Đại Kỷ Nguyên

Không phải Ngô Quyền, đây mới là người nghĩ ra ‘kế lạ’ nhấn chìm đại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng

Trận Bạch Đằng năm 938 là trận thủy chiến “đại võ công vang dội đến nghìn thu” được người đời ca ngợi. Đó là một sự hoàn hảo, vẹn toàn từ ý tưởng, chiến thuật bày xếp bố trí đến hành động của những người hùng dân tộc một lòng vì dân, vì nước. Vậy họ là ai và điều gì giúp họ làm nên lịch sử?

Với những người đam mê lịch sử Việt Nam, dường như ai cũng biết đến tên người anh hùng Ngô Quyền với chiến thắng hiển hách trên sông Bạch Đằng năm 938. Nơi đây đánh dấu tài năng, uy đức cả toàn quân, không chỉ là công lao của Ngô Quyền mà đằng sau đó là sự góp sức xương máu, trí tuệ của biết bao con người.


Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938. (Ảnh minh hoạ: Viettoon)

Ai là “cha đẻ” chiến thuật cọc ngầm?

Bạch Đằng xưa được biết đến là con sông rộng lớn, sông sâu, sóng dữ. Khi nước thủy triều lên, cảnh quan khu vực sóng nước mênh mông hùng vĩ xen kẽ các chỏm đá vôi cao vút, hai bên bờ là rừng cây bao phủ nên sông còn mang tên giản dị là ‘Sông Rừng’, vì địa thế rất hiểm yếu.

Trong sách Địa lý chí, Nguyễn Trãi cũng thêm đôi lời về Bạch Đằng: “…Tên gọi khác là sông Vân Cừ, rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều ngành sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, thực là nơi hiểm yếu về đường biển”.

Vậy là con sông này có khác nào cửa tử? Nhưng đối diện với khó khăn thì càng xuất hiện cao nhân. Ngay cả việc nghĩ ra cách để đối phó giặc đã là khó khăn rồi. Ở đây việc đánh giặc không chỉ biết bố trí trận địa dựa vào địa hình thiên nhiên, mà còn phải biết lợi dụng cả chế độ thủy triều và vùng cửa sông, vùng hạ lưu sông Bạch Đằng để tham đấu.


Bàn về mưu kế đánh giặc trên sông của Ngô Quyền. (Ảnh minh hoạ: internet)

Chính sử viết như sau: “Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Và người nghĩ ra kế sách ấy không phải Ngô Quyền, mà lại là một vị tướng tài mang tên Kiều Công Hãn. Xuất thân từ gia đình có thế lực nhiều đời làm hào trưởng tại vùng Châu Phong (nay thuộc Phú Thọ), cha là Kiều Công Chuẩn, ông nội là Kiều Công Tiễn.


Kiều Công Hãn chính là người đã hiến kế giúp Ngô Quyền nhận ra phải diệt giặc trên sông Bạch Đằng. (Ảnh minh hoạ: internet)

Kiều Công Hãn có cái nhìn và nhận định chuẩn xác của một vị tướng tài. Thấy Ngô Quyền lo quân ít, định chiêu mộ thêm quân để chống giặc, Kiều Công Hãn khuyên rằng: “Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam mà dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng”. Ngô Quyền khen kế đó là hay, từ đó liền nghĩ ra thế trận cọc ngầm trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt giặc.

Triển khai ý tưởng

Ý tưởng rất tốt đã có nhưng việc thực hiện sao cho đúng với mong muốn ban đầu thì không phải chuyện dễ dàng, hơn nữa lại ở nơi vùng sông nước hiểm yếu như vậy. Việc đóng cọc được Ngô Quyền cho phép thực hiện ngay trên tuyến sông nước cuồn cuộn. Nói đến việc đóng cọc, chính sử không nhắc đến người chỉ huy quân dân thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, nhưng các nguồn thư tịch như thần tích, ngọc phả… cũng hé lộ đôi điều. Trong bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) có đoạn viết: “Dương Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”. 


Ngô Quyền cho mọi người đốn củi, chặt gỗ làm cọc ngầm. (Ảnh minh hoạ: internet)

Vậy là cũng có những cái tên tiêu biểu cho việc thực hiện bày binh bố trận cho chiến dịch lịch sử này. Người đầu tiên có thể nhắc đến là Dương Thục Phi, ông người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa). Năm 937 Ngô Quyền cùng Dương Thục Phi và các gia tướng khác tức tốc hợp binh kéo ra Bắc hạ thành Đại La tổ chức trận địa cọc ở sông Bạch Đằng để chờ giặc đến. Dương Thục Phi là một trong những vị tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy quân dân chặt gỗ, vót nhọn rồi đóng cọc xuống sông.

Dương Cát Lợi là cái tên tiếp theo khi nhắc đến việc đóng cọc ngầm trên sông Bạch Đằng. Ông là gia tướng của Dương Đình Nghệ nhưng trước đó năm Đinh Dậu (937), khi Kiều Công Tiễn giết chết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ rồi thần phục Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung sai con là Hoằng Tháo, đem quân theo đường biển ào ạt qua xâm lăng nước ta. Dương Cát Lợi bèn theo Ngô Quyền đem quân diệt trừ Kiều Công Tiễn và được lệnh chỉ huy việc đóng cọc, phá giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng.


Bao nhân vật phối hợp làm cọc ngầm trên sông. (Ảnh minh hoạ: internet)

Nhân vật tiếp theo là Phạm Đức Dũng, quê ở thôn Đạo Truyền (nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam), cha là thuộc tướng của Tiết độ sứ Khúc Hạo. Ông là bộ tướng của Dương Đình Nghệ và được Dương Đình Nghệ yêu mến gả con gái cho. Năm 937, ông theo lệnh Ngô Quyền đem quân đến sông Bạch Đằng tiến hành chặt cây, làm cọc nhọn bịt sắt, cắm xuống sông để tạo thành trận địa cọc, chuẩn bị đối phó với đạo quân xâm lược. Phụ giúp ông, có công rất lớn của một người mang tên Hoàng Công Thái, bởi ông là người thông thạo luồng lạch, con nước. Ông còn giúp tập hợp những dân chài giỏi bơi lặn để giúp dựng địa cọc chiến tuyến đường thủy đánh giặc.

“Đánh một trận sạch không kình ngạc” 

Sau khi bố trí chiến địa xong xuôi, một nhiệm vụ mang tính quyết định là làm sao để dụ địch vào lưới như đã sắp đặt. Các cọc ngầm đã được bày binh bố trận như ý với công lao của các tướng tài nghệ. Bước tiếp theo là tính toán để dụ địch vào đúng lúc nước triều đang lên, ghìm chân chúng lại ở đó cho tới đúng thời điểm nước rút để lộ những cọc nhọn, và khi ấy kế sách mới vẹn toàn. Đây là một điểm cực kỳ then chốt để có thể thành công, và khi ấy lại xuất hiện những con người làm nên lịch sử.

Nguyễn Tất Tố, người con của một vùng sông nước giỏi bơi lội quê ở làng Gia Viên (Hải Phòng ngày nay). Vốn cũng là người thông thạo đường đi lối lại con nước Bạch Đằng, Nguyễn Tất Tố được giao nhiệm vụ chính trong kế hoạch dụ địch vào chiến trận. Với sự am hiểu tường tận, ông hoàn toàn biết cách làm thế nào khi giặc đến: “Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nước lên nước xuống, nay muốn giặc mắc bẫy thì chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy”. 


Trận chiến “đánh thật mà giả, giả như thật”.(Ảnh minh họa: internet)

Ông được Ngô Quyền giao cho một đội chiến thuyền nhỏ với nhiệm vụ “đánh thật mà giả, giả như thật”. Bước tiếp theo giả thua trận làm cho giặc tưởng thật, hùng hổ đuổi theo mà kiêu căng ngạo mạn, lọt vào trận địa mai phục của ta. Lúc này, chiến thuyền của chúng mắc cạn ngay khi nước rút giống như cá sa lưới. Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ ba phía (thủy bộ phối hợp) ùa ra đổ đánh. Quân Nam Hán bị rối loạn phải tháo chạy ra biển, thuyền chiến của chúng va vào cọc nhọn bị chìm đắm, rồi bị những bè lửa ngùn ngụt cháy lao đến thiêu đốt. Nguyễn Tất Tố cũng chỉ huy các thuyền nhỏ đánh quật lại, quân Nam Hán đại bại, chủ tướng giặc Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng tại trận. Nguyễn Tất Tố được coi là người có công lao to lớn bậc nhất, đã nhử quân Nam Hán vào đúng thời điểm, đúng vị trí trên sông Bạch Đằng đã được bố trí sẵn.


Trận đánh quyết định, chiến thuyền quân Nam Hán va cọc nhọn bị chìm đắm. (Ảnh: internet)

Để làm nên chiến thắng đó cũng không thiếu công sức của những người tâm huyết trợ giúp cho Nguyễn Tất Tố. Những cái tên như Đào Thuận; Lý Minh –  Lý Khả – Lý Bảo là 3 anh em, họ đều xuất thân từ tầng lớp dân dã nhưng ở họ có chung một điểm là có chí hướng vì dân vì nước. Phối hợp nhiệt tình và cao độ cùng với Nguyễn Tất Tố để nhử giặc vào đúng chỗ bài trí cọc ngầm, cuối cùng làm nên trận đại phá trên sông Bạch Đằng năm 938.

Chiến thắng Bạch Đằng là trận thắng kinh điển, lừng lẫy của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ấy đến bởi những con người biết dùng trí tuệ để đối phó với cường bạo, lấy ít địch nhiều. Trong buổi đầu dựng nước, đó là chiến thắng vô cùng quan trọng, xác lập một cơ sở vững vàng cho nền chính trị tự chủ, độc lập của người Việt. Nếu Trung Hoa có sông Trường Giang “bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng” thì nước Việt cũng có con sông Bạch Đằng vang danh sử sách, chảy suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc.

Nguyệt Hà

Exit mobile version