Đại Kỷ Nguyên

Đời người hỗn loạn rốt cuộc cũng chỉ vì mê mải tranh giành

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên.

Tâm nhàn chính là phúc khí lớn nhất đời người. Người không tranh giành tâm hồn ung dung, thản đãng, phẳng lặng như nước hồ thu in soi lấp lánh ánh mặt trời. Người không so đo, tính toán thì tấm lòng rộng mở, tự nhiên mà vui vẻ, khoái hoạt.

Người xưa coi không tranh đoạt chính là phẩm chất lớn nhất của người quân tử. Vì chỉ có kẻ tiểu nhân mới tranh giành mối lợi nhỏ, quên đi nghĩa khí. Người ta cũng nói: “Lương thực ngàn gánh cũng chỉ 3 bữa mỗi ngày, nhà rộng ngàn gian đêm ngủ cũng không quá 2 mét”.

Này là công danh, này là lợi lộc, trong đời không cách nào giữ mãi. Của nả đầy kho nhưng trong lòng vẫn có buồn phiền. Vinh hoa phú quý, lộc hậu chức cao cũng chỉ là chút mây khói thoảng qua. Vậy ở đời, tranh giành để được gì?

Người ta cứ phải tranh đua, giành đoạt rốt cuộc vì cái gì?

Tranh tranh, đấu đấu, cõi người chính là trong một vòng xoay danh – lợi – tình mà làm khổ lẫn nhau, làm khổ chính mình. Biết bao ác nghiệp, lừa lọc, oán hận, đố kỵ, hãm hại đều bắt nguồn từ chính sự tranh giành ấy. Dù là công khai dù là âm thầm, dù là tiền bạc hay là mỹ nữ, dẫu là quyền lực hay là danh tiếng, rốt cuộc người ta tranh giành nhau chính là để thoả mãn sự ích kỷ của mình mà thôi.

Nhưng trên đời này quả thực có rất nhiều lý do để ta không phải giành đoạt của nhau. Nó nhiều hơn hẳn những lý do thúc đẩy người ta phải tiến lên tranh chấp được thua với kẻ khác.

Chỉ cần bạn rộng mở tấm lòng, thì tranh giành không còn đất trú chân bởi nó chỉ được nuôi dưỡng nên từ trong một tâm hồn hẹp hòi.

Chỉ cần bạn xem nhẹ được và mất một chút, tranh giành cũng hoàn toàn tan biến. Bởi nó được dưỡng thành từ sự ganh đua, so sánh thiệt hơn, từ dục vọng muốn chiếm được nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

Người xưa có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao“. Lùi một bước nghĩa là gì? Chẳng phải đó là không tranh với người, nhường người một bước đó sao? Lão Tử cũng giảng về đạo lý “không tranh với đời” để có thể đạt được cảnh giới vô vi.

Và xét kỹ ra, dẫu bạn có tranh giành được thứ gì thì cũng chẳng thể vì nó mà có được sự bình an. Tranh được lợi lộc thì mất đi lương thiện. Tranh được danh tiếng thì mất lòng người. Tranh được tình thì mất tỉnh táo. Tranh lấy thứ của người khác thì tâm bất an, không lúc nào nguôi. Phàm là những thứ khiến người ta phải vắt óc nghĩ kế giành giật thì đều không mang đến bình an trong tâm mình. Thay vào đó chỉ là phiền não, thống khổ và thù hận mà thôi.

Nếu đã thế, tranh đoạt mãi để mà làm chi đây?

Phúc báo quyết định được mất đời người

Phật gia giảng, hết thảy những đau khổ, mất mát hay hạnh phúc có được trong đời này của người ta chính là phản ánh phúc báo của họ được tích từ những đời kiếp trước. Nếu kiếp trước hành thiện, tích đức, tu tâm thì kiếp này có thể làm quan lớn, làm đại thương nhân, có được bạc tiền, quyền lực. Còn đời trước hành ác, tạo nghiệp, sống buông thả thì đời này phải long đong, lận đận trong khổ nạn mà trả đền.

Do vậy, người xưa cũng quan niệm rằng những gì có được trong đời là đã được Thần Phật an bài, cho rồi mới có chứ không phải vì tranh đoạt giỏi, lừa mưu tính kế mà thành. Tuy nhiên đạo đức con người hiện đại đã thoái hóa quá nhiều, những điều ấy ngày nay đã bị cho là cổ hủ, lạc hậu. Người ngày nay cho rằng muốn được thứ gì thì phải đấu tranh vì nó, kể cả có phải hãm hại người khác.

Kỳ thực, họ không hiểu được cái lý công bằng của Tạo hóa, vũ trụ. Không ai tự dưng được mà không mất và ngược lại. Những thứ họ tranh đoạt được cùng lắm chỉ đi cùng họ vài chục năm trong cõi nhân sinh này. Đến khi trăm tuổi ra đi, mọi thứ đều hóa thành hư ảo cả. Nhưng tội nghiệp họ đã gây ra vì dục vọng tranh giành kia thì còn mãi. Và ở một không gian khác, ở dưới âm gian, địa ngục, người ta liên tục, liên tục phải hoàn trả chúng. Đó mới thực sự là thống khổ lớn nhất của sinh mệnh chứ không phải là cái chết.

Hãy học cách sống mà không tranh giành

Có một vài câu muốn nhắn nhủ tới bạn, đọc rồi bạn sẽ hiểu ra một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là không phải tranh giành mà sống, cũng không sợ ai tranh giành.

Nhiều tiền hay ít tiền, đủ ăn là được. Người xấu hay đẹp, vừa mắt là được. Người già hay người trẻ, khỏe mạnh là được.

Gia đình giàu có hay nghèo túng, hòa thuận là được. Chồng về sớm hay muộn, có về là được. Vợ phàn nàn nhiều hay ít, lo việc nhà là được.

Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ, hiếu thuận là được. Nhà to hay nhỏ, có thể ở là được. Quần áo hàng hiệu hay không, mặc lên dễ coi là được.

Hết thảy phiền não, có thể giải tỏa là được. Cả đời người, hạnh phúc hay khổ đau, cuối cùng bình an là được.

Có nhiều chuyện nghĩ thoáng một chút sẽ tốt hơn. Có nhiều người trân quý một chút sẽ vui hơn.

Không phải có tiền nhiều mới là tốt. Lòng ôm tâm thiện, giúp đỡ người khác, thì số mệnh tự khắc được tốt.

Không tranh giành chính là cảnh giới cao nhất của nhân sinh.

Video: Chừng mực mới là cái ‘dũng’ của người quân tử

Exit mobile version