Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký”, tác giả Kỷ Hiểu Lam đã kể câu chuyện ông tình cờ nghe được về hồn ma tử tù. Lời bộc bạch của những quỷ hồn ấy khiến mọi người suy nghĩ.
Câu chuyện xảy ra tại tỉnh Phúc Kiến thời nhà Thanh. Vì Phúc Kiến là nơi nhiều mưa nên trên các cây cầu thường có mái che để làm chỗ cho người đi đường tránh mưa. Một đêm nọ, có người tránh mưa trên cầu vô tình trông thấy một viên quan cầm văn thư công vụ và toán lính áp giải tù nhân vào trong mái che.
Người đó nghe thấy tiếng gông cùm lẻng xẻng, ông biết đây là quan phủ đang thẩm vấn tù phạm. Ông không dám đến gần nên sợ hãi nép vào một góc. Ông chỉ thấy một phạm nhân đang gào khóc không thôi, quan lại thét lên: “Bây giờ biết sợ rồi, nếu lúc đó không làm ác thì có phải tốt không?”.
Một phạm nhân khóc lóc nói:
“Thầy dạy của tôi trước đây, hễ nghe nói đến chuyện quỷ Thần báo ứng thì ông đều bài xích, cho rằng đó đều là những lời xằng bậy của Phật học. Tôi vì tin lời thầy nên mới buông tuồng phóng túng bản thân, cho rằng làm việc xấu thì cũng chẳng tổn hại gì, không sợ Đất cũng chẳng sợ Trời. Thế nên tôi mới dùng hết tâm kế nghĩ cách che giấu lỗi lầm, cả đời cũng không sợ bị bại lộ”.
“Tôi còn nghĩ rằng sau khi trăm tuổi, người chết rồi thì biến mất khỏi cõi đời, những chuyện thị phi đúng sai đều không còn lên tiếng được nữa. Còn tôi thì cứ làm những gì mình muốn, thoải mái phóng túng, có gì phải lo lắng đâu? Không ngờ chết rồi mới biết địa ngục là có thật, quả nhiên có Diêm Vương. Lúc này tôi mới hiểu rằng mình đã bị thầy dạy hại rồi, trong tâm vô cùng hối hận, cảm thấy thật bi thương”.
Còn phạm nhân kia thì kể lại:
“Sự sa đọa của tôi là bởi vì quá tin vào người khác. Tôi vốn tín Phật nhưng lại bị dẫn dắt sai. Tôi nghe nói rằng: ‘Sau khi tạo ác nghiệp thì công đức có thể tiêu nghiệp, tụng kinh sám hối là được siêu độ’, bèn cho rằng chỉ cần mình cả đời thắp hương bố thí, sau khi chết thỉnh các tăng nhân đến tụng kinh, thế là sẽ được siêu độ”.
“Cũng bởi vì tin rằng chỉ cần bố thí là được Phật Pháp gia hộ, nên tôi tội ác nào cũng dám phạm, việc xấu nào cũng dám làm. Không ngờ, cái gọi là tội và phúc là được luận theo thiện ác của tâm niệm và hành vi, không phải luận theo bố thí tiền tài nhiều hay ít. Bỏ ra rất nhiều tiền của vàng bạc, tội lỗi vẫn khó thoát như thường. Nếu như không phải vì tôi tin vào tà kiến thì sao dám tùy ý phóng túng như thế này?”.
Nói rồi, ông ta khóc rống lên, các tù phạm khác cũng đều khóc lóc đau khổ.
Không ngờ, cái gọi là tội và phúc là được luận theo thiện ác của tâm niệm và hành vi, không phải luận theo bố thí tiền tài nhiều hay ít. Bỏ ra rất nhiều tiền của vàng bạc, tội lỗi vẫn khó thoát như thường…
Người đi đường đang nép vào một góc kia nghe thấy cuộc trò chuyện ấy, đến lúc này mới hiểu ra rằng những tù phạm này đều là quỷ hồn dưới âm phủ.
Kỷ Hiểu Lam nghe xong câu chuyện trên đã cảm khái thốt lên: Nho gia xưa nay chưa từng nói không có quỷ Thần, có thể lấy ‘Lục Kinh’ (sáu kinh điển Nho gia) làm chứng. Những Nho sinh mua danh hám danh đã diễn giải sai lệch khiến kinh điển bị bóp méo. ‘Tam tạng’ (Ba tạng gồm: kinh – luật – luận) trong Phật giáo cũng không nói là có thể dùng tiền tài hối lộ Phật. Nhưng ngày nay, tín đồ mượn Phật cầu tài, người mặc áo cà sa mượn Phật mưu sinh, tệ nạn phổ biến đã sâu đến mức độ như thế này rồi…
Kiến Thiện
(Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)