường học ở Đan Mạch, thường có những cái nút có chữ pyt được gắn trên các bức tường. “Khi bọn trẻ bực mình về điều gì đó, chúng tôi khuyến khích chúng nhấn nút pyt và để những phiền toái ra đi”, một giáo viên Đan Mạch đã chia sẻ như vậy với nhà văn Mỹ Jessica Joelle Alexander.
Nhà văn cũng kể lại rằng bà rất quan tâm tới các tiết chia sẻ trong trường học Đan Mạch, đó là những giờ học dạy sự đồng cảm cho trẻ em từ 6 – 16 tuổi. Ở đó các em tự do nói về vấn đề và cảm nghĩ của mình, cả lớp sẽ cùng cố gắng tìm ra giải pháp. Jesper Vang, một giáo viên trung học tại Tingkærskolen ở Odense nói rằng, điều quan trọng là mọi người đều cảm thấy được lắng nghe. Công việc của giáo viên là đảm bảo rằng các em hiểu cảm giác của người khác và xem tại sao người ta lại cảm thấy như vậy. “Bằng cách này, chúng tôi đưa ra một giải pháp cùng nhau dựa trên sự lắng nghe và hiểu biết thực sự”, Jesper cho biết.
Người Đan Mạch coi trọng việc đặt mình vào vị trí người khác với sự từ bi và không phát xét. Và pyt chính là một từ ngữ điển hình phản ánh điều đó.
Tác giả Marie Helweg-Larsen trích dẫn nghiên cứu tâm lý trên trang PRI, cho rằng cách chúng ta phản ứng với hành động của người khác thể hiện con người chúng ta và cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Khi người khác phạm lỗi, nếu ta lý giải nó theo cách thiếu từ bi và phán xét, đặt nặng trách nhiệm lên vai họ, ta sẽ tự cảm nhận rằng có thật nhiều rắc rối xảy ra ngày hôm nay, đi đâu cũng thấy chuyện bực bội, và ta sẽ bớt hạnh phúc hơn.
Pyt có thể giúp mọi người tránh xu hướng đổ lỗi cho người khác với lý lẽ rằng đó là chuyện bất khả kháng. Giả sử bạn đang đến trễ cuộc hẹn và có một người đi đằng trước bạn đang lái xe rất chậm. Bạn có thể cảm thấy người này thật phiền hà. Nghiên cứu cho thấy rằng, nếu chúng ta trở nên tức giận hơn khi chúng ta giải thích hành vi của ai đó bằng cách chỉ ra sự bất tài, chủ ý hoặc tính cách kém cỏi của họ, ta đang làm chính cuộc sống của mình mệt mỏi hơn. Nhưng nếu nghĩ rằng ông ấy đơn giản là đang mệt hoặc đó là tính cách, thói quen đi xe cẩn thận của người không có phản xạ tốt khi lái xe này.
Bằng cách nói rằng, sai lầm của người khác nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, và ta không thể kiểm soát, chi phối cách sống, cuộc sống của người khác, ta sẽ loại bỏ được gánh nặng và đơn giản là nhún vai đi qua những rắc rối.
Giáo viên Đan Mạch thường sử dụng các nút pyt để dạy học sinh của mình cách buông tay. Giáo viên nhận thấy rằng nó có thể giúp trẻ em đối phó với những nỗi thất vọng nhỏ, như thua cuộc trong một trò chơi với các bạn cùng lớp, hay khi bé không thể tìm thấy cây bút chì yêu thích của mình. Pyt giúp dạy chúng rằng mọi thứ không thể hoàn hảo và ta phải biết chấp nhận những điều mình không thể cải thiện.
Đây là kỹ năng quan trọng mà trẻ em Đan Mạch được học ngay từ khi còn bé để có thể thật sự hạnh phúc trong cuốc sống vốn luôn bất ngờ sau này. Sự cầu toàn, phán xét có liên quan đến lo lắng và trầm cảm. Trong khi đó, sự từ bi và thấu hiểu người khác có thể giúp ngăn chặn những kết quả tiêu cực. Và khi ta đối xử với người như cách ta muốn được đối xử, thì ai cũng sẽ thấy hài lòng và xã hội sẽ ngập tràn những việc tốt.