Đại Kỷ Nguyên

Không sợ kẻ thù nguy hiểm, chỉ e người thân cận chẳng hiểu mình

Liệt Tử là một bậc giác ngộ sống vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, ông là tác giả của bộ sách Liệt Ngữ Khấu nổi tiếng.

Sinh thời, Liệt Tử sống cơ hàn, có khi còn đói khát nữa. Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh:

– Liệt Tử là bậc cao sĩ, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng, chẳng hóa nhà vua không biết quý trọng người giỏi ư?

Tử Dương nghe nói, sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài mươi xe thóc.

Liệt Tử ra tiếp sứ giả, vái hai vái xin từ chối.

Sứ giả về, Liệt Tử vào trong, vợ ngóng trông, bực tức, tự đập vào ngực mà rằng:

– Thiếp nghe vợ con những bậc đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Là số mạng ư?

Liệt Tử cười bảo:

– Vua mà biết ta, không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết ta mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua cũng lại nghe lời người nói mà thôi. Vì thế ta không nhận thóc. Vả chăng, chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp người là bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn nghĩa lý gì nữa.

Tử Dương sau quả bị nạn mà chết.

Tuy sống cơ hàn nhưng Liệt Tử lại là một người giác ngộ. (Ảnh: korbin.info)

***

Liệt Tử, tức Liệt Ngự Khấu là một bậc giác ngộ sống ở thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Tư tưởng của ông giống với Lão, Trang. Ông có bộ Xung Hư chân kinh được đánh giá cao không kém gì Đạo Đức Kinh của Lão Tử hay Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Tuy nhiên, tên tuổi của ông ít phổ biến hơn.

Thông thường, bậc đắc đạo sống nơi trần thế thường nghèo vật chất, ít nhất đấy là dưới con mắt của người trần. Nghèo nhưng không khổ, đấy là lời của Trang Tử đáp Ngụy Vương. Bởi cái nghèo của bậc đắc đạo là bởi họ đã ở cảnh giới coi nhẹ mọi thứ “thân ngoại chi vật”, cái ý nghĩa của đời sống đã đặt lên những mục tiêu cao thượng của đời sống tinh thần khác với người thường. Cho nên, người thường thiếu thốn thì khổ, đói lạnh cũng khổ, tị bì với người khác cũng khổ. Còn họ thì không.

Nhưng một ông Liệt Tử chưa lên tiên thì vẫn có bà vợ phải chu cấp, có gia đình để săn sóc nên dù sao cái ngoại cảnh ấy cũng cản trở ông đạt đến hoàn toàn vô vi. Tuy vậy, cái tâm bất động của bậc đạo cao làm sao người thường, kể cả thân thích có thể lay chuyển được? Nhờ thế, bà vợ ấy thêm được một bài học.

Bài học khôn ngoan ấy là không bao giờ bán mình cho một kẻ không biết mình. Nếu mình có tài năng, nhân phẩm thì không bao giờ phải lo nghèo đói mãi. Ngược lại, kẻ kia không đủ sáng suốt, không có đức hạnh để nhìn ra tài năng, đức hạnh của mình thì theo kẻ ấy mà làm gì?

Nguyễn Du viết: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” là để nói về con mắt xanh của Kiều dành cho Từ Hải. Có nghĩa rằng kẻ nhìn ra được tài năng của người khác cũng chính là một người có tài năng, có sự sáng suốt. Vì anh hùng trọng anh hùng và chỉ tài năng mới thấy được tài năng. Kẻ ấy đã tự mình nhận định về ta như vậy, tất nhiên sẽ không vì nhận xét xuôi ngược của người khác mà bị ảnh hưởng, bị lung lay.

Trong khi ta chưa có cơ hội chứng tỏ được mình, thiên hạ chưa ai biết ta là người tài năng, là người đức hạnh thì người ấy lại tự biết được tài năng, đức hạnh của ta. Rồi họ lại giúp đỡ gây dựng cho ta nữa, thì ơn ấy, người xưa gọi là ơn tri ngộ, đến chết cũng không quên, đến chết cũng phải báo đáp.

Như Gia Cát Lượng khi chỉ mới là một người áo vải làm ruộng ở Nam Dương mà Lưu Bị không quản đường xa dặm thẳm, 3 lần đến tận lều tranh để vời về làm thầy mình. Ơn ấy cũng khiến Lượng suốt đời phục vụ “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” như những lời tấu của ông trong kiệt tác “Xuất sư biểu”.

Lại như Quản Trọng thuở hàn vi đi buôn chung với Bão Thúc Nha, đến lúc chia lời lãi luôn lấy phần hơn, người ta cười thì Bão Thúc Nha bảo: “Không phải Quản Trọng tham, chỉ vì nhà nghèo không đủ ăn, nên ta vui lòng nhường ông ta đó”. Khi Quản Trọng đi lính, lúc ra trận thì lui về sau, lúc thu quân lại đi lên trước. Ai cũng cười là nhát thì Bão Thúc Nha nói: “Quản Trọng không nhát, chỉ hiềm ở nhà còn mẹ già, phải giữ thân còn phụng dưỡng mẹ”. Bão Thúc Nha lại hay nói rằng: “Quản Trọng chưa thành công là vì chưa gặp thời. Nếu gặp thời thì trăm việc thành cả trăm”. Quản Trọng nghe vậy than rằng: “Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu ta là Bão Thúc Nha”. (Truyện Đông Chu Liệt Quốc). 

Xưa nay chỉ có người tài mới có thể nhìn ra người tài, anh hùng kết giao với anh hùng mà thôi. (Ảnh: pinterest.com)

Những người tài giỏi, sáng suốt và có đạo đức họ nhìn ra ta, thì có bán mạng cho họ cũng đáng. Ngược lại, những kẻ cầm quyền ngu ngốc chẳng qua nghe kẻ khác tán tụng bùi tai thì mới cho mời mình. Thế thì, khi họ lại nghe lời sàm tấu thì ta lại thành kẻ có tội. Gió lại xoay chiều, vì họ đâu có đủ sáng suốt mà biết thực sự ta là người thế nào.

Người xưa có câu: “Vô công bất thụ lộc”, tức là không có công lao đâu dám nhận bổng lộc. Ngược lại, anh đã nhận bổng lộc của người ta thì anh phải có nghĩa vụ mà báo đáp. Như Quan Vân Trường lúc cực chẳng đã phải nương nhờ Tào Tháo. Tháo vô cùng trọng thị Vân Trường, đãi đằng hậu hĩnh, “năm ngày một tiệc to, ba ngày một tiệc nhỏ”, lại tâu vua phong cho làm Hán Thọ Đình Hầu, lại ban cho rất nhiều vàng bạc lụa là, hầu non gái đẹp, tặng cả ngựa Xích Thố. Thế thì trước lúc ra đi Quan Công cũng phải giúp Tháo chém Nhan Lương, Văn Sú, giải vây thành Bạch Mã… thì mới khỏi mang tiếng bất nghĩa.

Lại nữa, kẻ làm vua mà tối tăm thì tai vạ chẳng sớm thì muộn cũng đến. Lúc ấy, đã trót xưng thần và nhận ân huệ thì phải liều chết giúp vua, không thì thành kẻ bất nghĩa sao? Như thế, là cột mình với cái bao đá mà tự chìm xuống sông, không phải hành vi của bậc trí tuệ.

Ngay cả những hảo hán nơi sơn dã như Nguyễn Tiểu Thất và Nguyễn Tiểu Ngũ còn biết thốt lên rằng: “Một bầu nhiệt huyết đây, chỉ bán cho người biết của đấy thôi”. Thế thì, bậc đạo cao đức trọng như Liệt Tử hẳn là không bao giờ cúi mình phục vụ những kẻ không biết người biết của.

Thực là khôn ngoan lắm thay! Chính trực lắm thay!

Bình Nguyên

Exit mobile version